Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì.
Tham dự phiên họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập là đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hội bảo vệ người tiêu dùng, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 được ban hành ngày 17/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong gần 10 năm thực thi Luật, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Đồng thời, bản thân các quy định pháp luật đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung và tình hình thực tiễn của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng. Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công Thương đã thực hiện thủ tục đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, với bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... Điều này dẫn đến việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập và một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Do vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đồng thời bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật phục vụ đắc lực cho việc thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững tại Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ngày 27/10/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2413/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập là đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hội bảo vệ người tiêu dùng, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Ý kiến của các cơ quan, tổ chức và các chuyên gia trong thành phần Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ góp phần đảm bảo hiệu quả của công tác xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đặc biệt trong việc thể hiện và đáp ứng toàn diện các yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Báo cáo tại phiên họp, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã chia sẻ về một số nội dung chính sách lớn cũng như các điều khoản sửa đổi theo hướng cụ thể hóa trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi. Theo đó, nguyên tắc xây dựng Luật sửa đổi tập trung vào 7 nhóm chính sách đã được thông qua, bao gồm:
- Hoàn thiện các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi các quy định có liên quan.
- Hoàn thiện các quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch có liên quan.
- Hoàn thiện các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp; bổ sung quy định về vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước, vai trò của tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phù hợp với thực tiễn.
- Hoàn thiện các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế.
- Xây dựng và hoàn thiện các quy định về các loại hình giao dịch, hoạt động, trách nhiệm của các chủ thể, cơ chế kiểm soát, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
- Hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
- Hoàn thiện quy định về vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cũng đã sôi nổi thảo luận, trao đổi, xin ý kiến xoay quanh các vấn đề cơ bản trong quá trình thực hiện Dự án Luật như: Kế hoạch xây dựng Dự án Luật; Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo; và một số nội dung chính sách lớn trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết và thiết thực của các thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập. Các ý kiến đã cơ bản đồng thuận với nội dung được thể hiện trong Dự thảo. Đồng thời gợi mở thêm nhiều nội dung để Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi được hoàn thiện một cách hiệu quả và thiết thực, phù hợp với tình hình mới.
Để Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi được hoàn thiện một cách hiệu quả và thiết thực, phù hợp với tình hình mới, Thứ trưởng yêu cầu các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bám sát các nội dung trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua để đưa ra quy định đầy đủ và là công cụ hiệu quả về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ trưởng cho biết, trên cơ sở kết quả của Cuộc họp, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập để xây dựng Dự án, đảm bảo chất lượng và tiến độ của hoạt động.
Theo Chương trình, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10/2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2023.