Xây dựng giá trị cốt lõi của nền công vụ Việt Nam

Trong xây dựng những giá trị cốt lõi của nền công vụ cần nghiên cứu đến những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là các quy định liên quan đến đạo đức công vụ, trách nhiệm công vụ. Đồng thời, cần nhắc đến bối cảnh kinh tế xã hội, xu hướng quốc tế và mục tiêu xây dựng nền công vụ của Việt Nam.
Tóm tắt: Giá trị cốt lõi của nền công vụ là hệ thống niềm tin và chuẩn mực điển hình, quan trọng, mang tính nguyên tắc và làm nền tảng để xây dựng văn hóa, đạo đức công vụ, hướng dẫn hành vi ứng xử của người thực thi công vụ. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả trao đổi về khái niệm và sự cần thiết xây dựng giá trị cốt lõi của nền công vụ, đặc biệt là xác định cơ sở để xây dựng giá trị cốt lõi của nền công vụ.
Từ khóa: Nền công vụ, giá trị cốt lõi, xây dựng nền công vụ, Việt Nam.
Abstract: The core value of the civil service is a typical, important, principled system of beliefs and standards that establish as a ground for developing the civil service culture and ethics, guiding the behavior of real people performing the civil madates. Within the scope of this article, the authors provide discussion of the concept and necessity of developing the core values ​​of the civil service, especially identifying the ground for developing the core values ​​of the civil services.
Keywords: Civil services; core values; civil service development; Vietnam
 CÔNG-VỤ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quan niệm về công vụ và sự cần thiết xây dựng giá trị cốt lõi của nền công vụ
1.1. Quan niệm về công vụ và giá trị cốt lõi của nền công vụ
Quan niệm về công vụ ở các nước không hoàn toàn giống nhau. Trong tiếng Anh tồn tại hai thuật ngữ: “Public service” được hiểu theo nghĩa rộng bao hàm hoạt động công và dịch vụ công; “Civil service” chỉ hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước.
Hiện nay ở Việt Nam, chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa thế nào là “công vụ”. Điều 2 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019) chỉ xác định “hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan”.
Trên diễn đàn khoa học, một số công trình nghiên cứu tiếp cận thuật ngữ “công vụ” dưới nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ: Công vụ là công việc mang tính chất nhà nước, vì lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của công dân, có tính chuyên nghiệp, chủ yếu do cán bộ, công chức nhà nước thực hiện, có tính thứ bậc chặt chẽ, chính quy và liên tục, được bảo đảm bằng quyền lực nhà nước[1]; là hoạt động mang tính quyền lực và pháp lý được thực thi bởi đội ngũ công chức nhằm thực hiện các chức năng của nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt của đời sống xã hội[2]; là toàn bộ hoạt động của công chức trong quản lý xã hội theo chức năng được quy định trong pháp luật thực định nhằm mục đích phục vụ nhân dân, xã hội và nhà nước[3]; là hoạt động có tính tổ chức cao, được tiến hành thường xuyên, liên tục theo trật tự do pháp luật quy định trên cơ sở sử dụng quyền lực nhà nước và được bảo đảm bằng quyền lực nhà nước và chủ yếu do đội ngũ công chức chuyên nghiệp thực hiện[4]; là loại lao động mang tính chất quyền lực và pháp lý do đội ngũ công chức thực hiện, sử dụng ngân sách nhà nước để tiến hành các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong việc quản lý toàn diện các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của một quốc gia[5]. Những quan điểm về “công vụ” nêu trên khá đa dạng nhưng đều có điểm tương đồng là thuật ngữ này dùng để chỉ loại hình lao động đặc thù được thực hiện bởi cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước trên cơ sở quy định của pháp luật và được bảo đảm bằng quyền lực, ngân sách nhà nước nhằm phục vì lợi ích của người dân, xã hội và quốc gia.
Giá trị cốt lõi là những thuộc tính đặc trưng, điển hình, bao quát và là những nguyên tắc, chuẩn mực đóng vai trò quan trọng đối với nền công vụ. Đó được xem là “linh hồn” của nền công vụ với những chuẩn mực có chiều sâu, quan trọng, bền vững, mang tính quy tắc hướng dẫn, chi phối quyết định và hành động của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Nói cách khác, giá trị cốt lõi của nền công vụ là hệ thống niềm tin, nguyên tắc, chuẩn mực điển hình, quan trọng và làm cơ sở nền tảng để xây dựng văn hóa, đạo đức công vụ, hướng dẫn hành vi ứng xử của người thực thi công vụ.
1.2. Sự cần thiết xây dựng giá trị cốt lõi của nền công vụ
Hiện nay, xây dựng những giá trị cốt lõi của nền công vụ càng đóng vai trò quan trọng, cấp thiết. Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và Cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, Việt Nam đang tích cực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế nhằm theo kịp xu hướng phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới và dẫn dắt sự thay đổi trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi tình hình thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, như Nghị quyết số 26-NQ/TW đã nhận định: các mối đe dọa truyền thống, phi truyền thống và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Ở trong nước, bên cạnh những mặt tích cực thì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn; tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn những nhân tố dễ gây mất ổn định. Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm, phức tạp hơn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, sự bùng nổ của hệ thống thông tin truyền thông toàn cầu, chiến tranh trên không gian mạng, ... Do đó, xây dựng những giá trị cốt lõi của nền công vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ và yêu cầu phát triển đất nước là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng rất khó khăn. Giá trị cốt lõi được thiết lập sẽ hỗ trợ tầm nhìn quốc gia, định hình những chuẩn mực văn hóa tiêu biểu, điển hình mang bản sắc quốc gia.
Mặt khác, thực thi công vụ là hoạt động thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trên cơ sở quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoạt động thực thi công vụ có tính chất đặc thù được bảo đảm bởi quyền lực công, ngân sách nhà nước, mang tính chất phi lợi nhuận để phục vụ nhân dân, xã hội. Hành vi và hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức liên quan mật thiết đến niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, sự ổn định và vững mạnh của hệ thống chính quyền. Nếu không có những giá trị cốt lõi định hướng, làm chuẩn mực ứng xử, sẽ dẫn đến hiện tượng cán bộ, công chức lạm quyền, sử dụng quyền lực sai mục đích hoặc ỉ lại, dựa dẫm, đối phó, quan liêu trong thực thi công vụ.
Thực tế cho thấy, mặc dù đại đa số đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống gương mẫu; có ý thức tổ chức kỷ luật, tu dưỡng, rèn luyện; trình độ, năng lực đáp ứng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá”. Do đó, cần có những giá trị cốt lõi để định hình nhận thức, tư duy và hành vi của đội ngũ cán bộ, công chức. Những giá trị cốt lõi giúp định hướng, định hình và làm nền tảng để xây dựng văn hóa và đạo đức công vụ. Đó là hệ thống niềm tin ảnh hưởng tới nhận thức, ứng xử của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, hướng dẫn hành vi trong nội bộ, cũng mối quan hệ của họ với thế giới bên ngoài; định hướng cách ứng xử của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, với tập thể và người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giá trị cốt lõi khi được xác định chính thức, công khai và được xã hội công nhận sẽ là cơ sở để nhân dân tin tưởng, ủng hộ và giám sát hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Thông qua giá trị cốt lõi, người dân hiểu được chính quyền đang làm gì, hướng tới những chuẩn mực nào? Đồng thời, đây là cơ sở để các nhà quản lý trong khu vực công định hình chính sách và ban hành các quyết định quản lý; đưa ra những chỉ dẫn, hỗ trợ giải quyết rủi ro, khủng hoảng hoặc các tình huống có vấn đề một cách nhanh chóng nhất.
2. Cơ sở để xây dựng giá trị cốt lõi của nền công vụ
Xây dựng những giá trị cốt lõi của nền công vụ là vấn đề khó, phức tạp, cần sự nghiên cứu nghiêm túc trên cơ sở cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, các yếu tố văn hóa, giá trị truyền thống của dân tộc; chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các văn bản quy phạp pháp luật, cũng như kinh nghiệm quốc tế là các vấn đề cần được cân nhắc và tham khảo.
Một là, giá trị cốt lõi của nền công vụ cần đúc kết, kế thừa và phát huy hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định những vấn đề về xây dựng con người Việt Nam với nhân cách, phẩm chất, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Đó chính là hệ giá trị điển hình, cơ bản của người Việt Nam đã được vun đắp, giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ nên cần được kế thừa trong việc xây dựng giá trị cốt lõi của nền công vụ.
Hai là, xây dựng giá trị cốt lõi của nền công vụ cần dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, chính đảng duy nhất theo Hiến pháp, đại diện của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Mục đích của Đảng là phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tự do, hạnh phúc cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tất cả các dân tộc ở Việt Nam. Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
Ba là, xây dựng những giá trị cốt lõi của nền công vụ cần kế thừa và phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần, tài sản trí tuệ vô giá của Đảng và dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể ở nước ta, đồng thời kế thừa và phát triển tinh hoa giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tư tưởng của Người được thể hiện đa dạng, phong phú, toàn diện trên nhiều góc độ khác nhau, điển hình là:
(1) Tư tưởng trung với nước, với Đảng: cán bộ, công chức phải đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên hết; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Đảng, Nhà nước; Bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao; chấp hành nghiêm sự phân công của Đảng, Nhà nước, tổ chức.
(2) Hiếu với dân, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”. Theo đó,cán bộ, công chức là công bộc của dân, phải hoà mình với quần chúng nhân dân; lắng nghe, thấu hiểu, tin tưởng quần chúng; lời nói và việc làm phải để cho dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn vậy, cán bộ, công chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong liên hệ giao tiếp, làm việc với nhân dân tác phong, thái độ phải lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc. Trong cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cần thuận tiện, không sách nhiễu, gây phiền hà; hết lòng phục vụ và tôn trọng dân, tránh thái độ cửa quyền, ban ơn; sẵn sàng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
(3) Cán bộ, công chức cần tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất, đạo đức bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”[6] . Đây là 4 giá trị quan trọng là chuẩn mực văn hóa, đạo đức của cán bộ, công chức, cụ thể là:
- Cần theo tư tưởng của Hồ Chí Minh không chỉ là sự cần cù, bền bỉ, vượt khó, khắc phục khó khăn trong thực thi công vụ để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc. Đó còn là sự siêng năng, chăm chỉ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; nâng cao năng lực chuyên môn, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng công tác; bám sát thực tiễn, vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác.
- Kiệm vừa là sự tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí cả về nguồn lực vất chất (tài chính, cơ sở vật chất,...) vừa không lãng phí về nguồn lực phi vật chất (cơ hội, thời gian, quan hệ,...). Tuy nhiên, tiết kiệm phải gắn với hiệu quả, lấy hiệu quả làm gốc.
- Liêm đó là sự trong sạch, nhất quán, không tham lam tiền tài, địa vị, danh lợi một cách bất chính; không tham ô, tham nhũng, lạm dụng quyền lực và thực hiện các hành vi trái pháp luật; không lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thu lợi cho cá nhân, gia đình, người thân. Bất liêm là bất chính, đạo đức giả, cam kết mà không hành động, trốn tránh trách nhiệm, chạy chức, chạy quyền, ...
- Chính là thẳng thắn, đúng đắn, trung thực, khách quan. Cán bộ, công chức làm việc công cần phải công tâm, công minh chính trực, không tư ân, tư huệ, tư thù, tư oán.
Bốn yếu tố trên vừa là các tiêu chí đạo đức cơ bản, vừa là thước đo phẩm chất chính trị, bản lĩnh giữ mình và khả năng chống lại sự tha hóa quyền lực của cán bộ, công chứcBên cạnh đó, cán bộ, công chức phải chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân và của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân; không màng tư lợi, không dùng của công vào việc tư. Mỗi cán bộ, công chức cần kiên trì cuộc đấu tranh chống lại thói hư, tật xấu, nhất là sự lười biếng, sự đố kỵ, tham nhũng, cửa quyền, quan liêu, cách sống buông thả và sa đoạ. Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Nếu không tu dưỡng, rèn luyện để giữ được Cần, Kiệm, Liêm, Chính dễ dẫn đến sự biến chất, hủ bại, sâu mọt.
Bốn là,xây dựng giá trị cốt lõi của nền công vụ Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để học học, kề thừa những giá trị chung, điển hình và vận dụng phù hợp với bối cảnh văn hóa, thể chế chính trị ở Việt Nam. Mỗi quốc gia công nhận, quy định và đề cao những giá trị khác nhau. Ví dụ, hệ thống giá trị cốt lõi trong nền công vụ phục vụ của Singapore đề cao vai trò của 03 giá trị: (1) Liêm chính (trung thực, minh bạch bộ máy, quy trình và nguồn lực); (2) Phục vụ (dịch vụ chuyên nghiệp, thân thiện, chu đáo); (3) Sự tuyệt hảo (liên tục cải tiến và nỗ lực vượt qua các giới hạn). Trong khi đó,Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD: Organization for Economic Cooperation and Development) lại khuyến nghị 8 giá trị nền tảng mà các quốc gia nên hướng đến, gồm: Liêm chính, Khách quan, Phi đảng phái, Trung thực, Không thiên vị, Chia sẻ, Tình thương, Đấu tranh với những cám dỗ,...
Bên cạnh đó, trong xây dựng nhữnggiá trị cốt lõi của nền công vụ cần nghiên cứu đến những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là các quy định liên quan đến đạo đức công vụ, trách nhiệm công vụ. Đồng thời, cần nhắc đến bối cảnh kinh tế xã hội, xu hướng quốc tế và mục tiêu xây dựng nền công vụ của Việt Nam.
Trên cơ sở trên, tác giả đề xuất một số giá trị cơ bản, cốt lõi của nền công vụ, gồm: thượng tôn pháp luật,trách nhiệm, liêm chính, minh bạch và phụng sự, cụ thể là:
(1) Thượng tôn pháp luật:Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã đề cập đến việc xây dựng “Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Đến năm 2001, khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, lần đầu tiên thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” được hiến định, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hiện thực hóa việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cán bộ, công chức cần thượng tôn pháp luật để được dân tin tưởng, tôn trọng, ủng hộ. Biểu hiện của việc thượng tôn pháp luật là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền; bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả, có sự kiểm tra, giám sát việc sử quyền quyền lực công, nguồn lực công.
(2) Trách nhiệm: Người có trách nhiệm là người hiểu rõ vai trò, bổn phận, nghĩa vụ của mình trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, tổ chức và đơn vị công tác. Họ sẵn sàng, tự giác, chủ động nhận trách nhiệm và nỗ lực cao nhất để đạt được mục tiêu trong điều kiện nguồn lực có hạn và môi trường biến đổi. Đồng thời, họ cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm, xin lỗi và nỗ lực khắc phục hậu quả nếu phát ngôn, hành động, việc làm không đúng như quy định hoặc cam kết.
(3) Liêm chính: Đó là sự trung thực, trong sạch, ngay thẳng trong thực thi công vụ; phân biệt những vấn đề phù hợp, không phù hợp trong thực thi công vụ, dũng cảm đấu tranh với những điều sai trái và bảo vệ những điều đúng đắn, phù hợp; không tham lam địa vị, tiền tài; không sử dụng công cụ, cách thức lừa dối, bịa đặt, gian lận hoặc lợi dụng uy tín của tập thể để đạt được mục tiêu, lợi thế hay lợi ích cho cá nhân. Người có sự liêm chính không chỉ biết giữ gìn sự liêm chính của bản thân, mà còn sẵn sàng lên tiếng, đấu trách bảo vệ sự liêm chính của tổ chức và nền công vụ.
(4) Minh bạch: Đó là sự rõ ràng, tường minh và sẵn sàng giải trình trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, cơ quan và người có thẩm quyền. Cán bộ, công chức có sự minh bạch sẵn sàng, chủ động thực thi công vụ công khai, cụ thể, không dấu giếm, che đậy, khuất tất; sẵn sàng phối hợp và tạo điều kiện để thanh tra, kiểm tra, giám sát. Sự minh bạch luôn đi liền với bảo đảm trách nhiệm báo cáo, giải trình. Trách nhiệm giải trình không chỉ là trách nhiệm báo cáo đối với cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra, với lãnh đạo; tuân thủ các quy định, đó còn là trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Đồng thời, đó còn là khả năng giải thích, biện minh, bảo vệ cho những quyết định và hành động của tập thể và cá nhân, cũng như vấn đề chịu hậu quả từ những quyết định và hành động đó.
(5) Phụng sự: Mục tiêu thực thi công vụ gắn với bản chất của nhà nước Việt Nam “của dân, do dân, vì dân” với mục đích bảo vệ chế độ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của nhân dân, của cơ quan, tổ chức; bảo vệ trật tự pháp luật; không vì lợi ích cá nhân và không vì mục tiêu lợi nhuận. Người thực thi công vụ phải hết lòng phụng sự, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đặt lợi ích của Nhà nước, xã hội và công dân lên trước hết. Biểu hiện sự phụng sự là tuyệt đối trung thành và hết lòng phục vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, tổ chức. Mỗi cán bộ, công chức thực sự là công bộc của dân, gần dân, sâu sát lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; chủ động, sáng tạo trong phục vụ nhân dân để mang lại người dân những trải nghiệm tích cực nhất; không được hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, khó khăn cho nhân dân./.  
 

PGS.TS. NGUYỄN BÁ CHIẾN

Hiệu trưởng Trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

THS. ĐOÀN VĂN TÌNH

Phó Trưởng Khoa Quản trị nguồn nhân lực, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.


[1] Bùi Thế Vĩnh (2000), Một số thuật ngữ hành chính (2000), Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.131.
[2] Nguyễn Ngọc Hiến (Chủ nhiệm - 2002), Hoàn thiện phương pháp đánh giá thực thi công vụ cán bộ, công chức hàng năm.
[3] Cao Minh Công (2012), Tránh nhiệm công vụ và đạo đức công chức ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học Viện Khoa học xã hội.
[4] Trần Minh Hương và cộng sự (2017), Giáo trình Luật Hành chính, Nxb. Công an Nhân dân, tr.229.
[5] Ngô Thành Can, Lê Thị Hằng, Ngô Văn Trân (2018), Đạo đức công chức trong thực thi công vụ (tái bản lần thứ nhất), Nxb. Tư pháp.
[6] Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia – sự thật, Hà Nội, tr.122.
  • Tags: