Tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam, những quy định pháp luật tố tụng và những hạn chế, bất cập trong thực tiễn

Tăng cường tranh tụng trong xét xử là tư tưởng quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp do Bộ Chính trị ban hành. Tư tưởng này đã được thể chế hóa thành nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013.

Tóm tắt: Tăng cường tranh tụng trong xét xử là tư tưởng quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp do Bộ Chính trị ban hành. Tư tưởng này đã được thể chế hóa thành nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013. Nguyên tắc trên cũng được thể hiện qua việc sửa đổi, bổ sung những quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Kể từ khi Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực, quá trình tố tụng đã thể hiện được tính dân chủ, bình đẳng, bảo đảm các đương sự đều thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong tố tụng, phát huy tính chủ động và đề cao trách nhiệm của đương sự khi tham gia tố tụng, nhất là những vụ án có Luật sư tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự; bản án đều căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Bài viết nghiên cứu về sự cần thiết phải thực hiện tranh tụng trong tố tụng dân sự, những quy định pháp luật tố tụng liên quan đến vấn đề tranh tụng và những hạn chế, bất cập trong thực tiễn và những giải pháp chủ yếu thực thi nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.

Từ khóa: Tranh tụng, tố tụng dân sự.

Abstract: Strengthening litigation in the trial is an important idea of the politburo’s judicial reform strategy. This theory was institutionalized in “adversarial principle in the trial is guaranteed” under clause 5, Article 103 of the Constitution 2013. This principle is mirrored in amendments and supplementation of specific regulations in the civil procedure Code 2015. Since the civil procedure Code 2015 took effect, the procedure has demonstrated democracy and equality, ensuring that all concerned parties exercise their rights and obligations in procedures, raising the sense of initiative and responsibility of concerned parties to participate in legal proceedings, particularly regarding cases that lawyers involving with the role of defender of legitimate rights and interests concerned parties; and judgments shall be based on the result of adversarial proceeding at the trial. The article focuses on the necessity of conducting adversarial principle in civil procedures, regulations of legal proceedings related to the dispute; and the limitations, shortcomings in practice, and the substantive solutions to conduct the adversarial principle in civil procedures.

Keywords: litigation, law case, civil procedure.

  1. Sự cần thiết phải thực hiện tranh tụng trong tố tụng dân sự

Tranh tụng trong tố tụng dân sự đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, đối với Việt Nam hoạt động tố tụng truyền thống theo phương thức “xét hỏi”, “đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Toà án có nhiệm vụ xem xét mọi tình tiết của vụ án và khi cần thiết có thể thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác”[1], cho nên trong các quy định của pháp luật về tố tụng trước đây chưa quy định “nội dung tranh tụng”. Nghị quyết số: 08-NQ/TW ngày 2 tháng 1 năm 2002 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo: “...Việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn quy định.”. Để thể chế hóa Nghị quyết số: 08-NQ/TW năm 2002 của Bộ Chính trị, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 đã quy định: “Bản án chỉ được căn cứ vào kết quả tranh tụng, việc hỏi tại phiên toà và các chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra tại phiên tòa”[2]. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 chưa quy định cụ thể: Nội dung tranh tụng, trình tự thủ tục của phiên tòa tranh tụng, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, quyền và nghĩa vụ của đương sự trong tranh tụng. Vì vậy, trong quá trình phát triển và hoàn thiện pháp luật về tố tụng dân sự,“nguyên tắc tranh tụng” đã được bổ sung trong Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, ngày 25 tháng 11 năm 2015 (Bộ luật TTDS năm 2015). Việc quy định này là nhằm thể chế hóa một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Nghị quyết Số: 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp là: “nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”; cụ thể hóa khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”; tương thích với Điều 13, Luật Tổ chức Tòa án số: 62/2014/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2014. Đồng thời, kết quả 10 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự (năm 2004, sửa đổi bổ sung 2011) cho thấy, Bộ luật này đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng dân sự dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng dân sự. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự cũng cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự … cần được khắc phục như: Vẫn còn tình trạng vụ việc dân sự tồn đọng, quá thời hạn giải quyết; tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa chưa giảm mạnh, chất lượng xét xử chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội; Những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân như: quy định về chứng cứ, cung cấp và thu thập chứng cứ chưa bảo đảm để thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử”[3]; tính chất chủ động trong tố tụng của đương sự chưa thể hiện rõ, quá trình tố tụng chủ yếu phụ thuộc vào năng lực, trách nhiệm của Thẩm phán. Cho nên việc bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

  1. Tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam

2.1. Cơ sở xác định nội dung nguyên tắc tranh tụng

Phương hướng mà Chiến lược cải cách tư pháp đề ra là: “Hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người” (Nghị quyết Số: 49-NQ/TW Bộ chính trị). Một trong những quan điểm chỉ đạo khi xây dựng dự án Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là: “Phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập, kế thừa những quy định còn phù hợp; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về tố tụng dân sự và vấn đề đặt ra trong thực tiễn” [4]. Vì vậy, nội dung của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự phải bảo đảm phù hợp với những nguyên tắc hoạt động tố tụng hiện hành (tố tụng xét hỏi), kết hợp với tính hợp lý, tiến bộ của tố tụng tranh tụng (tính chủ động trong việc thu thập, giao nộp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ lợi ích của nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân trong quá trình tố tụng), nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và hoàn thiện trình tự, thủ tục tố tụng, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, tạo điều kiện cho các cá nhân, pháp nhân thuận lợi trong tiếp cận công lý, đương sự chủ động thu thập chứng cứ, giao nộp chứng cứ, tiếp cận chứng cứ, thực hiện quyền và nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2.2. Những nội dung chủ yếu của nguyên tắc tranh tụng

Tại Báo cáo Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) Số:  965 /BC-UBTVQH13 ngày 23 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thể hiện: “…Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự được thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Các chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện hoặc bảo đảm thực hiện tranh tụng. Điều 24 quy định về nguyên tắc chung bảo đảm tranh tụng trong xét xử: Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng, tranh luận trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định”.

Nội dung của nguyên tắc tranh tụng được thể hiện cụ thể như sau:

2.2.1. Nguyên tắc tranh tụng được thực hiện từ khi Tòa án thụ lý cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Quá trình soạn thảo Bộ luật TTDS năm 2015, một trong những vấn đề quan trọng cần làm rõ, đó là “Trong tố tụng dân sự, nguyên tắc tranh tụng được thực hiện từ khi nào? Kết thúc lúc nào?” Xét về mục đích của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự là nhằm đáp ứng yêu cầu: Dân chủ, bình đẳng, đề cao vai trò của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án, đồng thời, bảo đảm tính vô tư khách quan, tránh sự áp đặt chủ quan của người tiến hành tố tụng; trên cơ sở đó sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án có căn cứ, đúng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc tranh tụng phải được thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án.

Quyền và nghĩa vụ của đương sự bắt đầu từ khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án cho đến khi giải quyết xong vụ án đó; trong thực tế có vụ án giải quyết rất nhanh kết thúc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm (hòa giải thành, quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án), có vụ án kết thúc sau khi xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm, đặc biệt có vụ án phải giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Cho nên tranh tụng sẽ thực hiện từ khi thụ lý vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, do tính chất của từng giai đoạn tố tụng khác nhau, nên nội dung của tranh tụng trong mỗi giai đoạn cũng khác nhau.

2.2.2 Vai trò của Tòa án và đương sự khi thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự:

 (i) Vai trò, trách nhiệm của Tòa án:

 Với mô hình “tố tụng xét hỏi kết hợp những yếu tố hợp lý của tranh tụng”, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong tranh tụng như sau:

  - Một là: Bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Tòa án tôn trọng, tạo các điều kiện thuận lợi (theo luật định) để các đương sự người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc tranh tụng dân chủ và bình đẳng; phát huy tính chủ động của các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong việc đưa ra yêu cầu, thay đổi yêu cầu, thu thập, xuất trình chứng cứ để chứng minh yêu cầu hoặc ý kiến phản đối của mình là có căn cứ nhằm thể hiện “việc dân sự cốt ở đôi bên”.

- Hai là: Tòa án vẫn có trách nhiệm thu thập tài liệu chứng cứ[5], khi đương sự giao nộp chứng cứ không đầy đủ, chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ[6], tại phiên tòa Hội đồng xét xử sẽ hỏi những vấn đề sau khi đương sự trình bày và hỏi đáp nhưng chưa rõ hoặc chưa đầy đủ[7], trường hợp đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án sẽ giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được (bao gồm các chứng cứ đương sự giao nộp, xuất trình và những tài liệu chứng cứ do Tòa án thu thập được)[8]. Những quy định trên đây nhằm đảm bảo Tòa án thực hiện nhiệm vụ “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”[9], nhất là đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay (do trình độ, năng lực và điều kiện tranh tụng của các đương sự không đồng đều), bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người yếu thế.

(ii) Vai trò của đương sự trong tranh tụng

Đương sự là người tranh tụng, quá trình tranh tụng là quá trình đương sự chứng minh yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu của mình đối với đương sự khác trong vụ án là có căn cứ. Khi thực hiện tranh tụng, đương sự phải chủ động và tự chịu trách nhiệm về việc quyền đưa ra yêu cầu, thay đổi yêu cầu, bổ sung yêu cầu (theo quy định của Bộ luật Tố tụng), thu thập, giao nộp, xuất trình, đánh giá chứng cứ. Đương sự phải xác định, nếu không thu thập, giao nộp đầy đủ chứng cứ thì sẽ có nguy cơ yêu cầu hoặc phản đối của mình sẽ không được Tòa án chấp nhận.

2.2.3 Thu thập chứng cứ, giao nộp, xuất trình chứng cứ và lời trình bày, yêu cầu và tranh luận của đương sự trong suốt quá trình giải quyết vụ án

Trong tố tụng dân sự, đương sự nào yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì đương sự đó phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp; đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó là có căn cứ; đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc. Khi xét xử “Tòa án phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những căn cứ pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và giải quyết các vấn đề khác có liên quan”[10]. Đương sự phải xác định việc thu thập chứng cứ, giao nộp, xuất trình chứng cứ và lời trình bày của mình trước người tiến hành tố tụng vừa là quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ; nếu đương sự không thu thập, giao nộp đầy đủ chứng cứ, lời trình bày không rõ ràng, không đầy đủ chứng minh thì sẽ dẫn đến hậu quả không chứng minh được yêu cầu hay phản đối của mình là có căn cứ. Như vậy, thực chất của hoạt động tranh tụng là hoạt động chứng minh của đương sự; để chứng minh thì phải có chứng cứ, để có chứng cứ thì phải thu thập chứng cứ và giao nộp chứng cứ cho Tòa án, cho nên việc thu thập chứng cứ, giao nộp và trình bày nội dung tình tiết của vụ án là vấn đề cốt lõi của quá trình tranh tụng.

(i) Về thu thập chứng cứ: Bộ luật TTDS năm 2015 đã quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền thực hiện các biện pháp để thu thập chứng cứ, như sau: Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử; thu thập vật chứng; xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý; yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.[11] Với các biện pháp thu thập chứng cứ nói trên đều thể hiện tính chủ động và trực tiếp của đương sự, trừ trường hợp đối với tài liệu chứng cứ mà đương sự không thể thu thập được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập. Việc quy định như vậy là rõ ràng, là cơ sở pháp lý, giúp đương sự thực hiện tốt quyền tranh tụng.

(ii) Về giao nộp chứng cứ: Bộ luật TTDS năm 2015 đã quy định: Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để chứng minh yêu cầu hoặc phản đối của mình là có căn cứ. Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự[12].

Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự[13]. Việc quy định như vậy vừa bảo đảm quyền giao nộp tài liệu chứng cứ của đương sự vừa tránh việc đương sự lợi dụng quyền giao nộp tài liệu chứng cứ nhằm gây khó khăn, kéo dài việc giải quyết vụ án.

(iii) Về quyền được biết và tiếp cận các tài liệu chứng cứ của vụ án: Để có cơ sở xác định cần thu thập, giao nộp, xuất trình những tài liệu chứng cứ gì để chứng minh yêu cầu hoặc sự phản đối của mình là có căn cứ thì đương sự phải biết các tài liệu chứng cứ mà các đương sự khác đã giao nộp hoặc do Tòa án thu thập được là gì. Cho nên để bảo đảm thực hiện tốt việc tranh tụng thì các tài liệu chứng cứ của vụ án nói chung là phải được công khai, các đương sự đều có quyền biết và tiếp cận các tài liệu chứng cứ, trừ trường hợp nội dung tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự nhưng phải thông báo cho đương sự biết những tài liệu, chứng cứ không được công khai.[14]. Để bảo đảm quyền biết và tiếp cận các tài liệu chứng cứ, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

+ Nghĩa vụ của đương sự khi giao nộp các tài liệu chứng cứ cho Tòa án phải gửi bản sao các tài liệu chứng cứ đó cho các đương sự khác, trừ những tài liệu chứng cứ bí mật nói trên.[15]

+ Trách nhiệm của Tòa án, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ, phải thông báo về tài liệu, chứng cứ đó cho các đương sự để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

+ Đương sự được quyền biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:[16]

+ Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; phiên họp được tiến hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, do thẩm phán được phân công giải quyết tiến hành thực hiện sau khi việc thu thập, giao nộp tài liệu chứng cứ kết thúc. Mục đích của phiên họp này là nhằm bảo đảm tính công khai trong quá trình tố tụng, bảo đảm các bên kiểm tra xem các tài liệu chứng cứ mà mình đã giao nộp có được đưa đầy đủ vào hồ sơ vụ án không? Chứng cứ của đương sự khác giao nộp có gửi đầy đủ cho mình bản sao không? Trong quá trình tham gia phiên họp đương sự có đề nghị gì về: sửa đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện (phản tố, yêu cầu độc lập), việc thu thập chứng cứ, việc triệu tập người tham gia tố tụng tại phiên tòa.[17]

2.2.4 Phiên tòa tranh tụng

Trong tố tụng dân sự, các vụ án dân sự, nếu Thẩm phán hòa giải không thành hoặc những vụ án thuộc trường hợp không được hòa giải hay hòa giải không được thì phải mở phiên tòa để xét xử. Để nâng cao chất lượng xét xử, Hội đồng xét xử phải căn cứ vào kết quả tranh tụng để quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự; Bản án phải thể hiện đúng kết quả tranh tụng tại phiên tòa.  Cho nên quá trình diễn biến của phiên Tòa là khâu quan trọng nhất, phải bảo đảm thực hiện đầy đủ yêu cầu và nội dung của nguyên tắc tranh tụng. Bộ luật Tố tụng 2015 thể hiện phiên tòa theo nguyên tắc tranh tụng như sau:

(i) Về trình tự, và thời gian hoạt động tại phiên tòa: Trình tự phiên tòa gồm 3 phần: Phần Thủ tục bắt đầu phiên tòa; phần tranh tụng tại phiên tòa; phần nghị án và tuyên án. So với trình tự, thủ tục phiên tòa trước đây (Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, sửa đổi năm 2011) có nhiều điểm rất mới, trong đó có 2 vấn đề nổi bật nhất, đó là: Không quy định việc xét xử phải liên tục, phiên tòa có thể bị tạm ngừng trong trường hợp xét thấy có tình tiết của vụ án chưa đủ cơ sở giải quyết, tại phiên tòa không thể làm rõ được, cần có thời gian để các bên thu thập, bổ sung những tài liệu chứng cứ hoặc để Hội đồng xét xử thu thập thêm tài liệu chứng cứ, hay những lý do chính đáng khác[18]. Phiên tòa không bị giới hạn về thời gian (tất nhiên không được lợi dụng để nhằm kéo dài việc giải quyết vụ án) nhằm tạo mọi điều kiện các bên có đủ thời gian tranh tụng.

(ii) Về Nội dung của tranh tụng tại phiên tòa bao gồm:

- Trình bày của đương sự, trường hợp có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì người đó trình bày trước, đương sự trình bày bổ sung.

- Hỏi, đáp tại phiên tòa (bao gồm hỏi nguyên đơn, hỏi bị đơn, hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, hỏi người làm chứng), thứ tự hỏi đáp là nguyên đơn hỏi trước, kế tiếp là bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, chủ tọa, các thành viên hội đồng xét xử, Kiểm sát viên. Với thứ tự hỏi đáp như vậy nhằm đề cao vai trò chủ động của đương sự, tạo điều kiện thuận lợi việc tranh tụng.

- Công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án, nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh để kiểm tra đánh giá các tài liệu, chứng cứ mà các bên đã giao nộp, hoặc do Tòa án thu thập được trong quá trình tố tụng.

- Phát biểu tranh luận của đương sự, đây là hoạt động cuối cùng của tranh tụng tại phiên tòa, các đương sự phát biểu mang tính khái quát, phân tích đánh giá chứng cứ, đưa ra những lý lẽ lập luận để nhằm thể hiện yêu cầu hoặc sự phản đối của mình hoặc người được mình bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp là có căn cứ; đồng thời có thể đối đáp lại lời tranh luận của các các đương sự khác. 

- Phát biểu của kiểm sát viên

(iii) Vai trò của các chủ thể trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa.

- Người tiến hành tố tụng:

+ Chủ tọa phiên tòa: Điều khiển tranh tụng, Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, phải tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến của họ, nhưng có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến không có liên quan đến vụ án dân sự.

+ Các thành viên khác của Hội đồng xét xử tập trung nghe, xem xét các tài liệu chứng cứ và hỏi những vấn đề mà các đương sự hoặc người tham gia tố tụng khách đã trình bày, đã thực hiện việc hỏi đáp mà vẫn chưa rõ hoặc chưa đầy đủ.

+ Kiểm sát viên: thực hiện việc kiểm sát tuân theo pháp luật trong quá trình tranh tụng, hỏi những vấn đề mà các đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác đã trình bày, đã thực hiện việc hỏi đáp mà vẫn chưa rõ hoặc chưa đầy đủ.

+ Thư ký phiên tòa ghi đầy đủ các diễn biến tranh tụng vào biên bản phiên tòa và thực hiện các công việc khác theo sự phân công của chủ tọa.

- Người tham gia tố tụng:

+ Đương sự, là các chủ thể tranh tụng, tại phiên tòa đương sự phải trình bày cho Hội đồng xét xử những yêu cầu, đề nghị hoặc phản đối ý kiến của các đương sự khác; hỏi, trả lời, đối đáp; xuất trình tài liệu chứng cứ; phát biểu tranh luận.

+ Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc tranh tụng thay cho đương sự hoặc hỗ trợ đương sự tranh tụng.

+ Những người tham gia tố tụng khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo luật định, cung cấp những thông tin, thực hiện những công việc mà họ biết.

III. Những hạn chế, bất cập trong thực tiễn

Nhìn chung, kể từ khi Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực, quá trình tố tụng đã thể hiện được tính dân chủ, bình đẳng, bảo đảm các đương sự đều thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong tố tụng, phát huy tính chủ động và đề cao trách nhiệm của đương sự khi tham gia tố tụng, nhất là những vụ án có Luật sư tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự; bản án đều căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; khắc phục hiện tượng “án bỏ túi”, hoặc “án tại hồ sơ” ít coi trọng diễn biến phiên tòa…

Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong thực tiễn còn có những bất cập sau:

3.1. Nhiều đương sự không thực hiện đầy đủ các nội dung tranh tụng

Vì người thực hiện tranh tụng là đương sự hoặc người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự, cho nên có thực hiện tranh tụng hay không, mức độ và kết quả của việc tranh tụng như thế nào, đều phụ thuộc vào đương sự hoặc người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự.

Hiện nay, trình độ, năng lực nhất là sự hiểu biết về pháp luật để thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự không đồng đều, có đương sự trình độ rất cao, năng lực rất giỏi, khả năng tranh tụng rất tốt, trong trường hợp đó thực hiện việc tranh tụng rất tốt. Ngược lại có đương sự không biết phải giao nộp cho Tòa án những tài liệu chứng cứ như thế nào là đủ, làm thế nào để thu thập và giao nộp chứng cứ cho Tòa án; tại phiên tòa trình bày không rõ ràng, khó hiểu, không thực hiện được quyền hỏi các đương sự khác, nhưng không nhờ Luật sư tham gia với tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp để giúp họ thực hiện việc tranh tụng (thường là do không có khả năng nhờ Luật sư); đối với những vụ án như vậy, các đương sự rất ít thực hiện tranh tụng, việc thu thập chứng cứ chủ yếu do Thẩm phán thực hiện, đặt các câu hỏi để làm rõ sự việc tại phiên tòa chủ yếu do Hội đồng xét xử tiến hành, nên việc tranh tụng chưa được phát huy.

3.2. Còn nhiều cơ quan, tổ chức chưa hiểu đương sự có quyền “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý” [19]

Cho nên trong thực tiễn, các đương sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu chứng cứ, nhất là các tài liệu đó đang do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác đang lưu trữ, quản lý; những trường hợp này, đương sự không thể thu thập được, nên phải đề nghị Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ, làm cho việc tranh tụng gặp rất nhiều khó khăn.

3.3. Hoạt động bổ trợ tư pháp chưa đồng bộ trong tranh tụng

Đội ngũ Luật sư hoạt động không đồng đều (chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn), vùng sâu, vùng xa, miền núi rất ít Luật sư, một số Luật sư thực hiện kỹ năng tranh tụng còn hạn chế. Tổ chức giám định, thẩm định giá, Thừa phát lại… còn nhiều bất cập, chưa thật sự thuận lợi để giúp cho đương sự thực hiện việc tranh tụng.

  1. 4. Trình độ năng lực và kỹ năng giải quyết vụ án, điều hành phiên Tòa ở một số Thẩm phán còn hạn chế
  2. Những giải pháp chủ yếu thực thi nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự

Để thực hiện tốt việc tranh tụng, cần khắc phục những bất cập, hạn chế nói trên, trong đó một trong những giải pháp quan trọng là:

  1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, nhất là pháp luật về tố tụng, để các chủ thể khi tham gia tố tụng có thể tự mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ về tranh tụng.
  2. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức bổ trợ tư pháp, cung cấp đầy đủ các dịch vụ pháp lý cần thiết cho việc tranh tụng; đặc biệt hoạt động của Luật sư để các Luật sư có thể giúp cho các thân chủ của mình thực hiện tốt việc tranh tụng; cần tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý để giúp các đương sự là người nghèo, người yếu thế thực hiện việc tranh tụng.
  3. Phải có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp các tài liệu chứng cứ cho đương sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
  4. Không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, nhất là Thẩm phán khi thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình trong tố tụng.
  5. Cần tổng kết, để sửa đổi hoàn thiện về pháp luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý thuận lợi để giúp các đương sự thực hiện đầy đủ quyền nghĩa vụ trong tranh tụng./.

ThS. Tống Anh Hào

     Thẩm phán, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao

[1]. Điều 3 Pháp lệnh về Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (1989).

[2]. Khoản 1 Điều 197 BLTTDS 2004.

[3]. Trích Tờ trình Dự án luật Số:   03/TTr-TANDTC ngày 09 tháng 4 năm 2015 của Tòa án nhân dân tối cao.

[4]. Trích Tờ trình dự án Bộ luật Tố tụng dân sự Số:  03/TTr-TANDTC ngày 09 tháng 4 năm 2015 của Tòa án nhân dân Tối cao.

[5]. Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 97, từ điều 98 đến Điều 106, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[6]. Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[7]. Điểm c, khoản 1 Điều 249 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[8]. Khoản 4 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[9]. Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013, khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân dân 2014.

[10]. Điểm b, khoản 1 Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[11]. Khoản 1 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[12]. Khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[13]. Khoản 4 Điều 96, khoản 3 Điều 248, Điều 287, Điều 330 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[14]. Điều 109 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 2015.

[15]. Khoản 9 Điều 70, khoản 5 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[16]. Khoản 8 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[17]. Điều 208, Điều 209, khoản 1, 2, 3 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[18]. Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[19]. Điểm d khoản 1 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

...
  • Tags: