Tại phiên họp ngày 25/12, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất là xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ông đề nghị ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật bám sát, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các quy định phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế.
Theo Bộ trưởng, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia "là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Vì vậy "thực tiễn đặt ra trách nhiệm to lớn của ban soạn thảo, tổ biên tập", Bộ trưởng nói. Ông đề nghị việc xây dựng Luật dựa trên các quan điểm:
Thứ nhất: Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai: Tinh gọn bộ máy để tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập; thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, nhất là trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Thứ ba: Tiếp tục kế thừa các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, có nhiều điểm mới được xây dựng tại dự án Luật. Dự án Luật sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông cho biết, dự án Luật bổ sung nhiều quy định về tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước; đơn giản hóa các bước phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian phê duyệt nhiệm vụ (đề xuất, xác định, tuyển chọn...) theo hướng giảm tải thời gian xét duyệt, yêu cầu, hồ sơ...
Các nguyên tắc chính sách thuế đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng được bổ sung để làm căn cứ đề xuất các ưu đãi cụ thể trong các luật về thuế; làm rõ các hoạt động nghiên cứu, phát triển trong doanh nghiệp và các nội dung chi cho hoạt động nghiên cứu, phát triển của doanh nghiệp...
Dự thảo Luật gồm 14 chương và 83 điều; trong đó nhiều nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật năm 2013.
Những nội dung được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đối với tổ chức khoa học và công nghệ, nhân lực, quản lý chương trình, nhiệm vụ; đầu tư và tài chính; hoàn thiện quy định về hạ tầng và thông tin; hoàn thiện quy định về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển; bổ sung quy định thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; bổ sung quy định về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chính sách đối với trung tâm đổi mới sáng tạo xuất sắc...
Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp đánh giá cao những điểm mới được quy định tại dự án Luật và nêu những đề xuất bổ sung. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức các buổi làm việc với từng bộ, ngành, lĩnh vực liên quan để làm rõ hơn các nội dung trong Dự án Luật. Các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Nguồn: Bộ KHCN