Tư duy về án lệ ở Việt Nam và một số kinh nghiệm

Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (1945), thời kỳ đầu, án lệ được tiếp tục áp dụng trong xét xử. Từ năm 1960, án lệ chỉ được đề cập dưới dạng học thuật...

Tóm tắt: Thời kỳ phong kiến ở nước ta đã xuất hiện án lệ. Khi thực dân Pháp đô hộ, án lệ từ hệ thống tư pháp của Pháp đã được sử dụng ở Việt Nam. Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (1945), thời kỳ đầu, án lệ được tiếp tục áp dụng trong xét xử. Từ năm 1960, án lệ chỉ được đề cập dưới dạng học thuật. Khi Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ” và tiếp đó Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị xác định: “Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ” thì án lệ đã trở lại vị trí của mình và đã có những đóng góp bước đầu quan trọng trong xét xử của tòa án.

Ảnh minh họa (Internet)

 Từ khóa: án lệ, áp dụng thống nhất pháp luật

 I. Án lệ trong hệ thống luật thành văn ở Việt Nam

 Ở  Việt Nam, việc sử dụng khái niệm “án lệ” có từ thời kỳ phong kiến. Đến khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, với quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa pháp lý, hệ thống án lệ của Pháp đã có ảnh hưởng nhất định đến việc xét xử ở Việt Nam. Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, hệ thống tư pháp của chế độ thực dân phong kiến bị xóa bỏ, hệ thống tư pháp của Nhà nước dân chủ nhân dân ra đời bằng Sắc lệnh số 13/SL ngày 13-9-1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa về thành lập tòa án quân sự. Tiếp đó là Sắc lệnh số 13/SL gày 24-01-1946 thành lập nên hệ thống tòa án tương đối hoàn chỉnh của Nhà nước ta. Trong điều kiện luật lệ mới chưa kịp ban hành, để có cơ sở pháp lý cho việc xét xử, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí MInh đã ban hành Sắc lệnh số 47/SL ngày 10-10-1945 với nội dung “cho đến khi ban hành được những bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi nước Việt Nam, các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung và Nam bộ vẫn tạm thời giữ nguyên như cũ, nếu những luật lệ ấy không trái với những nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể cộng hòa. Án lệ là một trong những giá trị pháp lý được sử dụng trong xét xử của Tòa án chế độ mới trong giai đoạn 1946 đến trước năm 1960. Tại Thông tư số 442-TTg ngày 19-01-1955 của Thủ tướng Phủ nêu rõ, trong thời gian kháng chiến (1946-1954), Chính phủ đã ban hành các sắc lệnh trừng trị một số loại tội phạm về trật tự an ninh, hối lộ, tham ô…. Các tòa án dựa vào đó mà xét xử đạt kết quả tốt. Kinh nghiệm xét xử về một số loại phạm pháp trở thành án lệ. Tuy nhiên, án lệ ấy còn khác nhau giữa các địa phương. Đường lối xét xử không được thống nhất, rõ ràng và có nơi không được đúng. Cần phải thống nhất những án lệ ấy trong quy định chung để hướng dẫn các tòa án xét xử trừng trị một số tội phạm thông thường. Ví dụ: Trộm cắp bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm; cướp của mà có giết người có thể phạt đến tử hình; lừa gạt, bội tín phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm[1]. Tiếp đó, Thông tư số 19-VHH/Hs ngày 30-6-1955 của Bộ Tư pháp về việc áp dụng luật lệ yêu cầu hạn chế áp dụng luật lệ cũ, vì nếu có luật pháp mới thì phải áp dụng luật pháp mới. Trường hợp“chỉ có luật hình cũ, chưa có sắc lệnh mới, mà xét cần trừng phạt thì cũng không viện dẫn luật hình cũ, Tòa án sẽ căn cứ vào đường lối truy tố, xét xử, vào các yêu cầu chung và cụ thể đối với từng sự việc, vào án lệ[2]. Sau gần 15 năm áp dụng một số luật lệ cũ, đến năm 1959, trong tình hình và với nhiệm vụ cách mạng mới, hoàn toàn không thể sử dụng điều luật của đế quốc và phong kiến được nữa, dù là với tinh thần mới, Chánh án Tòa án tối cao Trần Công Tường đã ra Chỉ thị số 772-TATC ngày 10-7-1959 về vấn đề đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của đế quốc và phong kiến, trong đó nêu: “Để xét xử các vụ án hình sự và dân sự, cần áp dụng luật pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành từ trước đến giờ (luật, sắc lệnh, nghị định, thông tư…) đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, án lệ của các tòa án, của Tòa án Tối cao”[3]. Tiếp đó Thông tư số 92-TC ngày 11-11-1959 của Bộ Tư pháp - Toà án nhân dân tối cao giải thích và quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của các TAND phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh, chỉ rõ: “Tòa án nhân dân phúc thẩm chỉ đạo công việc xét xử của các tòa án nhân dân cấp dưới thông qua án lệ của mình” (Mục B, điểm a, khoản 3)[4].

Về mặt học thuật, Tập san Luật học số 5 năm 1958 ra ngày 15-1-1958 do Hội Luật gia Việt Nam xuất bản có mục Bình luận án lệ. Còn Tập san Tư pháp (nay là Tạp chí Tòa án nhân dân) số 3 năm 1964, giải thích “Án lệ là một danh từ cũa đã được dùng từ thời Pháp thuộc”. Án lệ là những qui tắc do các Tòa án trong khi vận dụng pháp luật để xét xử các vụ án cụ thể, đã hình thành dần dần bằng cách hiểu và có thái độ giải quyết giống nhau một số điểm pháp lý, áp dụng luật một cách giống nhau trong nhiều vụ án” (Mục Thuật ngữ luật học)[5]. Tập san Tư pháp số 1 năm 1965 đã mở mục “Bình luận án lệ”, nhưng chỉ thực hiện được 5 số. Sau đó được đổi thành mục “Bình luận án”[6].

Nhìn chung, khi hệ thống pháp luật của Việt Nam có xu hướng theo mô hình XHCN (mô hình xô-viết), thì từ sau năm 1960 đến trước năm 2006, khái niệm “án lệ” không được sử dụng chính thức trong các văn bản pháp luật mà chỉ trong công tác nghiên cứu, tuy được bàn luận nhưng chủ yếu mang tính chất học thuật. Ví dụ Tập san Tòa án nhân dân (nay là Tạp chí Tòa án nhân dân) đã xuất bản 2 tập Tố tụng dân sự sơ thẩm thực hành và Tố tụng hình sự sơ thẩm thực hành vào cuối những năm 1970, bình luận những vụ án phức tạp nhưng đã có sự thống nhất về đường lối xét xử và kết quả giải quyết sau khi được các tác giả tranh luận. Vào đầu những năm 1980, một số luật gia đã có ý kiến ủng hộ mạnh mẽ cho việc nghiên cứu và áp dụng án lệ.

 2. Án lệ có chỗ đứng trong cải cách tư pháp

 Sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW  ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, cải cách tư pháp đã thưc hiện những bước đi ban đầu, trước hết là vấn đề hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng xét xử. Luật Tổ chức TAND năm 2002 quy định Toà án nhân dân Tối cao có nhiệm vụ “Hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Tòa án”. Trên tinh thần đó, từ năm 2003, Toà án nhân dân Tối cao lần lượt công bố các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính thông qua các xuất bản phẩm và trên Trang thông tin điện tử của Toà án nhân dân Tối cao để các Toà án nhân dân cấp dưới tham khảo. Đây là bước đi ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai nghiên cứu và áp dụng án lệ. Cùng thời gian này, trong giáo trình của một số cơ sở đào tạo luật ở bậc cử nhân và các công trình nghiên cứu khác đã có những luận điểm nghiêng về việc sử dụng án lệ, trong số đó có ý kiến cho rằng nguồn của pháp luật Việt Nam không chỉ là văn bản quy phạm pháp luật như trước đây quan niệm, mà còn bao gồm cả án lệ, tập quán pháp[7]. Sự phát triển tư duy về án lệ trong cải cách tư pháp vì vậy dần dần khẳng định vai trò của án lệ trong thực tiễn tư pháp.

 Khi chủ trương cải cách tư pháp được triển khai, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” đã có bước bứt phá tư duy về án lệ, khi đề ra nhiệm vụ “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ”[8], Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định: “Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ”[9]. Chủ trương này đã được Tòa án nhân dân tối cao triển khai thực hiện nghiêm túc, cósự hỗ trợ của một số dự án quốc tế và sự đồng tình của các nhà khoa học. Kết quả là Chánh án Tòa án Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31-10-2012, phê duyệt Đề án phát triển án lệ của Toà án nhân dân tối cao

Trong quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều nội dung mới thể hiện tinh thần cải cách tư pháp đã được đề cập. Tuy nhiên, do còn có những ý kiến khác nhau nên việc có đưa vấn đề án lệ vào thành quy định của Hiến pháp không và áp dụng  ở mức độ nào thì cần cân nhắc. Vì án lệ là vấn đề mới, chưa được nghiên cứu kỹ, nên không quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nếu qua quá trình nghiên cứu thấy phù hợp thì sẽ quy định trong Luật. Khi  Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có hiệu lực (từ 01/7/2015), án lệ chính thức có chỗ đứng hiện thực trong luật. Từ thời điểm này, thẩm quyền phát triển phát án lệ được giao cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (điểm c, khoản 2, Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014).

Triển khai thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân mới, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28-10-2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, sau đó được thay thế bằng Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18-6-2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dânTối cao. Đồng thời Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao ban hành các quyết định thành lập Hội đồng tư vấn án lệ với nhiệm vụ nghiên cứu, thảo luận đối với nội dung của từng bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ và nội dung của từng dự thảo án lệ báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao[10]. Việc công bố án lệ đã sớm hơn thời gian dự kiến, được các tòa án, cơ quan tư pháp, các nhà nghiên cứu và một bộ phận nhân dân đồng tình vì góp phần tăng tính công khai,minh bạch của hoạt động tư pháp, mở rộng quyền tiếp cận công lý của người dân.

Ý nghĩa của việc ban hành án lệ rất đa dạng. Từ góc độ giải thích pháp luật, có thấy rõ án lệ được công bố đã hỗ trợ cho việc giải thích pháp luật. Theo Hiến pháp  và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành,  Ủy ban thường vụ Quốc hội có thẩm quyền giải thích Hiến pháp luật, pháp lệnh. Việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh được thực hiện trong trường hợp quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh có cách hiểu khác nhau trong việc thi hành (Điều 158 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020). Tuy nhiên trong nhiều năm qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội mới giải thích luật được một số ít lần, đó là:

 -  Giải thích khoản 6 Điều 19 của Luật Kiểm toán nhà nước (Nghị quyết số 1053/2006/NQ-UBTVQH11, ngày 10 tháng 11 năm 2006

 - Giải thích điểm c khoản 2 Điều 241 của Luật thương mại năm 2005 (Nghị quyết số 746/2005/NQ-UBTVQH11, ngày 28 tháng 01 năm 2005)

Giải thích dưới hình thức các nghị quyết chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội như:

- Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02-4-2005 quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991;

- Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 02-4-2005 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 07 năm 1991có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia;

-  Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20 tháng 8 năm 1998 giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991.

 Trong điều kiện Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích luật với số lượng ít như vậy, việc công bố án lệ đã hỗ trợ tích cực cho các tòa án trong xét xử, bước đầu giúp cho toà án giải quyết những vướng mắc trong công tác xét xử; khắc phục tình trạng nhiều quy định của pháp luật còn có những cách hiểu chưa thống nhất và vận dụng khác nhau; giúp thẩm phán rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết, xét xử những vụ án có cùng tính chất; nâng cao tính minh bạch của hoạt động tư pháp, người dân nắm được đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc tương tự có liên quan đến quyền và lợi ích của họ; góp phần hạn chế đến mức thấp nhất xét xử oan, sai.

 Cần chú ý là phương thức áp dụng án lệ trong xét xử ở từng loại hình tố tụng tư pháp có khác nhau.

- Trong tố tụng dân sự có những quy định về áp dụng án lệ dân sự khi xét xử. Theo Điều 264 Bộ luật tố tụng dân sự, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật Bộ luật tố tụng dân sự thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án. Tiếp đó Điều 266- quy định:Tòa án phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những căn cứ pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật Bộ luật tố tụng dân sự thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và giải quyết các vấn đề khác có liên quan. Điều 313 Bộ luật Bộ luật tố tụng dân sự quy định về bản án phúc thẩm cũng có nội dung tương tự như vậy về áp dụng án lệ.

Trong tố tụng hành chính, khoản 3, Điều 191, Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định về sử dụng án lệ như sau: khi nghị án, Hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, các quy định của pháp luật và nghiên cứu, áp dụng án lệ hành chính liên quan để quyết định về các vấn đề như: tính hợp pháp và có căn cứ về hình thức, nội dung của quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện; tính hợp pháp về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính; thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính; mối liên hệ giữa quyết định hành chính, hành vi hành chính với quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện và những người có liên quan; vấn đề bồi thường thiệt hại[11]

Như vậy việc nghiên cứu áp dụng án lệ trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính là trách nhiệm của tòa án khi xét xử.   

Còn trong tố tụng hình sự thì vấn đề lại khác. Việc nghiên cứu và áp dụng án lệ không được quy định trong luật. Điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Nhận định của Hội đồng xét xử phải phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định không có tội, xác định bị cáo có tội hay không và nếu bị cáo có tội thì là tội gì, theo Điểm, Khoản, Điều nào của Bộ luật hình sự và của văn bản quy phạm pháp luật khác được áp dụng. Như vậy, việc nghiên cứu áp dụng án lệ không bắt buộc đối với tòa án khi xét xử về hình sự.

Tính đến hết tháng 7-2021, Tòa án nhân dân tối cao đã công bố được 43 án lệ. Đây là một sự cố gắng rất lớn, góp phần rất quan trọng vào việc bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử.

Một số đề xuất:

 - Về nhận thức, cần thống nhất án lệ ở Việt Nam được lựa chọn, công bố trong điều kiện chúng ta thuộc hệ thống pháp luật thành văn và đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình tố tụng thẩm vấn sang mô hình tố tụng tranh tụng kết hợp với thẩm vấn. Làm rõ bản chất của án lệ và việc nghiên cứu áp dụng trong từng loại hình tố tụng (hình sự hành chính, dân sự) để có nhận thức thống nhất trong toàn ngành tòa án là rất cần thiết

- Việc tham khảo kinh nghiệm các nước là cần thiết, nhưng cũng cần nghiên cứu sâu về truyền thống pháp lý của Việt Nam trong việc sử dụng án lệ.

 - Quá trình chuẩn bị để có được án lệ cần có kế hoạch, chương trình thiết thực, hiệu quả. Chuẩn bị các vấn đề từ đơn giản đến phức tạp để thuyết phục người tiếp nhận án lệ sử  dụng.

 - Cần đào tạo cơ bản và lâu dài một số chuyên gia pháp lý có trình độ tổng hợp cao trực tiếp tham gia viết án lệ, tiếp tục sử dụng các chuyên gia các ngành khoa học khác có liên quan đến nội dung án lệ trước khi quyết định lựa chọn./.   

          

 

[1] Tập Luật về tư pháp, Bộ Tư pháp xuất bản năm 1957, tr.135

[2] Tập Luật về tư pháp, Bộ Tư pháp xuất bản năm 1957, tr.190

[3] Hệ thống hóa luật lệ về hình sự, Tập 1 (1945-1974), Tòa án nhân dân tối cao, Hà Nội, 1975, tr.5-6

[4] thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-92-TC-giai-thich-quy-dinh-cu-the-nhiem-vu-quyen-han-Toa-an-nhan-dan-Phuc-tham-Ha-Noi-Hai-phong-Vinh-22810.aspx

[5] TS. Nguyễn Văn Cường, Triển khai phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao, Tham luận tại Hội thảo khoa học “Án lệ trong hệ thống Thông luật và châu Âu lục địa: hiến kế cho việc xây dựng và áp dụng án lệ tại Việt Nam", Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, ngày 24-4-2014), http://www.phapluatsohuutritue.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=210:trien-khai-an-le-tandtc&catid=55&Itemid=178; Lê Tiến Dũng, Án lệ trong pháp luật Việt Nam, Trang thông tin điện tử tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương, 27/06/2014, https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201406/an-le-trong-phap-luat-viet-nam-295001/

[6] Những năm 1980, đầu những năm 1990, Tạp chí Pháp chế XHCN (nay là Tạp chí Dân chủ và Pháp luật) của Bộ Tư pháp có mở chuyên mục “Bình luận án”- Giai đoạn này Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý các tòa án nân dân địa địa phương về tổ chức

[7] Xem: 1) Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ biên, PGS.TS Hoàng Thị Kim Quế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2005, tr.08, 309; 2) Giáo trình Lya luận Nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2004,Chủ biên, GS.TS. Lê Minh Tâm, tr.349; 3) TS. Nguyễn Thị Hồi, Nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12-2005, Chủ biên, PGS.TS Hoàng Thị Kim Quế, tr.308, 309

[8] Xem:Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 64, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016; tr.250

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 64, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016; tr.274

[10] Xem: Quyết định số 210/QĐ-TANDTC ngày 24-3-2016 của Chánh án TAND Tối cao và Quyết định số 129/QĐ-TANDTC ngày 29-6-2017 của Chánh án TAND Tối cao

[11] Xem: TS. Nguyễn Thanh Mận, Khái niệm án lệ hình sự và mối quan hệ với các loại án lệ khác, http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=265021184&p_details=1

 

PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn
Trưởng Bộ môn Luật
Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn

  • Tags: