Tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp hiện nay

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, Người coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước.

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, Người coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước.

Ảnh: TL

Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, trong các phong trào cách mạng, đội ngũ cán bộ luôn giữ vai trò hết sức quan trọng, chỉ có đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ thì việc xác định đường lối, chính sách mới đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan; đồng thời việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chính sách mới trở thành hiện thực và cách mạng mới giành được thắng lợi. Trong bài viết này, tác giả không trình bày toàn bộ hệ thống các quan điểm Hồ Chí Minh về công tác cán bộ mà chỉ mong muốn làm rõ những yêu cầu đối với cán bộ tư pháp theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, trung thành với Tổ quốc, với chính quyền dân chủ nhân dân và gương mẫu trong mọi việc để nhân dân noi theo.
Tại thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1948, Bác Hồ đã dùng những lời lẽ giản dị nhưng rất mực sâu sắc dành cho cán bộ Tư pháp: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên, giới trí thức phải hi sinh đấu tranh dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân”… “Các bạn là viên chức của Chính phủ dân chủ cộng hòa mà các bạn đã xây dựng nên… Do đó, nhiệm vụ các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ”.
Người đã nhắc nhở nhiệm vụ cụ thể của ngành Tư pháp tại Hội nghị tư pháp toàn quốc năm 1957 rằng: “Tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Đó là nhiệm vụ tích cực. Đồng thời, có một nhiệm vụ nữa là phải ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ ta, phá hoại lợi ích của nhân dân”.
Nhà nước pháp quyền mà Đảng ta xây dựng là Nhà nước tôn trọng pháp luật, được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ tư pháp phải nắm vững, góp phần thể chế hóa bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tuân thủ, vận dụng sáng tạo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong xây dựng pháp luật, hoạt động tư pháp. Để tiến tới một Nhà nước pháp quyền mạnh mẽ, có hiệu lực, những năm qua, các cơ quan tư pháp đã luôn luôn đứng ở tuyến đầu của nhiệm vụ bảo vệ pháp chế và trật tự xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và các vi phạm pháp luật, giải quyết nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật các tranh chấp nảy sinh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát triển kinh tế, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình đổi mới.
Thực hiện yêu cầu này theo tư tưởng Hồ Chí Minh cán bộ, đảng viên phải kiên định lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, trung thành với lý tưởng cộng sản, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, vững vàng, không dao động trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Cùng với việc thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay cần ủng hộ nhân tố mới; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội, phê phán những biểu hiện tư tưởng mơ hồ, nhận thức lệch lạc, sai trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cán bộ tư pháp cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về cải cách tư pháp. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, cán bộ tư pháp phải luôn thể hiện tinh thần tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, đấu tranh kiên quyết và kịp thời đối với những lực lượng thù địch, phản động, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.
Thứ hai, Phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Bác dặn dò: Tư cách đạo đức của cán bộ được đo bằng sự tin yêu, quý mến của người dân. Với riêng cán bộ tư pháp phải lấy công việc phụng sự nhân dân làm lẽ sống, làm mục tiêu phấn đấu, đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, phải tuân thủ pháp luật, giữ gìn và bảo vệ pháp luật.
Đặc biệt, cán bộ tư pháp là những người nhân dân Nhà nước, thay mặt nhân dân cầm cân nảy mực, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì yêu cầu phụng sự nhân dân càng đòi hỏi cao hơn. Cán bộ tư pháp phải đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, phải tuân thủ pháp luật, giữ gìn và bảo vệ pháp luật, phải chí công vô tư… Đó là những phẩm chất không thể thiếu của cán bộ tư pháp mà Bác Hồ rất nhấn mạnh.
“Phục vụ dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân” là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của công tác tư pháp. Cụ thể là: Nắm vững quan điểm vì dân, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; Quán triệt đường lối dân vận của Đảng; dựa vào dân, sát với dân, xây dựng niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với công tác tư pháp; Tích cực góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật vì nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa pháp lý tốt đẹp của dân tộc; Tuyên truyền, vận động nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Tích cực xây dựng nền tư pháp vì dân, phát huy vai trò của các chức danh tư pháp, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ, thuận tiện, hữu hiệu để nhân dân sử dụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Khách quan, công tâm khi thực hiện công tác tư pháp; kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Vì vậy, cán bộ tư pháp phải luôn tận tâm, tận lực, bền bỉ, kiên trì, không qua loa, đại khái; tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể là: Làm tròn nhiệm vụ, trung thực trong công tác; hết lòng, hết sức với công việc; không quản ngại khó khăn, gian khổ; Không ngừng học tập, nâng cao nhận thức chính trị - pháp lý, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp; Có tư duy, quan điểm thực tiễn, không pháp lý thuần túy; vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân để góp phần giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm thực thi quyền tự do dân chủ của công dân; Kiên định đường lối đổi mới của Đảng; chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; luôn tìm tòi, phát hiện cái mới, cách thức mới để thực hiện tốt hơn công tác tư pháp; Giữ nghiêm kỷ cương phép nước; lấy pháp luật làm chuẩn mực để xử lý công việc; Khách quan, công tâm; không nể nang, né tránh, bao che trong thực hiện công tác tư pháp; Thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng.
Làm theo chỉ dẫn của Người trong tình hình hiện nay, đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện tốt việc tự phê bình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, có tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp phê bình của đồng nghiệp đối với công việc mình được giao; phải chủ động nêu cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên soát xét, kiểm tra tiến độ các công việc mình đảm nhiệm, để có biện pháp triển khai tốt các nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao. Đồng thời, phải khiêm tốn, thực sự cầu thị, gần dân, học dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo đời sống của nhân dân, tìm hiểu nguyện vọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, giúp đỡ nhân dân khi gặp khó khăn; chống "bệnh" xa rời thực tiễn, "bệnh" vô cảm - thiếu trách nhiệm trước những yêu cầu chính đáng của nhân dân, "bệnh" quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, trù dập, vi phạm quyền làm chủ của dân.
Thứ ba, Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, bảo vệ công lý.
Trong Sắc lệnh số 13 (ngày 13 tháng 9 năm 1945) do Hồ Chủ tịch ký, Điều thứ 47 quy định: “Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý”. Đối với người cán bộ tư pháp, Người không chỉ đòi hỏi phải chí công vô tư mà còn phải biết phụng công, thủ pháp. Cán bộ tư pháp là những người phụ trách thi hành pháp luật, nên lẽ dĩ nhiên, phải hết lòng vì cái chung, vì nhân dân mà bảo vệ pháp luật, bảo đảm sự công bằng, công minh trong việc áp dụng pháp luật với tinh thần cao nhất. Phụng công thủ pháp, chí công, vô tư là những tiêu chuẩn làm nên bản chất mới của cán bộ tư pháp, suy rộng ra là của cả nền tư pháp mới. 
Người đã từng căn dặn người cán bộ tư pháp phải công bằng, không được lẫn lộn giữa công và tội, có công thì được thưởng, có lỗi thì phải bị phạt và không vì công mà quên lỗi, không vì lỗi mà quên công. Và Người quan niệm: Công tác tư pháp suy cho cùng là ở đời và làm người.
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950, Người nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của pháp luật: “… Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động…Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động....Người nào sử dụng quyền tự do quá mức của mình mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp”, Người căn dặn: “...Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.…Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ …”. 
Ở Việt Nam, bảo vệ công lý đã được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của cải cách tư pháp, gắn với hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử của tòa án. Từ góc độ hoạt động xét xử của Tòa án, công lý được hiểu là “chuẩn mực đạo đức xã hội mà pháp luật có nhiệm vụ duy trì và bảo vệ. Hoạt động xét xử là hoạt động trực tiếp bảo vệ công lý. Tòa án không chỉ phán xét tính hợp pháp mà còn cả tính đúng đắn của hành vi. Vì vậy, ngoài căn cứ của pháp luật, tòa án còn căn cứ vào công lý”
Để bảo vệ công lý hiệu quả, nhất thiết phải củng cố năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp. Việc này đòi hỏi bản thân từng cán bộ tư pháp phải thường xuyên học tập để nâng cao kiến thức phục vụ công việc, tích cực nghiên cứu các văn bản pháp luật, hiểu đầy đủ, chính xác nội dung, yêu cầu của pháp luật. Quá trình thực thi nhiệm vụ phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật. Đã là một cán bộ tư pháp phải phấn đấu hết mình vì công tác và vì lương tâm trách nhiệm bởi tư pháp là lĩnh vực hoạt động trên một mặt trận thực sự nhạy cảm, liên quan đến vận mệnh chính trị của từng con người, nhưng cũng đã đóng góp rất xứng đáng cho sự phát triển của đất nước; người làm công tác tư pháp phải có sự linh hoạt, mềm dẻo trong việc áp dụng pháp luật, chứ không chỉ thiên về máy móc pháp luật mà quên đi việc phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc lợi dụng những hạn chế của pháp luật để vụ lợi mà cần phải thường xuyên có những đóng góp tích cực trong công tác xây dựng luật và phản ánh những “lỗ hổng” trong hệ thống văn bản pháp luật.
Thứ tư, Kết hợp hài hòa đạo đức và pháp luật trong quá trình thực thi công vụ.
Đạo đức là “gốc” của người cán bộ, không thể có nền chính trị đạo đức nếu thiếu một nền tư pháp nghiêm minh và không thể xây dựng nền tư pháp nghiêm minh trên sự băng hoại về đạo đức - đó là chân lý ta rút ra được từ tư tưởng kết hợp đức trị với pháp trị của Hồ Chí Minh. Thượng tôn pháp luật dựa trên các chuẩn mực đạo đức và ngược lại. Người nhận rõ: “Luật pháp phải dựa vào đạo đức”. Theo Người “pháp trị” nghiêm khắc, công minh và “đức trị” bao dung, thấu tình đạt lý; chúng không loại trừ mà thống nhất, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hai vấn đề này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Pháp luật là một biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức. Ngược lại, đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ với người khác, nhưng nhiều khi rất cần sự hỗ trợ của pháp luật. Bởi vì, nếu không kết hợp với tính nghiêm minh, khoa học của pháp luật thì giáo dục đạo đức trở thành vô nghĩa. Tuy nhiên, pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người.
Thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi cán tư pháp pháp hiện nay không chỉ chú trọng nhiệm vụ xử lý người phạm pháp mà còn phải chú trọng kết hợp tính răn đe của luật pháp với sức mạnh thức tỉnh, cảm hóa, cải tạo họ. Có như thế, cán bộ tư pháp mới có thể hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm mà Đảng, Nhà nước đã giao; đồng thời, xây dựng hình ảnh người cán bộ với những phẩm chất đạo đức công vụ tốt đẹp./.

Nguyễn Thị Tường Vi

  • Tags: