Việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm – Những vấn đề đặt ra

Theo Ths Nguyễn Hạnh Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc kịp thời điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm trong thời gian qua là hoàn toàn hợp lý, bảo đảm linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn.

Tuy nhiên, cần thay đổi tư duy làm luật theo hướng xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thay vì làm luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, bởi thực tế cho thấy tính ổn định của Chương trình không cao.

Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: TL

Ngày 01/12/2024, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Trong nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu “Rà soát, nghiên cứu sửa đổi các Luật về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…, nhất là Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định khác;…).

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành được ban hành năm 2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2020. Hiện nay, Luật đang được Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi toàn diện với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch và dễ tiếp cận hơn; chú trọng đến việc thi hành pháp luật theo hướng gắn kết giữa hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Để gắn với mục tiêu này, một trong những vấn đề cần xem xét trong Luật Ban hành VBQPPL là việc lập và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm.

Trước đây, theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, bên cạnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, Quốc hội còn ban hành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ. Tuy nhiên, khi Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 có hiệu lực thi hành, quy định về lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ đã được bỏ, do tính khả thi, tính ổn định không cao; năm nào cũng vừa phải điều chỉnh Chương trình năm, vừa phải điều chỉnh Chương trình của cả nhiệm kỳ. Tại kỳ họp, Quốc hội chỉ còn quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) lập và trình. Như vậy, trước năm 2016, tồn tại 02 loại Chương trình là Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; từ năm 2016 đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV thì chỉ còn Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm.

Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị đã định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ngày 05/11/2021, UBTVQH đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 triển khai thực hiện Kết luận và Đề án nêu trên của Bộ Chính trị. Kế hoạch số 81 đã xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể gắn với trách nhiệm của các cơ quan để tiến hành rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, UBTVQH (Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 cũng đã được điều chỉnh bởi Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 ngày 22/01/2024 bổ sung Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15). Như vậy có thể thấy, mặc dù không có Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo nhiệm kỳ nhưng có Kế hoạch lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; cả Chương trình và Kế hoạch lập pháp cho nhiệm kỳ đều có điểm chung là xác định được tổng số nhiệm vụ lập pháp cần xử lý trong nhiệm kỳ.

Về thẩm quyền xem xét, quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, theo khoản 2 Điều 31 của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 thì “Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại kỳ họp thứ nhất của năm trước”. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng hằng năm trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Về thẩm quyền lập, điều chỉnh dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật Tổ chức Quốc hội, UBTVQH có thẩm quyền trong việc: (i) lập dự án về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội quyết định; (ii) chỉ đạo việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; (iii) điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất… Căn cứ thẩm quyền được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành VBQPPL quy định trình tự, thủ tục UBTVQH xem xét các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh làm cơ sở lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. UBTVQH xem xét các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo trình tự sau đây:

(1) Đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; ý kiến về Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đối với những Đề nghị không do Chính phủ trình; ý kiến về kiến nghị về luật, pháp lệnh. Đại diện cơ quan, tổ chức khác, đại biểu Quốc hội có thể được mời phát biểu ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh của mình;

(2) Đại diện Ủy ban Pháp luật trình bày báo cáo thẩm tra;

(3) Đại biểu tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;

(4) UBTVQH thảo luận;

(5) Đại diện Chính phủ, đại diện cơ quan, tổ chức khác, đại biểu Quốc hội có đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trình bày bổ sung những vấn đề được nêu ra tại phiên họp;

(6) Chủ tọa phiên họp kết luận.

Khoản 2 Điều 48 của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định “Căn cứ vào đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội, kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, UBTVQH lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội xem xét, quyết định”. Trong đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp UBTVQH lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Có thể thấy, việc lập Kế hoạch, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được thực hiện tương đối nề nếp. Chương trình hằng năm được hình thành từ đề nghị của các chủ thể có quyền sáng kiến lập pháp, phù hợp với kế hoạch kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, được xác định trọng tâm, trọng điểm và thường xuyên được xem xét, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình, khả năng thực hiện và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Việc sớm lập Chương trình có ưu điểm là tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức chủ động trong việc soạn thảo, thẩm tra, trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh. Số lượng các dự án luật, pháp lệnh được các chủ thể có quyền sáng kiến pháp luật trình ra Quốc hội, UBTVQH ngày càng tăng; số lượng luật, pháp lệnh được Quốc hội, UBTVQH thông qua từ nhiệm kỳ khóa IX trở lại đây lớn hơn rất nhiều so với số lượng văn bản được thông qua trong giai đoạn trước đó; chất lượng văn bản cũng được cải thiện nhiều. Chất lượng Chương trình đã được nâng lên một bước, bảo đảm tính kế thừa, tính liên tục của công tác xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

UBTVQH lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội xem xét, quyết định. Ảnh minh họa phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp của UBTVQH, sau khi nghe các chủ thể trình bày đề nghị về Chương trình; đại diện Ủy ban Pháp luật trình bày báo cáo thẩm tra; UBTVQH thường dành thời gian thảo luận khoảng 01 buổi để cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh. Ý kiến của UBTVQH về các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có vai trò rất quan trọng, là cơ sở để Ủy ban Pháp luật tham mưu, giúp UBTVQH lập dự kiến Chương trình hằng năm để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, UBTVQH đã lập và trình Quốc hội xem xét, thông qua 04 Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh[1]; ban hành 21 Nghị quyết của UBTVQH điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; đã xem xét, cho ý kiến vào 105 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Trong đó, có 91 đề nghị của Chính phủ, 06 đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao[2], 03 đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao[3], 01 đề nghị của đại biểu Quốc hội; 03 đề nghị của UBTVQH[4]; 01 đề nghị do Kiểm toán nhà nước trình[5].

Tại mỗi phiên họp xem xét, quyết định đưa dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, có thể thấy số lượng đề nghị là tương đối lớn. Ví dụ, để trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, UBTVQH đã phải xem xét 29 đề nghị trong một phiên, trong đó có 11 đề nghị thuộc Chương trình năm 2023[6] và 18 đề nghị thuộc Chương trình năm 2024[7]. Việc xem xét gần 30 dự án luật trong một buổi họp thuộc phiên họp của UBTVQH là rất khó để bảo đảm được việc xem xét, đánh giá kỹ lưỡng từng dự án luật chứ chưa nói đến là từng chính sách trong dự án luật.

Quốc hội biểu quyết thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thực tế cho thấy, với một số lượng lớn dự án luật, dự thảo nghị quyết được các cơ quan đề nghị đưa vào Chương trình, thì việc UBTVQH thảo luận, cho ý kiến chỉ trong một buổi là không thể bao quát hết các vấn đề, đặc biệt là việc đi sâu xem xét, đánh giá đề nghị của từng dự án. Vì thế, không ít các dự án luật, pháp lệnh mặc dù đã được UBTVQH đưa vào dự kiến Chương trình để trình Quốc hội, nhưng khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội thì vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí còn thiếu các điều kiện cần thiết theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Nhiều dự án luật khi đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho đến khi trình chính thức tại kỳ họp Quốc hội thì đã có sự điều chỉnh cơ bản về chính sách. Ngay nội dung đánh giá tác động cũng đã không còn bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn tại thời điểm Quốc hội cho ý kiến lần đầu nữa; bởi vì khoảng thời gian từ khi lập đề nghị đến khi Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình và đến khi Quốc hội thảo luận cũng cách nhau ít nhất 01 năm (Quốc hội quyết định Chương trình vào kỳ họp thứ nhất của năm trước).

Do UBTVQH còn có thẩm quyền điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nên khi có đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, căn cứ tình hình thực tiễn về kinh tế - xã hội và điều kiện hoàn thành nhiệm vụ lập pháp, UBTVQH có thể tiến hành xem xét “2 trong 1”, tức là vừa xem xét đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, vừa cho ý kiến về dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và trên cơ sở đó quyết định điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Ví dụ:

- Tại phiên họp thứ 36, UBTVQH khóa XV đã quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

- Tại phiên họp thứ 37, UBTVQH đã quyết định bổ sung 02 dự án luật, 02 dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng).

Tại phiên họp thứ 37, UBTVQH đã quyết định bổ sung 02 dự án luật, 02 dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đây được xem là phương án rất phù hợp trong điều kiện kinh tế - xã hội có sự thay đổi. Việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho phép Quốc hội kịp thời xem xét những dự án luật, dự thảo Nghị quyết mặc dù chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (tại Nghị quyết của Quốc hội) nhưng khi bảo đảm về chất lượng, nội dung, chính sách được đánh giá tác động kỹ lưỡng thì có thể bổ sung vào Chương trình để trình Quốc hội. Những chính sách sớm được thông qua thì sẽ sớm đi vào cuộc sống và khắc phục những hạn chế, bất cập đang diễn ra; đồng thời, việc sớm triển khai những chủ trương mới sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hội nhập, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an ninh, an toàn và bảo vệ Tổ quốc…

Tuy nhiên, qua theo dõi, từ khi Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đến nay cho thấy, không có năm nào là Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm không được điều chỉnh. Chỉ riêng năm 2024, số lần UBTVQH phải điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là 08 lần (năm 2023, UBTVQH điều chỉnh 04 lần; năm 2022 điều chỉnh 07 lần). Đây là con số tương đối lớn, trong 03 năm, trung bình cứ 02 tháng lại một lần điều chỉnh Chương trình. Bên cạnh đó, hằng năm, tại kỳ họp Quốc hội, ngay khi Quốc hội thông qua Chương trình của năm tiếp theo thì cũng đều kèm theo việc điều chỉnh Chương trình của năm trước. Như vậy, có thể thấy, tính ổn định của Chương trình là không cao và việc tiếp tục “tồn tại” Chương trình là vấn đề cần được xem xét.

3.1. Trước hết, cần khẳng định, việc kịp thời điều chỉnh Chương trình trong thời gian qua là hoàn toàn hợp lý, bảo đảm linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn; góp phần quan trọng hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển, tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, cần thay đổi tư duy làm luật theo hướng xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thay vì làm luật theo Chương trình mà bản thân việc lập dự kiến đã không bảo đảm được tính chính xác, tính khả thi, tính ổn định của Chương trình. Điều đó đồng nghĩa với việc:

- Khi Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các chủ thể có thẩm quyền khác trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, nếu các cơ quan thẩm tra nhận thấy bảo đảm về chất lượng thì kiến nghị đưa ra UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp; UBTVQH xem xét, sắp xếp vào chương trình kỳ họp Quốc hội. Như vậy, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban sẽ phải đóng vai trò rất quan trọng trong việc “gác cửa” cho UBTVQH quyết định việc có xem xét nội dung đó tại phiên họp của UBTVQH hay không. Nếu nội dung không đạt, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có thể đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện lại.

Với dự án luật, dự thảo nghị quyết đã được UBTVQH xem xét, khi trình ra Quốc hội, nếu bảo đảm về chất lượng thì Quốc hội cho ý kiến tiếp và thông qua theo quy trình tại Luật Ban hành VBQPPL. Nếu không bảo đảm, thì Quốc hội, UBTVQH trả lại cơ quan trình để về tiếp tục hoàn thiện, trình lại hoặc có thể dừng việc xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết đó.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban sẽ phải đóng vai trò rất quan trọng trong việc “gác cửa” cho UBTVQH quyết định việc có xem xét nội dung đó tại phiên họp của UBTVQH hay không. Trong ảnh: Ủy ban Pháp luật của Quốc họp họp phiên toàn thể, cho ý kiến về các nội dung trước khi trình UBTVQH.

Qua việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm trong thời gian qua cho thấy, mặc dù rất bận rộn với khối lượng công việc lớn nhưng vì mục đích chung phục vụ đất nước, phục vụ xã hội, các cơ quan của Quốc hội rất sẵn sàng trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật và UBTVQH cũng kịp thời cho ý kiến khi Hội đồng Dân tộc, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan đề xuất. Tuy nhiên, việc phải ban hành Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có lẽ là không cần thiết nữa nếu bỏ quy định về việc lập và ban hành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

- Về trách nhiệm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án luật, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội, đề nghị khi sửa Luật Ban hành VBQPPL, cần nghiên cứu giao cơ quan trình dự án có trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý và giải trình những ý kiến của đại biểu Quốc hội. Thực tế thì cơ quan trình cũng là cơ quan sẽ triển khai các quy định trên thực tiễn nếu chính sách được thông qua. Việc “trả lại” vai giải trình cho cơ quan trình nhằm bảo đảm cơ hội được bảo vệ quan điểm, lý lẽ của mình trước các vị đại biểu Quốc hội của các cơ quan này. Trường hợp cơ quan trình đã giải trình nhưng không được đại biểu Quốc hội chấp thuận; dự án, dự thảo tiếp tục không đạt yêu cầu, thì Quốc hội vẫn có thể không thông qua và trả về để cơ quan trình xây dựng lại.

- Bên cạnh đó, một số chính sách mà Quốc hội thấy cần thiết phải ban hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng Chính phủ hoặc các chủ thể khác có thẩm quyền trình không trình thì UBTVQH có thể thành lập Ban soạn thảo như với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và một số luật khác trước đây như Luật Tổ chức Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

3.2. Để thực hiện được theo đề xuất trên thì đòi hỏi phải bảo đảm các yếu tố sau:

- Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (“các công xưởng” của Quốc hội trong công tác lập pháp). Với yêu cầu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị như hiện nay thì đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội phải có sự phân công, phân nhiệm rất rõ ràng; có cơ chế chịu trách nhiệm và đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban. Đồng thời, phát huy vai trò của người đứng đầu trong điều hành hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

- Nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội; phát huy vai trò, năng lực của đại biểu Quốc hội với tư cách là người đại biểu của nhân dân, người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của. Bởi lẽ, lực lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách thực sự là những chuyên gia pháp luật trong từng lĩnh vực thuộc công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; đóng vai trò quan trọng giúp các cơ quan của Quốc hội thẩm tra các chính sách trong từng dự án có cần thiết ban hành không, có bảo đảm thực thi không, có bị trục lợi chính sách thông qua lợi ích nhóm không... Để giải quyết vấn đề này, cũng cần nghiên cứu theo hướng bảo đảm về cơ cấu, thành phần gắn với năng lực, trình độ, trí tuệ của đại biểu Quốc hội thay vì cơ cấu thành phần theo đại diện.

- Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa Tổng Thư ký Quốc hội với vai trò tham mưu xây dựng Chương trình kỳ họp của Quốc hội, Chương trình phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban để sắp xếp các dự án luật, dự thảo nghị quyết, dự án pháp lệnh vào Chương trình kỳ họp, Chương trình phiên họp. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của Ban Thư ký trong việc giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ.

- Cần tăng cường cả về số lượng và chất lượng với đội ngũ công chức tham mưu, giúp việc cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nhằm góp phần bảo đảm công tác chủ trì thẩm tra, tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Bởi đây chính là lực lượng tham mưu ban đầu, phát hiện vấn đề cho Hội đồng Dân tộc, Ủy ban trong việc thẩm tra các chính sách.

Ths Nguyễn Hạnh Thu

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội

[1] Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2022, 2023, 2024 và năm 2025.

[2] Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Pháp lệnh Chi phí tố tụng; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

[3] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

[4] Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

[5] Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

[6] Các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

[7] Các dự án: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Công chứng (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Phòng không nhân dân, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi) và Luật Bản dạng giới.

  • Tags: