Thương mại công bằng: góc nhìn từ thương mại điện tử

Thương mại điện tử góp phần không nhỏ trong việc thay đổi một số tập quán mua bán, trao đổi hàng hóa truyền thống và thói quen tiêu dùng của nhiều chủ thể. Chính sự phát triển “thần tốc” của nó đã đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần nghiên cứu.
 
Trong bài viết này, nhóm tác giả phân tích sự phát triển thương mại công bằng với góc nhìn từ thương mại điện tử nhằm xây dựng môi trường thương mại công bằng phát triển bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa, đồng thời đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bảo đảm sự công bằng cho sự vận hành và kiểm soát hoạt động thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng tại Việt Nam hiện nay.
Thương mại công bằng nói chung và Thương mại điện tử công bằng nói riêng là sự hợp tác đặt trên nền tảng đối thoại minh bạch, minh bạch và tôn trọng, hướng đến xác lập quan hệ thương mại bình đẳng trong nước và quốc tế. Vì vậy, thương mại điện tử công bằng là một bộ phận của thương mại công bằng nhằm xây dựng và phát triển hệ thống thương mại điện tử dựa trên nguyên tắc bình đẳng trong đầu tư, sản xuất, trao đổi hàng hóa, thực hiện các dịch vụ thương mại nhằm mục đích lợi nhuận với điều kiện tôn trọng môi trường phát triển bền vững.
1. Thực trạng thương mại công bằng trong thương mại điện tử tại Việt Nam
Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam được coi là một trong những thị trường tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT tại Việt Nam đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số[1]. Như vậy, TMĐT đang dần trở thành một kênh mua sắm chủ yếu và trở thành một xu thế mới làm thay đổi cả tư duy lẫn thói quen tiêu dùng của hầu hết mọi người trên toàn thế giới. Xu hướng mua hàng qua mạng ngày càng trở nên phổ biến hiện nay. Người tiêu dùng quyết định mua sản phẩm dựa trên việc tham khảo các thông tin đánh giá; bình luận chia sẻ trải nghiệm từ những khách hàng khác trên mạng xã hội;…Việc thanh toán cũng dần trở nên đơn giản hơn, chuyển sang hình thức thanh toán không tiền mặt thông qua các ứng dụng của ngân hàng, ví điện tử, mã QR code… tạo nên sự thay đổi lớn trong cách thức tiếp cận dịch vụ, mua sắm theo hướng linh hoạt, chủ động với nhiều tiện ích hơn cho người tiêu dùng cũng như người bán hàng và nhà sản xuất. Đây chính là động lực nhưng cũng là thách thức đối với chủ thể có trách nhiệm. Vì vậy, bảo đảm thực hiện công bằng trong TMĐT là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với quản lý nhà nước về kinh tế.
Xác lập nguyên tắc công bằng trong TMĐT là bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia. Nó không chỉ dung hòa lợi ích của nhau mà lợi ích của các bên còn được bảo vệ và tôn trọng. Trước thực tiễn đổi mới đó, các nhà làm luật đã chủ động, tích cực đổi mới tư duy, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để hoạt động kinh doanh thương mại trên các nền tảng TMĐT được diễn ra thuận lợi và bảo đảm các tiêu chí được thực hiện. Chẳng hạn, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 với những điểm mới là: bổ sung chủ thể của hoạt động thương mại điện tử là dịch vụ logistic và trách nhiệm của dịch vụ này trong các giao dịch TMĐT[2]; bắt buộc công bố về chính sách kiểm hàng trên website thương mại điện tử[3]; các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram... cũng được nhận định là website TMĐT[4]... Những quy định này đã từng bước theo kịp với nhu cầu của thực tiễn cũng như phòng ngừa các hành vi vi phạm nguyên tắc công bằng. Tuy nhiên, trên thực tế, TMĐT - với tính chất đặc thù là một thị trường “phẳng” - đã tạo điều kiện cho nhiều hành vi kinh doanh biến tướng xuất hiện trên TMĐT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm nguyên tắc công bằng và phương hại đến lợi ích của các chủ thể khác tham gia.
- Các hành vi vi phạm thương mại công bằng trong thương mại điện tử
Hiện nay, có nhiều trang web, ứng dụng TMĐT đang lợi dụng mô hình Cashback (hoàn tiền) để kinh doanh đa cấp trái phép, không chỉ xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo nên hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với các công ty đa cấp hợp pháp. Đây là hình thức thương mại điện tử B2C kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng cá nhân thông qua sàn TMĐT. Các đối tượng này đã đưa ra mô hình hoàn tiền nhưng không có thực với giá trị hoàn tiền/chiết khấu cho mỗi giao dịch rất cao và sắp xếp các tài khoản tham gia theo tầng, lớp, nhánh. Hay như, lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của TMĐT, các sàn đầu tư tài chính kêu gọi đầu tư vàng và ngoại hối thông qua hình thức đầu tư thị trường ngoại hối (Foreign Exchange hay Forex) và đầu tư quyền chọn nhị phân bắt đầu ra đời một cách nhanh chóng. Các sàn đầu tư tài chính này sử dụng phương thức đa cấp để lôi kéo người tham gia bằng hình thức trả thưởng, hoa hồng cho việc mời thêm thành viên mới tham gia đầu tư theo nhiều cấp nhiều nhánh. Trong khi đó, các sàn đầu tư ngoại hối này đều không được bất kỳ cơ quan quản lý nào cấp phép hoạt động. Ngoài ra, việc vi phạm các nguyên tắc công bằng trong TMĐT bằng các hành vi lừa đảo tinh vi diễn ra rất phổ biến. Lợi dụng vào việc các chủ thể không cần có địa chỉ cửa hàng mà chỉ cần thành lập một gian hàng “ảo” qua các website, mạng xã hội để tiếp cận người tiêu dùng, sau đó chuyển hàng và thanh toán theo thỏa thuận, các đối tượng đã thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng.
Ngoài ra, vấn đề về sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng là một vấn nạn nhức nhối đối với TMĐT. Mặc dù, nhà nước đã ban hành nhiều quy định điều chỉnh, song, nhiều sản phẩm vi phạm quyền SHTT vẫn đang được bày bán công khai trên trên các sàn TMĐT, trang mạng xã hội, nền tảng di động… Bởi vì, trước sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT, sự điều chỉnh của pháp luật chưa theo kịp và bám sát với thực tiễn. Nhiều quy định còn khá chung chung, chưa rõ ràng, chưa chú trọng nhiều đến việc bảo hộ SHTT trong TMĐT. Điển hình là vụ kiện giữa First News - Trí Việt và một trong những sàn TMĐT lớn tại Việt Nam là Lazada[5].
- Hành vi xâm phạm quyền lợi của các chủ thể
Quyền lợi của người tiêu dùng rất dễ bị xâm phạm trên thị trường TMĐT bởi nhiều “chiêu trò” tinh vi. Chủ thể kinh doanh thường lợi dụng kẽ hở về tính xác thực của thông tin trên các trang mạng, website TMĐT sử dụng các hình ảnh của sản phẩm chính hãng để quảng cáo và chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu với mức giá rẻ… Thậm chí, một số người làm quảng cáo đã mời người nổi tiếng như các bác sĩ, các chuyên gia hoặc những người dân chất phác để dàn cảnh đã chữa khỏi bệnh, nhằm tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng; hoặc là lồng ghép các quảng cáo sai sự thật này vào kênh của một số đài truyền hình. Điều này không chỉ xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của người khác[6].
Không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả các chủ thể kinh doanh trên thị trường TMĐT cũng là đối tượng bị xâm phạm quyền lợi bởi các hành vi vi phạm pháp luật. Hình thức phổ biến được sử dụng là lợi dụng chính sách ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà các đối tượng sẽ yêu cầu hủy hàng khi hàng đang được giao hoặc yêu cầu trả hàng hoàn tiền nhằm chiếm đoạt tài sản của người bán. Đối với trường hợp yêu cầu hủy hàng khi đang giao thì người mua thường đã thanh toán và hàng đang được xử lý bởi bên vận chuyển, khi người mua tiến hành yêu cầu hủy đơn thì tiền sẽ quay trở lại tài khoản của họ một cách nhanh chóng. Nhưng vì hàng đang được bên vận chuyển xử lý nên vẫn sẽ được giao đến tay người mua. Điều này dẫn đến tình trạng là người mua vẫn nhận được hàng mà không cần thanh toán. Hoặc với trường hợp trả hàng hoàn tiền thì người bán nhiều khi không nhận lại được sản phẩm mình đã bán ra mà bị thay thế bởi những sản phẩm không liên quan. Thậm chí, có rất nhiều hội nhóm chia sẻ cách thức mua hàng không mất tiền được lập lên rất nhiều trên các nền tảng xã hội. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên, để người bán chứng minh lỗi không thuộc về mình thì khá khó khăn với quy trình thủ tục cứng nhắc và nhiều khi khiếu nại của họ không được chấp nhận do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.
- Hành vi vi phạm về tiêu chuẩn sản phẩm trong thương mại điện tử
Hoạt động thương mại trên thị trường TMĐT được diễn ra trên không gian mạng Internet. Các gian hàng trong TMĐT được thể hiện dưới dạng thức số liệu được mã hóa chứ không phải là một thực thể xác định rõ trên thực tế. Việc này tạo ra nhiều khó khăn trong việc đánh giá và quản lý sản phẩm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, các quy định tiêu chuẩn sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng để giúp cơ quản quản lý nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời thể hiện tinh thần của nguyên tắc công bằng. Một trong những tiêu chuẩn thường xuyên bị vi phạm là tính minh bạch về thông tin của sản phẩm. Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật như tên hàng hoá, xuất xứ[7].
Ngoài ra, các chủ thể kinh doanh cũng phải tuân thủ quy định về cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc giao dịch[8]. Tuy nhiên, lợi dụng tính “ảo” của TMĐT, các chủ thể kinh doanh cung cấp thông tin về sản phẩm một cách chung chung hoặc thậm chí là cung cấp sai khiến người tiêu dùng bị lừa. Việc kiểm chứng thông tin về sản phẩm trong TMĐT cũng khó khăn. Đối với các trang TMĐT làm trung gian cho các chủ thể kinh doanh tạo lập gian hàng, dù đã có quy định về thông tin sản phẩm nhưng lại thiếu công cụ kiểm chứng độ tin cậy của những thông tin đó…
2. Giải pháp nhằm bảo đảm thương mại công bằng trong giai đoạn thúc đẩy nền kinh tế số thông qua thương mại điện tử
2.1. Hoàn thiện pháp luật thúc đẩy thương mại công bằng trong giai đoạn thúc đẩy nền kinh tế số thông qua thương mại điện tử
Thứ nhất, cần thiết lập một hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng về trách nhiệm của các chủ thể tham gia TMĐT ở tất cả các giai đoạn của giao dịch thương mại. Thực tế hiện nay, pháp luật điều chỉnh giao dịch TMĐT còn thiếu tính thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các chủ thể tham gia. Vì vậy, cần thiết phải ban hành các quy chuẩn chung để đánh giá chỉ số an toàn, độ tin cậy của các trang TMĐT, website, cửa hàng trực tuyến trên Facebook, Instagram, Zalo… nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của người dùng và hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. 
Thứ hai, cần nâng cao mức xử phạt trong chế tài xử lý vi phạm hơn nữa nhằm răn đe những hành vi vi phạm pháp luật trong TMĐT mà phương hại đến quyền lợi của khách hàng, sự ổn định của nền kinh tế như sử dụng công nghệ thương mại chiếm đoạt tài sản của khách hàng; buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; quảng cáo sai sự thật; …
Thứ ba, để các cá nhân, tổ chức trong thương mại điện tử tiếp cận và thực hiện các tiêu chí của Tổ chức Thương mại công bằng thế giới (World Fair Trade Organization – viết tắt là WFTO) hay Tổ chức ghi nhãn công bằng quốc tế (Fairtrade Labeling Organizations International – viết tắt là  FLO) về thương mại công bằng trong TMĐT thì cần phải xây dựng các quy định pháp luật về việc xác định được độ tin cậy của các sàn giao dịch TMĐT, website… và trong các công cụ thanh toán như là ví điện tử, ứng dụng chuyển tiền của ngân hàng... Đồng thời, cần bảo đảm tính hợp pháp của hành vi TMĐT thông qua việc bảo đảm tính bảo mật và tôn trọng quyền riêng tư khi thực hiện các giao dịch TMĐT.
Thứ tư, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về TMĐT của quốc gia, ASEAN tiếp tục đưa ra các sáng kiến bổ sung về phát triển Công nghệ thông tin - truyền thông, Logistics, kết nối thủ tục hải quan, tiêu chuẩn hoá đơn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của TMĐT trong khu vực như Kế hoạch tổng thể về công nghệ thông tin - truyền thông của ASEAN (AIM) 2015 và AIM 2020, Lộ trình hội nhập ngành logistics ASEAN (RILS)…
2.2. Nâng cao tính khả thi để phát triển thương mại công bằng trong giai đoạn thúc đẩy nền kinh tế số thông qua thương mại điện tử
Bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở pháp lý cho các chủ thể cũng như là cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các hoạt động của mình thì việc tổ chức thực hiện cũng là một khâu rất quan trọng. Vì nếu không có tổ chức thực hiện hoặc việc thực hiện không đem lại hiệu quả tốt thì các tiêu chí của WFTO hay FLO đưa ra về thương mại công bằng sẽ mãi chỉ “nằm trên giấy” mà không thể áp dụng vào thực tiễn. Vì vậy, cần phải có một số giải pháp nhằm nâng cao tính khả thi của cá nhân tổ chức trong TMĐT tiếp cận các tiêu chí của thương mại công bằng.
Thứ nhất, tăng cường năng lực và hiệu quả công tác của cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Chẳng hạn, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia giao dịch phải tự bảo vệ mình bằng các biện pháp kỹ thuật thông qua việc tuyên truyền nâng cao nhận thức thực hiện pháp luật TMĐT của các chủ thể tham gia quan hệ TMĐT.
Thứ hai, cần nghiên cứu áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR), tạo điều kiện cho các bên tranh chấp giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí. Bởi phương thức giải quyết tranh chấp này sẽ rút ngắn được thời gian, giảm thiểu chi phí, bảo vệ quyền lợi cho các bên tranh chấp, củng cố, xây dựng môi trường kinh doanh thương mại điện tử lành mạnh và phát triển
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về lĩnh vực TMĐT. Để có thể nắm bắt và kịp thời xử lý các vi phạm thì công tác kiểm tra, kiểm soát phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT nhằm phòng, chống và loại trừ những vi phạm trong TMĐT của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bán sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng trên các sàn giao dịch TMĐT, trên các trang web bán hàng và trên các trang mạng xã hội.
Thứ tư, chú trọng và tăng cường hợp tác quốc tế về TMĐT và các lĩnh vực liên quan; bắt kịp sự phát triển của thế giới trong lĩnh vực này, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý TMĐT phù hợp với yêu cầu hội nhập.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của các chủ thể trong quan hệ TMĐT để người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia quan hệ TMĐT./. 

TS. PHẠM HOÀNG LINH

Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại ngữ _ Tin học TP. Hồ Chí Minh,

ĐÁI THỊ THANH GIANG

Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu phát triển thực hành pháp luật (CLD).

 


[1] A.N (2021), “Thương mại điện tử trở thành xu thế tất yếu”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/thuong-mai-dien-tu-tro-thanh-xu-huong-tat-yeu-598414.html.
[2] Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.
[3] Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.
[4] Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.
[5] Mi Ly (2020), Lazada bị First News - Trí Việt kiện vì bán sách giả 'Muôn kiếp nhân sinh', 'Đắc nhân tâm'..., Tuổi trẻ Online, https://tuoitre.vn/lazada-bi-first-news-tri-viet-kien-vi-ban-sach-gia-muon-kiep-nhan-sinh-dac-nhan-tam-2020090908524123.htm.
[6] Đoan Chi – Lê Hoàng, Cần mạnh tay xử lý quảng cáo thuốc “rởm” trên mạng, https://baophapluat.vn/can-manh-tay-xu-ly-quang-cao-thuoc-rom-tren-mang-post388724.html.
[7] Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 về nhãn hàng hóa.
[8] Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.
...
  • Tags: