Vấn đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

Lâu nay, vấn đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật đã được Đảng, Nhà nước đặt ra và tích cực thực hiện. Tuy nhiên, yêu cầu hiện nay trong việc thực thi vấn đề này không những không giảm mà càng trở nên cần thiết hơn.

Xây dựng pháp luật (XDPL) là hoạt động của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc lập chương trình XDPL, soạn thảo, trình, tham gia góp ý, phản biện xã hội, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hoạt động kiểm soát quyền lực trong công tác XDPL là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm để cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác XDPL thực hiện nghiêm túc các quy định trong việc lập chương trình XDPL, soạn thảo, trình, tham gia góp ý, phản biện xã hội, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL.

Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm vấn đề kiểm soát quyền lực trong XDPL

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới, đã đánh giá: Quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện. Đồng thời, Trung ương Đảng cũng thống nhất chủ trương, giải pháp hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã xác định: Chú trọng chống tiêu cực ngay trong công tác XDPL, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 27/6/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Với những quy định rất cụ thể, nghiêm minh, Quy định 178 được kỳ vọng xử lý, ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Tại Điều 5 trong Quy định số 178-QĐ/TW, các hành vi tham nhũng trong công tác XDPL gồm: Cố ý chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ; cố ý trì hoãn việc đình chỉ, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật vì mục đích lợi ích nhóm, cục bộ; nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ cho người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật để định hướng truyền thông không bảo đảm khách quan và không đúng sự thật về nội dung chính sách trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi. Lạm quyền, câu kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác để trục lợi trong công tác xây dựng pháp luật…

Đối với các hành vi tiêu cực trong công tác XDPL, Điều 6 quy định, cố ý không chấp hành nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong công tác XDPL hoặc cố ý che giấu, báo cáo không trung thực với cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực tiễn, về nội dung ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cố ý đưa những nội dung mới vào dự thảo văn bản khác với những chính sách hoặc nội dung đã được cấp có thẩm quyền thông qua mà không báo cáo cấp lãnh đạo có thẩm quyền…

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý trong công tác XDPL; bao che, cố ý không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong cơ quan, tổ chức, địa phương do mình trực tiếp quản lý trong công tác XDPL. Sử dụng trái quy định tài chính, tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ, viện trợ trong công tác XDPL.

Quy định 178 đồng thời nêu rõ 5 nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL. Trong đó, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác XDPL. Kết hợp đồng bộ, chặt chẽ các cơ chế, biện pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác XDPL; chủ động phòng ngừa là chính; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL; bảo vệ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác XDPL.

Quy định số 178-QĐ/TW cũng chỉ rõ  5 hành vi tiêu cực trong công tác XDPL, bao gồm: (1) Cố ý không chấp hành nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong công tác xây dựng pháp luật hoặc cố ý che giấu, báo cáo không trung thực với cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực tiễn, về nội dung ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cố ý đưa những nội dung mới vào dự thảo văn bản khác với những chính sách hoặc nội dung đã được cấp có thẩm quyền thông qua mà không báo cáo cấp lãnh đạo có thẩm quyền dẫn đến văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp hoặc tính thống nhất với hệ thống pháp luật hoặc có nhiều sơ hở và bị lợi dụng gây ra thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân. (2) Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý trong công tác xây dựng pháp luật; bao che, cố ý không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong cơ quan, tổ chức, địa phương do mình trực tiếp quản lý trong công tác xây dựng pháp luật. (3) Sử dụng trái quy định tài chính, tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ, viện trợ trong công tác xây dựng pháp luật. (4) Móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị nhằm tuyên truyền tư tưởng, quan điểm trái với chủ trương, quy định của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; thu thập, chuyển giao cho nước ngoài hoặc tổ chức, cá nhân khác trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu liên quan đến công tác xây dựng pháp luật; lợi dụng việc phản ánh, góp ý kiến, phản biện xã hội trong công tác xây dựng pháp luật để chống phá Đảng và Nhà nước. (5) Các hành vi tiêu cực khác trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời xác định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trách nhiệm của người đứng đầu; trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội khác trong công tác quan trọng này. Cá nhân có hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác XDPL phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Những hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong XDPL chưa có quy định xử lý thì căn cứ vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và quy định của các tổ chức đoàn thể để xử lý cho phù hợp.

Một số nguyên tắc, giải pháp kiểm soát quyền lực trong XDPL

Để kiểm soát quyền lực trong phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL, cần phải tuân thủ các nguyên tắc: (1) Phải bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực; (2) Phải bảo đảm kết hợp đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; xử lý công minh, chính xác, kịp thời, khách quan, toàn diện, căn cứ vào quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại thời điểm xảy ra vi phạm; bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm. Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật; (3) Phải bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác XDPL; (4) Phải bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục, tiến độ, thời hạn, chất lượng trong công tác XDPL; không làm cản trở sự chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác XDPL; (5) Phải bảo đảm sự tham gia XDPL và giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội khác và Nhân dân theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; (6) Phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác XDPL.

Đồng thời, phải nhận diện rõ được các hành vi lợi ích nhóm tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL, đó là những hành vi có tính chất phổ biến như: (1) Chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản có nội dung “lợi ích nhóm”; có “tư duy nhiệm kỳ”, chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho “lợi ích nhóm” mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước; cố ý trì hoãn việc bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì mục đích “lợi ích nhóm”; tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác XDPL để ban hành chính sách pháp luật có “lợi ích nhóm”. (2) Lạm quyền, lộng quyền, cơ hội, vụ lợi, cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi trong công tác XDPL và các hành vi tham nhũng khác theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng trong công tác XDPL. (3) Cố ý không chấp hành nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong công tác XDPL. (4) Chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái với chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc có nhiều sơ hở, bị lợi dụng gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân; không thực hiện, thực hiện không đúng chủ trương, đường lối, quy định của Đảng trong công tác XDPL. (5) Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng; nể nang, né tránh, ngại va chạm, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, dân chủ hình thức, không tôn trọng ý kiến của tập thể trong công tác XDPL. (6) Quan liêu, không sâu sát công việc, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng trong công tác XDPL. (7) Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng, Nhà nước trong công tác XDPL. (8) Móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị nhằm truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập trong công tác XDPL; lợi dụng việc phản ánh, góp ý kiến, phản biện xã hội trong công tác XDPL để chống phá Đảng và Nhà nước. (9) Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực; bao che, không báo cáo, phản ánh, không xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, địa phương do mình trực tiếp quản lý trong công tác XDPL. (10) Sử dụng trái quy định tài chính, tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ trong công tác XDPL.

Các hoạt động kiểm soát quyền lực trong công tác XDPL bao gồm: (1) Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Đảng. (2) Hoạt động kiểm soát quyền lực lẫn nhau của các cơ quan thông qua việc thực hiện thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong công tác XDPL. (3) hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật. (4) Hoạt động kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. (5) Hoạt động tham gia ý kiến, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội khác./.

Ths. Nguyễn Tiến Trinh

...
  • Tags: