Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp

Hoạt động lập pháp là một trong những hoạt động quan trọng của Nhà nước pháp quyền, bởi vì chất lượng hoạt động lập pháp sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng hệ thống pháp luật và kết quả thực hiện pháp luật. Qua các nhiệm kỳ của Quốc hội, hoạt động lập pháp đã có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu câu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lược hoạt động lập pháp.

Những kết quả quan trọng đạt được

Đại hội XIII của Đảng đã xác định hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển mà nòng cốt là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xem là là một trong các đột phá chiến lược để “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Ngoài ra, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng pháp luật”, thêm vào đó, Đại hội XIII yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại có đủ “sức cạnh tranh quốc tế” nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và mang lại hiệu quả cao ở nước ta. Chính vì thế, Việt Nam chúng ta cần phải tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững…

Theo tinh thần các Nghị quyết Đại hội Đảng, nhất là Đại hội XIII, có thể nói hoạt động lập pháp của Quốc hội qua các nhiệm kỳ qua đã có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng, để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, Quốc hội đã không ngừng nỗ lực, đổi mới hoạt động lập pháp, trong đó có những dấu ấn vượt bậc về kỹ thuật lập pháp qua từng giai đoạn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đạo luật, pháp lệnh, nghị quyết sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua.

Cùng với đó, sự ra đời của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), với 04 lần sửa đổi, bổ sung (2002; 2008; 2015; 2020) được xem như bước ngoặt quan trọng thể hiện sự chuyên nghiệp, tính chuẩn mực trong quy trình lập pháp, kỹ thuật lập pháp của Quốc hội, UBTVQH theo hướng công khai, minh bạch, phù hợp với sự phát triển của hoạt động lập pháp trong giai đoạn mới, đáp ứng các yêu cầu và đỏi hỏi ngày càng cao của thực tiễn áp dụng pháp luật.

Đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV (2021-2026) đến nay, những đổi mới trong hoạt động đã giúp các Ủy ban của Quốc hội hoàn thành khối lượng rất lớn các nhiệm vụ, áp lực cao về tiến độ và chất lượng với nhiều nội dung khó, phức tạp, nhiều việc đột xuất, phát sinh trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ xây dựng pháp luật đến giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, các Ủy ban đã phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, tác động sâu sắc, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương hằng năm, phân bổ ngân sách từ nguồn tăng thu; Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia; giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Đến nay, các cơ quan đã hoàn thành 89/109 nội dung, nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội (đạt 81,7%). Trong 156 nhiệm vụ lập pháp, các cơ quan đã hoàn thành 131 nhiệm vụ (đạt 83,97%). Trong đó, lĩnh vực Ủy ban Kinh tế hoàn thành 18/22 nhiệm vụ; lĩnh vực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách hoàn thành 12/18 nhiệm vụ; lĩnh vực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thành 20/20 nhiệm vụ…

Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội:

Để đổi mới và nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động Quốc hội, cần chuyển từ mô hình “hoạt động theo kỳ họp” sang hoạt động thường xuyên để kịp thời quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Hiện nay, Quốc hội hoạt động theo kỳ họp, một năm họp 2 lần, nhưng đã tổ chức các kỳ họp bất thường khi “Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu” (khoản 2, Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014). Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đảm bảo đại biểu Quốc hội thực sự là người đại diện xứng đáng cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân; kết hợp với đổi mới cơ chế bầu cử Quốc hội là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, trong đó hướng đến xây dựng cơ chế để cử tri lựa chọn đúng người “tài, đức” đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân là việc quan trọng, vì thế Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra yêu cầu “Đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người xứng đáng đại diện cho Nhân dân”.

Để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội, cả trước mắt và lâu dài, cần thực hiện các nhiệm vụ và giải phát cụ thể; bao gồm:

Những nhiệm vụ trước mắt:

+ Các cơ quan của Quốc hội tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; quán triệt thực hiện Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Trong quá trình thẩm tra đối với các dự án lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến, cần phải thể hiện được chính kiến, quan điểm rõ ràng, cụ thể, khách quan, không né tránh…

+ Các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

+ Các Ủy ban chủ động xem xét, rà soát các lĩnh vực phụ trách xem có vấn đề gì bất cập, khó khăn để khi Chính phủ trình sang Quốc hội có đủ cơ sở xem xét, quyết định.

+ Quốc hội giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sớm xây dựng, hoàn thiện các văn bản để triển khai hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025 về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành". Giao Ủy ban Kinh tế khẩn trương tham mưu hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở từ năm 2015 đến hết năm 2023" cùng các tài liệu khác liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 36 (tháng 8/2024). Giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp tục phối hợp với Chính phủ, các cơ quan liên quan nghiên cứu tham mưu đổi mới quy trình quyết định về ngân sách Nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đôn đốc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, lộ trình xây dựng Báo cáo tài chính Nhà nước từ niên độ 2025, bảo đảm hoàn chỉnh, đầy đủ, toàn diện thông tin, số liệu theo quy định của Luật Kế toán….

Đề xuất trong thời gian tới:

+ Tiếp tục nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn việc áp dụng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều VBQPPL theo hướng quy định rõ quy trình; các tiêu chí, điều kiện cụ thể cho việc áp dụng kỹ thuật này. Đồng thời, hướng dẫn thống nhất về kỹ thuật thể hiện, tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong việc xây dựng, ban hành áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật, tránh làm dụng khi chưa xem xét thấu đáo toàn bộ thệ thống pháp luật.

+ Nghiên cứu thành lập một thiết chế độc lập để thực hiện hoạt động rà soát, bảo đảm hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp đối với dự án luật, pháp lệnh trước và sau khi được Quốc hội, UBTVQH thông qua.

+ Xây dựng quy trình soạn thảo, góp ý kiến, thẩm tra đối với các dự án luật, pháp lệnh do đại biểu trình. Đồng thời, cần kiện toàn cơ quan nghiên cứu chuyên môn, bộ máy giúp việc và cơ chế hỗ trợ về tài chính để có đủ năng lực giúp ĐBQH trong việc triển khai hoạt động có liên quan đến chuẩn bị dự án.

+ ĐBQH phải nâng cao năng lực tư duy phản biện và tinh thần trách nhiệm, bởi tính phản biện trong hoạt động lập pháp của ĐBQH sẽ góp phần bảo đảm để các quyết định của Quốc hội mang tính thực chất, kỹ lưỡng hơn, còn tính trách nhiệm sẽ giúp loại bỏ những biểu hiện ngại va chạm, nể nang, lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, hay lợi ích địa phương trong quá trình ĐBQH thực hiện hoạt động lập pháp./.

Ths. Đỗ Hoàng Lâm

...
  • Tags: