Xây dựng thể chế tố tụng điện tử ở một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam

Trong bài viết này, tác giả trình bày nhu cầu xây dựng thể chế tố tụng điện tử và sự phát triển của thể chế này trong vài năm gần đây ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới. Đồng thời, tác giả phân tích các mô hình chuyển đổi sang tố tụng điện tử, các loại vụ việc có thể áp dụng tố tụng điện tử, các nguyên tắc của tố tụng điện tử, và đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra nhiệm vụ “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, trong đó có nhiệm vụ “xây dựng tòa án điện tử”[1]. Trên thực tế, Dự thảo Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) xây dựng và đang được đưa ra lấy ý kiến. Để xây dựng thành công tòa án điện tử, việc hoàn thiện thể chế (hạ tầng pháp lý) cho sự vận hành của tòa án điện tử, đặc biệt là tố tụng điện tử, đóng vai trò rất quan trọng và là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Đây cũng là nhiệm vụ đã được đặt ra trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Có thể hình dung thể chế cho tố tụng điện tử bao gồm các bộ phận cốt lõi sau đây: các đạo luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng hình sự trong đó có ghi nhận các nguyên tắc và thủ tục tố tụng điện tử, và tiến tới có thể xây dựng đạo luật riêng về tố tụng điện tử; các văn bản hướng dẫn của TANDTC về các vấn đề liên quan đến tố tụng điện tử như nộp đơn điện tử; tống đạt điện tử; giao nộp, trao đổi, tiếp cận, xác thực và đánh giá chứng cứ điện tử; hòa giải trực tuyến; phiên tòa, phiên họp trực tuyến; các quy định của pháp luật có liên quan như Luật Giao dịch điện tử, các quy định về chữ ký điện tử, chữ ký số, định danh và xác thực điện tử v.v..
1. Sự phát triển mới của thể chế tố tụng điện tử trên thế giới trong những năm gần đây
Trong những năm qua, hệ thống tòa án ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với một thực tế là sự chậm trễ, tốn chi phí và kém hiệu quả, không đem lại sự hài lòng cho người dân, không đáp ứng được nhu cầu tiếp cận công lý ngày càng cao của các chủ thể trong xã hội[2]. Tòa án một số quốc gia có số lượng vụ án tồn đọng lên đến con số hàng triệu, ví dụ ở Brazil là 100 triệu vụ, và ở Ấn Độ là 30 triệu. Kể cả ở các quốc gia có hệ thống pháp luật được cho là “tiên tiến”, tòa án cũng bị quá tải, quá trình giải quyết tranh chấp dân sự tốn quá nhiều thời gian, chi phí, với quy trình rườm rà, phức tạp, khó thực hiện đối với người dân bình thường[3]. Các thủ tục tố tụng truyền thống ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Do đó, thủ tục tố tụng dân sự ở các nước hiện nay đều đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới, trên cơ sở tận dụng các công nghệ hiện đại.
Tố tụng điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại số hiện nay để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử, yêu cầu hội nhập quốc tế, và đưa nền tư pháp Việt Nam bắt kịp với nền tư pháp hiện đại, tiên tiến ở các nước trên thế giới. Tố tụng điện tử góp phần quan trọng trong việc tăng cường tiếp cận công lý của người dân một cách rộng rãi, hiệu quả, nhanh chóng, công bằng, khắc phục tình trạng chậm trễ, tốn kém, quá tải và thiếu nhân lực ngày càng gây áp lực mạnh mẽ cho hệ thống tòa án. Đại dịch COVID-19 chính là một “cú hích” thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thủ tục tố tụng ở các quốc gia diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, mặc dù quá trình này đã được khởi động ngay từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đi đầu về công nghệ số như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, các quốc gia châu Âu, và kể cả các nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, trong các năm 2020-2022 liên tiếp có những bước phát triển mới trong thực tiễn tố tụng cũng như xây dựng thể chế, chính sách cho quá trình chuyển đổi số thủ tục tố tụng.
Từ thập kỷ 1990, với sự hỗ trợ của công nghệ điện tử và Internet, các tòa án trên thế giới đã từng bước chuyển đổi một số hoạt động tố tụng lên môi trường số, bao gồm: số hóa bản án, quyết định, hồ sơ vụ án, cho phép đương sự nộp đơn điện tử, nộp chứng cứ, tài liệu điện tử, nhận tống đạt điện tử, nộp án phí, lệ phí trực tuyến, xây dựng hệ thống quản lý án điện tử… Ở giai đoạn thứ 2 (thập kỷ những năm 2000), các tòa án tích cực ứng dụng công nghệ máy tính và Internet hơn nữa trong số hóa hồ sơ, quản lý án và bước đầu ứng dụng công nghệ hội nghị truyền hình trong tổ chức các phiên tòa, phiên họp, cho phép các tòa án thu thập lời khai của nhân chứng từ xa, tổ chức một số phiên họp từ xa và ghi âm, ghi hình các phiên tòa, phiên họp. Giai đoạn thứ 3 (từ 2010-2016), các quốc gia xác định chiến lược xây dựng “tòa án điện tử” (e-court), “tòa án thông minh” (smart court) một cách toàn diện với việc ứng dụng các công nghệ số tân tiến, hiện đại hơn như công nghệ nhận diện giọng nói, phòng xử án ảo, quản lý án điện tử. Giai đoạn thứ 4 (từ 2016 đến nay), các tòa án trên thế giới áp dụng toàn diện, mạnh mẽ công nghệ số mới nổi như trí tuệ nhân tạo, blockchain, phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong các hoạt động tố tụng, thậm chí xây dựng tòa án điện tử toàn diện với toàn bộ các hoạt động tố tụng được thực hiện trên nền tảng trực tuyến, từ khâu nộp đơn khởi kiện, thụ lý vụ án, giao nộp chứng cứ, trao đổi chứng cứ, thu thập chứng cứ, thẩm tra chứng cứ, tống đạt, tổ chức phiên hòa giải, phiên họp, phiên tòa trực tuyến, thi hành án trực tuyến.
Song song với việc mạnh dạn thử nghiệm, thí điểm trong thực tiễn, các tòa án ở những nước này (đặc biệt là vai trò của Tòa án tối cao) đã tích cực xây dựng khung khổ pháp lý, thể chế tố tụng điện tử. Ví dụ, TANDTC Trung Quốc đã ban hành Quy chế tranh tụng trực tuyến của các tòa án nhân dân ngày 18/5/2021 (có hiệu lực từ 1/8/2021)[4]. Cũng trong năm 2021, Luật Tố tụng dân sự Trung Quốc được sửa đổi, bổ sung, trong đó lần đầu tiên ghi nhận nguyên tắc về công nhận hiệu lực của tố tụng trực tuyến (Điều 16)[5]. Quy chế hoạt động trực tuyến của các tòa án nhân dân và Quy chế hòa giải trực tuyến của các tòa án nhân dân cũng được TANDTC Trung Quốc ban hành vào tháng 12/2021.
Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, các cơ quan hoạch định chính sách, pháp luật cũng có những động thái rất khẩn trương. Ngày 16/6/2021, Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu ban hành Hướng dẫn về các cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính[6]. Ngày 1/10/2021, Chính quyền Hồng Kông ban hành Pháp lệnh về ứng dụng công nghệ điện tử trong hoạt động tố tụng của tòa án[7]. Ở các nước thuộc hệ thống thông luật (common law) như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, việc hoàn thiện thể chế tố tụng điện tử chủ yếu được thực hiện thông qua việc các tòa án từng bang, thậm chí từng địa phương, ban hành các quy tắc (rules) riêng cho tòa án đó, hoặc văn bản đúc kết kinh nghiệm thực hành tốt (best practices), hoặc đặt ra các tiêu chuẩn và quy tắc (standards and protocols) cho các hoạt động tố tụng trực tuyến như nộp đơn điện tử, tống đạt điện tử, phiên họp, phiên tòa trực tuyến[8]. Cũng có bang lớn ở Hoa Kỳ như California đã sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự của bang vào năm 2020 để chính thức hóa quy định liên quan đến tố tụng điện tử, trong đó có quy định chi tiết về tống đạt điện tử[9].
Xây dựng thủ tục tố tụng điện tử không chỉ là định hướng phát triển của tố tụng dân sự mỗi quốc gia, mà còn là định hướng chung của khu vực và thế giới. Chẳng hạn, Tuyên bố Nam Ninh ngày 20/7/2022 của Diễn đàn Tư pháp Trung Quốc-ASEAN lần thứ ba đã khẳng định: “Các bên tham gia Diễn đàn tiếp tục nỗ lực củng cố việc nghiên cứu và trao đổi về tố tụng trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ tư pháp trong kỷ nguyên kinh tế số. Trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ đầy đủ quyền của các bên tranh chấp trong việc lựa chọn mô hình tố tụng và thủ tục giải quyết vụ việc dân sự, tất cả các bên sẽ chủ động xem xét thúc đẩy việc áp dụng tố tụng trực tuyến trong các vụ án dân sự và thương mại xuyên quốc gia nhằm cung cấp các dịch vụ tư pháp ngày càng hiện đại hơn”[10]. Như vậy, trong tương lai, trên cơ sở tăng cường sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, các tranh chấp dân sự, thương mại xuyên quốc gia cũng có khả năng được giải quyết bằng phương thức tố tụng trực tuyến và có thể có sự kết nối, liên thông về dữ liệu giữa tòa án các nước này để đảm bảo tố tụng dân sự trực tuyến xuyên quốc gia được vận hành thông suốt, hiệu quả, ngày càng thuận tiện cho các đương sự.
2. Các mô hình tố tụng điện tử trên thế giới
Thể chế tố tụng điện tử được xây dựng theo cách tiếp cận nào phụ thuộc vào mô hình tố tụng điện tử mà mỗi quốc gia lựa chọn. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy có ba mô hình chuyển đổi từ tố tụng truyền thống sang tố tụng điện tử đang diễn ra ở các nước như sau:
Mô hình thứ nhấtlấy tố tụng truyền thống là nền tảng và thực hiện chuyển đổi một số hoạt động tố tụng sang môi trường số (ví dụ ở Hoa Kỳ, châu Âu, và ở Trung Quốc trong giai đoạn đầu). Trong mô hình này, hệ thống tòa án truyền thống vẫn vận hành như bình thường theo phương thức tố tụng truyền thống, nhưng từng bước ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động tố tụng như số hóa hồ sơ vụ án, xây dựng phần mềm nộp đơn điện tử, tống đạt điện tử, lấy lời khai người làm chứng từ xa thông qua công nghệ hội nghị truyền hình, và dần dần tiến tới tổ chức phiên họp, phiên tòa trực tuyến.
Mô hình thứ haithành lập tòa án trực tuyến chuyên biệt trong hệ thống tòa án để xét xử những tranh chấp đặc thù của thời đại số như tranh chấp thương mại điện tử, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ trên mạng Internet. Tòa án trực tuyến này ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ các bước của quy trình tố tụng và thiết lập một phương thức tố tụng điện tử riêng biệt[11]. Ví dụ: mô hình Tòa án Internet ở Trung Quốc; mô hình thủ tục yêu cầu thanh toán nợ trực tuyến qua nền tảng Money Claims ở Vương quốc Anh; mô hình tòa án trực tuyến giải quyết tranh chấp dân sự ở Canada (Civil Resolution Tribunal - CRT) được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7/2016[12].
Mô hình thứ baxây dựng tố tụng điện tử như một phương thức tố tụng mới tồn tại song song với phương thức tố tụng truyền thống để áp dụng đại trà cho toàn bộ các tòa án trong hệ thống tòa án, có thể linh hoạt chuyển đổi giữa hai phương thức này dựa trên ý chí của đương sự, tính chất của vụ việc, điều kiện kỹ thuật và các yếu tố khác. Đây là mô hình đang được áp dụng rộng rãi hiện nay ở Trung Quốc theo Quy chế tranh tụng trực tuyến năm 2021 của TANDTC Trung Quốc sau khi hoạt động tố tụng trực tuyến trong đại dịch Covid-19 đã trở nên rất phổ biến như một hoạt động bình thường trong đời sống hàng ngày. Trong quá trình áp dụng tố tụng trực tuyến, nếu có trường hợp các bên không có khả năng và điều kiện tham gia tố tụng trực tuyến, hoặc nền tảng tranh tụng trực tuyến gặp sự cố kỹ thuật, đường truyền Internet bị gián đoạn, thì Tòa án có quyền quyết định chuyển đổi từ hoạt động tố tụng trực tuyến đó sang tố tụng trực tiếp, nhưng vẫn công nhận kết quả hoạt động tố tụng trực tuyến trước khi chuyển đổi mà không cần phải lặp lại quy trình tố tụng từ đầu[13]. Nếu các bên đã đồng ý áp dụng tố tụng trực tuyến đối với một số phần của quy trình tố tụng, nhưng sau đó thay đổi ý kiến, thì việc thay đổi ý kiến có thể được chấp nhận nếu được đưa ra trong một khoảng thời gian hợp lý trước khi thủ tục tố tụng tương ứng được thực hiện. Khi xem xét văn bản thay đổi ý kiến của bên đó, nếu Tòa án nhận thấy rằng việc thay đổi ý kiến không phải với dụng ý xấu như cố ý làm trì hoãn quá trình tố tụng, thì Tòa án có thể chấp nhận đề nghị thay đổi và thực hiện thủ tục tố tụng trực tiếp[14].
Đối với các thủ tục như hòa giải, trao đổi chứng cứ, thẩm vấn, phiên họp, phiên tòa, bên nào đề nghị tiến hành thủ tục tố tụng trực tiếp phải trình bày lý do cụ thể, Tòa án nhân dân sẽ xem xét và quyết định tiến hành thủ tục tương ứng theo hình thức trực tiếp nếu vụ án phức tạp, đòi hỏi người làm chứng khai báo trước tòa, hoặc cần thiết phải xuất trình và kiểm tra chứng cứ hoặc tranh luận trực tiếp.
Trong trường hợp một bên đã đồng ý áp dụng tố tụng trực tuyến, nhưng không tham gia vào quá trình tố tụng hoặc không thực hiện các hành vi tố tụng mà không có lý do chính đáng, đồng thời cũng không yêu cầu chuyển sang tố tụng trực tiếp trong một khoảng thời gian hợp lý, thì bên đó phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi theo quy định của luật và giải thích tư pháp của tòa án[15].
Mô hình thứ ba là mô hình tố tụng điện tử linh hoạt và phát triển ở mức độ cao sau khi đã qua giai đoạn thử nghiệm và thí điểm. Tố tụng điện tử không loại trừ tố tụng truyền thống và có thể xảy ra rất nhiều tình huống khác nhau: toàn bộ quá trình tố tụng diễn ra trực tuyến, một phần của quá trình tố tụng được tiến hành trực tuyến, hoặc một số đương sự tham dự trực tuyến trong khi một số đương sự tham dự ngoại tuyến[16]. Như vậy, các nhà lập pháp khi xây dựng thể chế tố tụng điện tử cần có tư duy linh hoạt, không cứng nhắc và chấp nhận tất cả các hình thức biểu hiện đa dạng của tố tụng điện tử, tương tự như trong giáo dục, chúng ta đã thừa nhận các hình thức dạy-học trực tiếp hoàn toàn, trực tuyến hoàn toàn và dạy-học kết hợp, với sự linh hoạt chuyển đổi từ phương thức này sang phương thức khác.
Mô hình thứ nhất thường phù hợp với các quốc gia đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số hoặc kể cả các quốc gia đi đầu về công nghệ nhưng lựa chọn cách làm và bước đi thận trọng để bảo đảm chuyển đổi số hoạt động tố tụng không quá nóng vội, không vi phạm các quyền thủ tục công bằng. Sau khi đã thực hiện thành công và khả thi việc chuyển đổi số đối với một số hoạt động tố tụng như số hóa hồ sơ, nộp đơn điện tử, tống đạt điện tử, tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến, có thể tiến tới áp dụng mô hình thứ hai và mô hình thứ ba để từng bước hiện đại hóa hệ thống tòa án và tích hợp phương thức tố tụng điện tử vào tố tụng truyền thống. Trong số các quốc gia đi đầu về chuyển đổi số hoạt động tố tụng hiện nay, có thể nói Trung Quốc là nước mạnh dạn, táo bạo, khẩn trương nhất trong triển khai tố tụng điện tử, một phần vì số lượng án phải giải quyết của hệ thống tòa án Trung Quốc quá lớn, một phần vì công nghệ số ở Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng, và một phần quan trọng là do quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo TANDTC.
3. Phạm vi các vụ việc có thể áp dụng tố tụng điện tử
Trên thế giới hiện nay, thủ tục tố tụng điện tử có thể được áp dụng đối với tất cả các loại vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Tùy thuộc vào hoạt động tố tụng nào được chuyển đổi số, phạm vi áp dụng có thể khác nhau. Ví dụ, ở các nước phát triển, việc số hóa hồ sơ, văn bản tố tụng và nộp đơn điện tử đã trở nên rất phổ biến, nhưng việc tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến thì có thể chỉ áp dụng đối với một số loại vụ việc. Do những rủi ro về công nghệ, có thể ảnh hưởng đến chất lượng xét xử và các quyền thủ tục công bằng của các bên, nên nhìn chung xét xử trực tuyến được áp dụng chủ yếu đối với các vụ việc không phức tạp. Ví dụ, theo Quy chế tranh tụng trực tuyến của TANDTC Trung Quốc, tòa án nhân dân có thể áp dụng tố tụng trực tuyến đối với các trường hợp sau đây bằng cách xem xét toàn diện các tình tiết của vụ án, nguyện vọng của các bên, điều kiện kỹ thuật và các yếu tố khác[17]:
- Các vụ việc dân sự và hành chính;
- Các vụ án hình sự có thể áp dụng theo thủ tục xử lý nhanh, các vụ án ân giảm, ân xá, các vụ án hình sự không thích hợp để xét xử ngoại tuyến do các lý do đặc biệt;
- Các vụ việc dân sự có thể áp dụng thủ tục đặc biệt, thủ tục thu hồi nợ, thủ tục phá sản và các yêu cầu về thi hành án không có tranh chấp;
- Các vụ việc thi hành án dân sự, hành chính và các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến tố tụng hình sự;
- Các trường hợp khác phù hợp để xét xử trực tuyến.
Tòa án phải xem xét và quyết định vụ án có phù hợp để xét xử trực tuyến hay không dựa vào hoàn cảnh cụ thể của vụ án, ví dụ: các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, vụ án lớn có yếu tố nước ngoài, các hoạt động tố tụng thường được thực hiện trực tiếp. Đối với các vụ án có nhiều đương sự, có tính chất phức tạp, số lượng chứng cứ lớn, việc xét xử phải kéo dài, thì phiên tòa thường được tổ chức trực tiếp nhưng các thủ tục tố tụng khác như khởi kiện, thụ lý vụ án, hòa giải, tống đạt vẫn có thể thực hiện trực tuyến[18].
Việc xác định phạm vi áp dụng tố tụng điện tử cũng tùy thuộc vào tính chất của hoạt động tố tụng. Đối với việc nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và thụ lý vụ án, tống đạt, có thể cho phép nộp đơn điện tử, xử lý đơn điện tử và tống đạt điện tử cho tất cả các vụ việc để bảo đảm yêu cầu tiếp cận công lý nhanh chóng, hiệu quả, thuận tiện. Đối với các hoạt động thu thập, giao nộp, thẩm tra chứng cứ, mở phiên họp, hòa giải, phiên tòa… thì có thể cân nhắc dựa trên tính chất của vụ việc để áp dụng tố tụng điện tử hay không.
4. Các nguyên tắc của tố tụng điện tử
Tố tụng điện tử vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc truyền thống của luật tố tụng dân sự và bên cạnh đó còn phải bảo đảm các nguyên tắc đặc thù. Mặt khác, bản thân các nguyên tắc truyền thống của luật tố tụng dân sự cũng cần được bổ sung các nội dung mới cho phù hợp với tố tụng điện tử.
Qua khảo sát kinh nghiệm các nước và khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Vương quốc Anh, có thể thấy các nước này có nhiều điểm khá tương đồng trong việc xác định các nguyên tắc cơ bản của tố tụng điện tử như sau:
Thứ nhất, nguyên tắc bảo đảm đầy đủ các quyền thủ tục công bằng của các bên, đặc biệt là quyền tiếp cận công lý và bình đẳng giữa các bên;
Thứ hai, nguyên tắc bảo đảm sự tự nguyện tham gia tố tụng điện tử của các bên, không tiến hành tố tụng điện tử nếu không có sự đồng ý của các bên;
Thứ ba, nguyên tắc bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân;
Thứ tư, nguyên tắc bảo đảm tính hiệu quả, thuận tiện, “thân thiện với người dùng” của quy trình tố tụng.
Các nguyên tắc này đều dựa trên nền tảng các nguyên tắc truyền thống của luật tố tụng dân sự, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu mới đặc thù của tố tụng điện tử. Chẳng hạn, để bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận công lý và bình đẳng về công nghệ giữa các bên, tòa án trong tố tụng điện tử đôi khi phải đóng vai trò chủ động giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ các đương sự yếu thế, gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ, chứ không thể đối xử cào bằng đối với tất cả các đương sự mà không xem xét đến thực tế là các bên vốn dĩ đã ở vào vị thế bất bình đẳng, hay nói cách khác, để đạt được sự công bằng, bình đẳng đôi khi lại cần một sự đối xử khác biệt, tức là cung cấp hỗ trợ nhiều hơn cho các đương sự gặp khó khăn so với các đương sự có lợi thế về công nghệ[19].
Cũng do tố tụng điện tử có khả năng tạo ra sự bất công bằng, bất bình đẳng giữa các bên có khả năng tiếp cận công nghệ khác nhau, nên nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện của các bên có ý nghĩa rất quan trọng. Khi xây dựng mô hình tố tụng điện tử, cần đặc biệt chú trọng đến cơ chế bảo đảm sự đồng ý của các bên, không được áp dụng tố tụng điện tử nếu đương sự không đồng ý.
Tố tụng truyền thống mặc dù cũng đã có những quy định về bảo vệ bí mật đời tư, bí mật cá nhân nhưng vấn đề bảo đảm an toàn dữ liệu, trong đó dữ liệu cá nhân được đặt ra, đặc biệt cấp thiết hơn trong bối cảnh áp dụng tố tụng điện tử. Thực tiễn ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cho thấy các hành vi đánh cắp thông tin cá nhân để khai thác nhằm mục đích thương mại là rất phổ biến. Trong bối cảnh áp dụng tố tụng điện tử, việc tiếp cận các phiên tòa công khai trên mạng Internet khá dễ dàng, nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân của các đương sự được cung cấp trên các nền tảng tranh tụng trực tuyến cũng có thể xảy ra như nguy cơ đối với người dùng của bất kỳ một nền tảng trực tuyến nào.
Tố tụng điện tử cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về tính hiệu quả, đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, “thân thiện với người dùng” của thủ tục tố tụng nhằm giảm thiểu tình trạng chậm trễ, tốn kém và quá tải của hệ thống tòa án, vốn dĩ là nhược điểm cố hữu của tố tụng truyền thống ở bất kỳ quốc gia nào. Do đó, khi thiết kế mô hình tố tụng điện tử, cần đảm bảo cân bằng giữa yêu cầu về tính chặt chẽ, công bằng của thủ tục tố tụng dân sự, yêu cầu bảo đảm quyền con người với yêu cầu về tính hiệu quả, tương xứng của tố tụng dân sự. Tính tương xứng có nghĩa là thủ tục tố tụng được thiết kế phải tương xứng với lợi ích đạt được (tiếp cận chi phí – lợi ích). Xã hội hiện đại đòi hỏi công lý được thực thi một cách nhanh chóng, hiệu quả, thậm chí là “theo thời gian thực” để phù hợp với nhịp độ gấp gáp, khẩn trương của thời đại Internet, thương mại điện tử và công nghệ số[20]. Do đó, xây dựng mô hình tố tụng điện tử cần đặt tiêu chí “hiệu quả” và “tương xứng” ngang bằng với tiêu chí “công bằng, chặt chẽ” khi thiết kế các thủ tục tố tụng điện tử cụ thể.
5. Khuyến nghị cho Việt Nam
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bước đầu xây dựng, hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số hoạt động tố tụng. Các đạo luật hiện hành về tố tụng tư pháp[21] đã có một số quy định bước đầu về chuyển đổi số, nhưng mới chỉ ở mức độ sơ khai như ghi nhận phương thức nộp đơn điện tử, tống đạt văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, thừa nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ... Ngày 30/12/2016, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử. Theo đó, pháp luật cho phép người khởi kiện gửi đơn khởi kiện đến Toà án thông qua gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Toà án. Tuy nhiên, quá trình triển khai trên thực tế khá chậm. Ngày 22/10/2018, tức là gần 2 năm sau khi Nghị quyết trên được ban hành, TANDTC mới công bố chính thức việc đưa vào hoạt động hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử và đăng ký trực tuyến cấp sao, trích lục bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án. Hệ thống này được áp dụng thí điểm tại một số địa phương từ tháng 11-2018. Tính đến tháng 12/2018, chỉ có duy nhất 01 (một) đơn khởi kiện được gửi bằng phương tiện điện tử tới Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng nhưng đơn bị lỗi không tiếp nhận được do lỗi về chữ ký số[22]. Phải đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, quá trình chuyển đổi số hoạt động tố tụng mới được đẩy mạnh hơn. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Trên cơ sở đó, Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành ngày 15/12/2021, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thí điểm các phiên tòa trực tuyến. Tuy nhiên, so với các quốc gia trên thế giới, quá trình chuyển đổi số hoạt động tố tụng ở Việt Nam diễn ra chậm hơn, quy mô nhỏ hơn do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Mặc dù vậy, việc đi sau cũng giúp Việt Nam có thể học hỏi mô hình tố tụng điện tử của các quốc gia đi trước và vận dụng phù hợp trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Trước hết, cần xác định lộ trình chuyển đổi số thủ tục tố tụng bắt đầu từ những hoạt động tố tụng đơn giản, dễ chuyển đổi hơn và mang tính kỹ thuật nhiều hơn như nộp đơn điện tử, tống đạt điện tử, số hóa hồ sơ, quản lý án điện tử. Mô hình tòa án trực tuyến toàn diện với thẩm quyền chuyên biệt về tranh chấp Internet có lẽ chưa cần thiết thực hiện ngay ở Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình thứ ba (xây dựng tố tụng điện tử thành một phương thức tố tụng mới song song tồn tại và bổ trợ cho tố tụng truyền thống, có thể chuyển đổi linh hoạt cho nhau) là cần thiết và khả thi, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các bên cũng như tính chất đa dạng của các loại án khác nhau. Như vậy, cần từng bước xây dựng, hoàn thiện các quy định về thủ tục tố tụng trực tuyến song song với thủ tục tố tụng trực tiếp hiện nay ở các giai đoạn, các bước của quy trình tố tụng, từ khởi kiện, thụ lý, tống đạt văn bản tố tụng, giao nộp chứng cứ, trao đổi chứng cứ, hòa giải, các phiên họp, phiên tòa trực tuyến. Đồng thời, trong tương lai, xem xét xây dựng thí điểm tòa án trực tuyến sử dụng toàn diện công nghệ kỹ thuật số không chỉ ở một số khía cạnh như nộp đơn, tống đạt tài liệu, thu thập chứng cứ, tổ chức các phiên họp, phiên tòa mà là trong hầu như tất cả các hoạt động của tòa án.
Các thủ tục tố tụng trực tuyến phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng như đối với thủ tục trực tiếp, bảo đảm các quyền xét xử công bằng, đồng thời còn phải bảo đảm thêm các nguyên tắc đặc thù xuất phát từ những rủi ro đặc trưng của thủ tục tố tụng trực tuyến, ví dụ: tố tụng trực tuyến phải công bằng, trung lập, không thiên vị và hiệu quả, chỉ được tiến hành với sự đồng ý của các bên đương sự và các bên phải có khả năng (hiểu biết về công nghệ và đáp ứng điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ) để tham gia hoạt động tố tụng trực tuyến; tận dụng lợi thế của công nghệ để tạo thuận lợi tối đa cho đương sự, giảm bớt các bước không cần thiết trong quy trình tố tụng; đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, bảo vệ quyền riêng tư.
Để thực hiện nguyên tắc bảo đảm sự tự nguyện của đương sự khi áp dụng tố tụng điện tử, cần xây dựng các quy định chi tiết về thủ tục, hình thức thể hiện ý chí của các bên trong việc có đồng ý áp dụng tố tụng điện tử đối với toàn bộ, hay một, một số khâu của quá trình tố tụng hay không, xử lý các trường hợp chỉ đồng ý một phần, chỉ một số bên đồng ý, hoặc đã đồng ý nhưng sau đó thay đổi v.v../. 

TS. NGUYỄN BÍCH THẢO

Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội


[1] Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022.
[2] Lord Justice Briggs, ‘Civil Courts Structure Review’ (Final Report, Judiciary of England and Wales, July 2016), <www.judiciary.uk/wp-content/uploads/2016/07/civil-courts-structure-review-final-report-jul-16-final-1.pdf> 48-49.
[3] Richard Suskind, Online Courts and the Future of Justice, Oxford University Press, 2019, p. 27.
[4] China Supreme People’s Court, Online Litigation Rules of the People’s Courts, https://cicc.court.gov.cn/html/1/219/199/201/2208.html, truy cập ngày 15/11/2022.
[5] Điều 16 Luật tố tụng dân sự Trung Quốc năm 1991 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2021.
[6] Guidelines of the Committee of Ministers of the Council of Europe on online dispute resolution mechanisms in civil and administrative court proceedings, https://search.coe.int/cm/Pages/result_details.aspx?ObjectId=0900001680a2cf96, truy cập ngày 15/11/2022.
[7] https://www.elegislation.gov.hk/hk/cap638, truy cập ngày 15/11/2022.
[8] Ví dụ: California Judicial Council Emergency Rule 3, Iowa Rules of Electronic Procedure (Oct 2021), Michigan Trial Courts Virtual Courtroom Standards and Guidelines (2020), Guidelines For Remote Hearings In The Maryland Trial Courts (2020), UK Judicial College Good Practice for Remote Hearing, Idaho Rule on Electronic Filing and Electronic Service.
[10] Nanning Statement of the 3rd China-ASEAN Justice Forum, https://english.court.gov.cn/2022-07/21/c_791430.htm, truy cập ngày 15/11/2022.
[11] Guo, Meirong. "Internet court's challenges and future in China." Computer Law & Security Review 40 (2021): 105522, p.2.
[12] Schmitz A, ‘Expanding Access to Remedies through E-Court Initiatives’ (2019), 67 Buffalo Law Review 89, pp. 126-27.
[13] Điều 5 Quy chế tranh tụng trực tuyến của TANDTC Trung Quốc năm 2021.
[14] Điều 5 Quy chế tranh tụng trực tuyến của TANDTC Trung Quốc năm 2021.
[15] Điều 5 Quy chế tranh tụng trực tuyến của TANDTC Trung Quốc năm 2021.
[16] https://www.chinajusticeobserver.com/a/china-s-first-national-online-litigation-rules-series-01-scope-of-application-&-adjudication-rules.
[17] Điều 3 Quy chế tranh tụng trực tuyến của TANDTC Trung Quốc năm 2021.
[18] https://www.chinajusticeobserver.com/a/china-s-first-national-online-litigation-rules-series-01-scope-of-application-&-adjudication-rules.
[19] Koh, Harold Hongju. "The" Gants Principles" for Online Dispute Resolution: Realizing the Chief Justice's Vision for Courts in the Cloud." BCL Rev. 62 (2021): 2768.
[20] Lord Chief Justice of England and Wales, Speech at the First International Forum on Online Courts: the Cutting Edge of Digital Reform (London 3 December 2018) <www.judiciary.uk/wp-content/uploads/2018/12/speech-lcj-online-court.pdf>.
[21] Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
  • Tags: