Thực tiễn cho thấy, việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP) là một nội dung phức tạp và nhạy cảm, vì ngoài việc đạt mục tiêu về số lượng, CPH còn phải đảm bảo được các yêu cầu về chính trị, kinh tế, xã hội khác do các dịch vụ công lập đều là các dịch vụ thiết yếu, liên quan đến đời sống người dân và an sinh xã hội. Vì vậy, việc CPH các ĐVSNCL phải đáp ứng nguyên tắc phải không làm giảm chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công của người dân.
Chủ trương và thực trạng công tác CPH
Để triển khai thực hiện công tác CPH, ngay tại Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã có quyết nghị và lộ trình cụ thể: “Giai đoạn đến năm 2021: Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học). Giai đoạn đến năm 2025: 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần”. Như vậy, yêu cầu về tiến độ CPH các ĐVSNCL đã thể hiện sự quan trọng và tính cấp thiết của vấn đề.
Ngày 29/11/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1479/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại DNNN, DN có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, giai đoạn 2022-2025 cổ phần hóa 19 DN, trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam...và thực hiện thoái vốn nhà nước đầu tư tại 141 DN. Đến hết năm 2023 và tháng 1/2024, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng chưa có DN nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 2/2024, đã có 77 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 14 doanh nghiệp thuộc Trung ương và 63 doanh nghiệp thuộc các địa phương. Các đơn vị còn lại đang triển khai xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Có thể khẳng định, xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nói chung và cổ phần hóa các ĐVSNCL nói riêng là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đi theo đó, hàng loạt chính sách của nhà nước về khu vực sự nghiệp công đã được ban hành. Tuy nhiên, tiến độ và kết quả CPH còn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. Công tác CPH chỉ có thể đạt được mục tiêu nếu xác định đúng lĩnh vực, ngành nghề cần thực hiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP; đồng thời việc chuyển đổi đó được triển khai minh bạch, chặt chẽ, đồng bộ cơ chế chính sách về giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ công sau chuyển đổi; mặt khác chính sách quản lý giá để đảm bảo dịch vụ sự nghiệp công có thể được cung ứng phải ở mức chi phí thấp nhất có thể và có cơ chế hỗ trợ cho những đối tượng dân cư khó khăn…
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, giai đoạn vừa qua tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN chậm, không đạt kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân chủ yếu phát sinh trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện. Cụ thể, đối với việc lập kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên thực tế các đơn vị chưa thực hiện được như kế hoạch đề ra. Mặt khác, việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, phương án thoái vốn chậm, việc xử lý các tồn tại về tài chính, sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, còn kéo dài. Trách nhiệm thuộc về cơ quan đại diện chủ sở hữu (các bộ, UBND cấp tỉnh đối với các DNNN được giao quản lý) và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và ban lãnh đạo DNNN…
Xem xét cụ thể có thể thấy, xu hướng sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn tại các DNNN vẫn đang diễn ra, nhất là lại trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi và chất lượng tăng trưởng đang trên đà được cải thiện. Điều này cho thấy, những yếu kém của khu vực DNNN chủ yếu là vấn đề nội tại của khu vực này. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của những tồn tại, yếu kém của DNNN nằm ở vấn đề sở hữu và động lực phát triển của chính doanh nghiệp đó chứ không phải chỉ nằm ở cơ chế pháp lý. Cũng có thể hiểu rằng, nếu tỷ trọng sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn được duy trì ở mức cao và áp đảo như hiện nay thì những nỗ lực cải cách khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của DNNN như hoàn thiện hệ thống pháp lý cho bớt chồng chéo, tăng tính chủ động của doanh nghiệp, xác lập tiêu chí đánh giá hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp hay tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng không có nhiều ý nghĩa và không thể đem lại kết quả như mong muốn.
Để xử lý các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị phát sinh trong quá trình triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh công tác chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục cần thiết phục vụ triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tổ chức. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần đánh giá thận trọng để xây dựng, lập kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN và tổ chức triển khai đảm bảo phù hợp, khả thi,đảm bảo không thất thoát, mất vốn, tài sản của nhà nước. Đôn đốc các DN trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thẩm quyền…
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa DNNN
1. Cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện nhằm chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, tối đa hóa hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, thúc đẩy cổ phần hóa đúng lộ trình, đúng mục tiêu.
2. Sớm luật hóa chính sách thu cổ tức, lợi nhuận từ vốn đầu tư tại DNNN và các nội dung về cổ phần hóa DNNN; bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động của DNNN trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, minh định các nhiệm vụ kinh doanh thuần túy với nhiệm vụ chính trị, tạo sự bình đẳng thực sự giữa DNNN với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
3. Xây dựng chủ trương, chính sách để thúc đẩy và hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, bao gồm cả các nhà đầu tư chiến lược của khu vực vừa và nhỏ có thể tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN. Không để tình trạng chỉ có doanh nghiệp FDI tiếp thu và tham gia vào cổ phần hóa các DNNN như hiện nay.
4. Cần hoàn thiện các hướng dẫn về công tác xác định giá trị doanh nghiệp để khắc phục các tồn tại; đưa ra phương pháp định giá doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và tập quán ở nước ta hiện nay; bổ sung cụ thể hướng dẫn khi xác định giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
5. Tăng cường tính minh bạch trên thị trường thông qua các chế tài được quy định rõ trong các văn bản, bao gồm: doanh nghiệp phải công khai thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động, các tồn đọng tài chính, cũng như lợi ích sẽ được hưởng từ các khoản đầu tư nhưng chưa chia, tình hình đất đai, phương án xử lý, sắp xếp đất đai khi cổ phần hóa.
6. Tổ chức tổng kết công tác CPH, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục tồn tại yếu kém, đồng thời có giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đặc biệt doanh nghiệp sau CPH, đối với các doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa nhưng làm ăn có hiệu quả cần nghiên cứu hoàn thiện mô hình để phát triển.
7. Cần quy định cơ chế rõ ràng, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước, để khắc phục tình trạng một bộ phận lãnh đạo đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước có tâm lý e ngại khi CPH sẽ mất vai trò lãnh đạo, quyền lợi tại doanh nghiệp.
8. Cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đại diện vốn trong việc thực hiện quyền đại diện vốn trong Công ty cổ phần: đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ cho nhà nước, các biện pháp khi các đơn vị không thực hiện; quyền giám sát để phát hiện những bất cấp, tồn tại về tài chính, những nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh để báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, các biện pháp hỗ trợ để tránh gây thất thoát cho nhà nước./.
ThS Nguyễn Quang Hồng