Trào lưu tranh luận trên mạng xã hội: Ý nghĩa hay vô nghĩa

Tự do ngôn luận trên mạng xã hội là một quyền quan trọng, tuy nhiên đi cùng với đó là nghĩa vụ người dùng mạng xã hội phải chấp hành nghiêm túc Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật về phát ngôn, chia sẻ và cung cấp thông tin trên mạng xã hội và quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Hiện nay, bên cạnh những tác động to lớn do mạng xã hội đem lại giúp phủ xanh những thông tin tích cực, giúp cho người dân bày tỏ và bảo vệ được quan điểm  của mình thì còn tồn tại một thực trạng đáng buồn, đó là thói quen tham gia vào các cuộc thảo luận, tranh luận, nói xấu một cá nhân, một vấn đề được dư luận xã hội quan tâm mà cao trào dẫn đến các cuộc cãi vả không cần thiết, sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực từ đó tạo ra môi trường tiêu cực trên mạng xã hội; bên cạnh đó còn hiện tượng một số cá nhân dùng mạng xã hội mặc dù không liên quan đến các vụ việc nhưng rất tích cực tham gia vào những cuộc “cãi vả”, xúc phạm, bôi nhọ lẫn nhau nhằm đẩy vụ việc đi xa hơn trên mạng xã hội.

Trên mạng xã hội, không khó tìm thấy các bài viết có thông tin giật gân, những bài “bóc phốt” cá nhân theo hướng “nghe nói, gần nhà, chứng kiến” để “câu like, câu view”, các bình luận trên các bài viết này thường mang tính tiêu cực, sử dụng các từ ngữ không đúng chuẩn mực, xúc phạm danh dự của người khác… Có trường hợp thái quá, các cá nhân sử dụng mạng xã hội dù không liên quan đã tìm và bình luận vào tài khoản mạng xã hội của cá nhân bị “bóc phốt” để chửi bới, lăng mạ… Bản thân nhiều người cảm thấy họ là anh hùng khi đứng ra bênh vực cái đúng đấu tranh với cái sai, họ không ngần ngại buôn những lời miệt thị, lăng mạ hoặc bịa đặt những thông tin để cũng cố những luận điệu họ đưa ra, cho dù họ chỉ được nghe câu chuyện từ một phía hoặc nghe kể lại. Các hành vi này không chỉ làm xấu môi trường mạng xã hội mà còn có thể vi phạm pháp luật, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phát vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ, hoặc nếu nặng hơn người vi phạm có thể bị khởi tố theo điều 155, 156 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về  Tội làm nhục người khác và Tội vu khống.

Một số hình ảnh của các tài khoản Facebook đăng tải bài viết,

bình luận trên mạng xã hội

Bản thân mỗi người dùng mạng xã hội cần nâng cao nhận thức của bản thân trong việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin. Nên nhớ MẠNG XÃ HỘI LÀ ẢO NHƯNG CHẾ TÀI XỬ PHẠT LÀ THẬT.

Thanh Hữu (Công an Đắk Lắk)

...
  • Tags: