Tiếp tục hoàn thiện chính sách Bảo hiểm xã hội vì lợi ích người dân

Chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) quốc gia.

Đây là chính sách hoạt động vì mục đích ASXH, không vì lợi nhuận nhằm ổn định lâu dài đời sống người dân, người lao động (NLĐ); bảo đảm mọi công dân đều được thụ hưởng các quyền lợi an sinh (các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí…) và được khám chữa bệnh (KCB), hưởng quyền lợi các dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc… do quỹ BHYT chi trả, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Ảnh minh họa - TL

Vai trò trụ cột của hệ thống an sinh xã hội

Chính sách BHXH hiện được thực hiện với hai loại hình là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, chính sách BHXH bắt buộc có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với NLĐ mà còn cả với doanh nghiệp (DN). Ngoài việc giúp NLĐ ổn định cuộc sống ngay khi đang làm việc, chính sách BHXH còn trợ giúp NLĐ khi không còn khả năng lao động thông qua thụ hưởng 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Với DN, việc NLĐ được tham gia chính sách BHXH, BHYT đầy đủ sẽ có thêm động lực giúp DN phát triển sản xuất, kinh doanh mà không phải lo lắng về nguồn lao động. Mặt khác, thực tế nhiều DN khi tuyển dụng lao động thì tiêu thức được tham gia BHXH, BHYT cũng là một quyền lợi quan trọng để thu hút được NLĐ vào làm việc.

Bên cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi NLĐ ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH; đem lại lợi ích rất rõ, giúp tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí và được cấp thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi lao động.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương cùng sự nỗ lực, chủ động, trách nhiệm của ngành BHXH Việt Nam, những năm qua, các chính sách BHXH, BHYT đã được thực hiện tốt trên phạm vi cả nước. Những kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định sâu sắc hơn giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT; giúp nhân dân và NLĐ ngày càng yên tâm, tin tưởng, tích cực tham gia.

Một trong những mục tiêu tổng quát về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được đề cập đến tại Nghị quyết Trung ương 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII là “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Trung ương cũng đã đề ra quan điểm chỉ đạo, đó là “Phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng… hướng tới bao phủ toàn dân” và được cụ thể hóa tại nội dung cải cách chính sách. Theo đó, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm: Phát triển và hoàn thiện hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội cơ bản dựa trên đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động; Thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội thông qua việc thực hiện chính sách trợ cấp cho người cao tuổi từ nguồn ngân sách nhà nước (đối với những người không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng); Thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Một số hạn chế, bất cập

Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận từ công cuộc đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập. Cụ thể như: Các quy định của pháp luật về BHXH chưa đáp ứng được nhu cầu mong muốn của người dân, chưa tạo sự hấp dẫn khuyến khích để đông đảo nhân dân tham gia, chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế – xã hội và chưa có các dự báo để việc điều chỉnh chính sách được kịp thời thích ứng với các rủi ro xã hội mới phát sinh. Số người tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp so với mức tiềm năng; trong khi số người thụ hưởng bảo hiểm xã hội tăng nhanh, thêm vào tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội ngày càng tăng dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Bên cạnh đó, chính sách BHXH chưa phổ quát rộng đến các tầng lớp nhân dân lao động, chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới chỉ tập trung chủ yếu vào khu vực chính thức, chưa có chính sách khuyến khích phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương), chỉ mới chủ yếu theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, còn thiếu sự chủ động đón đầu những rủi ro trong tương lai nên các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế chưa cụ thể, rõ ràng. Các chế độ bảo hiểm xã hội đã bảo đảm được quyền lợi của người tham gia nhưng chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng – hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững. Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện lại chưa hấp dẫn, chưa khuyến khích được các bên tích cực tham gia. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên là yêu cầu rất cần thiết.

Giải pháp hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong tình hình mới

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật BHXH của người tham gia. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền về vai trò, tính quan trọng của chính sách an sinh xã hội nói chung, trong đó có bảo hiểm xã hội nói riêng. Từ đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đối với bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

2. Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm thu hút nhiều người tham gia theo hình thức tự nguyện. Nghiên cứu sửa đổi điều kiện thụ hưởng chính sách phù hợp và hài hòa giữa lợi ích của người tham gia nhưng bảo đảm sự an toàn quỹ bảo hiểm xã hội, tránh trục lợi bảo hiểm xã hội. Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội hưu trí bổ sung nhằm tăng sức hấp dẫn thu hút sự tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động. Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần với những quy định phù hợp hơn, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người lao động để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

3. Hoàn thiện quy định, chính sách bảo hiểm xã hội về quản lý đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội. Theo đó, Quỹ bảo hiểm xã hội phải được nghiên cứu các hình thức trực tiếp đầu tư để tăng hiệu quả của Quỹ và góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tạo sự hấp dẫn trong việc tham gia bảo hiểm xã hội.

4. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua việc tham gia, ký kết các công ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của người lao động làm việc trong môi trường hội nhập, toàn cầu hóa. Thực hiện rà soát lại các cam kết quốc tế về lĩnh vực bảo hiểm xã hội mà Việt Nam đã tham gia, sửa đổi các quy định không còn phù hợp./.

Ths. Phạm Quang Thận

...
  • Tags: