Tư cách chủ thể của robot thông minh- từ góc độ luật so sánh và hàm ý cho Việt Nam
PLQLTrong bài viết này, tác giả phân tích về các chế định pháp luật có thể áp dụng để điều chỉnh robot thông minh từ góc độ luật so sánh: như phân tích lý thuyết và quy định của một số hệ thống pháp luật lớn trên thế giới đặc biệt là châu Âu lục địa và Thông luật Anh - Mỹ, chỉ ra hai hướng tiếp cận chính hiện nay để điều chỉnh robot thông minh là luật về chủ thể (law of persons) và luật về tài sản (law of property) với sự nhấn mạnh vào luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Cả hai cách tiếp cận này đều có những ưu, nhược điểm riêng mà Việt Nam có thể tham khảo để tiếp cận, xây dựng hoặc hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan.
Ảnh minh họa - Internet
1. Cách mạng 4.0 và sự phát triển của Robot thông minh
Từ điển tiếng Anh Oxford định nghĩa, robot là một cỗ máy có khả năng thực hiện một loạt các hành động phức tạp một cách tự động, đặc biệt là các cỗ máy được lập trình bởi một máy tính[1]. Giải thích rõ hơn, Đại từ điển Bách khoa toàn thư Britannica giải thích, robot là các cỗ máy tự hành nhằm thay thế lao động của con người[2]. Tuy ý tưởng về máy móc tự động đã được tìm thấy trong lịch sử cổ đại, nhưng từ Robot lại chỉ được bắt đầu sử dụng từ năm 1920 trong một vở kịch của Karel Čapek’, có nguồn gốc từ tiếng Séc có nghĩa là “lao động cưỡng bức”[3]. Ngày nay, thuật ngữ Robot không chỉ bao gồm các máy móc hữu hình mà còn hàm chứa các phần mềm, chương trình máy tính. Ở góc độ này, thậm chí một con virus máy tính cũng được xem là robot[4].
Các chuyên gia đồng ý rằng, để được xem là robot thì một máy móc hay chương trình phải có một trong các chức năng sau: chấp nhận chương trình điện tử, xử lý dữ liệu hoặc thông điệp vật lý qua quy trình điện tử, vận hành tự động đến mức độ nhất định, di chuyển, vận hành các bộ phận hữu hình hoặc các thông điệp vật lý, cảm biến và phản ứng với môi trường, và có khả năng thực hiện các hành vi thông minh giống như con người hoặc một loài động vật khác[5].
Robot có thể được phân loại theo nhiều cách: Robot tự hành hoặc được điều khiển; Robot bán tự động và robot tự động; Robot công nghiệp hoặc robot dịch vụ[6]. Mỗi cách phân loại có giá trị nhất định trong việc đánh giá, sử dụng và nghiên cứu phát triển robot. Từ góc độ thực tế, Robot đã được con người sử dụng từ rất lâu trong nhiều lĩnh vực khác nhau: từ y tế, giáo dục, quân sự, công nghiệp, đến cả gia đình và luật pháp. Những máy móc bán tự động đầu tiên đã xuất hiện trên thế giới từ rất lâu, các hệ thống ròng rọc chuyển động, các cối giã gạo tự động lợi dụng sức nước của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều là những ví dụ cho các loại máy móc tự hành này. Tuy nhiên, máy móc bán tự động hoàn chỉnh chính xác được thừa nhận đầu tiên lại là chiếc đồng hồ thiên văn của Tô Tụng vào thế kỷ thứ 11[7]. Phải gần 1000 năm sau đó, vào thế kỷ 20, con robot tự động hóa hoàn toàn đầu tiên mới được Devol chế tạo ra vào năm 1954 và sử dụng trong các nhà máy ô tô của General Motors. Sáng chế của Devol phát minh có tính bản lề cho công nghiệp robot hiện đại[8]. Một thống kê vào năm 2010 cho biết, thế giới có 8,6 triệu robots công nghiệp đang hoạt động. Dự đoán của Liên đoàn Robot quốc tế cho biết vào năm 2019, số lượng robot bán ra hàng năm sẽ vào khoảng 1,9 triệu robot hàng năm[9]. Đấy là chưa kể đến số lượng phần mềm, chương trình máy tính được phát triển hàng năm. Sự phát triển nhanh chóng về số lượng và cả phạm vi chức năng của robot này là một điều tích cực trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một loạt các lo ngại về xã hội, đạo đức và pháp lý đã xuất hiện liên quan đến việc sản xuất, phát triển và sử dụng robot.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là thuật ngữ được dùng để chỉ những đột phá công nghệ lớn, mang tính thay đổi căn bản các công nghệ cũ đang diễn ra hiện nay[10]. Klaus gọi đó là những thay đổi có tính đứt gãy, triệt để[11]. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này xuất hiện các công nghệ và phương thức sản xuất mới mang tính đột phá, ví dụ như Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, kinh tế chia sẻ …[12]. Tuy thuật ngữ Cách mạng công nghiệp 4.0 hàm chứa một loạt các khái niệm mà việc phân loại hay phân tách chúng không phải là dễ dàng thì các nhà nghiên cứu vẫn chỉ ra được một khuynh hướng chung nảy sinh trong cuộc cách mạng này: đó là sự kết hợp giữa các hệ thống thực (physical systems) với các hệ thống ảo (cyber systems) thành các hệ thống công nghệ mới[13]. Trong đó, sự kết hợp mang tính điển hình nhất chính là giữa robot với trí tuệ nhân tạo trên cơ sở dữ liệu lớn (big data) và có thể được hỗ trợ bởi vật liệu mới, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học. Điều này dẫn đến hiện tượng là “máy móc thay thế, trợ giúp cho suy nghĩ, tư duy hay năng lực trí tuệ của con người”[14]. Và người máy thông minh, sau khi thành công trong việc thay thế người lao động chân tay giản đơn trong cuộc Cách mạng công nghiệp 3.0 bây giờ sẽ thay thế luôn cả người lao động trí óc[15]. Một nghiên cứu chi tiết của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford đã chỉ ra 702 công việc hiện do con người đảm nhiệm có thể bị thay thế bởi robot thông minh trong tương lai theo các mức độ khác nhau, trong đó có đến 70 công việc là có khả năng bị thay thế cao[16]. Công ty tư vấn Mckinsey thậm chí còn dự đoán rằng robot sẽ thay thế đến 1/3 lực lượng lao động làm việc vào năm 2030, tương đương 800 triệu người[17].
Không chỉ liên quan mật thiết đến lao động và việc làm, robot thông minh còn đặt ra nhiều vấn đề xã hội, đạo đức và pháp lý cần phải quan tâm. Việc sử dụng robot thông minh vào các hoạt động như chiến tranh (robot chiến đấu), dân dụng (ô tô tự hành), giúp việc gia đình, y tế, pháp lý, chương trình máy tính, nhất là trong bối cảnh các robot này có khả năng tư duy, tự ra quyết định, độc lập với người chế tạo hoặc sở hữu đặt ra nhiều câu hỏi về giới hạn và kiểm soát hành vi của các loại robot này, tránh gây hại cho con người. Và quan trọng nhất, con người sẽ phản ứng thế nào nếu một ngày robot thông minh tự ý thức được về bản thânvà yêu cầu được thừa nhận là bình đẳng với con người[18]?
2. Cơ chế pháp lý kiểm soát và quản lý robot: Robot với tư cách là một tài sản
Các tiềm năng và nguy cơ mà robot có thể mang đến cho con người và xã hội đã buộc các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và lập pháp phải suy xét về các cơ chế pháp lý hiệu quả để kiểm soát và điều chỉnh robot. Các cơ chế pháp lý này không những phải ngăn ngừa, giải quyết hiệu quả các nguy cơ mà robot có thể gây ra mà còn phải thúc đẩy và áp dụng được các tiềm năng mà robot có thể mang lại. Nhiều giải pháp đã được đề xuất, một số dựa trên việc áp dụng các chế định pháp lý hiện hành, một số là các giải pháp pháp lý mới.
Đầu tiên, cần phải nhắc đến ba nguyên tắc căn bản áp dụng cho robot của Asimov. Ba nguyên tắc này được Asimov đưa ra trong một tiểu thuyết khoa học giả tưởng vào năm 1942 nhưng đã nhanh chóng được cộng đồng khoa học quốc tế thừa nhận và áp dụng trong việc nghiên cứu, sản xuất robot. Ba nguyên tắc đó là:
Thứ nhất, robot không được gây tổn thương cho con người hoặc qua việc không hành động, để cho con người bị tổn thương.
Thứ hai, robot phải chấp hành các mệnh lệnh do con người đưa ra trừ trường hợp mệnh lệnh đó vi phạm nguyên tắc thứ nhất.
Thứ ba, robot phải bảo vệ sự tồn tại của chính nó trong chừng mực mà sự tồn tại đó không xung đột với nguyên tắc thứ nhất và thứ hai[19].
Tuy được thừa nhận là ba nguyên tắc căn bản và phổ quát áp dụng với robot nhưng có thể dễ dàng nhận thấy một số điểm yếu của ba nguyên tắc này. Thứ nhất, đây không phải là các nguyên tắc pháp lý và do đó không thể được cưỡng chế thực thi. Thứ hai, bản thân khái niệm “con người” và “robot” cũng chưa được định nghĩa một cách đầy đủ, rõ ràng. Và thứ ba, nhiều trường hợp bản thân robot cũng không ý thức được rằng mình đang có hành vi gây hại cho con người. Ví dụ điển hình nhất cũng từ chính một câu chuyện của Asimov, trong đó robot được chế tạo với nhận thức rằng chỉ có những người nói một ngôn ngữ nhất định thì mới là con người, còn nói ngôn ngữ khác thì không[20].
Thực tiễn hơn, các nhà nghiên cứu và lập pháp đã đề xuất áp dụng hai chế định pháp lý sau để kiểm soát robot. Thứ nhất, coi robot là một tài sản, một loại sản phẩm, hàng hóa và từ cơ sở này áp dụng các chế tài về hợp đồng và trách nhiệm dân sự, đặc biệt chế định trách nhiệm do bất cẩn/cẩu thả hoặc trách nhiệm sản phẩm đối với nhà sản xuất, chủ sở hữu hoặc người sử dụng khi robot gây hại. Thứ hai, trao cho robot tư cách chủ thể (electronic personality) để robot tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Từ góc độ thứ nhất, quy chế pháp lý áp dụng cho robot sẽ là các quy tắc về tài sản, hàng hóa và trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng[21]. Theo đó, robot được xem là một loại tài sản, một vật, cụ thể hơn là một động sản hữu hình[22]. Từ đó, trách nhiệm đối với thiệt hại do robot gây ra sẽ được xác định và áp đặt giữa nhiều chủ thể (cá nhân và/hoặc pháp nhân) có liên quan tới việc sáng tạo, huấn luyện, sở hữu, sử dụng robot thông minh dựa trên yếu tố lỗi. Ví dụ như, nếu robot được sản xuất ra có khiếm khuyết thì nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại do sản phẩm gây ra theo chế định trách nhiệm nghiêm ngặt trong việc bảo vệ người tiêu dùng[23]. Trong trường hợp này, nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do robot gây ra dù mình không có lỗi[24], với điều kiện nhà sản xuất là thương nhân và khiếm khuyết xảy ra trước hoặc tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán, thậm chí kể cả khi chủ sở hữu robot bất cẩn[25].
Nếu nhà sản xuất không có lỗi, khi đó sẽ áp dụng cơ chế trách nhiệm bồi thường thiệt hại không có lỗi hay còn gọi là bất cẩn đối với chủ sở hữu robot. Với chế định này, chủ sở hữu phải có lỗi vô ý hay lỗi bất cẩn (negligence) trong việc để cho robot gây thiệt hại đối với người khác. Lỗi bất cẩn này được hiểu là chủ sở hữu có một nghĩa vụ cẩn trọng (duty of care) đối với người khác trong việc sử dụng robot của mình và chủ sở hữu đã vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng đó dẫn đến thiệt hại cho người khác[26]. Ở đây, trách nhiệm của chủ sở hữu robot giống như trách nhiệm của người chủ sở hữu vật nuôi trong nhà, các con vật đã được thuần hóa và hành vi là có thể đoán định được chứ không phải giống với trách nhiệm của chủ sở hữu động vật hoang dã, vốn chịu trách nhiệm nghiêm ngặt[27].
Dựa trên ý tưởng về sự phân loại giữa động vật hoang dã và vật nuôi trong nhà, các tác giả đã tiếp tục nghiên cứu so sánh pháp luật châu Âu và châu Á và đề xuất nên phân loại robot thành robot nguy hiểm cao và robot an toàn. Với robot nguy hiểm thì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm nghiêm ngặt và có thể bị áp đặt cả chế tài hình sự. Còn đối với robot an toàn thì chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự do lỗi vô ý[28].
Cho đến bây giờ, đây vẫn là khung khổ pháp lý chính thức điều chỉnh robot thông minh. Robot thông minh, dù là hữu hình như một vật hay vô hình như một chương trình máy tính, đều được coi là đối tượng của quyền tài sản (ví dụ như quyền sở hữu hay quyền tác giả)[29]. Trên cơ sở đó, trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan tới robot thông minh sẽ được điều chỉnh bởi luật hợp đồng hoặc luật về trách nhiệm dân sự (bồi thường ngoài hợp đồng). Đặc biệt, luật về trách nhiệm dân sự với chế định về trách nhiệm sản phẩm đang được xem là chế định cơ bản điều chỉnh các thiệt hại do robot thông minh gây ra[30]. Nghị viện châu Âu đã nhấn mạnh trong Nghị quyết của mình rằng: “Cho rằng trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do robot gây ra là một vấn đề quan trọng cần được phân tích và giải quyết ở cấp độ Liên minh để đảm bảo mức độ hiệu quả, minh bạch và nhất quán trong việc đảm bảo sự chắc chắn về mặt pháp lý trên toàn Liên minh châu Âu đối với lợi ích của người dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp”[31].
Tuy nhiên, từ góc độ chính sách lập pháp và kỹ thuật pháp lý thì tồn tại nhiều khó khăn và hạn chế khi áp dụng chế định trách nhiệm dân sự trên cơ sở lỗi cho robot thông minh[32]. Nhóm chuyên gia về công nghệ mới và trách nhiệm (dân sự) (Expert Group on Liability and New Technologies) đã phân tích một cách chi tiết các thách thức đặt ra đối với việc áp dụng chế định trách nhiệm dân sự cho robot thông minh từ xác định thiệt hại tới lỗi, tới quan hệ nhân quả và cả thủ tục tố tụng[33]. Thách thức lớn nhất tới từ việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường khi có rất nhiều chủ thể có liên quan tới robot thông minh từ người lập trình, chế tạo, huấn luyện, sở hữu, sử dụng robot thông minh. Và hệ thống pháp luật hiện hành không đủ hữu hiệu để giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan tới trách nhiệm với các thiệt hại do robot thông minh gây ra cho các chủ thể[34].
Cơ chế pháp lý kiểm soát và quản lý robot: Robot với tư cách là một chủ thể. Ngoài các nhược điểm đã nêu ở trên, cơ chế pháp lý kiểm soát robot thông qua các quy tắc của luật tài sản cũng có một số nhược điểm khác. Nhược điểm thứ nhất là không tính đến thực tế ngày càng xuất hiện nhiều robot thông minh với trí tuệ bằng hoặc vượt xa con người, có khả năng chủ động tư duy và ra quyết định. Nhược điểm thứ hai ở chỗ robot không chỉ có khả năng gây ra các thiệt hại về nhân thân hay tài sản đối với người khác, mà trên thực tế còn tạo ra các ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội, ví dụ như tình trạng thất nghiệp, sự sụt giảm về thuế thu nhập cá nhân, hay là việc robot tự mình tạo lập ra các tài sản khác. Chính vì lẽ đó, các nhà luật học đã nghĩ tìm kiếm một giải pháp khác để có thể điều chỉnh hành vi của robot tốt hơn, xử lý các vấn đề mà robot gây ra cho xã hội trong khi vẫn thu lợi được từ các tiềm năng của robot, và một số luật gia đã đề xuất nên thừa nhận tư cách chủ thể pháp luật cho robot[35]. Đi đầu trong việc đề xuất này là Nghị viện châu Âu. Đầu năm 2017, Nghị viện châu Âu đã thông qua một dự thảo Nghị quyết của Ủy ban pháp luật châu Âu và đệ trình lên Hội đồng châu Âu để ban hành. Trong dự thảo Nghị quyết, tại Đoạn 31, điểm f, Nghị viện châu Âu đã kiến nghị Hội đồng châu Âu:
Thiết lập một tư cách pháp lý riêng cho robot, chí ít là thừa nhận các robot tự động thông minh nhất có thể được trao tư cách chủ thể điện tử (electronic persons) với các quyền và nghĩa vụ cụ thể, bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại robot gây ra và áp dụng tư cách chủ thể điện tử đó trong các trường hợp mà robot đưa ra các quyết định thông minh độc lập (smart autonomous decisions) hoặc giao thiệp với bên thứ ba một cách độc lập[36].
Sau khi thảo luận tại Nghị viện, nội dung Nghị quyết đã được mở rộng hơn rất nhiều từ 38 điều khoản chính như trong dự thảo lên thành 68 điều khoản[37]. Điều 31(f) cũng thay đổi thành Điều 59(f) với một số thay đổi về câu chữ. Cụ thể là:
Nghị quyết đã bỏ đi cụm từ với quyền và nghĩa vụ cụ thể và chữ thông minh. Tuy việc bỏ cụm từ với quyền và nghĩa vụ cụ thể không thật sự quan trọng thì việc bỏ đi chữ thông minh có thể được hiểu là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết.
Tuy nhiên, trong phần Phụ lục của Nghị quyết cũng đề xuất khái niệm với tiêu chí chung để áp dụng cho các robot thông minh tự hành (smart autonomous robots) là sự kết hợp giữa robot và trí tuệ nhân tạo. Robot thông minh tự hành được định nghĩa là robot có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, đạt được sự tự chủ qua các cảm biến hoặc/và trao đổi dữ liệu với môi trường và chuyển giao cũng như phân tích dữ liệu.
Thứ hai, có thể tự học tập.
Thứ ba, có cơ chế hỗ trợ vật lý (physical support).
Thứ tư, thay đổi hành vi và hành động thích ứng với môi trường xung quanh[38].
Qua cách hành văn của Nghị quyết cũng như lập luận của Ủy ban soạn thảo, có thể nhận thấy luận điểm ủng hộ việc thừa nhận tư cách chủ thể cho robot này xuất phát từ hai luận cứ chủ yếu là thuyết giá trị luận và thuyết vị lợi. Theo thuyết vị lợi, việc thừa nhận tư cách chủ thể pháp luật cho robot cũng giống như việc thừa nhận tư cách pháp nhân cho các thực thể phi nhân tính khác, ví như công ty hay Nhà nước; đó là nó có các mục tiêu nhất định chứ không phải tự thân các thực thể đó xứng đáng được thừa nhận là chủ thể. Chỉ có con người, cá nhân mới là chủ thể tự nhiên và đương nhiên duy nhất của luật.
Thuyết vị lợi có thể được tìm thấy ngay trong dự thảo Nghị quyết của Nghị viện châu Âu. Nghị viện châu Âu đã dẫn chiếu một loạt lý do bên ngoài cho khuyến nghị của mình. Đầu tiên là thực tế phát triển mạnh mẽ của công nghệ robot và các công nghệ khác đã dẫn đến một cuộc cách mạng công nghiệp khác với rất nhiều tiềm năng và nguy cơ: rằng robot có thể mang lại lợi ích to lớn về hiệu năng và sản lượng, đặc biệt trong các lĩnh vực vốn nguy hiểm cho con người; rằng sự phát triển này có thể dẫn đến sự mất việc hàng loạt của lao động gây ra tình trạng bất bình đẳng thu nhập và của cải. Hơn thế nữa, robot có thể có các hành vi gây thiệt hại cho con người, xâm phạm về quyền bí mật đời tư, bí mật thông tin, và đặc biệt khả năng cao là trí tuệ robot sẽ vượt qua trí tuệ con người, qua đó đe dọa chính sự tồn vong của nhân loại[39]. Chính vì thế, việc thừa nhận tư cách chủ thể cho robot sẽ giúp:
- Buộc robot phải tuân thủ các quy tắc pháp lý do con người đặt ra, đặc biệt là trong mối quan hệ với con người.
- Chịu trách nhiệm về các hành vi gây thiệt hại của mình gây ra đối với con người hoặc với các chủ thể khác.
- Đóng thuế, qua đó duy trì hệ thống an sinh xã hội, góp phần bảo đảm bình đẳng thu nhập, phúc lợi tối thiểu cho con người.
- Buộc robot phải đăng ký và mua bảo hiểm trách nhiệm.
- Thiết lập một cơ sở dữ liệu chung để kiểm soát robot[40].
Có thể nhận thấy rõ sự ảnh hưởng của mục tiêu trong khuyến nghị thừa nhận tư cách chủ thể cho robot thông minh của Nghị viện châu Âu. Các mục tiêu này ít hoặc gần như không gắn gì với câu chuyện bản chất của chủ thể pháp luật.
Luận cứ thứ hai được sử dụng để ủng hộ việc thừa nhận tư cách chủ thể cho robot xuất phát từ thuyết giá trị. Xuất phát từ những luận điểm mạnh mẽ của Locke và Kant vốn tập trung vào giá trị tự thân của khái niệm. Locke cho rằng, chủ thể là khái niệm để chỉ các thực thể thông minh (intelligent being), tức là các thực thể có khả năng tư duy và tự vấn kể cả về chính bản thân nó dù ở các thời gian và địa điểm khác nhau[41]. Kant thì cho rằng, chủ thể là người có khả năng chịu trách nhiệm cho chính hành vi của mình[42]. Hai luận điểm này tuy tưởng chừng là đối lập nhau nhưng thực tế lại cùng có thể được sử dụng để biện minh cho việc thừa nhận tư cách chủ thể pháp luật cho robot thông minh với tư cách là một thực thể có các tố chất cần thiết như biết suy nghĩ, biết cảm nhận, thấu hiểu, tự vấn, tự chủ và tự diễn tưởng về bản thân trong tương lai[43]. Những tố chất đó không chỉ tìm thấy trong con người mà có thể cả ở động vật bậc cao hay robot nữa. Thậm chí, một số con người vì thế cũng không đủ tố chất để được coi là chủ thể nếu họ không minh mẫn, sáng suốt hoặc vì một lý do nào đó. Dưới luận thuyết này, việc thừa nhận robot là chủ thể là một việc tự nhiên, dựa trên chính các đặc tính vốn có của robot[44].
Cả hai luận điểm ủng hộ này được củng cố bởi một thực tế pháp lý khác là khái niệm chủ thể (person) chưa bao giờ phát sinh từ hoặc gắn với cá nhân (individual). Phân tích luật La Mã, hệ thống pháp luật đầu tiên trên thế giới có định nghĩa về chủ thể cho thấy, từ chủ thể (person) là từ mà các học giả La Mã vay mượn từ thuật ngữ (persona) có nghĩa là chiếc mặt nạ (mask) trong nghệ thuật sân khấu Hy – La[45]. Điều này hàm ý rằng, chủ thể và cá nhân là hai thực thể khác biệt nhau, một cá nhân có thể có nhiều tư cách chủ thể trong khi có cá nhân lại không có bất kỳ tư cách nào, ví dụ như nô lệ. Bản thân cá nhân muốn trở thành chủ thể phải có các tư cách mà trong đó quan trọng nhất là tự do, quốc tịch và địa vị gia đình[46]. Chính từ luận thuyết này mà các nhà luật học về sau đã định nghĩa chủ thể là thực thể được pháp luật trao cho quyền lợi và nghĩa vụ. Và chính qua việc trao quyền cho một thực thể luật pháp đã thiết lập tư cách chủ thể cho thực thể đó. Mỗi chủ thể, do đó, sẽ có các quyền và nghĩa vụ khác nhau[47]. Lý do của việc trao quyền cho một thực thể nhất định là câu hỏi nằm về chính sách, tôn giáo, tâm lý hay xã hội, ví như, pháp nhân đầu tiên trên thế giới được thừa nhận lại là một nhà thờ dưới ảnh hưởng của Thiên chúa giáo.
Một số nghiên cứu công bố sau đó đã bổ sung thêm các luận giải để ủng hộ cho hướng tiếp cận này, đặc biệt là từ lý thuyết chức năng. Chúng ta có thể xác định một số điều kiện theo đó nó có thể phù hợp để trao tư cách chủ thể mang tính hư cấu cho một nhóm ứng dụng cụ thể giống như đã làm với các công ty. Những điều kiện như vậy bao gồm nhu cầu (i) thúc đẩy sự phối hợp giữa nhiều bên có liên quan, chẳng hạn như khi có nhiều đối tượng cùng tham gia cung cấp dịch vụ dựa trên AI hoặc sản phẩm và tách biệt trách nhiệm của từng người mà thường là khó khăn, nếu không muốn nói là không thể; (ii) tách bạch tài sản riêng và giới hạn trách nhiệm để dễ dàng phân phối doanh thu cũng như phân bổ thiệt hại do công nghệ gây ra; (iii) thúc đẩy sự công khai minh bạch thông qua cơ chế đăng ký và cáo bạch trách nhiệm, qua đó xác định những bên có lợi ích kinh tế hoặc lợi ích khác trong hoạt động của thiết bị; (iv) áp đặt các mức thuế khác nhau để khuyến khích sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ được xem là phù hợp”[48].
Ý tưởng thừa nhận tư cách chủ thể cho robot không phải là không có phản đối. Ví dụ như trong một nghiên cứu độc lập khác do Ủy ban pháp luật thuộc Nghị viện châu Âu tài trợ, các tác giả đã phản đối ý tưởng thừa nhận tư cách chủ thể cho robot và gọi đó là khoa học giả tưởng[49]. Các tác giả cũng phê bình ý tưởng đó là vô ích và không cần thiết. Có hai lý do mà các tác giả nêu ra để phản đối ý tưởng. Thứ nhất, chủ thể là khái niệm có trọng tâm là con người và vì con người. Do đó, khi pháp luật thừa nhận tư cách chủ thể cho một thực thể khác thì tức là pháp luật đang muốn đồng hóa thực thể đó với con người. Do đó, chỉ có những thực thể nào có các tố chất gần với con người, ví như động vật bậc cao thì mới có thể được thừa nhận là chủ thể, còn robot thì không vì cuối cùng đó vẫn chỉ là một cỗ máy được lập trình trước[50]. Thứ hai, một số thực thể được thừa nhận là chủ thể theo thuyết giả tưởng, ví dụ như pháp nhân, cuối cùng nó vẫn có con người đứng sau và cần đến con người để duy trì cuộc sống pháp lý của mình. Còn nếu chỉ vì muốn áp đặt trách nhiệm pháp lý lên các hành vi của robot thì các chế định hiện hành khác có hiệu quả tốt hơn, ví như các quy định về tài sản, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm trách nhiệm chứ không cần phải trao tư cách chủ thể cho robot[51]. Cuối cùng, thừa nhận tư cách chủ thể cho robot cũng đồng nghĩa với việc xóa nhòa biên giới giữa người và vật, giữa sự sống và bất động, giữa nhân tính và phi nhân tính. Nói cách khác, máy sẽ lên thành người và con người sẽ bị xem là một cỗ máy[52].
Khuyến nghị trao tư cách chủ thể cho robot thông minh cũng vấp phải nhiều phản đối khác, mạnh mẽ nhất là ý kiến của 156 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực tại 14 quốc gia châu Âu. Trong bức thư mở của mình, 156 chuyên gia đã phê bình ý tưởng trao tư cách chủ thể cho robot thông minh là không phù hợp từ cả các góc độ kỹ thuật, đạo đức và luật pháp. Cụ thể, từ góc độ kỹ thuật, các tác giả Nghị quyết đã đánh giá quá cao khả năng, năng lực của robot thông minh. Từ góc độ đạo đức, việc trao tư cách chủ thể là cách để giúp nhà sản xuất lảng tránh trách nhiệm của mình. Và từ góc độ luật pháp thì việc trao tư cách chủ thể cho robot thông minh không phù hợp với kỹ thuật và hệ thống pháp lý hiện hành vốn chỉ thừa nhận cá nhân và pháp nhân[53].
Nhóm chuyên gia về công nghệ mới và trách nhiệm (dân sự) cũng chia sẻ phản đối này khi cho rằng các thiệt hại do robot thông minh gây ra có thể quy trách nhiệm cho cá nhân hoặc pháp nhân có liên quan. Trường hợp quy định hiện hành chưa khả thi thì có thể ban hành luật mới để quy trách nhiệm cho các chủ thể hiện hữu thay vì phải sáng tạo ra một loại chủ thể mới[54]. Ủy ban kinh tế và xã hội châu Âu của European Union cũng phản đối khuyến nghị trao tư cách chủ thể cho robot[55]. World Commission on the Ethics of Scientific Knowledge and Technology (COMEST) của UNESCO trong ý kiến tư vấn của mình vào năm 2017 cũng phản đối khuyến nghị này của Nghị viện châu Âu[56].
3. Hàm ý cho Việt Nam
Những khuyến nghị và phản đối đã nêu trên về việc trao tư cách chủ thể cho robot thông minh là một cơ hội để chúng ta đánh giá lại hệ thống pháp luật Việt Nam có liên quan và đưa ra khuyến nghị chính sách lập pháp phù hợp. Đầu tiên có thể nhận thấy rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam đã xây dựng được các chế định pháp lý cơ bản và cần thiết về tài sản, chủ thể, hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm sản phẩm có thể áp dụng cho robot thông minh[57]. Trong bối cảnh của các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, có thể nói rằng robot thông minh sẽ chịu sự điều chỉnh của quy định về tài sản và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chưa có cơ sở pháp lý cho việc thừa nhận robot là chủ thể: dù là cá nhân hay pháp nhân.
Tuy nhiên, trong tương lai, ý tưởng thừa nhận tư cách chủ thể cho robot thông minh là một ý tưởng nên được cân nhắc một cách nghiêm túc, bởi nó có khả năng tạo ra các giải pháp pháp lý tốt hơn so với các cơ chế hiện hành. Đầu tiên, các luận giải nên trao tư cách chủ thể cho robot từ góc độ chức năng đi kèm với việc xác lập một hệ thống bảo hiểm, đăng ký và công khai là khá thuyết phục, đặc biệt trong việc bảo vệ những người bị thiệt hại, giúp họ dễ dàng tìm kiếm công lý và khắc phục thiệt hại xảy ra với mình hơn. Thứ hai, các ý kiến phản đối trên cơ sở khung khổ lý thuyết và quy định hiện hành về phân loại chủ thể thành thể nhân và pháp nhân cũng không chính xác và thuyết phục. Đầu tiên, chủ thể đã luôn là một khái niệm giả tưởng, là một kiến tạo của pháp luật dù đó là thể nhân hay pháp nhân. Trong lịch sử lâu dài, không phải con người nào cũng được pháp luật thừa nhận là thể nhân (natural persons)[58]. Cho đến bây giờ vẫn có những con người không được thừa nhận là chủ thể, ví dụ như thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ. Thứ hai, nói rằng việc trao tư cách thể nhân cho robot thông minh sẽ dẫn đến thừa nhận quyền con người cho robot cũng là lo ngại và cách hiểu không chính xác. Tư cách thể nhân và quyền con người không phải là các vấn đề có quan hệ nhân quả với nhau và cũng không hẳn là hệ quả pháp lý chính yếu. Thậm chí, khuynh hướng luật quốc tế về quyền con người hiện nay còn muốn xóa bỏ khái niệm thể nhân (natural persons), chỉ giữ lại khái niệm con người (human beings) để xóa nhòa đi sự phân biệt đối xử và các rào cản pháp lý cho việc hưởng và bảo vệ quyền con người. Tương tự, lập luận rằng tư cách pháp nhân chỉ áp dụng cho các công ty hay các tổ chức có con người đứng đằng sau cũng là không chính xác, vẫn còn có các pháp nhân là các tập hợp tài sản như Quỹ hay Trust (trong Thông luật) hay pháp nhân đơn nhất, ví dụ như các chức danh nhà nước. Và cuối cùng, bản thân hai mô hình thể nhân và pháp nhân hiện hành cũng không thích hợp cho robot thông minh, một sản phẩm do con người sáng tạo ra nhưng có sự hiện hữu vật chất và có khả năng tự đưa ra các quyết định độc lập, một điều chưa từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại cho đến thời điểm này.
Nhu cầu kiểm soát và điều chỉnh robot, nhất là robot thông minh là một nhu cầu thực tế đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Robot có thể được điều chỉnh bởi các quy tắc của luật tài sản, nghĩa vụ hoặc thậm chí cả hình sự hoặc robot có thể được điều chỉnh bởi các quy định về chủ thể. Mỗi cách tiếp cận có các ưu nhược điểm và cơ sở triết lý riêng đòi hỏi nhà làm luật trên thế giới cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao vừa tận dụng được tiềm năng do robot mang lại, vừa kiểm soát và hạn chế tối đa các rủi ro, nguy cơ đối với xã hội./.
TS. Trần Kiên
GV. Khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[3] Hans Peter Moravec, ‘Robot’ Encyclopædia Britannica.
[4] Bot, ATIS Telecom Glossary tại http://www.atis.org/glossary/definition.aspx?id=5906 lên mạng ngày 10/12/2017. Xem thêm, M. Guravaiah và Dr. K. Daniel, ‘Robotics’ (2015) Vol.4, Issue 10 World Journal of Pharmaceutical Research, trích dẫn số 4.
[6] M. Guravaiah và Dr. K. Daniel, ‘Robotics’ (2015) Vol.4, Issue 10 World Journal of Pharmaceutical Research, 406.
[7] Fowler, Charles B. (October 1967). "The Museum of Music: A History of Mechanical Instruments". Music Educators Journal. MENC_ The National Association for Music Education. 54 (2): 45–49.
[8] M. Guravaiah và Dr. K. Daniel, ‘Robotics’ (2015) Vol.4, Issue 10 World Journal of Pharmaceutical Research, 407.
[10] Nguyễn Văn Bình (chủ biên), Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 26, 34.
[11] Klaus Schwab, The fourth industrial revolution (World Economic Forum 2016) 12, 13.
[12] Nguyễn Văn Bình (chủ biên), Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 34 – 67. Xem thêm, Lasi, H., Fettke, P., Kemper, HG. et al. Bus Inf Syst Eng (2014) 6: 239, https://doi.org/10.1007/s12599-014-0334-4.
[13] Nguyễn Văn Bình (chủ biên), Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 28 – 31. Xem thêm, Fettke, P., Kemper, HG. et al. Bus Inf Syst Eng, 240.
[14] Nguyễn Văn Bình (chủ biên), Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 29.
[15] Linda Bonekamp & Mathias Sure, Consequences of industry 4.0 on human labour and work organisation (2015) 6 Issue 1 Journal of Business and Media Psychology, 33 – 40.
[18] Klaus Schwab, The fourth industrial revolution (World Economic Forum 2016), 31 – 98.
[19] Ronald Leenes & Federica Lucivero (2014), ‘Laws on Robots, Laws by Robots, Laws in Robots: Regulating Robot Behaviour by Design’, Law, Innovation and Technology, DOI:10.5235/17579961.6.2.194, 1-3.
[21]Enrique Schaerer et al, ‘Robots as Animals: A Framework for Liability and Responsibility in Human-Robot Interactions’ The 18th IEEE International Symposium on Robot and Human Interactive Communication Toyama, Japan, Sept. 27-Oct. 2, 2009.
[22] Ví dụ như theo Điều 105, 107 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015. Điều 3 khoản 2 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005. Hoặc The sale of goods act 1979 của Vương quốc Anh, Điều 61 khoản 1.
[24] Chris Holder et al, ‘Robotics and law: Key legal and regulatory implications of the robotics age (Part I of II)’ (2016) 32 Computer law and security review 386 – 387.
[25] Richard Kelley et al, ‘Liability in Robotics: An International Perspective on Robots as Animals, 3-4
[26] Richard Kelley et al, ‘Liability in Robotics: An International Perspective on Robots as Animals, 4.
[27] Richard Kelley et al, ‘Liability in Robotics: An International Perspective on Robots as Animals, 4-5.
[28]P. M. Asaro, “Robots and Responsibility from a Legal Perspective,” in Proc. of the IEEE 2007 International Conference on Robotics and Automation (ICRA07), Rome, April 2007. Richard Kelley et al, ‘Liability in Robotics: An International Perspective on Robots as Animals, 5-7.
[29] European Parliament, Directorate-General for Internal Policies of the Union, Bertolini, A. (2020). Artificial intelligence and civil liability, European Parliament. https://data.europa.eu/doi/10.2861/220466.
[31] European Parliament resolution of 16 February 2017, 49.
[32] European Commission, Directorate-General for Justice and Consumers, (2019). Liability for artificial intelligence and other emerging digital technologies, Publications Office. https://data.europa.eu/doi/10.2838/573689.
[35] Lawrence B. Solum, ‘Legal Personhood for Artificial Intelligences’ (1992) North Carolina Law Review 1231 – 1287. Chris Holder et al, ‘Robotics and law: Key legal and regulatory implications of the robotics age (Part I of II)’ (2016) 32 Computer law and security review 387.
[36] European Parliament – Committee on Legal Affairs, Draft Report with recommendations to the Commission on Civil Law Rules on Robotics (2015/2103(INL)), Đoạn 31 điểm f.
[37] European Parliament resolution of 16 February 2017 with recommendations to the Commission on Civil Law Rules on Robotics (2015/2103(INL)) 59(f).
[38] European Parliament resolution of 16 February 2017 with recommendations to the Commission on Civil Law Rules on Robotics (2015/2103(INL)) Annex to the resolution..
[39] European Parliament – Committee on Legal Affairs, Draft Report with recommendations to the Commission on Civil Law Rules on Robotics (2015/2103(INL)), A – K.
[44] Visa A.J. Kurki, Why Things Can Hold Rights: Reconceptualizing the Legal Person, Visa A.J. Kurki & Tomasz Pietrzykowski (chủ biên), Legal Personhood: Animals, Artificial Intelligence and the Unborn (Springer 2017), 69 – 90.
[46] R.W.Lee, The elements of Roman law (4th ed, Sweet & Maxwell 1956), 46.
[47] Lawrence B. Solum, ‘Legal Personhood for Artificial Intelligences’ (1992) North Carolina Law Review, 1238 – 1240.
[48] European Parliament, Directorate-General for Internal Policies of the Union, Bertolini, A. (2020). Artificial intelligence and civil liability, European Parliament. https://data.europa.eu/doi/10.2861/220466, pp. 9-10.
[49] Nathalie Nevejans, European civil law rules in robotics: Study (the Policy Department for “Citizens’ Rights and Constitutional Affairs” 2016) Executive summary.
[50] Nathalie Nevejans, European civil law rules in robotics: Study, 14.
[51] Nathalie Nevejans, European civil law rules in robotics: Study, 15.
[52] Nathalie Nevejans, European civil law rules in robotics: Study, 16. Xem thêm, Natasha N. Aljalian, ‘Fourteenth Amendment Personhood: Fact or Fiction?’ (2012) Issue 2 Volume 73 Number 2 St. John’s Law Review, 495 – 540.
[53] Open Letter To The European Commission Artificial Intelligence And Robotics (05/04/2018) lên mạng ngày 20/02/2023 tại http://www.robotics-openletter.eu/.
[54] European Commission, Directorate-General for Justice and Consumers, (2019). Liability for artificial intelligence and other emerging digital technologies, Publications Office.https://data.europa.eu/doi/10.2838/573689, p. 38.
[55] Opinion of the European Economic and Social Committee on ‘Artificial intelligence — The consequences of artificial intelligence on the (digital) single market, production, consumption, employment and society’ (own-initiative opinion), Đoạn 3.33.
[57] Các quy định đó được pháp điển trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007.