Tóm tắt: Khi nguyên tắc tranh tụng được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thì mô hình tố tụng dân sự ở Việt Nam đã có sự thay đổi, chuyển từ tố tụng thẩm vấn là chính sang tố tụng tranh tụng kết hợp với thẩm vấn. Từ đó vai trò của Tòa án trong việc giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế cũng có sự thay đổi. Tòa án từ vai trò thu thập chứng cứ, thẩm vấn các bên đương sự để chứng minh về sự thật, khách quan của vụ án, chuyển sang vai trò điều hành việc tranh tụng, yêu cầu các bên đương sự thực hiện nghĩa vụ thu thập tài liệu, chứng cứ, chỉ trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự thì Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thì tranh tụng trong xét xử các vụ án dân sự, kinh tế được tiến hành trong các giai đoạn từ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Phân tích về vai trò của Tòa án bảo đảm tranh tụng trong các giai đoạn tố tụng dân sự, qua đó nêu lên một số giải pháp để hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng dân sự là mục đích nghiên cứu của tác giả trong bài viết này.
Từ khóa: Tố tụng dân sự, Tòa án, tranh tụng.
Abstract: Since the adversarial principle is regulated under the Civil Procedure Code 2015, the civil procedure model in Vietnam has changed, replacing the interrogation proceedings with the litigation combined with interrogation. The role of court in resolution of civil, economic cases accordingly has changed, from collecting evidences, interrogating the involved parties to prove the truth and objectivity of the case to coordinate the adversarial proceeding, requiring the concerned parties to collect documents, evidence and the Court only directly collect documents, evidences in necessary circumstance or at the request of concerned parties. In accordance with the Civil Procedure Code 2015, litigation of civil, economic cases shall be conducted by steps from the courts of first instance, the appellate proceedings, the cassation or retrial proceedings. The aim of this paper is to analyze the role of Court in ensuring adversarial principle during civil procedure, thereby demonstrate some solutions to improve the regulations of civil procedure.
Key words: Civil procedure, Court, litigation.

I. TRANH TỤNG TRONG XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ, KINH TẾ
Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử các vụ án dân sự, kinh tế là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (TTDS), thể hiện quan điểm của Nhà nước trong việc xác định trách nhiệm, vai trò của Tòa án và các đương sự trong quá trình xét xử các vụ án dân sự, kinh tế. Nguyên tắc Bảo đảm tranh tụng trong xét xử quy định trong Bộ luật TTDS năm 2015 được kế thừa từ Điều 23a Bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Nguyên tắc Bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 có những hạn chế nhất định. (1) Khái niệm tranh luận có nội hàm hẹp hơn tranh tụng. (2) Tranh luận chỉ diễn ra trong giai đoạn xét xử vụ án, ở những giai đoạn thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử không có thủ tục tranh luận. Trước yêu cầu cải cách tư pháp cần phải nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án, tránh không để xảy ra tình trạng xét xử oan, sai thì nguyên tắc Bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân không còn phù hợp mà phải thay thế bằng nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Trước Hiến pháp năm 2013, khái niệm tranh tụng được quy định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị[1], trong đó Nghị quyết có viết: “Khi xét xử, các Tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định”. Tiếp theo, tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị[2] về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, quan điểm về bảo đảm tranh tụng được nâng lên tầm cao hơn, coi tranh tụng trong xét xử của tòa án là khâu đột phá của hoạt động tư pháp.
Trong Bộ luật TTDS năm 2015[3], nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử” đã quy định những định hướng lớn của nhà nước cần phải bảo đảm trong khi giải quyết các vụ án dân sự kinh tế. Những định hướng lớn bao gồm:
- Việc tranh tụng được bảo đảm thực hiện từ khi khởi kiện thụ lý vụ án cho đến khi giải quyết xong vụ án; đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong các giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
- Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, đặc biệt là quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
- Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong các trường hợp xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015 thì Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ.
- Trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa các chứng cứ của vụ án phải được công khai trừ trường hợp không được công khai định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật TTDS năm 2015. Các đương sự đều có quyền được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập (trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai). Đương sự có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án (trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai).
- Trong quá trình giải quyết, xét xử mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, Tòa án điều hành việc tranh tụng. Tại phiên tòa Hội đồng xét xử phải: bảo đảm các đương sự thực hiện việc tranh tụng, chỉ hỏi những vấn đề mà người tham gia tố tụng trình bày chưa rõ, trong trường hợp cần thiết phải có thời gian thu thập thêm chứng cứ để đủ cơ sở giải quyết vụ án thì tạm ngừng phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.
II. VAI TRÒ CỦA TÒA ÁN BẢO ĐẢM TRANH TỤNG TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN DÂN SỰ, KINH TẾ
2.1. Tòa án bảo đảm tranh tụng trong giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án
Khởi kiện vụ án dân sự, kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Một khi các cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội có vụ việc tranh chấp về dân sự, kinh tế có đơn khởi kiện đến Tòa án để được giải quyết, trong trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện không đúng pháp luật thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của họ. Bộ luật TTDS năm 2004 tại Điều 170 quy định về quyền khiếu nại của đương sự và giải quyết khiếu nại của Tòa án về việc trả lại đơn khởi kiện. Cụ thể, sau khi nhận được quyết định trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện; Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện vẫn giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện, thì người khởi kiện có quyền khiếu nại, với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Trường hợp Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp vẫn giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện thì người khởi kiện không còn quyền khiếu nại nữa vì quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng. Như vậy, Bộ luật TTDS năm 2004 quy định vai trò của Tòa án chỉ đơn phương xem xét đơn khởi kiện, người khởi kiện không được quyền tham gia, vì thế ở giai đoạn này không có thủ tục tranh tụng.
Khắc phục hạn chế của Bộ luật TTDS năm 2004, Bộ luật TTDS năm 2015 xác định quyền khiếu nại, kiến nghị đối với việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán là một quyền rất quan trọng của đương sự cần phải được bảo đảm. Đồng thời quy định vai trò của Viện kiểm sát, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc trả đơn khởi kiện nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động tố tụng dân sự thật sự dân chủ, công khai, minh bạch. Theo Điều 194 Bộ luật TTDS năm 2015, quy định như sau:
- a) Khiếu nại, kiến nghị lần đầu: sau khi nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện; Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại. Thẩm phán được Chánh án phân công phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại; trường hợp đương sự vắng mặt, thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp. Tại cuộc họp này người khiếu nại có quyền được trình bày ý kiến của mình về quyền được khởi kiện tại Tòa án, người khiếu nại cũng có thể đưa ra các chứng cứ để chứng minh về quyền được khởi kiện vụ án. Thẩm phán căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và đương sự có khiếu nại tại phiên họp, phải ra các quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện hoặc nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
- b) Khiếu nại, kiến nghị lần hai: Trong trường hợp Thẩm phán giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp thì người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết. Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải xem xét và ra một trong các quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện hoặc yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có hiệu lực thi hành và được gửi ngay cho người khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát đã kiến nghị và Tòa án đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện.
- c) Xét lại quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị việc trả đơn khởi kiện của Chánh án Tòa án cấp trên một cấp trực tiếp. Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có vi phạm pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát thì Chánh án phải giải quyết. Quyết định của Chánh án là quyết định cuối cùng.
Trong giai đoạn khởi kiện vụ án dân sự, kinh tế, Bộ luật TTDS năm 2015 quy định Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm, Tòa án cấp trên một cấp trực tiếp xem xét đơn của người khởi kiện, cho thấy Nhà nước đã rất quan tâm đến quyền của người khởi kiện, đề ra các thủ tục tố tụng để Tòa án bảo đảm quyền của người khởi kiện, cho phép người khởi kiện có quyền tranh tụng ngay trong giai đoạn khởi kiện.
2.2. Tòa án bảo đảm tranh tụng trong giai đoạn hòa giải và chuẩn bị xét xử
Trong giai đoạn hòa giải và chuẩn bị xét xử, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự, kinh tế; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015. Đương sự phải thực hiện các nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015, nếu không thực hiện các nghĩa vụ đó thì phải chịu hậu quả pháp lý theo quy định của pháp luật. Khác với quy định của Bộ luật TTDS năm 2004 trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án chỉ tổ chức phiên họp hòa giải, Bộ luật TTDS 2015 quy định thủ tục Tòa án tổ chức phiên họp gồm có hai nội dung: kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Trường hợp vụ án thuộc những vụ án không được hòa giải thì Tòa án vẫn phải tổ chức cuộc họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.
Giao nộp tài liệu, chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của đương sự, việc giao nộp tài liệu, chứng cứ là một trong những nội dung quan trọng của tranh tụng cho nên đương sự phải giao nộp đầy đủ và công khai các tài liệu, chứng cứ, trừ trường hợp quy định được giữ bí mật. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc, thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng, thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập được để giải quyết vụ việc dân sự. Đối với một số tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể thu thập được, theo yêu cầu của đương sự Tòa án tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ. Sau khi thu thập được chứng cứ, Tòa án phải thông báo về tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ.
Về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ, theo quy định tại khoản 4 Điều 96 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định như sau:
+ Trường hợp, Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó.
+ Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm, thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.
Về việc gửi tài liệu chứng cứ cho đương sự khác. Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; trừ tài liệu chứng cứ được giữ bí mật theo luật định hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác.
Trong phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán chủ tọa phiên họp công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án. Yêu cầu các bên đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc có yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ. Bộ luật TTDS năm 2015 có bổ sung một nội dung quan trọng đó là tài liệu, chứng cứ mà đương sự gửi cho Tòa án, thì cũng phải gửi cho các đương sự khác biết để thực hiện việc tranh tụng.
2.3. Tòa án bảo đảm tranh tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm
Theo quy định tại Điều 247 Bộ luật TTDS năm 2015, thì tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án dân sự, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án. Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến nhưng có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến không có liên quan đến vụ án dân sự. Chủ tọa phiên tòa đóng vai trò điều hành để cho các bên đương sự thực hiện quyền tranh tụng. Về thứ tự hỏi tại phiên tòa, theo Điều 222 Bộ luật TTDS năm 2004 thứ tự hỏi tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến Hội thẩm nhân dân, sau đó đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự và những người tham gia tố tụng khác; trường hợp có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa thì Kiểm sát viên hỏi sau đương sự. Bộ luật TTDS năm 2015 có sự thay đổi về thứ tự hỏi tại phiên tòa, theo Điều 249 quy định, nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hỏi trước, tiếp đến bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, sau đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; những người tham gia tố tụng khác. Sau khi đã nghe các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự hỏi, nếu thấy cần thiết thì Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân mới tiến hành hỏi và chỉ hỏi những vấn đề mà người tham gia tố tụng trình bày chưa rõ. Trong trường hợp cần thiết phải có thời gian thu thập thêm chứng cứ để đủ cơ sở giải quyết vụ án, thì Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa.
Về phát biểu tranh luận tại phiên tòa, Bộ luật TTDS năm 2015 quy định Chủ tọa phiên tòa điều khiển để các đương sự đối đáp với nhau. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án. Trường hợp vắng mặt một trong các đương sự và người tham gia tố tụng khác, thì chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp. Quy định này đã thể hiện được vai trò của Tòa án ngoài việc phải tạo điều kiện cho các bên đương sự tranh tụng, còn có trách nhiệm yêu cầu các bên tranh tụng để làm rõ vấn đề cần giải quyết, để trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ ra bản án, quyết định sơ thẩm.
III. VAI TRÒ CỦA TÒA ÁN BẢO ĐẢM TRANH TỤNG TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ PHÚC THẨM CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ, KINH TẾ
Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm chủ yếu là trong giai đoạn sơ thẩm. Tuy nhiên, ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ trong những trường hợp sau đây:
- Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng;
- Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.
Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm, nội dung và phương thức tranh tụng, vai trò của Tòa án đối với việc tranh tụng trong các vụ án dân sự, kinh tế giống như phiên tòa xét xử sơ thẩm. Do tính chất của Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị, do vậy phần tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm khác với phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ được tranh luận về những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm và đã được hỏi tại phiên tòa phúc thẩm.
Cơ sở pháp lý để phát sinh thủ tục phúc thẩm là do có kháng cáo của đương sự hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát đối với bản án, quyết định sơ thẩm vụ án dân sự, kinh tế. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm có kháng nghị của Viện kiểm sát thì trong phần tranh luận tại phiên tòa có thủ tục đương sự tranh luận đối với Kiểm sát viên về kháng nghị của Viện kiểm sát, nội dung này trong phiên tòa sơ thẩm không có. Để bảo đảm cho việc tranh luận có kết quả, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải điều hành cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự và Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về những vấn đề mà các bên tranh luận theo đúng trình tự đã được pháp luật quy định. Tòa án phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định về kháng cáo, kháng nghị, các tình tiết của vụ án, việc giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, những căn cứ pháp luật mà Tòa án áp dụng, để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giải quyết các vấn đề khác có liên quan.
IV. VAI TRÒ CỦA TÒA ÁN BẢO ĐẢM TRANH TỤNG TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ GIÁM ĐỐC THẨM, CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ, KINH TẾ
Giám đốc thẩm là Tòa án có thẩm quyền xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 của Bộ luật TTDS năm 2015. Theo tinh thần cải cách tư pháp, nguyên tắc tranh tụng được quy định cả trong giai đoạn xét xử giám đốc thẩm. Vì vậy, vai trò của Tòa án trong giai đoạn xét xử giám đốc thẩm có những thay đổi so với Bộ luật TTDS năm 2004. Cụ thể như sau:
- Về bổ sung, xác minh tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm. Tòa án tạo điều kiện cho đương sự thực hiện quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.
- Trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án triệu tập đương sự hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác có liên quan đến việc kháng nghị, tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu. Trường hợp họ vắng mặt nhưng có văn bản trình bày ý kiến, thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm công bố ý kiến của họ.
V. MỘT VÀI KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA TÒA ÁN BẢO ĐẢM TRANH TỤNG TRONG XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ, KINH TẾ
5.1. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Tòa án bảo đảm tranh tụng trong xét xử các vụ án dân sự, kinh tế
Vai trò của Tòa án có ý nghĩa rất lớn và quyết định hiệu quả của việc tranh tụng, vì vậy để nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử vụ án dân sự, kinh tế cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân biết về nguyên tắc tranh tụng và vai trò của Tòa án bảo đảm tranh tụng trong tố tụng dân sự.
Đối với Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cần thường xuyên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng tập huấn về những quy định mới của pháp luật để điều hành phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng về tranh tụng. Bảo đảm cho các bên đương sự thực hiện tranh tụng có hiệu quả trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật. Những phán quyết của Hội đồng xét xử trong bản án, quyết định phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Nhà nước cần bảo đảm về cơ sở vật chất nhất là hội trường xét xử, phương tiện đi lại, kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin cho các Tòa án đủ điều kiện để xét xử các vụ án theo tinh thần tranh tụng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
5.2. Bảo đảm độc lập tư pháp, hoàn thiện tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không theo đơn vị hành chính
Vai trò của Tòa án bảo đảm tranh tụng trong tố tụng có liên quan đến nguyên tắc độc lập tư pháp. Một trong những yếu tố để đảm bảo cho Tòa án độc lập là các Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử. Độc lập của Tòa án còn là nguyên tắc hoạt động của bộ máy nhà nước hiện đại. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử”[4]. Hiện nay, hệ thống Tòa án nhân dân được tổ chức có Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Theo mô hình tổ chức này, ngoài Tòa án nhân dân cấp cao các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện vẫn tổ chức theo đơn vị hành chính. Do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân Tòa án được tổ chức theo cấp hành chính, nên công tác tổ chức chưa được quan tâm đúng mức, chế độ tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán Tòa án các cấp cũng được quy định như các ngạch cán bộ, công chức hành chính nhà nước khác. Vì vậy, không đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử và không tương xứng với vị trí, vai trò và tính chất hoạt động quan trọng của cơ quan Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong bộ máy nhà nước.
5.3. Tăng cường đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý để tham gia vào hoạt động tranh tụng các vụ án dân sự, kinh tế
- Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại. Với tư cách là người đại diện cho đương sự, luật sư được tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự; xác minh, thu thập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho Toà án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; tham gia việc hoà giải, tham gia phiên toà hoặc có văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác; giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Hiện nay số lượng luật sư trong cả nước khoảng gần 20.000 luật sư, số vụ án có luật sư tham gia chiếm tỷ lệ khoảng 30% trên tổng số các vụ án mà Tòa án đã giải quyết, vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
- Vai trò của trợ giúp viên pháp lý. Trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng trong những năm gần đây chiếm tỷ lệ thấp chỉ khoảng gần 10% hoạt động trợ giúp pháp lý trong một năm, chất lượng tham gia tố tụng ở một số vụ án chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng trong hoạt động xét xử theo yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp. Do vậy, cần phải có những quy định hoạt động trợ giúp pháp lý tập trung vào hoạt động tranh tụng là chính. Để làm được điều này ngoài việc phát triển đội ngũ trợ giúp viên pháp lý mang tính chuyên nghiệp, hiện đại cần có những cơ chế hợp lý để tập hợp được đội ngũ luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, vì luật sư có thế mạnh trong hoạt động tranh tụng hơn so với những người tham gia trợ giúp pháp lý khác./.
TS.Phạm Quý Tỵ
Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ, Trường Đại học quốc tế Sài Gòn
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp,
nguyên Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hà Nội
Tài liệu tham khảo
[1]. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ chính trị về “một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”.
[2]. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ chính trị về “chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
[3]. Hiến pháp Nước cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013.
[4]. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.
[5]. Luật luật sư năm 2007, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2012.
[6]. Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[7]. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[8]. Luật trợ giúp pháp lý năm 2017.
[1]. Nghị quyết Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về “một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”.
[2]. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ chính trị về “chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
[3]. Điều 24 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[4]. Điều 5, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.