Đó là kết quả cuộc thăm dò dư luận xã hội do Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện nhằm tìm hiểu ý kiến của nhân dân về công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 bằng hình thức trực tuyến (trên nền tảng Internet) vào tháng 9/2021.
Nguồn ảnh: xaydungdang.org.vn
Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần này, tuyệt đại đa số những người được hỏi (96%) tin tưởng rằng, với nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch hiện nay, Việt Nam sẽ kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19.
Dư luận đánh giá cao và cho rằng, trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, nhất là tại các tỉnh phía Nam, công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị; công tác thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở đã phát huy tốt vai trò là cầu nối thông tin.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, các chuyên gia, các nhà khoa học đã tham gia tích cực, góp phần lan tỏa thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận, xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, các ý kiến được hỏi cũng cho biết, họ lo lắng, bức xúc trước việc “một bộ phận người dân còn chủ quan, không thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19” và “tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm thu nhập của một bộ phận người dân”.
Để nâng cao hiệu của phòng, chống dịch COVID-19, đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cho rằng, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới cần coi trọng việc cung cấp thông tin và các hướng giải pháp như: Cung cấp kịp thời các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, văn bản của Trung ương và địa phương về phòng, chống dịch COVID-19; thường xuyên cập nhật thông tin về kiến thức, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để người dân biết và chủ động, tự giác thực hiện; tăng cường thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương; thông tin về các hoạt động hỗ trợ người dân, nhất là tại địa bàn có dịch COVID-19; thông tin phê phán hành vi cá nhân ích kỷ, tham nhũng, tiêu cực, phá hoại thành quả của công tác phòng, chống dịch, gây chia rẽ, kích động nhân dân; thông tin về thực hiện các nhiệm vụ “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế; tăng cường thông tin về những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ ý bác sỹ, lực lượng tuyến đầu…