Nghị quyết số 68 của Chính phủ nêu rõ, việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Trung ương là nhằm thống nhất trong chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai quyết liệt, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW.
Chủ trương và kết quả thực hiện chính sách xã hội
Trải qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII và XIII, quan điểm về chính sách xã hội dần được hoàn thiện và trở thành một hệ thống quan điểm về chính sách xã hội trong thời kỳ đổi mới, đó là: Tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, bám sát tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Quá trình đổi mới nhận thức về chính sách xã hội của Đảng ta là một bước tiến dài mang tính lịch sử trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được lan tỏa và chuyển biến nhận thức rõ rệt trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Bảo đảm an sinh xã hội đã có bước chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang đảm bảo quyền an sinh của công dân”.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với phát triển kinh tế, việc thực hiện các chính sách xã hội cũng được chú trọng hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ và mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân theo quy định của Hiến pháp. Đặc biệt, trong giai đoạn 10 năm gần đây, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hòa hơn. Các chính sách xã hội cũng không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ và mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân theo quy định của Hiến pháp. Nguồn lực đầu tư cho thực hiện chính sách xã hội ngày càng lớn, tỷ trọng chi ngân sách cho an sinh xã hội tăng dần trong các năm qua. Việc triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội đã góp phần đem lại niềm tin và sự hài lòng của Nhân dân. Chỉ số phát triển con người có sự cải thiện vượt bậc, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển con người cao…
Trong quá trình đó, đã có những kết quả nổi bật đạt được trong lĩnh vực xã hội, bao gồm: (1) Chính sách ưu đãi người có công được quan tâm đặc biệt và thực hiện tốt, phong trào đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng, được nhân dân đồng tình ủng hộ. (2) Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp cơ bản tạo việc làm bền vững. (3) Chính sách bảo hiểm xã hội đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. (4) Chính sách trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh khó khăn, từng bước chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy con người là trung tâm góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng yếu thế. (5) Hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu được chú trọng đầu tư, phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng. (6) Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách xã hội
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém; cụ thể là:
-Thị trường lao động chậm phát triển, chất lượng nguồn nhân lực và việc làm thấp, thiếu tính bền vững. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt thấp (mới trên 26%).
- Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chưa đạt được so với tiềm năng của nhóm dân số mục tiêu, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động tham gia; chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ tới lao động trong khu vực phi chính thức; bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp. Phạm vi bao phủ của trợ giúp xã hội còn hẹp, trợ cấp hưu trí xã hội mới áp dụng cho người từ 80 tuổi trở lên và người từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, vẫn còn một nhóm dân số dưới 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, chưa được hưởng chính sách an sinh… Thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân nói chung và người lao động ứng phó với các cú sốc trên diện rộng khi xảy ra khủng hoảng như dịch bệnh, thiên tai…
- Hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội, chăm sóc xã hội chưa đáp ứng được các yêu cầu về đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng. Chất lượng và năng lực y tế cơ sở chưa đáp ứng tốt yêu cầu; y tế dự phòng còn yếu, đặc biệt là trong ứng phó với rủi ro dịch bệnh lớn; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em chậm được cải thiện, nhất là ở trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao… Nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các đô thị, lao động di cư, người có thu nhập thấp chưa được đảm bảo. Số lượng và chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, còn nhiều khó khăn cho người dân tiếp cận và thụ hưởng.
- Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai còn khó khăn; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền còn lớn. Bất bình đẳng xã hội (phi thu nhập) có chiều hướng gia tăng, nhất là bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn, nhất là khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
- Đầu tư cho chính sách xã hội chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ chi cho chính sách xã hội trên GDP còn thấp (tỷ trọng chi ngân sách cho an sinh xã hội mới chỉ đạt 6,7% GDP năm 2021)…
Nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện chính sách xã hội
Để thực hiện tốt chính sách xã hội, cần tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ. Cụ thể là:
1. Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội: Trong đó cần thực hiện nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội. Trong đó, rà soát cơ chế, chính sách hiện hành, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 42-NQ/TW trong từng giai đoạn phát triển của đất nước và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo bình đẳng giới và tính bền vững của chính sách xã hội. Hằng năm công bố mức sống tối thiểu làm căn cứ xác định các chuẩn chính sách xã hội. Thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chính sách xã hội từ Trung ương đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đổi mới phương thức quản lý, điều hành… Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, đánh giá định kỳ việc thực hiện Nghị quyết; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện chính sách xã hội.
2. Nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công theo hướng là mức cao nhất trong các chính sách xã hội. Trong đó có những nội dung cụ thể như: Tôn vinh toàn diện và đầy đủ đối với người có công với cách mạng; tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người gặp khó khăn trong cuộc sống; thực hiện việc hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng là mức cao nhất trong các chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; ưu tiên chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, đào tạo, việc làm, vay vốn, phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người có công và thân nhân. Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
3. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, bao phủ toàn bộ lực lượng lao động. Theo đó, thực hiện đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; tăng cường hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức. Đổi mới hoạt động bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chú trọng đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động bị thất nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo kỹ năng, duy trì việc làm cho người lao động để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp. Phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Hoàn thiện hệ thống trợ giúp xã hội theo hướng quan tâm cả đời sống vật chất và tinh thần, giúp người dân kịp thời khắc phục khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác./.
Từ góc độ thực tiễn, để thực hiện tốt chính sách xã hội nói chung, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trên cơ sở ưu tiên ba định hướng lớn trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội; cụ thể là:
1. Nhà nước thống nhất quản lý việc thực hiện chính sách xã hội theo hướng chia sẻ giữa Nhà nước - xã hội - người dân và bảo đảm nguyên tắc an sinh - an dân và an cư. Tiếp tục đổi mới một số chính sách mang tính chất “nòng cốt” trong chính sách xã hội. Bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận công bằng về các dịch vụ cơ bản và nhà ở tối thiểu, đều được hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng trên mọi phương diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
2. Cần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về thể chế, cơ chế quản lý, thực hiện thiết kế lại hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội. Tích hợp chính sách, chế độ hướng tới đáp ứng yêu cầu quản lý dịch vụ xã hội trong bối cảnh kinh tế số. Thực hiện chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách xã hội…
3. Chính sách xã hội phải bảo đảm tính chủ động, tích cực và xã hội hóa cao. Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực cho việc thực hiện chính sách xã hội. Nhà nước cần xây dựng chiến lược tài chính để thực hiện một hệ thống rộng hơn, phức tạp hơn về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Xây dựng lại cơ chế huy động mọi nguồn lực của xã hội, nâng cao trách nhiệm và năng lực tự an sinh của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng./.
ThS Nguyễn Văn Thăng