Về công tác Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày 29/9/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Nghị định quy định cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu câu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

 

Nghị định cũng nêu rõ nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Cụ thể, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ. Đồng thời việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định và pháp luật có liên quan.  

Thực tiễn và chủ trương của công tác bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Trong thực tế, sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm là tình trạng đã và đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Nghị định 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành sẽ động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Đồng thời, ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trước đó, ngày 22/9/2021 Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW  về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (sau đây gọi là Kết luận số 14-KL/TW), trong đó nêu rõ khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm; đồng thời xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đây là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Những cách thức chủ yếu trong phương thức lãnh đạo của Đảng gồm: một là, Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; hai là, Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động; ba là, Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị và bằng công tác tổ chức, cán bộ; bốn là, Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát; năm là, Đảng lãnh đạo bằng hành động gương mẫu của đảng viên.

 Một số Giải pháp trong công tác bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các thể chế liên quan, tích cực triển khai chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Về phương thức, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung thì cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng.

Trong một số ít trường hợp, đề xuất đổi mới sáng tạo được cấp có thẩm quyền ghi nhận cho thí điểm đã nhận được thành công. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, việc cho thực hiện hoặc thí điểm một số cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn được cho là trái với quy định của pháp luật hiện hành, có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Do đó, giải pháp cần thiết là phải kịp thời thể chế hóa, xây dựng văn bản triển khai chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW để làm “lá chắn” bảo vệ cho cán bộ, vượt qua tâm lý sợ sai, ngại va chạm, an phận thủ thường của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay. Cụ thể: Cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ chế thí điểm chính sách áp dụng trong phạm vi toàn quốc dưới hình thức Luật hoặc chí ít cũng phải bằng Nghị quyết của Quốc hội. Thực hiện rà soát các văn bản và đề xuất sửa đổi tháo gỡ khó khan, vướng mắc từ các văn bản. Trên cơ sở đó, nội dung nào tháo gỡ được ngay thì tiến hành sửa ngay. Nội dung nào cần thêm thời gian để đánh giá thì cho tiến hành thí điểm trước.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu rộng việc thực hiện Kết luận số 14-KL/TW và Nghị quyết 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Thực tiễn đã minh chứng chỉ khi chủ trương đúng đi được vào cuộc sống, được hệ thống chính trị và cả xã hội hiểu và cùng đồng lòng thực hiện thì công việc quan trọng này mới được thực hiện thành công. Muốn vậy, các ngành chỉ đạo, quản lý, các cấp ủy, chính quyền phải có kế hoạch cụ thể thực hiện quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương của Đảng, Chính phủ. Đồng thời xác định những giải pháp thực hiện cụ thể.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ…

Thứ tư, để khắc phục hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế đánh giá hiệu quả, kết quả công việc của cán bộ, loại trừ những cán bộ sợ trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi bộ máy tổ chức; đồng thời có chính sách khen thưởng và cơ chế bảo vệ tương xứng.

TS. Bùi Văn Công 

                                                                                          

...
  • Tags: