Thực trạng và nguyên nhân
Có thể nói, nước ta đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền với các quy định bảo vệ bản quyền tại Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan; ký kết, tham gia nhiều hiệp định, điều ước quốc tế có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan. Cùng với đó là nhiều hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia hỗ trợ doanh nghiệp và tác giả để bảo vệ bản quyền như: Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội quyền sao chép, Trung tâm Bản quyền tác giả văn học, Trung tâm Bản quyền số... Tuy vậy, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam vẫn khá phức tạp. Khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua streaming, mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin trực tuyến. Đặc biệt, chưa bao giờ tình trạng đánh cắp, vi phạm bản quyền diễn ra nhanh, nguy hiểm, có hệ thống và gây ra nhiều hệ lụy cho các nhà sản xuất, phát hành nội dung như thời kỳ công nghệ số hiện nay.
Các hành vi vi phạm về bản quyền số trên không gian mạng ngày một nhiều, đa dạng và khó kiểm soát. Một trong những hình thức phổ biến đó là bán sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội. Nhiều cá nhân, tổ chức còn sử dụng các trang web, ứng dụng OTT được cấp phép, các trang web đăng ký tên miền và đặt sever ở nước ngoài, các ứng dụng OTT lậu để cung cấp sản phẩm sách số vi phạm bản quyền; lợi dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo để tạo ra các tác phẩm phái sinh nhưng không thực hiện theo quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.
Trong lĩnh vực xuất bản, các hành vi xâm phạm được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như sao chép, định dạng lại các nội dung, sau đó đăng tải trên website, các trang mạng xã hội, các ứng dụng di động; bán sách lậu thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử; phát sóng trực tiếp (livestream) đọc sách trên mạng xã hội, hoặc tóm tắt, đánh giá (review) sách.
Trong lĩnh vực điện ảnh, các hành vi xâm phạm bản quyền tác phẩm diễn ra dưới các hình thức phổ biến như: đối tượng xấu quay lén để chiếm đoạt nội dung tác phẩm sau đó đăng tải, chia sẻ trên các diễn đàn mạng; bị sao in lậu để phát tán hoặc kinh doanh thu lợi bất chính, gây tổn hại lớn cả về vật chất và tinh thần đối với chủ sở hữu... Không ít trường hợp phim mới vừa ra rạp vài ngày thì bản phim lậu đã phát tán tràn ngập trên mạng… Nhà làm phim đầu tư biết bao công sức, tiền bạc cho một bộ phim nhưng khi phim phát tán rộng rãi trên các trang “web đen” thì coi như tác phẩm đã bị “cướp trắng”. Không chỉ ngang nhiên chiếm đoạt các tác phẩm điện ảnh thông qua việc quay lậu, sao in trái phép để khai thác thu lời bất hợp pháp, thực tế hiện nay các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm điện ảnh trên không gian đa dạng về hình thức, thủ đoạn, từ cung cấp miễn phí cho đến thu phí giá rẻ, từ chia sẻ các trích đoạn, tiết lộ nội dung phim, đến livestream phát trực tiếp trên mạng...
Vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng xuất phát từ một số nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng liên tục gia tăng được kể đến đó là việc xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Mặt khác, các hành vi xâm phạm quyền tác giả này còn được tiếp tay bởi nhiều người dùng khi họ đọc, xem các bản sao chép lậu trên mạng. Bên cạnh đó, vẫn còn đối tượng chạy theo lợi nhuận, vì lợi ích cá nhân mà xâm hại quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và một bộ phận công chúng chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ về quyền tác giả, quyền liên quan; mua sách rẻ mặc dù có thể biết hoặc không biết đó là sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền. Một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt là các chủ sở hữu quyền như nhà xuất bản, khi có tranh chấp, vẫn chưa cung cấp đủ bằng chứng/chứng cứ liên quan về quyền của mình và về hành vi vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Một số cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm còn có biểu hiện né tránh trách nhiệm, chưa phối hợp đồng bộ nhịp nhàng...Với một quốc gia mà nạn xâm phạm bản quyền diễn ra ngang nhiên từ năm này qua năm khác với quy mô ngày càng lớn, các nhà đầu tư hiển nhiên sẽ dè dặt khi hợp tác. Dẹp hay không dẹp được tệ nạn này, nó sẽ cho thấy năng lực quản lý và quyết tâm của nhà nước trong việc làm trong sạch hóa môi trường văn hóa và kinh doanh của đất nước.
Cần những giải pháp đồng bộ
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ”. Ngoài ra, việc “tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ” cũng được đặt ra trong nhiệm vụ chung về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nằm trong Chiến lược của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội phát triển; song song với đó là nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền cho các chủ thể, hoạt động của các cơ quan quản lý thực thi quyền tác giả, nhất là trong bối cảnh vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ nhiều quốc gia gây khó khăn trong việc xác định và xử lý hành vi vi phạm. Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thì việc đẩy mạnh thực thi bản quyền trên không gian mạng là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Do đó cần nhanh chóng triển khai, lập cơ chế tiếp nhận yêu cầu, gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới các nội dung, thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, đòi hỏi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải đầu tư các trang thiết bị, kỹ thuật, nhân lực cũng như tham khảo những kinh nghiệm quốc tế để vận hành hệ thống một cách hiệu quả.
Theo Cục Bản quyền tác giả, các hành lang pháp lý của chúng ta đang ngày càng hoàn thiện và đã quy định nhiều biện pháp để các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Ngoài việc áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các chủ thể quyền có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định pháp luật khác; thậm chí, khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy vậy, xâm phạm bản quyền vẫn đang là một vấn nạn cần được xử lý.
Trước tình hình đó, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:
1. Cần quy định rõ về cách thức, cơ chế quản lý người dùng trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, Nhà nước cần có quy định rõ về việc quản lý xác minh danh tính của “người dùng” trên mạng xã hội.
2. Xây dựng một cơ chế phối hợp chung giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ, các nhà mạng với các đơn vị xử lý các vấn đề vi phạm bản quyền; tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.
3. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, cơ quan báo đài, truyền thông trong việc tuyên truyền ý thức mua và đọc sách thật, sách có bản quyền đến với độc giả. Cần duy trì hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ các đơn vị làm xuất bản trước các hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng, đồng thời cần có chế tài, xử lý thật nặng đối với những hành vi xâm phạm bản quyền đã bị phát hiện. Các cơ quan thực thi pháp luật cần đẩy mạnh việc theo dõi, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng hoặc có biện pháp hỗ trợ kịp thời các đơn vị xuất bản khi các đơn vị đó phát hiện xuất bản phẩm của mình bị xâm phạm.
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nhất là trên môi trường số. Việc xử phạt cần phát huy tính răn đe, phòng ngừa.Thực tiễn cho thấy các chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP có mức xử phạt thấp, chưa đủ tính răn đe, một số hành vi xử phạt còn thiếu hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả phù hợp. Vì vậy thời gian tới nội dung này cần điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
5. Về phía các chủ thể có quyền, lợi ích chính đáng đối với tác phẩm của mình, cần nâng cao nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ bản quyền, để nếu tác phẩm bị xâm hại, khai thác trái phép, các chủ thể hợp pháp cần có biện pháp đấu tranh phù hợp và kiên quyết trên cơ sở quy ddijnh của pháp luật.
5. Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý và thực thi nghiêm các quy định pháp luật liên quan, việc bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng cần sử dụng các giải pháp công nghệ. Một số công nghệ kiểm soát, ngăn chặn vi phạm bản quyền đang được áp dụng hiện nay như: Công nghệ phát hiện nguồn phát tán nội dung (Finger Print Online), công nghệ quản lý bản quyền nội dung số DRM (Digital Rights Management), công nghệ đóng dấu bản quyền…
6. Để bảo vệ quyền tác giả, giá trị, công sức của việc sáng tạo giá trị tri thức cũng chính là bảo vệ bạn đọc, người xem, đã đến lúc phải thực thi những giải pháp quyết liệt để đẩy lùi vấn nạn này. Để làm được điều đó, chắc chắn cần có sự chung tay phối hợp đấu tranh của tất cả các ngành, các quốc gia nhưng có lẽ trên hết vẫn là ý thức của người dân./.
Ths. Phạm Hồng Giang