Tự ý sử dụng đất của người khác xử lý như thế nào?

Tình hình lấn chiếm đất đai hiện nay là một vấn đề nghiêm trọng, phức tạp và khó giải quyết, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chuyên trang Pháp luật quản lý nhận được đơn trình bày của ông Ngô Đức Tuyên (SN 1973) cho rằng mình bị người khác vi phạm Luật Đất đai.

Ông Ngô Đức Tuyên hiện thường trú ở tổ 5, Ấp Xóm Huế, Tân An Hội, Củ Chi, TP.HCM; tạm trú tại ấp Giang Hà, xã An Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Trong đơn trình bày, ông Ngô Đức Tuyên cho biết trước đây bà Đặng Thị Hồng Hạnh (SN 1972) có mua 3 thửa đất, trên đất hai căn nhà cấp 4 qua sự thống nhất thỏa thuận của Ông Huỳnh Ngọc Khoắn (SN 1979). 

Ông Khoắn đồng ý bán cho Bà Đặng Thị Hồng Hạnh để trả nợ cho ngân hàng và nợ ở thi hành án vào ngày 16/6/2020. Do bà Hạnh chưa có nhu cầu sử dụng nên để cho anh em Huỳnh Ngọc Khoắn và Huỳnh Văn Kỹ ở tạm nhà cấp 4 trên đất trong thời gian qua. 

Thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất Thửa số 25; Tờ bản đồ 12 của ông Tuyên

Ông Ngô Đức Tuyên trình bày, đến nay bà Hạnh đã chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho ông trên phần đất Thửa số 25; Tờ bản đồ 12 ở địa chỉ ấp An Khương A, xã An Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre với diện tích: 317,2 mét vuông.

Ông Tuyên viết trong đơn, đã nhiều lần đề nghị hai ông Khoắn và ông Kỹ di dời nơi khác nhưng không được. Sau đó, ông Tuyên đã làm đơn đến UBND xã An Điền vào ngày 19/4/2023. UBND xã An Điền đã lập biên bản hoà giải không thành do ông Khoắn và ông Kỹ không đồng ý. 

Theo ông Tuyên, vào ngày 11/3/2023, UBND xã An Điền có tờ trình số: 202/TTr-UBND gửi TAND huyện Thạnh Phú, đến ngày 6/10/2023 Toà án Nhân dân huyện Thạnh Phú đã thụ lý vụ án số: 786/2023/TB-TLVA. Ông Tuyên viết trong đơn, đến nay mà TAND huyện Thạnh Phú vẫn không có động thái hay đưa ra xét xử vụ án của ông nên tiếp tục viết đơn trình bày. 

Tự ý sử dụng đất của người khác xử lý như thế nào?

Từ vụ việc của ông Ngô Đức Tuyên, trong khi chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng, dưới góc độ pháp lý, việc tự ý sử dụng đất của người khác sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Theo đó, hành vi lấn, chiếm đất đai là các hành vi gây ảnh hưởng xấu cho đến quyền lợi của người khác, trật tự an toàn xã hội cũng như là tạo tiền lệ xấu cho người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại Điều 14 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019, Chủ thể mà thực hiện hành vi lấn, chiếm đất đai sẽ bị xử phạt như sau:

* Trường hợp mà lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt sẽ như sau:

– Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với diện tích đất mà lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

 – Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với diện tích đất mà lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với diện tích đất mà lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

 – Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với diện tích đất mà lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

– Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với diện tích đất mà lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

* Trường hợp mà lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt sẽ như sau

– Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, mà chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, mà chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

– Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, mà chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

 –  Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, mà chiếm từ 01 héc ta trở lên.

* Trường hợp mà lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02 héc ta;

– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

– Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, mà chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

– Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, mà chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

 – Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, mà chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

– Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, mà chiếm từ 01 héc ta trở lên.

* Trường hợp mà lấn, chiếm đất phi nông nghiệp, ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt sẽ như sau:

– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu như diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu như diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

– Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu như diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

– Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng nếu như diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

– Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng nếu như diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

* Trường hợp mà lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 14 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP) tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng hai lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 14 và mức phạt tối đa không quá 500.triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức.

* Trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão; trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các lĩnh vực chuyên ngành khác.

Phan Hiệu

  • Tags: