Trong điều kiện cả thế giới phải căng mình phòng chống đại dịch bệnh Covid-19 với những hậu quả hết sức nặng nề, Việt Nam vẫn đang được xem là một điểm sáng về phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của dịch Covid thực sự để lại những khó khăn vô cùng lớn, mà nếu không có những giải pháp quyết liệt và thiết thực, trong đó có cải cách thể chế, thì rất khó có thể phục hồi kinh tế trong khoảng thời gian ngắn.
Tại Phiên họp Chính phủ sáng 17/8/2021 Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhưng phải cân đối nguồn lực để làm có trọng tâm, trọng điểm (Ảnh: VGP)
Tình hình thực tế hiện nay cho thấy, để nước ta đạt được những mục tiêu về phục hồi và phát triển kinh tế sau Covid-19, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là phải tiếp tục cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế. Mặc dù ở tầm thế giới, do quan ngại về suy giảm kinh tế, mất việc làm … do đại dịch COVID-19 gây ra nên nhiều quốc gia phải thực thi các chính sách nới lỏng tiền tệ và triển khai các gói hỗ trợ tài khóa với quy mô chưa từng có tiền lệ, đồng thời các biện pháp hỗ trợ này cũng đặt ra quan ngại về việc nhiều nước giảm sự lưu tâm đối với cải cách thể chế kinh tế, nhưng đối với nước ta, Chính phủ cũng luôn quan tâm và đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này.
Ngay từ Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia” tổ chức ngày 7/8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những nguyên nhân khiến NSLĐ chưa cao; đồng thời Thủ tướng cũng nêu các định hướng lớn để thúc đẩy tăng NSLĐ, mà đầu tiên là phải cải cách thể chế để khắc phục “nút thắt” ở trên. Đến năm 2020, một trong những nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ là tập trung tháo gỡ từng vướng mắc cụ thể về thể chế để khai thông, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, tạo đột phá trong các ngành, lĩnh vực. Tại Phiên họp thường kỳ tháng 11/2019 và cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết 01 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó nhấn mạnh, công tác xây dựng thể chế, pháp luật còn là một khâu vướng mắc và đã đến lúc cần chỉ ra cụ thể nằm ở luật nào, nghị định, thông tư nào, điều khoản nào, không nói chung chung. Trong 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2020, công tác thể chế, cụ thể là đẩy mạnh đổi mới, cải cách trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường các chính sách khơi thông nguồn lực; tập trung chỉ đạo thực thi pháp luật nghiêm minh, được đặt lên hàng đầu. Mới đây nhất, Kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật (sáng 17/8/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải ưu tiên đầu tư cho công tác này cả về lãnh đạo, chỉ đạo, con người, vật chất, thời gian, công sức, điều kiện, chế độ, chính sách… sao cho đúng tầm một khâu đột phá chiến lược. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm giải quyết những ách tắc, vướng mắc, “điễm nghẽn” về thể chế đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được tháo gỡ để tạo động lực mới, giải phóng các nguồn lực mới cho sự phát triển, nhất là trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trong điều kiện hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ cũng khẳng định, quá trình mở cửa từng bước với nền kinh tế cần phải được tiến hành thận trọng. Vì thế, quá trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hậu COVID-19 cần phải tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn chiến lược 2021-2030 với những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các biện pháp cải cách kinh tế đã được xác định và thực hiện ở Việt Nam cho tới năm 2019 vẫn cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Nếu nền kinh tế phục hồi chậm, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết cho phát triển. Cho nên, vấn đề bảo đảm để các chính sách phục hồi kinh tế và việc cải cách thể chế kinh tế có được sự song hành và hài hòa là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mặc dù thách thức là rất lớn.
Hội nghị tham vấn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 (01/10/2021)
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi một số yếu tố trong chính sách có tính chiến lược của doanh nghiệp mà trước nay chưa từng xảy ra, chẳng hạn: Có những chi phí từng được coi là cố định thì nay lại là chi phí biến đổi; một số năng lực vốn được xem như sự khác biệt cho sự phát triển của doanh nghiệp thì giờ đây đã trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành doanh nghiệp. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp vừa phải tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, lại vừa tính đến việc chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng để có thể chủ động đối phó với những khủng hoảng trong tương lai, đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
Ở tầm vĩ mô, khái niệm Cải cách thể chế kinh tế có thể hiểu là thay đổi cách quản lý, thay đổi cơ chế quản trị, cơ chế sử dụng, sở hữu để tạo ra động lực đột phá, phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống. Cải cách thể chế kinh tế là chuyển đổi về đường lối, phương hướng để phù hợp với nền kinh tế thị trường. Trong đó, hoàn thiện thể chế kinh tế không chỉ là việc hoàn thiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến sự ra đời và hoạt động của doanh nghiệp, mà phải đặt trong một nội hàm rộng hơn, bao gồm cả hệ thống quản trị quốc gia, với 3 trụ cột: thể chế kinh tế, nền hành chính công và nền tài chính công. Mọi cải cách cần phải mang tính đồng bộ của cả hệ thống. Cùng với đó, cần tiếp tục khắc phục tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, hiệu lực. Đây là những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra, khi mà chúng ta tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Vậy “điểm nghẽn” và “nút thắt” về thể chế cần cải cách lúc này là gì ? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chất lượng thể chế, hạ tầng số, kỹ năng và năng suất lao động là những điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế hậu Covid-19 ở nước ta. Trong đó, chất lượng thể chế thể hiện ở việc triển khai Chính phủ điện tử; hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công; phát triển bền vững là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Đối với nhà đầu tư, không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết, mà để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực cần thu hút thì Việt Nam cần quan tâm đến việc ban hành các tiêu chuẩn phù hợp và có tính khoa học cao. Mặt khác, đối với nước ta hiện nay, còn cần tập trung vào các vấn đề lớn vừa là trước mắt, vừa có tính lâu dài; bao gồm: Vẫn vừa phải tập trung phòng chống không để dịch bệnh Covid-19 quay lại và lây lan, vừa phải tính tới các giải pháp sống chung với nguy cơ dịch và gắn với duy trì, phục hồi kinh tế; Tập trung giải quyết các tồn đọng của các đại dự án yếu kém thua lỗ mà chưa được xử lý hiệu quả, cùng với đó là nợ xấu hậu Covid có thể tăng, thâm hụt ngân sách lớn, trần nợ công có thể cao hơn cần được quan tâm giải quyết; Đồng thời phải đẩy nhanh việc tái cấu trúc nền kinh tế và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần vừa tháo gỡ khó khăn vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam” (22/4/2021)
Những điểm nghẽn về thể chế còn liên quan đến một số điều của các luật về đất đai, đầu tư công, xây dựng, kinh doanh bất động sản, quy hoạch… cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp, xây dựng công trình… còn tập trung nhiều ở bộ, ngành Trung ương, cơ chế xin-cho vẫn còn nhiều. Lãng phí thời gian, làm mất cơ hội đầu tư phát triển của doanh nghiệp cũng là một “điểm nghẽn”, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cần được các bộ, ngành quan tâm khắc phục.
Những năm qua, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cải thiện chất lượng công vụ của bộ máy hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đã và đang mang lại niềm tin và kỳ vọng đối về một chính phủ hành động và trên thực tế bước đầu đã mang lại những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để các Nghị quyết của Chính phủ nhanh chóng đi vào đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh trong điều kiện hội nhập khu vực và toàn cầu, vẫn cần phải cải cách đồng bộ cả 3 bộ phận: thể chế hành chính, bộ máy và con người. Bên cạnh đó, có thể nói trong nhiều năm tới, bài toán vĩ mô của kinh tế Việt Nam vẫn là chất lượng tăng trưởng gắn với đổi mới thể chế trong điều kiện diễn biến phức tạp của kinh tế và thương mại toàn cầu… Vì vậy, sự điều hành chính sách kinh tế - tài chính của Chính phủ vẫn phải thực hiện “mục tiêu kép”: cả chất lượng và tốc độ tăng trưởng. Làm tốt việc cải cách và hoàn thiện thể chế sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu lớn mà Chính phủ đã đề ra.
Xuân Phúc