Tuân thủ thuế trong nền kinh tế số: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các hoạt động kinh tế số trong những năm gần đây, đã và đang làm thay đổi cách thức vận hành của nền kinh tế xã hội và thói quen tiêu dùng người dân trên toàn thế giới. Sự thay đổi do chuyển đổi số mang lại cũng đặt ra yêu cầu cơ quan thuế phải hướng tới đảm bảo quá trình thu thuế từ các giao dịch kỹ thuật số và ứng dụng công nghệ thông tin giám sát, kiểm tra quá trình tuân thủ của người nộp thuế (NNT).
Ảnh minh họa

Thực trạng tuân thủ thuế trong nền kinh tế số

Kinh tế số là hoạt động kinh tế được thực hiện trên nền tảng Internet và các công nghệ liên quan. Trong vài năm trở lại đây, cách tiếp cận kinh tế số đã tập trung nhiều hơn vào công nghệ, dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số và lan tỏa giữa các nền kinh tế. Quá trình này được định nghĩa là xu hướng chuyển đổi của các DN thông qua việc sử dụng công nghệ số, các sản phẩm và dịch vụ số. Điều này đặc biệt phù hợp với các nước đang phát triển, nơi số hóa nền kinh tế đã bắt đầu ảnh hưởng đến các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, du lịch, giao thông vận tải và tài chính.

Nền kinh tế số là nơi mà các nhà cung cấp và khách hàng giao dịch mua bán hàng hóa và dịch vụ với nhau thông qua mạng Internet. Việc sử dụng các thiết bị điện tử và 

Internet cho phép NNT tiếp cận với các dòng thu nhập mới thông qua các giao dịch trên nền tảng số. Mặc dù các giao dịch này diễn ra trên môi trường mạng và thực hiện thanh toán qua tiền điện tử, hoặc tiền mã hóa, thì chúng vẫn tạo ra các nghĩa vụ thuế đối với những người tham gia giao dịch, buộc họ phải có một số kiến thức về thuế để xác định nơi cung cấp hàng hóa và nghĩa vụ thuế phải thực hiện. Vì thế, việc thiếu kiến thức có thể dẫn đến việc không tuân thủ, hoặc tuân thủ chưa đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với các cá nhân trong nền kinh tế số. Theo đó, các chính phủ đều đã và đang mở rộng việc cung cấp các dịch vụ công thông qua mạng Internet để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và sự thuận tiện trong giao tiếp với người dân.

Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Tại Australia, cơ quan thuế (ATO) đã phát triển các cổng thông tin để tạo ra một điểm truy cập duy nhất cho các đại lý thuế và DN giao dịch và tương tác trực tuyến. Hệ thống này không chỉ hỗ trợ các dịch vụ kỹ thuật số mới, đặc biệt là mở rộng nhanh chóng nguồn dữ liệu từ các bên thứ ba để thực hiện việc tính trước tiền thuế, mà còn hỗ trợ phân tích rủi ro về thuế và hỗ trợ các tùy chỉnh phản hồi về tuân thủ thuế của NNT. Quá trình số hóa đã mở ra cơ hội cho ATO phân tích một lượng lớn dữ liệu số và thực hiện các phân tích tuân thủ thuế theo phân đoạn khách hàng. Theo đó, nhằm hỗ trợ việc phát triển khả năng phân tích dữ liệu số, ATO đã được tái cấu trúc để đưa các hoạt động hỗ trợ tuân thủ (cả hỗ trợ và thực thi) vào một nhóm tuân thủ tập trung chủ yếu vào NNT. Việc khai thác dữ liệu số đã giúp ATO truy vết các phản hồi tuân thủ trên phạm vi rộng. Ngoài ra, bằng cách sử dụng các công cụ kinh tế, cơ quan thuế có thể khai thác thông tin chi tiết về NNT để ngăn chặn và xử lý hành vi không tuân thủ. Khả năng xây dựng báo cáo thuế được kết hợp từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, chẳng hạn như thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội, dữ liệu tìm kiếm của Google, các nguồn thông tin do bên thứ ba cung cấp.

Còn ở Hàn Quốc, tính minh bạch của cơ quan thuế đã được cải thiện từ khi thực hiện chuyển đổi số, cho phép theo dõi và kiểm tra chéo thông tin về giao dịch của NNT và các cá nhân trên môi trường số. Chi phí tuân thủ thuế của 4 hoạt động hành chính gồm: cấp giấy chứng nhận thuế, nhận và lưu trữ chứng chỉ thuế, ghi sổ kế toán, nộp thuế… giảm xuống, trong khi tỷ lệ tờ khai điện tử, đặc biệt là đối với thuế GTGT và thuế thu nhập tăng đáng kể từ năm 2003 đến năm 2018. Ngoài việc giảm chi phí tuân thủ thuế, số hóa cũng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, bởi các dịch vụ thuế được cung cấp trên nền tảng số đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện sự hài lòng của NNT, từ đó tác động tăng mức tuân thủ.  Ngoài ra, việc cho phép tự động điền các thông tin trên tờ khai thuế dựa trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế còn khuyến khích NNT tự nguyện nộp thuế trực tuyến nhiều hơn. Chưa kể, việc tạo ra một giao diện thân thiện với NNT cũng đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính tuân thủ của NNT. Điển hình là hệ thống hóa đơn điện tử của Hàn Quốc giới thiệu lần đầu vào tháng 1/2010, nhưng đã trở thành bắt buộc vào năm 2011, góp phần quan trọng để giảm chi phí tuân thủ và chi phí hành chính của cơ quan thuế thông qua khuyến khích báo cáo thuế một cách trung thực.

Tương tự như Hàn Quốc và Australia, cơ quan thuế Nhật Bản đã có nhiều giải pháp đảm bảo đánh thuế hợp lý các hoạt động kinh tế số, cả trong nước và quốc tế. Cụ thể, ngành thuế Nhật Bản đã nỗ lực tạo môi trường kê khai thuế phù hợp từ nền kinh tế số thông qua cung cấp thông tin qua website; nâng cao sự thuận tiện cho NNT; kêu gọi kê khai thuế thông qua các sàn thương mại điện tử trung gian, hoặc các hiệp hội. Để mở rộng nguồn thu thập thông tin, cơ quan thuế Nhật Bản  đã triển khai mô hình nhóm chuyên gia về thuế thương mại điện tử tại tất cả các cục thuế khu vực để thu thập và phân tích thông tin, sử dụng cho việc hướng dẫn hành chính, kiểm tra thuế. Ngành thuế Nhật Bản cũng công khai rộng rãi tài liệu liên quan đến hoạt động kinh tế mới, như nền kinh tế chia sẻ. Đặc biệt, để cải thiện sự thuận lợi cho NNT, tháng 1/2020, cơ quan thuế Nhật Bản đã cung cấp một công cụ tư vấn thuế mới có tên là Chatbot, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phản hồi tự động các câu hỏi của NNT. Với cơ chế hoạt động 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, Chatbot đã giúp giảm bớt gánh nặng chi phí và nguồn lực của cơ quan thuế liên quan đến tư vấn thuế.

Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm quản lý tuân thủ thuế của một số quốc gia trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Theo đó, do hệ thống thuế của Việt Nam được thiết kế dựa trên đặc điểm của các DN truyền thống, nên trong kỷ nguyên số hóa, việc xác định đánh thuế ai, khi nào và ở đâu ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, do hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nên đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh hệ thống thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.  

Bên cạnh đó, quá trình số hóa đã tạo ra những cơ hội và thách thức mới đối với cơ quan thuế Việt Nam, cũng như khả năng thu thập và khai thác dữ liệu của cơ quan thuế có giá trị cung cấp thông tin liên quan cho các cơ quan của Chính phủ. Sự thay đổi vai trò từ việc chỉ tham khảo ý kiến sang cộng tác với các bên liên quan vào các giai đoạn thiết kế chính sách thuế cho thấy, phạm vi tiếp cận của cơ quan thuế đang được mở rộng, liên kết với các dịch vụ khác của Chính phủ.

Ngoài ra, số hóa là một giải pháp hiệu quả để cơ quan thuế tăng số thu mà không cần tăng thuế suất. Do đó, số hóa là một chiến lược được khuyến khích với các nước đang phát triển trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã chứng minh thêm tầm quan trọng của số hóa, vì quản lý thuế điện tử cho phép NNT thực hiện các nghĩa vụ thuế, mà không cần phải trực tiếp có mặt ở cơ quan thuế. Quan trọng hơn, sự thuận lợi của NNT trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế bắt nguồn từ quá trình số hóa đã và sẽ giảm đáng kể chi phí tuân thủ và giúp cho công tác quản lý thuế trở nên hiệu quả hơn.

Đinh Công Hiếu - Ban Cải cách - Tổng cục Thuế

  • Tags: