Trong những giờ phút khó khăn nhất, giữa dòng nước lũ hung dữ, hình ảnh những cán bộ chiến sĩ Ban CHQS huyện Văn Yên, lực lượng DQTV trong huyện không ngại hiểm nguy, bám trụ ngày đêm để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, cùng với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương vượt mưa, thắng lũ.
Ngay khi có thông báo về mức độ sẽ ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) trên địa bàn huyện, Ban CHQS huyện Văn Yên đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, các cơ quan Quân khu, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái về công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đơn vị chấp hành và thực hiện nghiêm Công điện, Thông báo, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện, đặc biệt là Công điện số 10 của UBND tỉnh ngày 04/9/2024 về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024, Văn bản số 1717 của Huyện ủy Văn Yên ngày 05/9/2024 về việc chủ động khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 3 năm 2024; Công điện số 11 của UBND huyện ngày 05/9/2024 về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024…Trung tá Đặng Ngọc Chiến - Chỉ huy trưởng BCH Quân sự huyện Văn Yên cho biết: “Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, trong thời bình cũng như thời chiến, đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng hàng năm. Đặc biệt là trong đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 - Yagi gây ra vừa qua. Là cơ quan thường trực sẵn sàng ứng phó thiên tai, đơn vị đã chỉ đạo cơ quan Tham mưu rà soát, điều chỉnh kế hoạch Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho phù hợp với tình hình và dự báo về cơn bão số 3; Chỉ đạo xây dựng kế hoạch huy động quân số tham gia ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong cơn bão; thực hiện trực 100% quân số để bảo đảm lực lượng sẵn sàng cơ động ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Đồng thời kiểm tra lại các loại phương tiện, như: Xuồng, máy phát sáng, áo phao, phao tròn, cuốc, xẻng…để tham gia ứng phó, cứu hộ các tình huống thiên tai có thể xẩy ra”.
Đặc biệt, trong những ngày mưa lũ bao trùm các địa phương, thôn bản, các khu dân cư của huyện Văn Yên, đơn vị đã duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực thông tin, trực cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng thường trực duy trì trực 100% quân số, chuẩn bị 2 xuồng máy, máy phát điện, áo phao, bạt trại kiểm tra, rà soát các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chú trọng phương án di dời nhân dân khỏi khu vực có nguy cơ ngập lụt, nguy hiểm. Bố trí huy động lực lượng cơ động làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, khơi thông cống rãnh... bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt, thực hiện đúng theo phương châm “4 tại chỗ. Thượng tá Nguyễn Văn Sơn – Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự huyện Văn Yên cho biết: “Trong thời điểm nước lũ lên cao và chảy xiết, nhiều hộ gia đình chìm trong biển nước, nguy hiểm cận kề. Chúng tôi đã không quản ngại khó khăn vất vả, không kể thời gian dầm mưa, lội nước để đưa người dân đến nơi tránh trú an toàn. Với chúng tôi, đưa được mỗi một người dân ra khỏi vùng nước lũ là một niềm hạnh phúc lớn không diễn tả được bằng lời”.
Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp huy động 01 trung đội DQCĐ của huyện với 28 đồng chí hỗ trợ vùng Phong Dụ và vùng Đại Phú An ứng phó bão lũ, đồng thời chỉ huy lực lượng tiền trạm bố trí tại vùng Phong Dụ với quân số 18 đồng chí để hỗ trợ địa phương và nhân dân phòng, chống thiên tai. Đơn vị cũng đã huy động 1 ô tô, 2 xuồng máy, 1 máy phát sáng, 48 áo phao, 20 phao tròn, gần 70 vật dụng cầm tay khác như cuốc, xẻng, ky, dao, búa tạ… hỗ trợ phòng chống bão lũ. Đồng chí Hoàng Văn Trình – Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã An Thịnh, Trung đội dân quân cơ động huyện Văn Yên chia sẻ: “Khi nhiều người dân bị cô lập tạm thời, chúng tôi đã cùng với lực lượng dân quân địa phương mang từng suất ăn, từng chai nước vượt qua mưa lũ đưa đến tận tay người dân. Rồi giúp người dân di chuyển tài sản, vật dụng, con người đến nơi an toàn. Cứu hộ nhân dân, đảm bảo an toàn tính mạng người dân đã trở thành mệnh lệnh không lời đối với mỗi chiến sỹ dân quân cơ động Văn Yên”.
Trong những ngày mưa trắng trời, nước dâng cao, lũ cuồn cuộn, nhiều nơi chỉ còn thấy ngọn cây, nóc nhà, nhưng những cán bộ, chiến sỹ Ban chỉ huy quân sự huyện Văn Yên không hề nao núng. Với trái tim người lính, với phẩm chất cao quý của “Bộ đội cụ Hồ”, với tình yêu đồng bào, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ đã chia thành các tổ cứu hộ, cứu nạn, không ngừng di chuyển đến những khu vực bị ngập sâu, sạt lở đất, thức trắng đêm, đội mưa, ngâm mình trong nước để kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn. Nhiều người đã trực tiếp lội qua dòng nước lũ xiết, dùng thuyền mảng, xuồng cứu hộ để đưa người già, trẻ em ra khỏi những khu vực nguy hiểm. Ông Đinh Xuân Kiều – Thôn Cầu A, xã Mậu Đông cho hay: “Lúc mưa to, nước lên ầm ầm, ngập hết nhà cửa, đối mặt với nước lũ chảy xiết, chúng tôi đang không biết phải làm thể nào thì các chiến sỹ quân đội đã mang xuồng máy, đưa từng người trong gian đình, đem theo những vật dụng cần thiết đến nơi an toàn. Chúng tôi rất tự hào và trân quý mỗi người chiến sỹ trên quê hương mình. Hình ảnh các anh lội nước để cõng người già, trẻ em, khuân vác đồ đạc trong nước lũ cuồn cuộn, chảy xiết, ngập đến nửa người, có chỗ đến tận cổ…hình ảnh đó mỗi người dân chúng tôi không bao giờ quên. Các anh đã quên ăn quên ngủ, vì tính mạng người dân mà quên đi tính mạng và nguy hiểm đối với bản thân mình”.
Quả thực, bất kể thời gian ngày đêm, mưa bão, đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm, thậm chí là rủi do đến tính mạng, nhưng đa có gần 800 cán bộ, chiến sỹ, dân quân, tự vệ lực lượng quân sự từ huyện đến cơ sở đã trực tiếp có mặt tại các điểm sung yếu để nắm bắt tình hình, chỉ đạo công tác ứng phó, có mặt tại các điểm sạt lở, ngập lụt để hỗ trợ người dân trong việc di chuyển, cứu hộ tài sản, di rời dân đên nơi an toàn. Lực lượng quân sự huyện Văn Yên đã tham gia di dời 31 hộ dân với 152 người ra khỏi các vị trí ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất; Tìm kiếm, vận chuyển 03 người chết do sạt lở đất ở xã Yên Thái và xã Mậu Đông; Đào, vận chuyển trên 200 m3 bùn đất tại Đền Đông Cuông; Tham gia vận chuyển 30 tấn hàng, đồ cứu trợ đến tận tay người dân vùng ngập lụt ; Đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ xã Phong Dụ Thượng 02 xe nhu yếu phẩm khoảng 01 tấn nhu yếu phẩm; Trường Mầm non xã Phong Dụ Thượng với 20 thùng mì tôm, 20 thùng sữa, 03 thùng cháo; Xã Phong Dụ Hạ, Xuân Tâm mỗi xã 250 kg gạo; Trường Mầm non xã Phong Dụ Hạ: 30 thùng mì tôm, 30 thùng sữa ; Trường Mầm non xã Mậu Đông: 01 tạ gạo, 10 thùng mì tôm, 10 thùng sữa; Trường Mầm non xã Quang Minh: 20 thùng sữa, 130 gói bánh thuốc; 04 hộ dân bị sập nhà tại An Bình: Mỗi hộ 2,5 triệu đồng. Trung tá Giàng Xuân Bắc - Ban chỉ huy quân sự huyện Văn Yên nói: “Trong mưa lũ, khi người dân đối mặt với nhiều nguy hiểm, tôi đã cùng đồng đội đã sẵn sàng cơ động cứu hộ nhân dân. Bất kể thời gian, nguy hiểm chúng tôi luôn có mặt để ứng cứu người dân. Nhiều khi đến bữa chỉ vội ăn cái bánh mỳ, uống chai nước lọc rồi lại tiếp tục công việc của mình. Khi mưa lũ chấm dứt, chúng tôi lại cùng với các lực lượng khác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả như thu dọn bùn đât, khơi thông dòng chảy, thu dọn nhà cửa, khắc phục giao thông…”.
Thực tế, mưa lũ, sạt lở đất những ngày qua ở huyện Văn Yên đã làm 10 người chết và 13 người bị thương; làm sập đổ hoàn toàn 57 nhà ở, 93 nhà dân bị hư hỏng nặng hiện không ở được, 214 nhà dân bị thiệt hại 1 phần và bị tốc mái, 1.108 nhà bị ngập nước, 7.682 người sống trong vùng có nguy cơ cao phải di rời đến nơi tránh trú an toàn.
Mưa lũ còn làm thiệt hại, ảnh hưởng 847 ha lúa cuối vụ, 523,4 ha ngô, rau màu các loại, trên 62 ha dâu, trên 112 ha cây công nghiệp, cây ăn quả các loại, 444 ha câylâm nghiệp bị thiệt hại, cuốn trôi và làm chết gần trên 21.300 con gia súc, gia cầm các loại, 82 ha ao hồ nuôi cá.
Thiên tai đã gây thiệt hại về giao thông với nhiều tuyến đường bị ngập và sạt lở, việc đi lại lưu thông gặp rất nhiều khó khăn. Đã có 396 điểm sạt lở với khối lượng 576.797 m3; 78 điểm sạt lở ta luy âm với chiều dài 1.705 m; làm hỏng 25 cầu, ngầm, cống. Bên cạnh đó là 56 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, 07 điểm trường bị hư hỏng, thiệt hại, 4 trạm y tế xã bị ảnh hưởng và thiệt hại, một số về văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, thông tin liên lạc, điện chiếu sáng cũng bị ảnh hưởng và thiêt hại. Tính đến ngày 19/9/2024, hoàn lưu bão Yagi đã gây mưa lớn, dông lốc, ngập, lụt, lũ quét, sạt lở đất đá đã gây những thiệt hại nặng nề về người, về nhà ở, tài sản của nhà nước và Nhân dân với tống số tiền ước tính vào khoảng 235,7 tỷ đồng.
Đồng chí Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên (Yên Bái) khẳng định: “Mưa, lũ, sạt lở đất ở khắp các địa phương trong huyện đã để lại nhiều mất mát và thiệt hại, nhưng tình người, tinh thần đoàn kết của lực lượng vũ trang huyện Văn Yên đã mang lại niềm tin và hy vọng cho nhân dân. Trong những giờ phút khó khăn nhất, trong dòng nước lũ hung dữ hình ảnh những cán bộ chiến sĩ ban CHQS huyện Văn Yên, lực lượng DQTV không ngại hiểm nguy, bám trụ ngày đêm để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân là biểu tượng đẹp của tình người, lòng yêu nước và trách nhiệm cộng đồng, là nguồn động viên to lớn đối với người dân vùng lũ Văn Yên (Yên Bái). Họ không chỉ là những người bảo vệ an ninh, trật tự mà còn trở thành những người bạn đồng hành, sẵn sàng hy sinh vì sự an toàn của nhân dân.”./.
Đoàn Tuấn - Thu Nhài