Trách nhiệm hình sự, miễn và giảm trách nhiệm hình sự: Lý luận và thực tiễn

Ngày 19 tháng 10 năm 2024, trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề “Trách nhiệm hình sự, miễn và giảm trách nhiệm hình sự: Lý luận và thực tiễn”.

Hôi thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật trao đổi các nội dung liên quan đến trách nhiệm hình sự, miễn và giảm trách nhiệm hình sự ở góc độ lý luận và thực tiễn; trên cơ sở đó đưa ra những đánh giá, đề xuất các kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật và các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng trên cơ sở những luận cứ khoa học, phù hợp với bối cảnh hiện nay tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Tham dự Hôi thảo có PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh; các nhà khoa học, các giảng viên, các nhà hoạt động thực tiễn từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu luật; các cán bộ lãnh đạo, chuyên gia đang công tác tại tòa án, viện kiểm sát, các công ty luật, văn phòng luật sư… tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Tất Viễn, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý, nguyên Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tham dự và trình bày tham luận “Quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”.

Tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Ngọc Hoà trình bày tham luận “Trách nhiệm hình sự và tính hệ thống của các quy định về trách nhiệm hình sự”; GS.TS. Võ Khánh Vinh trình bày tham luận “Trách nhiệm hình sự: Tiếp cận chính sách”;  TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng trình bày tham luận “Hình phạt cộng đồng trong luật hình sự một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam”; PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa trình bày tham luận “Quy định về hình phạt tù chung thân trong luật hình sự một số nước và kiến nghị cho Việt Nam”; “Quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Bộ Luật Hình sự năm 2015” (sửa đổi, bổ sung năm 2017); PGS. TS Nguyễn Tất Viễn trình bày tham luận “Quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện trong BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng trình bày tham luận “Miễn trừ truy tố đối với nhân chứng theo pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam”. Ngoài các báo cáo nêu trên, Hội thảo đã nhận được 24 báo cáo tham luận khác của các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ làm công tác thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Các  tham luận đề cập nhiều khía cạnh lý luận và thực tiễn của trách nhiệm hình sự và các chế định miễn, giảm trách nhiệm hình sự của Việt Nam và một số quốc gia. Các tham luận đã làm rõ hơn chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta về đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm, hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nêu tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định. Các tham luận cũng nêu và phân tích  quy định pháp luật hình sự một số quốc gia về hình phạt cộng đồng, về tha tù trước thời hạn có điều kiện, về miễn trừ truy tố đối với nhân chứng và miễn truy tố có điều kiện đối với pháp nhân…mà Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo. Tại Hội thảo đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận về phương hướng và các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự và áp dụng trách nhiệm hình sự hiệu quả trong thực tiễn tư pháp hình sự. Những vấn đề trình bày trong các tham luận và các ý kiến trao đổi có giá trị khoa học và thực tiễn góp phần việc hoàn thiện pháp luật hình sự, tố tụng hình sự của nước ta trong tiến trình cải cách tư pháp như Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09-11-2022 của Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương Đảng (khoá XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định: “Hoàn thiện cơ chế thi hành án hình sự theo hướng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý giáo dục, cải tạo phạm nhân, quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng; bảo đảm và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân đối với người chấp hành án theo quy định của pháp luật”./.

PV
  • Tags: