Vận dụng phong cách dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng phong cách làm việc cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Vận dụng những chỉ dẫn về phong cách dân chủ của Hồ Chí Minh vào việc xây dựng, rèn luyện phong cách làm việc cho cán bộ, đảng viên hiện nay là vấn đề vừa mang tính lý luận vừa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn của công cuộc đổi mới trong nâng cao chất lượng công tác đáp ứng đòi hỏi thực tiễn.

Tóm tắt: Vận dụng những chỉ dẫn về phong cách dân chủ của Hồ Chí Minh vào việc xây dựng, rèn luyện phong cách làm việc cho cán bộ, đảng viên hiện nay là vấn đề vừa mang tính lý luận vừa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn của công cuộc đổi mới trong nâng cao chất lượng công tác đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Đó là phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể; chống hình thức chủ nghĩa, tránh độc đoán, chuyên quyền bởi lẽ nó sẽ xói mòn, triệt tiêu dân chủ.

Từ khoá: Hồ Chí Minh; Phong cách dân chủ; Cán bộ, đảng viên.

Ảnh minh họa - TL

Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng dân chủ, coi thực hành dân chủ là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn. Người khẳng định, bản chất của dân chủ tức là dân là chủ và dân làm chủ, là mọi người dân được làm chủ nước nhà. Thực hiện tốt dân chủ để khơi thông động lực của cách mạng, khơi dậy tính sáng tạo của nhân dân, huy động và sử dụng nguồn lực nhân dân vào các lĩnh vực, ngành, nghề hoạt động khác nhau, bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng ở mọi lúc, mọi nơi. Phong cách làm việc dân chủ của Hồ Chí Minh đã để lại bài học quý, tấm gương mẫu mực về vận dụng và thực hành dân chủ, phong cách dân chủ cho mỗi cán bộ, đảng viên.

1. Cán bộ, đảng viên cần rèn luyện phong cách dân chủ trước hết là thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:“nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan Nhà nước trong chế độ ta“Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”. Vì thế, không khí dân chủ thực sự trong nội bộ phải được tạo ra bằng cách thành tâm lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Người nhấn mạnh: Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều. Thực hiện phong cách dân chủ cũng là vì bản thân mỗi người, không ai là “nhân vô thập toàn”, không ai biết tất cả mọi việc, làm được tất cả mọi thứ, thế giới muôn hình vạn trạng, luôn có sự vận động, biến đổi, chuyển hóa không ngừng. Đồng thời, một người dù tài giỏi đến đâu cũng không thể nắm được hết mọi mặt của một vấn đề, cũng không thể biết hết được mọi việc trong đơn vị cũng như trong đời sống xã hội vì vậy, cần phải đề cao tính dân chủ rộng rãi để tạo không khí phấn khởi, đoàn kết nhằm tập hợp đông đảo lực lượng phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thực hiện phong cách làm việc dân chủ để khơi dậy tinh thần làm việc và sự sáng tạo của tập thể, phát huy được trí tuệ của tập thể, của đông đảo quần chúng nhân dân. Qua đó, hoàn thành nhiệm vụ của một tập thể, một đơn vị hay địa phương được giao phó. Nếu không phát huy tinh thần và sức mạnh tập thể thì công việc khó hoàn thành xuất sắc được, đặc biệt nếu chỉ tính riêng người cán bộ lãnh đạo quản lý thì không làm nổi.

Phong cách làm việc dân chủ của người cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo quản lý còn thể hiện ở việc “gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Từ đó, đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời, nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành. Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt”[1].

2. Vận dụng thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách

Người lãnh đạo có phong cách dân chủ còn phải thực hành tốt nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; biết phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều người; thành thực lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới và nghiêm túc sửa mình với tinh thần “cầu thị”. Phong cách làm việc dân chủ sẽ giúp cho cán bộ lãnh đạo quản lý tạo nên phong cách lãnh đạo dân chủ. Phong cách lãnh đạo dân chủ được xây dựng trên tinh thần tôn trọng tập thể và luôn dựa vào quần chúng, gắn bó với quần chúng nhân dân. Đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu không được quan liêu, hách dịch, coi thường quần chúng nhân dân. Phải luôn dựa vào quần chúng và phải biết đời sống thực của nhân dân như thế nào, khả năng thực của nhân dân ra sao? Họ đang nghĩ và đang mong muốn những gì? Mỗi lời nói, mỗi việc làm của người cán bộ phải phù hợp với quần chúng, phản ánh đúng được khát vọng của quần chúng. Cán bộ phải biết được những băn khoăn, trăn trở của dân để kịp thời uốn nắn và tháo gỡ cùng dân. Thực hiện tốt phong cách lãnh đạo dân chủ sẽ giúp cán bộ lãnh đạo quản lý không bao giờ được “độc tôn chân lý”, phải thành thực lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới và nghiêm túc sửa mình với tinh thần cầu thị, làm như vậy thì chắc chắn người cán bộ sẽ được nhân dân yêu mến, được cấp dưới nể trọng và họ sẽ sẵn sàng đóng góp ý kiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nghiêm túc phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong công việc. Từ đó, dẫn đến tình trạng người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, khiến quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn sáng kiến, không còn hăng hái trong khi làm việc. Người còn chỉ rõ: “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình[2]. Thực hiện tốt phong cách làm việc dân chủ của người lãnh đạo, người đứng đầu cũng chính là thực hiện tốt và đảm bảo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo”.

Trong quá trình làm việc, Hồ Chí Minh yêu cầu phong cách làm việc thực sự dân chủ chứ không phải giả tạo, hình thức để che lấp ý đồ xấu của cá nhân. Bởi vì mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, thậm chí là phá vỡ tập thể, mọi hình thức chủ nghĩa sớm muộn sẽ làm xói mòn, thậm chí triệt tiêu dân chủ. Nếu người cán bộ không có tác phong dân chủ hoặc “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan chủ” là họ tự tước đi của mình vũ khí hữu hiệu nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Khi đó, dù có “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”[3].

3. Thực hành cách làm việc dân chủ và quyết đoán

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của người cách mạng, điển hình với phong cách làm việc dân chủ nhưng quyết đoán. Người cho rằng: phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có và trong cuộc đời hoạt động của mình, Người luôn thực hiện tốt phong cách làm việc này. Phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong cách thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng. Đó là phong cách làm việc giản dị, gần gũi, nhưng sâu sắc, quyết đoán; hòa mình vào quần chúng nhân dân, coi nhân dân là cội nguồn của mọi thắng lợi.

Thực hiện dân chủ nhưng có định hướng, có lãnh đạo, dân chủ phải đi đến sự tập trung chứ không phải dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức. Người lãnh đạo cần có phong cách làm việc dân chủ, cầu thị song phải có tinh thần quyết đoán trong xử lý công việc. Cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu, là người có trọng trách trong một tập thể, vừa phải thực hành dân chủ, lắng nghe ý kiến của tập thể, đồng thời phải quyết đoán, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và dám ra quyết định, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây cũng chính là việc thực hiện nghiêm về thứ hai của nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Thực hiện “Cá nhân phụ trách” là nêu cao trách nhiệm của người lãnh đạo, người quản lý, có ý thức tập thể cao, tạo ra bầu không khí làm việc dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của tập thể, phát huy trí tuệ tập thể. Vậy, vì sao cần phải cá nhân phụ trách? Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở việc phụ trách mà không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ, do đó mà kết quả cũng là hỏng việc. Cá nhân phụ trách chính là biểu hiện của sự tập trung. Cá nhân phụ trách là khâu nối tiếp của quá trình lãnh đạo tập thể. Cá nhân phụ trách chính là nhằm tăng cường và phát huy trách nhiệm cá nhân nhưng phải đặt trong mối quan hệ với tập thể lãnh đạo và hướng vào tăng cường quyền lãnh đạo cũng như hiệu lực lãnh đạo của tập thể.

Vậy khi nào thì “cá nhân phụ trách” - Hồ Chí Minh chỉ rõ: cá nhân phụ trách là trên cơ sở bàn bạc kỹ lưỡng và phát huy trí tuệ của tập thể, xây dựng kế hoạch rõ ràng rồi thì giao cho một người hoặc một nhóm người phụ trách thi hành, từ đó gắn trách nhiệm và phát huy vai trò của mỗi cá nhân, bảo đảm cho công việc được triển khai kịp thời và có hiệu quả. Việc gì một người không làm được thì phải giao cho một tập thể thực hiện. Nếu tập thể thực hiện thì cũng phải có người đứng đầu tập thể đó chịu trách nhiệm chính. Người phụ trách là người phải có đủ năng lực, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cá nhân phụ trách trên cơ sở tập thể lãnh đạo nghĩa là phải quyết tâm tổ chức thực hiện đúng việc tập thể đã bàn, đã quyết. Nói về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở người nào phụ trách thi hành, mà không làm đúng kế hoạch do đa số đã quyết định, là làm trái với nhiệm vụ của mình và cũng không xứng đáng là một người lãnh đạo. Người lãnh đạo đó phải là những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Do đó, người lãnh đạo đúng đắn cần phải là người khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn, những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật. Nếu không có sự phụ trách thì sẽ không thể có những quyết định kịp thời và công việc cũng không thể tiến triển được. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý các cán bộ lãnh đạo, quản lý rằng: “Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng, mới cần tập thể quyết định[4].

Người đứng đầu phải luôn nêu cao trách nhiệm và luôn đề cao tinh thần trách nhiệm ấy trước công việc, trước đồng nghiệp của mình. Tính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới công việc, đôi khi mang tính quyết định đến hiệu quả công việc. Phong cách làm việc của người lãnh đạo quản lý đúng đắn là phải kết hợp thống nhất giữa cách làm việc dân chủ, tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, kịp thời đưa ra những quyết định đúng. Trong những thời điểm quyết định, người lãnh đạo, quản lý phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết.

Tính quyết đoán là một phẩm chất không thể thiếu của người đứng đầu nói chung - đặc biệt là người lãnh đạo, quản lý. Quyết đoán là đưa ra quyết định nhanh chóng, dứt khoát, không do dự, phán đoán một cách quả quyết. Chỉ có người dám quyết đoán mới bảo vệ ý chí, mục tiêu rõ ràng trên hành trình vươn tới khát vọng của bản thân và của tập thể do mình lãnh đạo, quản lý. Quyết đoán không phải là độc đoán, càng không phải là sự “liều mạng” mà là bản lĩnh, là sự tự tin của người đứng đầu khi đưa ra quyết định trên cơ sở suy xét, nắm bản chất vấn đề, dự đoán xu hướng diễn biến… nhằm bảo vệ quan điểm của mình, không bị chi phối bởi bất cứ điều gì khác. Quyết đoán không phải tự nhiên mà có ở người lãnh đạo, quản lý mà nó đòi hỏi sự cân bằng trong tư duy dựa trên sự phán đoán có cơ sở khoa học, sự kiên trì trong học hỏi, rèn luyện, thu lượm qua thực tế lãnh đạo, quản lý và thực tiễn cuộc sống. Tính quyết đoán là một tố chất có tầm quan trọng rất lớn trong phong cách làm việc của mỗi người lãnh đạo, quản lý, thể hiện dũng khí của người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Phong cách làm việc dân chủ nhưng quyết đoán trong hoạt động thực tiễn cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối nghịch với lối sống cầu an, nhu nhược, thiếu bản lĩnh của những cán bộ lãnh đạo quản lý có tư tưởng coi thường tập thể, hoặc ngược lại dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể. Việc thực hiện phong cách làm việc dân chủ nhưng quyết đoán, nên cao tinh thần tập trung dân chủ là một phong cách làm việc được Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm túc trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Hiện nay, cán bộ, đảng viên thực hiện phong cách làm việc dân chủ để khơi dậy tinh thần làm việc và sự sáng tạo của tập thể, phát huy được trí tuệ của tập thể, của đông đảo quần chúng nhân dân. Qua đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức, hành động. Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp uỷ, chính quyền các cấp đã xây dựng kế hoạch cụ thể hoá và tổ chức thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, địa phương. Hằng năm căn cứ vào nhiệm vụ chính trị, bám sát chuyên đề toàn khóa và quan điểm chỉ đạo của Đảng, các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp đã quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, gắn với quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của BCHTW Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Cán bộ, đảng viên đã được tham gia nghiên cứu, học tập chuyên đề và đăng ký học tập, làm theo phong cách dân chủ, có ý thức tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống của nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thấy được việc cần thiết phải phát huy dân chủ và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, quản lý. Biểu hiện rõ nét trong việc nghiêm chỉnh chấp hành cương lĩnh, đường lối đồng thời cụ thể hoá chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng và Nhà nước vào xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác; thường xuyên bàn bạc, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cấp dưới, của nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của lĩnh vực, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Sẵn sàng học hỏi nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, cấp dưới và rất hoan nghênh khi được nhân dân, cấp dưới góp ý, phê bình. Tuy nhiên, vẫn còn có một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức được sâu sắc tầm quan trọng của phát huy dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ nên chưa thường xuyên trao đổi, bàn bạc với đồng chí, đồng nghiệp với các cấp để giải quyết những vấn đề phát sinh trong công việc và chưa sẵn sàng học hỏi nhân dân và đồng nghiệp, cấp dưới; chưa thực sự hoan nghênh khi được nhân dân và cấp dưới góp ý, phê bình.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đa số cán bộ, đảng viên đều thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, luôn có sự trao đổi, bàn bạc, thảo luận, lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân. Thông qua ý kiến đóng góp đó là cơ sở để đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý tiếp tục bổ sung, điều chỉnh, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao của cá nhân và tập thể. Đồng thời qua góp ý của cán bộ và nhân dân, các kỳ kiểm điểm giữa nhiệm kỳ, kiểm điểm cuối năm, cán bộ, đảng viên đã sửa đổi phong cách làm việc theo hướng gần dân, sát với dân cũng như nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của mình góp phần thực hiện tốt mục tiêu đặt ra gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, ý thức kỷ luật.

Tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, phong cách dân chủ của cán bộ, đảng viên được thể hiện rõ nét qua việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong chỉ đạo, quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ; lắng nghe ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Thực hiện công khai kế hoạch, chương trình công tác, chế độ chính sách, chủ động rà soát, xây dựng đề án; tổ chức họp, lấy ý kiến, công khai các thông tin đến các thành viên của cơ quan, đơn vị về nội dung của đề án và kế hoạch sắp xếp tổ chức, bộ máy các phòng, đơn vị trực thuộc. Thực hiện công khai và thông tin thông qua các hội nghị, niêm yết tại cơ quan và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của CBCCVC, tạo điều kiện cho CBCCVC, người lao động phát huy quyền làm chủ, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã phát huy được tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của CBCCVC; phát huy trí tuệ tập thể; tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc; nâng cao vai trò làm chủ của CBCCVC trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã xây dựng được không khí dân chủ, thường xuyên lắng nghe, tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân, mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể trong giải quyết công việc, thực hiện mục tiêu đặt ra. Đại đa số cán bộ, đảng viên đã thực hiện đúng quy chế dân chủ ở cơ sở, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Thực hiện dân chủ trong sinh hoạt Đảng, khuyến khích và tôn trọng ý kiến tham gia góp ý của đảng viên; đảng viên có quyền bàn bạc, tham gia dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định trước khi ban hành. Thực hiện dân chủ trong xây dựng văn kiện Đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở, chuẩn bị nhân sự đảm bảo nguyên tắc, cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện; tổ chức lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân về góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức. Từ đó, ban hành các nghị quyết, chỉ thị xuất phát từ yêu cầu thực tế của nhân dân. Có thể nói, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đã biết phát huy giá trị cốt lõi trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với phương châm: cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là công bộc, là đày tớ thật trung thành của nhân dân; điều gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố gắng làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng hết sức tránh. Trong thực tế, cán bộ, đảng viên đóng vai trò then chốt trong việc gây dựng và củng cố môi trường làm việc tạo thuận lợi cho các quy định về tính công khai, minh bạch, các cơ chế giải trình và giám sát được thực hiện đầy đủ. Vì thế mà mức độ hài lòng của người dân về phong cách làm việc của cán bộ ngày càng gia tăng.

Cùng với phong cách làm việc dân chủ, để phát huy trí tuệ của tập thể đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận thức được việc đề cao tính quyết đoán trong giải quyết nhiệm vụ đặt ra ở từng giai đoạn, thời điểm cách mạng một cách phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, nhất là vào những lúc khó khăn, phức tạp.

Kết luận: Để vận dụng có hiệu quả phong cách làm việc dân chủ của Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức và coi trọng thực hành trong thực tiễn công tác:

Thứ nhất, tạo không khí dân chủ thực sự trong nội bộ, không khí ấy phải được tạo ra bằng cách thành tâm lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình.

Thứ hai, người cán bộ đảng viên, nhất là lãnh đạo quản lý có phong cách dân chủ là người thực hành tốt nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân quản lý”, biết phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều người, thành thực lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới và nghiêm túc sửa mình với tinh thần “cầu thị”.

Thứ ba, phong cách dân chủ nhưng người cán bộ, đảng viên là người tiên phong, gương mẫu, cần phải có định hướng, có lãnh đạo, dân chủ phải đi đến sự tập trung chứ không phải dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức.

Việc học tập phong cách làm việc dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mỗi cán bộ, đảng viên chính là việc khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần làm việc, cống hiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân, đồng thời còn làm cho tổ chức, cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó, từ đó hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó.

TS Đặng Ánh Tuyết - Học viện Chính trị khu vực I

ThS Mai Quang Thắng - Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T1- T2, Nxb CTQG ST, HN.

2. Đặng Xuân Kỳ (2004), Phương pháp cách mạng và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, HN.

3. Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CTQG, HN, T1-15.

4. Nguyễn Thị Phương Nam (2024), Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy động lực cách mạng - Giá trị lý luận và thực tiễn trong sự ngiệp đổi mới hiện nay, Nxb Dân trí, HN.

5. Nguyễn Thế Thắng (2010), Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay, Nxb CTQG, HN.

Chú thích: 

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN.2011, tập 5, tr. 330-331.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN.2011, tập 5, tr. 319-320.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN.2011, tập 5, tr. 637.

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN. 2011, tập 5, tr. 620.

...
  • Tags: