Tóm tắt: Vận động hành lang và phòng, chống tham nhũng luôn có mối quan hệ biện chứng. Mức độ và tỷ lệ tương tác của chúng ra sao ở mỗi quốc gia phụ thuộc quyết định vào pháp luật. Pháp luật phải được xem là giải pháp tối ưu để mọi khía cạnh của vận động hàng lang và phòng, chống tham nhũng đi đúng quỹ đạo của nó. Pháp luật cũng tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho sự tham gia, giúp các nhà hoạch định chính sách dễ dàng tiếp nhận ý kiến đóng góp. Điều này giúp chính sách phản ánh tốt hơn nhu cầu của toàn xã hội và cho phép những người liên quan đến chính sách tránh phạm phải hành vi tham nhũng.Từ khóa: Vận động hành lang; tham nhũng; phòng, chống tham nhũng; pháp luật.Abstract: Lobbying and anti-corruption always have a dialectical relationship. The extent and ratio of their interaction in each country depends on the related legal regulations. Legislation must be seen as the optimal solution for all aspects of lobbying and anti-corruption to follow its trajectory. Legislation also provides a clear legal framework for participation, making it easier for policy makers to receive comments from stakeholders. This helps policy to better appropriate with the needs of society as a whole and allows policy stakeholders to avoid committing corrupt practices.Keywords: Lobbying; curruption; anti-curruption; law.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Tính tất yếu, cơ sở xã hội học của vận động hành lang và phòng, chống tham nhũng
-Tính tất yếu
Vận động hành làng (VĐHL) làhoạt động gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định, chính sách của các chủ thể công quyền theo những chủ ý, nhằm tối đa hóa những lợi ích nhất định. Hình thức của VĐHL ngày càng đa dạng và có ảnh hưởng trong đời sống thực tiễn của các quốc gia. Nó "đang tồn tại và phát triển như nhu cầu chính đáng, tự nhiên,... và luôn hiện diện ở mọi xã hội"[1]. Bởi lẽ, lợi ích xã hội và cơ chế pháp lý phản ánh lợi ích xã hội hiếm khi ở trạng thái lý tưởng. Pháp luật có thể ghi nhận lợi ích cụ thể hoặc bình quân của đa số hay chỉ của một nhóm xã hội nào đó không mang tính đại diện đầy đủ cho các lực lượng xã hội. Phạm vi các lợi ích được thừa nhận luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn giữa lợi ích hợp pháp, lợi ích chính đáng và lợi ích mong muốn[2]. Do đó, những chủ thể nhất định muốn cân bằng lợi ích, hoặc muốn lợi ích của mình chiếm ưu thế sẽ tiến hành những động thái tác động tới chính sách, nhằm hiện thực hóa mục đích. Ở góc độ chung hơn, "mọi quyết sách của lực lượng cầm quyền và của nhà nước là kết quả của sự tương tác lợi ích và lực lượng giữa các nhóm xã hội khác nhau. Xây dựng, phát triển xã hội dân sự gắn liền với khuynh hướng tự do hóa xã hội dẫn đến yêu cầu phải làm sao để người dân có thể tác động và gây ảnh hưởng tối đa đến quá trình ra các quyết sách. Đó là lý do tồn tại một cách hợp pháp các trung tâm, văn phòng có mục đích VĐHL"[3]. "Thực tiễn chỉ ra rằng, sự đấu tranh giữa các lợi ích là khách quan và đồng thời là động lực phát triển của xã hội, và quy luật của sự đấu tranh đó tự nó sẽ vạch đường cho một điểm dừng hợp lý - điểm giao thoa giữa các lợi ích"[4].
Tham nhũng (TN) là "hành vi lạm dụng quyền lực công để thu lợi ích riêng"[5], là "hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi"[6]. TN cũng mang tính khách quan, bởi bản chất của TN là sự lạm dụng, tha hóa của quyền lực - một hiện tượng có tính quy luật xét trên phương diện tâm lý học hành vi của loài người. TN có tính chất là một "căn bệnh" chung, mang tính cố hữu của mọi nhà nước, bất kể thuộc thể chế chính trị nào. TN xuất hiện ngay từ khi nhà nước ra đời và sẽ tồn tại cùng với nhà nước cho tới khi nó tiêu vong. TN có thể kiềm chế, giảm thiểu mà khó có thể xóa bỏ triệt để trong bộ máy nhà nước[7].
Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sâu xa là chống lại lòng tham của con người và kiểm soát có hiệu quả việc thực hiện quyền lực công. PCTN tuy cần các điều kiện đảm bảo khắt khe, nhưng cũng tồn tại khách quan như TN. Bởi lẽ, chống lại sự tha hóa quyền lực là vấn đề xuyên suốt lịch sử phát triển của nhân loại, nó có thể được thực hiện "từ bên ngoài" bộ máy nắm giữ quyền lực qua phản ứng của người dân trước việc sử dụng quyền lực không đúng mục đích; có thể được thực hiện "từ bên trong", thông qua các thiết chế do nhà nước lập ra...[8]
TN hay PCTN, suy cho cùng đều do các mục tiêu về lợi ích chi phối. Nhưng nếu như lợi ích mà TN hướng đến là những lợi ích có được do sự lạm dụng quyền lực, được thực hiện bằng các hành vi bất hợp pháp, nhằm thu lợi riêng cho người TN, thì lợi ích mà PCTN hướng đến là lợi ích chung, được thực hiện bằng các hành vi hợp pháp, được thúc đẩy từ sự đồng thuận của xã hội. "Đồng thuận xã hội khó có thể được xây dựng và tồn tại bền vững trên nền tảng của sự yếu kém kéo dài về mọi mặt trong xã hội, nhất là về kinh tế"[9]. Đồng thuận trong PCTN tạo nên sự đồng lòng một cách tự nguyện về tư tưởng, hành động hoặc đơn giản chỉ là sự khác biệt giữa các thành viên không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện cái mà các thành viên đã đồng tình, nhất trí với nhau trong việc phát hiện hoặc thông tin về hành vi TN. Đồng thuận xã hội trong PCTN đến từ mục tiêu bảo vệ lợi ích công, lợi ích chính đáng của từng lực lượng xã hội có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi TN, từ đó tạo nên "một trạng thái bền vững xã hội trong những phạm vi cộng đồng nhất định"[10], làm xã hội gắn kết lại, biến PCTN trở thành vấn đề chung.
-Cơ sở xã hội học của vận động hành lang và phòng, chống tham nhũng
Sự tất yếu và mối quan hệ giữa ba hiện tượng xã hội này cũng bởi giữa chúng có những đảm bảo chung mang tính xã hội học, tức là đều có các yếu tố làm cho chúng chắc chắn được thực hiện, duy trì hoặc có đầy đủ những gì cần thiết để được triển khai hiệu quả. Các đảm bảo đó gồm:
Pháp luật hoàn thiện là đảm bảo xã hội nền tảng cho PCTN và VĐHL. Hệ thống pháp luật hoàn thiện sẽ tạo nên một họa đồ, mô tả các ứng xử cần thiết của mọi chủ thể nằm trong phạm vi điều chỉnh của nó, bao gồm: từ nguyên tắc, cách thức, phương pháp, quy trình, chủ thể, hệ thống quyền và nghĩa vụ, cơ chế thực thi, xử lý vi phạm trong quá trình PCTN và VĐHL. Pháp luật PCTN tạo môi trường cho VĐHL lành mạnh và ngược lại, nhờ VĐHL hợp pháp mà PCTN. Đây cũng chính là lý do mà đa số các nước trên thế giới đều tham gia Công ước chống TN của Liên hợp quốc năm 2003, và một số nước đã, đang xây dựng một luật riêng nhằm minh bạch hoá, qua đó hạn chế những biến tướng tiêu cực trong VĐHL.
Dân chủ, sự tham gia: Tham gia xây dựng thể chế, trong quá trình vận hành của chính quyền, hay cách thức tổ chức xã hội là biểu hiện của đồng thuận xã hội, của việc tập hợp sức mạnh của các lực lượng dân chúng trong PCTN và giám sát tính hợp pháp của VĐHL. Khi ý nguyện của người dân được ghi nhận, lợi ích của họ sẽ không dễ bị lấn át bởi các lợi ích của nhóm người có quyền lực và tài chính khác. Người dân khi được tự quyết định những vấn đề trọng đại, được tính đến trong mọi hoạt động của nhà nước, khi đó sẽ có dân chủ, pháp quyền, PCTN và VĐHL sẽ đi đúng quỹ đạo, phát huy hiệu quả.
-Minh bạch và trách nhiệm giải trình
Minh bạch và liêm chính là hai khía cạnh được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đặc biệt quan tâm. Nó được thể hiện chi tiết trong Bộ nguyên tắc về minh bạch và liêm chính trong VĐHL do Tổ chức này ban hành. Minh bạch là một công cụ, cho phép công chúng giám sát quá trình ra quyết định, tiếp cận các thông tin liên quan đến những cam kết mà chính quyền đưa ra. Nhờ trách nhiệm giải trình, công chúng có thể yêu cầu chính quyền giải đáp tường tận các hoạt động của mình. Trách nhiệm giải trình đến từ sự giải trình và sự chịu trách nhiệm. Trách nhiệm giải trình và minh bạch là hai thành tố của nền dân chủ, chúng "hàm ý rằng các thông tin chính xác và dễ tiếp cận là cơ sở đánh giá xem công việc có được thực hiện tốt hay không"[11], là điều kiện cần và đủ của PCTN, VĐHL hợp pháp.
Kiểm soát quyền lực nghiêm minh, hiệu quả: Kiểm soát nghiêm minh đảm bảo cho quyền lực nhà nước được thực hiện đúng pháp luật, đúng ranh giới ở mọi lĩnh vực, không có ngoại lệ; kiểm soát hiệu quả đảm bảo giải quyết tốt "mối quan hệ giữa các thể chế nhà nước với nhau và với xã hội nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước luôn thuộc về nhân dân"[12]. Khi đó, quyền lực nhà nước sẽ không bị lạm dụng cho mục đích thao túng lợi ích, gây mất công bằng xã hội; theo đó mà TN, hay VĐHL bằng cách hối lộ, mua chuộc cũng không có cơ hội phát triển.
Quyền tiếp cận thông tin: Quyền tiếp cận thông tin thu hút sự tham gia của dân chúng vào công việc của xã hội, chính quyền; đồng thời tạo ra trách nhiệm của Nhà nước phải cung cấp thông tin trong quá trình thực hiện quyền lực công. Nhờ đó, thúc đẩy chính quyền phản ứng nhanh chóng, hiệu quả hơn với các vấn đề liên quan đến quyền lợi ích chính đáng của người dân. Tiếp cận thông tin là phương tiện để đảm bảo dân chủ, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nó tạo thành vòng tròn các tác động đến PCTN và VĐHL bền vững.
Liêm chính: Liêm chính là chính trực, chuyên nghiệp, tận tụy, không vụ lợi. Đảm bảo này cần thiết cho cả chính quyền và những người VĐHL. Liêm chính tạo nên một quy trình VĐHL minh bạch với cách thức hợp pháp, mục đích vị nhân sinh. OECD có khuyến nghị về liêm việc nuôi dưỡng văn hóa liêm chính công trong toàn chính phủ và xã hội, biện pháp bao gồm việc thiết lập các tiêu chuẩn và thủ tục liêm chính rõ ràng, đầu tư vào lãnh đạo liêm chính, thúc đẩy khu vực công chuyên nghiệp cống hiến cho lợi ích cộng đồng, đồng thời truyền thông và nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn và giá trị của liêm chính[13].
2. Mối liên hệ giữa vận động hành lang và phòng, chống tham nhũng
-Vận động hành lang góp phần phòng chống tham nhũng
Sự minh bạch, hợp pháp trong quá trình VĐHL, sẽ loại trừ cách thức VĐHL trực tiếp thúc đẩy TN, như hối lộ, mua chuộc các quan chức chính phủ hoặc người có thẩm quyền trong quá trình ban hành chính sách để phục vụ cho các mục đích tư lợi của chủ thể vận động. VĐHL minh bạch sẽ cung cấp thông tin về những tác động xã hội một cách hệ thống cho nhà hoạch định chính sách, mà vốn "do những giới hạn về nguồn nhân, vật lực thường không thể tự thu thập được đầy đủ thông tin trong quá trình này"[14]. "Vận động chính sách công cũng góp phần chuyển tải ý chí, nguyện vọng của người dân đến các cấp chính quyền...dưới dạng những nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu trong đó chứa đựng những kiến nghị, thông điệp rõ ràng về một vấn đề cụ thể trong quản lý xã hội"[15]. Hai nhóm thông tin trên sẽ thúc đẩy việc cho ra đời những chính sách đáp ứng thực tiễn và nhu cầu của các lực lượng xã hội - những yếu tố có lợi cho PCTN.
Ở trạng thái tích cực nhất, VĐHL sẽ hướng đến những chính sách đáp ứng lợi ích của đa số, hài hòa hóa lợi ích, hoặc tạo cơ chế thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, nền tảng của đồng thuận xã hội - điều kiện quan trọng để PCTN. "Thực tiễn đã chứng minh, VĐHL cho ô tô xanh, tăng cường luật pháp chống lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến hoặc để tăng cường cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh tế đã mang lại lợi ích không chỉ cho các đối tượng trực tiếp mà còn cả cho các nhà hoạch định chính sách, bằng cách cung cấp cho họ các thông tin bổ sung, và cuối cùng là lợi ích tổng thể cho xã hội"[16].
VĐHL hướng đến thay đổi những chính sách, pháp luật hiện hành, nếu như hệ thống chính sách, pháp luật cũ không hữu hiệu, thậm chí, vốn đang là cơ hội cho TN. Từ đó, góp phần tạo nên một khung khổ pháp luật chung đủ sức kiềm chế các hành vi TN hoăc hệ thống pháp luật PCTN mới, hiệu lực và hiệu quả hơn.
VĐHL nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền, tạo môi trường thông thoáng cho PCTN. Bởi lẽ, người dân, các nhóm xã hội tác động lên việc ban hành chính sách của nhà nước cũng chính là quá trình người dân thể hiện sự giám sát, phản biện của mình về cách thức vận hành quyền lực, làm cho các chủ thể công quyền phải nỗ lực hơn nữa trong hoạt động. Giám sát của người dân càng thường xuyên, liên tục thì PCTN càng có cơ hội phát triển.
-Vận động hành lang trái pháp luật là môi trường cho tham nhũng
VĐHL vốn "không phải là một hoạt động vô tư mà luôn xuất phát từ và để bảo vệ lợi ích của một nhóm chủ thể nhất định"[17]. VĐHL trái pháp luật vốn là "chạy chính sách", hối lộ, mua chuộc nhằm có được những lợi ích từ chính sách hoặc các dự án có giá trị từ các chủ thể có thẩm quyền. Từ điển The Oxfofd Unabriged Dictionary định nghĩa: "TN là sự bóp méo hoặc phá hoại tính liêm chính trong thực hiện công vụ bởi hối lộ hay thiên vị". Khi tiếp xúc với những người có quyền lực, để đạt được mục đích, cách hiệu quả nhất, là mang lại cho người đó những lợi ích lớn, thậm chí rất lớn trong tương quan với những gì họ sẽ nhận được nếu không nhận sự tác động.
Vi phạm pháp luật trong VĐHL không hiếm, vì những quy tắc trong quá trình này khó tuân thủ, nó đòi hỏi sự minh bạch, liêm chính tuyệt đối, sự khách quan, trung thực của chủ thể vận động. "Rất ít quốc gia minh bạch về các hoạt động VĐHL nhắm vào các cơ quan chính phủ. Tính minh bạch vẫn là ngoại lệ ở cấp địa phương... Vào năm 2020, mới có 18 quốc gia đăng ký công khai thông tin về những người hoặc hoạt động VĐHL", "Việc hoạch định chính sách diễn ra ở nhiều đối tượng công, thuộc tất cả các ngành, các cấp của chính quyền"[18]. VĐHL cũng đòi hỏi về năng lực tài chính, mà năng lực này lại thường đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp, nên VĐHL đi liền với hối lộ là điều không hiếm, ngay ở những quốc gia văn minh và có cơ sở pháp lý lâu đời về VĐHL. Tình trạng này đã được Everit Brown và Albert Strauss nhận định: “VĐHL là một thuật ngữ được áp dụng chung cho những người tiến hành việc gây ảnh hưởng tới các nhà lập pháp bằng những biện pháp sai trái... Họ thường đạt tới các mục tiêu của mình thông qua việc trả tiền cho các thành viên cơ quan lập pháp, tuy nhiên bất kỳ biện pháp khả thi nào khác cũng có thể được áp dụng”[19].
TN trong VĐHL có thể đến ngay từ ban đầu, khi sự "mặc cả" của phía đi vận động thành công, khi đó, chủ thể có thẩm quyền sẽ trực tiếp TN bằng cách nhận các khoản tiền, lợi ích để bóp méo hoặc ban hành những chính sách theo mục đích của bên vận động. TN còn đến một cách "bền vững" sau đó, khi các chính sách pháp luật đã bị bóp méo được đưa vào thực hiện, tiếp tục tạo môi trường cho hành vi TN phát triển từ những cơ hội lấn lướt nhau của các loại lợi ích.
-Vận động hành lang trái pháp luật và tham nhũng làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, gây nguy cơ cho nền dân chủ
VĐHL trái pháp luật "có thể gây tổn hại đến lợi ích chính đáng của các nhóm yếu thế, làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, bởi không phải trong mọi trường hợp vận động chính sách công đều bảo đảm sự hài hoà về lợi ích giữa các nhóm trong xã hội"[20]. Không ít các trường hợp VĐHL đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn có nguồn lực tài chính lớn, dẫn đến sự mất tương quan về cơ hội đối với các nhóm VĐHL có tiềm lực yếu hơn, khi đó, họ không chỉ có lợi thế mang tính quyết định trong tác động chính sách, mà trong tương lai, họ sẽ còn có được những khoản lợi ích lớn hơn gấp nhiều lần số "vốn" họ đã bỏ ra đầu tư trong quá trình VĐHL. Bất bình đẳng xã hội là nguy cơ đầu tiên của nền dân chủ. "Các nghiên cứu cho thấy, VĐHL không minh bạch, liêm chính, không có sự tham gia của tất cả các bên liên quan đã dẫn đến phân bổ sai các nguồn lực công, giảm năng suất và bất bình đẳng xã hội kéo dài”[21]. Một trong những điển hình là ngành công nghiệp thuốc lá, thông qua VĐHL gian dối, đã làm suy yếu các kết luận khoa học chống lại việc hút thuốc và đã thành công trong việc chống lại các quy định hạn chế hút thuốc trong nhiều thập kỷ qua[22].
VĐHL phi pháp khó đảm bảo được tính chất kết nối cần thiết giữa các nhà hoạch định chính sách với các nhóm yếu thế, nhóm có lợi ích nhỏ, cùng những khác biệt về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nghề nghiệp trong xã hội, khi mà tiếng nói của các nhóm này không đến được, không được công quyền đưa vào trong các cân nhắc chính sách, gây ảnh hưởng đến hiệu quả phản biện, thảo luận dân chủ trong xã hội. Theo một nghiên cứu, ở Hoa Kỳ, 72% số cá nhân và tổ chức VĐHL đăng ký tại Quốc hội là đại diện cho các tổ chức và hiệp hội kinh tế, chỉ có 8% đại diện cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp và 5% đại diện cho các nhóm bảo vệ nhân quyền, phúc lợi xã hội, 2% đại diện cho người nghèo và 1% đại diện cho những nhóm yếu thế trong xã hội như người già và người tàn tật[23]. Cũng đã có nhận định rằng, “ưu thế về tài chính trong vận động chính sách đã bóp méo nền dân chủ phương Tây, thao túng đáng kể đời sống chính trị các quốc gia này”[24].
TN cũng tạo nên những bất bình đẳng về lợi ích, khi mà nhóm chủ thể có thẩm quyền trực tiếp TN hoặc tiếp tay cho TN sẽ có cơ hội biến các nguồn lực hợp pháp, có thể rất lớn của xã hội thành lợi ích riêng của mình. Làm cho vị thế giữa các nhóm xã hội, xung đột lợi ích xã hội càng lớn. Xung đột lợi ích, nhất là trong lĩnh vực công, luôn ẩn chứa nguy cơ lạm dụng quyền lực và tham nhũng, các hành vi TN phần nhiều đến từ xung đột lợi ích. Điều này lý giải nguyên nhân pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước và PCTN thường có các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ.
Bất bình đẳng doVĐHL trái pháp luật và TN còn tác động trực tiếp đến đồng thuận xã hội - nền tảng của dân chủ. Bởi lẽ, TN và VĐHL về cơ bản đều gắn liền với yếu tố quyền lực nhà nước, do các chủ thể đại diện cho quyền lực đóng vai trò quyết định. Cho nên, khi không có đồng thuận xã hội, các lực lượng xã hội sẽ bị phân hóa trong cuộc chiến PCTN, những lực lượng ít thế lực, những người dân bình thường sẽ buông xuôi vì "không thèm quan tâm" hoặc "không có khả năng" chống lại những hành vi vốn tinh vi, phức tạp trong hai lĩnh vực này, vì vậy, mà nguy cơ với nền dân chủ càng cao.
VĐHL phi pháp làm nhiễu loạn thông tin trong xã hội, ảnh hưởng đến việc đảm bảo quyền tiếp cận thống tin của xã hội dân chủ, tác động tiêu cực đến mọi mặt từ thể chất đến tinh thần của con người. "Một nghiên cứu được tài trợ về nguyên nhân gây béo phì đã cho rằng, lý do chính gây béo phì là ít vận động, thay vì thể hiện một quan điểm cân bằng hơn về việc xem xét đầy đủ có tính đến việc tiêu thụ thực phẩm chế biến cao hoặc đồ uống có đường. Nghiên cứu này đã làm lệch bằng chứng, hướng sự chú ý của công chúng và chính sách vào lý do ít vận động chứ không phải một lợi ích sức khỏe toàn diện[25]. Hậu quả trong mục tiêu VĐHL của ngành công nghiệp thực phẩm chế biến đến nền dân chủ đã thể hiện khá rõ trong trường hợp này.
-Phòng, chống tham nhũng là tiền đề xây dựng một cơ chế vận động hành lang hợp pháp, hiệu quả, một xã hội không còn tham nhũng
Một trong những xu hướng phát triển của quản trị hiện đại là chuyển dịch từ chính quyền (cai trị) sang quản trị và quản trị tốt[26]. "Hầu hết cho rằng, đây là xu hướng của thế kỷ XXI, phản ánh sự thay đổi lớn trong nhận thức và cách thức thực thi quyền lực chính trị ở các quốc gia"[27]. Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc khẳng định: "Quản trị tốt liên quan đến các tiến trình và kết quả chính trị và thể chế mà cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển. Đó là một tiến trình mà các cơ quan công quyền giải quyết các vấn đề công cộng, quản lý các nguồn lực công và đảm bảo việc thực hiện các quyền con người theo cách thức hoàn toàn không có sự TN, lạm dụng và thực sự tuân thủ nguyên tắc pháp quyền...", "Nguyên tắc quản trị tốt xuất hiện cùng sự biến đổi sâu sắc của nhà nước đương đại, ... nhà nước từ chỗ cai trị, áp đặt bằng các mệnh lệnh chuyển sang hợp tác, đàm phán với các đối tác phi nhà nước trong việc xây dựng và hoạch định các chính sách công, nhằm hướng tới mục tiêu hiệu quả và hài hòa lợi ích của các chủ thể khác nhau[28].
Có thể thấy rằng, PCTN thực sự là mấu chốt của nhiều vấn đề, là phương thức, mục tiêu của quản trị tốt, pháp quyền, đồng thời là yêu cầu cao nhất của VĐHL bền vững. Các nguyên tắc của quản trị tốt như minh bạch, trách nhiệm giải trình... cũng là những yêu cầu, biện pháp nền tảng của PCTN. Chính vì vậy, Công ước của Liên hợp quốc về chống TN năm 2003 có nhiều điều khoản liên quan đến các nguyên tắc của quản trị tốt, như nghĩa vụ của quốc gia phải xây dựng chính sách chống tham nhũng, trong việc tăng cường tính minh bạch trong quá trình ra quyết định, đảm bảo thông tin cho công chúng góp phần đấu tranh không khoan nhượng chống tham nhũng[29]. Như vậy, xu hướng quản trị tốt đã đã là nhân tố chung tác động khách quan lên PCTN và VĐHL, làm mối tương quan lớn nhất của chúng là cùng phải trở thành phương châm và mục tiêu bắt buộc của quá trình quản trị nhà nước.
3. Kiến nghị
PCTN gần đây là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Quá trình triển khai đã thu được thành tựu nhất định, "TN từng bước được kiềm chế... tạo niềm tin trong nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong xã hội"[30]. Tuy vậy,năm 2020, theo đánh giá của Tổ chức Hướng tới minh bạch, Việt Nam đạt 36/100 điểm, giảm 1 điểm so với năm 2019, đứng thứ 104/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu, hiện đang thấp hơn điểm trung bình của khu vực ASEAN (42/100) và nằm trong số hai phần ba các quốc gia trên thế giới có điểm dưới 50. Điều đó có nghĩa là, tình trạng TN trong khu vực công vẫn được cho là nghiêm trọng ở Việt Nam.
VĐHL đang hiện diện ở Việt Nam với những tính chất và mức độ khác nhau. Có ý kiến cho rằng: "Thực tiễn hoạt động của Quốc hội cho thấy, trong các hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước hay hoạt động giám sát ngoài một số các quy định trong một số VBQPPL; ví dụ tham vấn công chúng, người có lợi ích liên quan, đã xuất hiện những kiến nghị, đề xuất, thậm chí là những hoạt động gặp gỡ, liên hoan, tham quan đều mang dấu ấn vận động chính sách, VĐHL; trong đó có những hoạt động mang tính tích cực, hoạt động không mang tính tích cực..."[31].
Ý kiến khác chỉ ra: "Qua thực tế hoạt động 2 nhiệm kỳ liên tục ở Quốc hội, chúng tôi cảm nhận rõ rệt lợi ích cục bộ qua một số dự thảo VBQPPL và dự án phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều dự thảo luật mà các bộ liên quan không thống nhất được do có sự tranh chấp quyền lực, đến mức phải ra nhiều phương án để Quốc hội phân giải. Nhiều luật cài cắm những quy định đặc quyền đặc lợi cho ngành chủ trì soạn thảo, như Luật Hải quan, Luật Bảo hiểm xã hội đều có quy định giữ lại từ 2% đến 3% tiền phạt hoặc tổng thu chi để chi cho ngành..."[32].
Như vậy, tuy chưa được pháp luật điều chỉnh, nhưng VĐHL ở nước ta đang tồn tại, làm tăng nguy cơ TN gây ảnh hưởng đến hiệu quả PCTN. Thực tiễn này không chỉ sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế, khi ngầm tạo ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Để khắc phục bất cập trên đây, chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần thực hiện những giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nhận thức hợp lý về VĐHL và sự tác động của nó với TN và PCTN.
VĐHL là hiện tượng không thể tránh khỏi ở mọi xã hội, trong đó có Việt Nam. VĐHL cần thiết cho xã hội dân chủ, bởi nó giúp quá trình hoạch định chính sách "vận động" đến quỹ đạo hợp lý, thẩm định và đáp ứng nguyện vọng của dân chúng. Bên cạnh đó, mặt trái của VĐHL là dễ làm gia tăng bất bình đẳng, cản trở sự phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu coi VĐHL như không tồn tại hoặc không thể xử lý chỉ vì chưa có quy chế pháp lý đối với nó. Vì vậy, không thể kéo dài tình trạng, các chủ thể có thẩm quyền nhận thức được vấn đề, nhưng vin vào việc thiếu cơ chế pháp lý mà cấm đoán hoặc bỏ qua, trong khi, các nhóm VĐHL lợi dụng lúc "tranh tối tranh sáng" để trục lợi.
Thứ hai, xây dựng và ban hành luật điều chỉnh về VĐHL với mục tiêu PCTN.
Luật về VĐHL phải thể hiện đầy đủ nguyên tắc theo khuyến cáo của OECD, phù hợp với thực trạng xã hội, có phạm vi điều chỉnh rõ ràng, với quyền, nghĩa vụ, quy trình, điều kiện tham gia, vấn đề kiểm soát, giám sát, trách nhiệm pháp lý của các chủ thể liên quan... Luật về VĐHL cũng cần đặt trong tương quan với pháp luật về hội, trưng cầu ý dân, PCTN để đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp.
Thứ ba, tăng cường giám sát quyền lực nhà nước từ người dân và xã hội.
PCTN và chống VĐHL phi pháp thực chất là "ta chống ta", nên rất khó tránh hình thức. Vì vậy, để đảm bảo tính khách quan, hiệu quả, cần thu hút sự tham gia đông đảo của các chủ thể trong xã hội và người dân. Muốn vậy, cần xây một cơ chế khen thưởng thích đáng bằng vật chất, tinh thần với những người có công phát hiện, tố giác tham nhũng, đồng thời bảo vệ được an toàn cho họ và gia đình. Chỉ có như vậy, PCTN mới bền vững, vì mang lại lợi ích cho người dân cả trước mắt và lâu dài.
Thứ tư, truy cứu trách nhiệm pháp lý triệt để.
Trách nhiệm pháp lý phải đặt ra đối với mọi chủ thể liên quan đến VĐHL trong tương quan với mục tiêu PCTN. Truy cứu trách nhiệm pháp lý cá nhân triệt để cần sự chính xác và đến cùng. Giải pháp này sẽ có tác dụng vô cùng lớn trong việc giáo dục ý thức pháp luật của mọi chủ thể trong xã hội, nhất là những chủ thể có thẩm quyền - là những người gần hơn cả với các cơ hội có thể tham nhũng, vi phạm pháp luật./.
TS. PHẠM THỊ DUYÊN THẢO
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Mai Văn Thắng, Lobby ở Liên bang Nga và những gợi mở cho Việt Nam, Vận động chính sách công ở Việt Nam, quan điểm tiếp cận và cơ sở pháp lý, Kỷ yếu Hội thảo Vận động chính sách công trên thế giới và ở Việt Nam, Hà Nội, tháng 8-2015, tr.151
[2] Đào Trí Úc, Vận động chính sách công ở Việt Nam, quan điểm tiếp cận và cơ sở pháp lý, Kỷ yếu Hội thảo Vận động chính sách công trên thế giới và ở Việt Nam, Hà Nội, tháng 8-2015, tr.7
[3] Đào Trí Úc, Vận động chính sách công ở Việt Nam, tldd, tr. 14.
[4] Đào Trí Úc, Vận động chính sách công ở Việt Nam, tldd, tr. 8.
[5] World Bank 1997, Helping Countries Combat Corruption: The Role of the World Bank, Washington DC, p.8
[6] Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
[7] Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Chu Hồng Thanh, Vũ Công Giao (Đồng chủ biên), Giáo trình Lý luận và pháp luật về Phòng, chống tham nhũng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 34-35.
[8] Đinh Văn Minh, Quản trị tốt và PCTN, sách Các lý thuyết, mô hình, cách tiếp cận về quản trị nhà nước và PCTN, Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh (đồng chủ biên), Nxb. Hồng Đức, tr. 358-360.
[9] Trần Đắc Hiến, Đồng thuận xã hội - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Cộng sản điện tử, http://tuyengiao.vn/dien-dan/dong-thuan-xa-hoi-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-18943.
[10] Đào Trí Úc, tldd, tr. 10.
[11] Word Bank: Báo cáo phát triển Việt Nam 2010, "Các thể chế hiện đại", tr.4, https://www.worldbank.org/vi/news/feature/2009/12/30/Vietnam-development-report-2010-modern-institutions.
[12] Lê Minh Quân, Nhà nước liêm chính, Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017.
[13] OECD (2021), Lobbying in the 21st Century: Transparency, Integrity and Access, OECD Publishing, Paris,https://doi.org/10.1787/c6d8eff8-en, tr.86.
[14]Vũ Công Giao, Một số vấn đề về vận động chính sách công, Tạp chí Tổ chức nhà nước, https://tcnn.vn/news/detail/39087/Mot_so_van_de_ve_van_dong_chinh_sach_congall.html.
[15] Vũ Công Giao, Một số vấn đề về vận động chính sách công, tlđd.
[16] OECD (2021), Lobbying in the 21st Century: Transparency, Integrity and Access, OECD Publishing, Paris,
https://doi.org/10.1787/c6d8eff8-en.
[17] Đào Trí Úc, Vận động chính sách công ở Việt Nam, tlđd, tr.10
[18] OECD (2021), Lobbying in the 21st Century: Transparency, Integrity and Access, OECD Publishing, Paris,https://doi.org/10.1787/c6d8eff8-en, tr. 30 – 31.
[19] Everit Brown và Albert Strauss, trong cuốn Từ điển chính trị Mỹ (Dictionary of American Politics - 1888), tr. 57.
[20] Vũ Công Giao, Một số vấn đề về vận động chính sách công, tlđd.
[21] OECD (2017), Preventing Policy Capture: Integrity in Public Decision Making, OECD Public Governance Reviews, OECD Publishing, Paris, https://dx.doi.org/10.1787/9789264065239-en
[22] Oreskes, N. and E. Conway (2010), Merchants of Doubt. How a Handful of Scientists Obscured the Truth on Issues from Tobacco Smoke to Global Warming, Bloomsbury Press, https://www.bloomsbury.com/uk/merchants-of-doubt-9781596916104/.
[23] Ngọc Hà, Vận động và hối lộ - lằn ranh giới mong manh, Báo Người Đại biểu nhân dân, ngày 26/9/2007.
[24] Nguyễn Chí Dũng (2006), Tài liệu Tổng quan về VĐHL, Hội thảo: “VĐHL - Thực tiễn và Pháp luật”, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ban Công tác lập pháp phối hợp tổ chức năm 2006.
[25] Fabbri, A., T. Holland and L. Bero (2018), “Food Industry Sponsorship of Academic Research: Investigating Commercial Bias in the Research Agenda”, Public Health Nutrition, Vol. 21/18, pp. 3422–30, https://doi.org/10.1017/S1368980018002100.
[26] Đỗ Minh Khôi, Quản trị nhà nước hiện đại, sách Quản trị tốt - Lý luận và thực tiễn, Vũ Công Giao - Nguyễn Hoàng Anh - Đặng Minh Tuấn - Nguyễn Minh Tuấn (đồng chủ biên), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.10.
[27] Benz, A, Paapadopuslos, Y. (Esd): Governance and Democracy: Comparing National. Eorupean and International Experiences. Routledge, London, 2006.
[28] Nguyên Văn Quân, sách Quản trị tốt - Lý luận và thực tiễn, Vũ Công Giao - Nguyễn Hoàng Anh - Đặng Minh Tuấn - Nguyễn Minh Tuấn (đồng chủ biên), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.91.
[29] Vũ Công Giao, Một số vấn đề lý luận về quản trị tốt, sách Quản trị tốt - Lý luận và thực tiễn, tr.46.
[30] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu tại phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (16/8/2018) https:/bnews.vn/phien-hop-thu-14-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung/93686.html.
[31] Nguyễn Văn Thuận, Vận động chính sách công từ thực tiễn của Quốc hội - những vấn đề đặt ra, Kỷ yếu Hội thảo Vận động chính sách công trên thế giới và ở Việt Nam, tr.109.
[32] Nguyễn Minh Thuyết, Vận động chính sách ở nước ta từ góc nhìn của một cựu đại biểu Quốc hội, Kỷ yếu Hội thảo Vận động chính sách công trên thế giới và ở Việt Nam, tr.99.