Từ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đến “Dân giám sát, dân thụ hưởng” trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, sức mạnh của nhân dân vô cùng to lớn, đóng vai trò quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định.

Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, sức mạnh của nhân dân vô cùng to lớn, đóng vai trò quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, trong tư tưởng cũng như trong thực tiễn hoạt động cách mạng của mình, đã luôn đánh giá cao vai trò và sức mạnh của nhân dân: “Dân” là quý nhất, quan trọng nhất, là “tối thượng”. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Dân là gốc của nước, của cách mạng. Nước lấy dân làm gốc, “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) gặp gỡ các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện “năm dân vận chính quyền” 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 - (09-1-2020).

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội luôn đề cao, phát huy quyền làm chủ của quần chúng nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục phát huy tinh thần lấy dân làm gốc với sự chuyển tiếp tư duy từ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đến “Dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là một điểm mới trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; để thêm hai nội dung "Dân giám sát, dân hưởng thụ" là một quá trình hơn 30 năm đổi mới đất nước, được trải nghiệm, chứng minh qua thực tiễn cũng như từ đòi hỏi cuộc sống của người dân.

Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đề ra đường lối đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, mở ra thời kỳ phát triển mới. Xuất phát từ thực tiễn, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc về vai trò của nhân dân: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Tại Đại hội này, Đảng ta đã đề ra cơ chế “Đảng lãnh đạo,nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, đồng thời khẳng định “thực hiện có nền nếp khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đại hội VI khẳng định: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình”. Lần đầu tiên phương châm này được gọi là “khẩu hiệu”.

Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài sau đó, khẩu hiệu trên đây không phát huy được nhiều tác dụng trong thực tế cuộc sống vì chưa có cơ chế cụ thể quy định dân được biết những gì? Dân được bàn việc gì, bàn như thế nào? Dân được làm ra sao? Và dân được kiểm tra ai, kiểm tra gì, kiểm tra ở đâu? Đại hội VIII (tháng 6-1996), Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước” và tại Đại hội này, “khẩu hiệu” “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thay bằng “phương châm”.

Tháng 2-1998, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, trong đó nêu rõ “Thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình”. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã ban hành các Nghị định về quy chế thực hiện dân chủ. Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL/UBTVQH “Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”. Như vậy, từ năm 1986 đến năm 1998, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mới thực sự đi vào cuộc sống khi Nhà nước ban hành cơ chế, quy định cụ thể để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp trong việc được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra.

Muốn để cho “dân biết” thì phải công khai, minh bạch các công việc, các kế hoạch, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị; để cho “dân bàn” thì các địa phương, cơ quan, tổ chức và những người lãnh đạo phải gần dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân; để cho “dân làm”, dân hăng hái tham gia các công việc của đất nước, của địa phương, tham gia quản lý xã hội thì phải trên cơ sở “dân biết” và “dân bàn” thấu đáo thì khi làm mới có hiệu quả cao, chất lượng tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ “dân biết, dân bàn, dân làm” thì chưa thể hiện được tinh thần dân chủ; mà các cơ quan chức năng phải tạo mọi điều kiện để dân được kiểm tra.

Như vậy, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sau hơn 30 năm vận động trong cuộc sống đã đem lại hiệu quả rất tích cực, góp phần thực hiện thành công các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, đời sống của người dân được nâng cao, vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định. Dù khái niệm “dân thụ hưởng” trong phương châm chưa có nhưng thực tế người dân đã được thụ hưởng những lợi ích vật chất và tinh thần do họ đóng góp, xây dựng.

Đến Đại hội XIII, Đảng ta bổ sung thành tố mới là “Dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong Báo cáo chính trị, phần “Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm” Đảng ta rút ra bài học thứ hai là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là một nội dung hoàn toàn mới, phù hợp cả về lý luận và đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Khi mọi công việc, mọi vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống của xã hội mà người dân đều được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát và thụ hưởng chắc chắn sẽ không có ai phản đối về quyền lợi chính đáng mà mình là người thực hiện và cũng chính mình là người được thụ hưởng. Đây không chỉ là quan điểm hoàn toàn đúng đắn, tiến bộ, mà còn mang đậm tính nhân văn.

Có thể nói, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thể hiện rõ nền dân chủ xã hội ở nước ta ngày càng được mở rộng và đi vào nền nếp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sáu yếu tố này có quan hệ thống nhất hữu cơ, biện chứng với nhau trong hệ thống tư tưởng “dân chủ” của Đảng vì mục tiêu tối thượng của Đảng Cộng sản Việt Nam là vì dân, lấy “dân là gốc”.

ThS. Trần Thị Hải Yến - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

  • Tags: