Quản trị địa phương khác phương thức quản lý truyền thống của chính quyền địa phương ở chỗ quản lý truyền thống nhấn mạnh vai trò độc tôn của chính quyền trong cung ứng dịch vụ công, cũng như trong giải quyết các vấn đề xã hội. Nội hàm cốt lõi của quản trị địa phương chính là nhấn mạnh việc phát huy và tích hợp sức mạnh của nhiều chủ thể, mà chủ yếu là chính quyền, doanh nghiệp và xã hội (các đoàn thể xã hội và người dân) trong giải quyết các vấn đề xã hội và trong cung ứng dịch vụ công. Qua đó cho thấy, tính dân chủ là một trong những đặc trưng quan trọng của quản trị địa phương hiện đại và cần tăng cường sự tham gia của xã hội và các tổ chức tư vấn chính sách trong quản trị địa phương nói chung, trong quá trình hoạch định chính sách công của chính quyền địa phương nói riêng.
Ảnh minh họa - ITN
Khái niệm và phân loại tổ chức tư vấn chính sách
Hiện nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về tổ chức tư vấn chính sách. Chẳng hạn, Donald E. Aburson cho rằng, tổ chức tư vấn chính sách là những tổ chức quan tâm nghiên cứu về chính sách công, mang tính phi lợi nhuận và không đứng về lập trường của đảng phái nào(1). Theo quan điểm của McGann, tổ chức tư vấn chính sách là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn chính sách, có tính tự chủ và độc lập tương đối đối với chính phủ, công ty, nhóm lợi ích và đảng chính trị(2). Andrew Rich cho rằng, tổ chức tư vấn chính sách là tổ chức độc lập, mang tính phi lợi nhuận, không theo đuổi lợi ích. Sản phẩm là tri thức chuyên ngành và tư tưởng, đồng thời nó dựa vào tri thức chuyên ngành và tư tưởng để gây ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách công của nhà nước(3). Quan niệm khác cho rằng “Tổ chức tư vấn chính sách là một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách công tương đối ổn định và hoạt động một cách độc lập(4). Từ những quan niệm trên có thể cho rằng, tổ chức tư vấn chính sách là tổ chức nghiên cứu, tư vấn có tính phi lợi nhuận lấy những vấn đề chiến lược và chính sách công làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu, lấy việc phục vụ quyết sách khoa học, dân chủ và theo pháp luật của đảng cầm quyền và nhà nước làm tôn chỉ.
Các tổ chức tư vấn chính sách thường khá đa dạng về loại hình và lĩnh vực hoạt động. McGann phân loại tổ chức tư vấn chính sách thành 07 loại: 1) Tổ chức tư vấn chính sách thuộc đảng chính trị; 2) Tổ chức tư vấn chính sách thuộc nhà nước; 3) Tổ chức tư vấn chính sách độc lập; 4) Tổ chức tư vấn chính sách “bán quan phương”; 5) Tổ chức tư vấn chính sách “bán độc lập”; 6) Tổ chức tư vấn chính sách thuộc trường đại học; 7) Tổ chức tư vấn chính sách thuộc doanh nghiệp. Từ thực tiễn của Trung Quốc, có người phân chia tổ chức tư vấn chính sách ở Trung Quốc thành bốn loại: 1) Tổ chức tư vấn chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội; 2) Tổ chức tư vấn chính sách của các viện nghiên cứu; 3) Tổ chức tư vấn chính sách của trường đại học; 4) Tổ chức tư vấn chính sách xã hội (do doanh nghiệp và các đoàn thể xã hội thành lập)(5).
Từ các quan điểm trên có thể đưa ra sự phân loại đối với tổ chức tư vấn chính sách đó là: 1) Tổ chức tư vấn chính sách của tổ chức đảng; 2) Tổ chức tư vấn chính sách của nhà nước hoặc chính quyền; (3) Tổ chức tư vấn chính sách của trường đại học; (4) Tổ chức tư vấn của xã hội (do doanh nghiệp và các tổ chức xã hội thành lập); 5) Tổ chức tư vấn với tư cách các Ủy ban hay Hội đồng tư vấn được thành lập và hoạt động mang tính ổn định hay tạm thời.
Sự cần thiết của việc xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách trong quản trị địa phương ở nước ta
Thứ nhất, để nâng cao chất lượng chủ trương, chính sách của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Trong quá trình quản trị địa phương, các tổ chức tư vấn chính sách có nhiều vai trò khác nhau, trong đó chủ yếu là: 1) Nêu sáng kiến chính sách và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đối với cấp ủy đảng và chính quyền địa phương; 2) Tham gia xây dựng dự thảo chủ trương, chính sách của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương; 3) Cung cấp và tư vấn phương án chính sách cho cấp ủy đảng và chính quyền địa phương; 4) Giám định và phản biện đối với dự thảo chủ trương, chính sách của cấp ủy đảng và chính quyền; 5) Đánh giá, tổng kết việc thực hiện chủ trương, chính sách của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương; 6) Truyền thông chính trị và định hướng dư luận xã hội ở địa phương; 7) Tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cung cấp nhân tài cho hệ thống chính trị và xã hội. Vì vậy, việc xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn trong quản trị địa phương có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng chủ trương của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương.
Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng và nâng cao năng lực hoạch định chính sách của chính quyền địa phương.
Năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng thể hiện trên ba phương diện cơ bản là năng lực hoạch định chủ trương, đường lối phát triển ở địa phương; năng lực lãnh đạo việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối; năng lực kiểm tra, giám sát và đánh giá, tổng kết việc thực hiện. Trong ba phương diện nói trên, năng lực hoạch định chủ trương, đường lối của cấp ủy đảng địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng, đòi hỏi cần nhiều yếu tố, trong đó xây dựng tổ chức đảng theo mô hình đảng “mở” là một yêu cầu không thể thiếu(6). Nghĩa là, cần phải coi trọng phát huy dân chủ trong quá trình lãnh đạo, nhất là phát huy đầy đủ vai trò tư vấn, giám định và phản biện xã hội của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức tư vấn chính sách.
Đổi mới chính quyền địa phương nhằm thiết lập chính quyền địa phương “lấy nhân dân làm trung tâm” là một định hướng cốt lõi, quan trọng ở nước ta hiện nay. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(7). Nghĩa là việc hoạch định mọi chính sách và tất cả công việc của chính quyền đều phải đến từ nhân dân, đều phải vì lợi ích của nhân dân; toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân; thực hiện tốt, duy trì tốt, phát triển tốt lợi ích căn bản nhất của nhân dân, lấy việc nhân dân ủng hộ hay không ủng hộ, tán thành hay không tán thành, vui hay không vui, đồng ý hay không đồng ý, hài lòng hay không hài lòng làm tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá tất cả công việc(8).
Do đó, cần đảm bảo tính dân chủ trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, nhất là có cơ chế phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cũng như phát huy tốt vai trò tư vấn, phản biện và giám sát của các tổ chức tư vấn với tư cách “cầu nối trung gian” giữa các tầng lớp nhân dân với chính quyền.
Thứ ba, xuất phát từ thực trạng tổ chức, hoạt động, cũng như một số hạn chế, bất cập về thể chế, cơ chế để phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách trong quản trị địa phương ở nước ta hiện nay.
Ở cấp độ vĩ mô, dưới sự tác động tích cực của nhiều nhân tố, thời gian qua, các tổ chức tư vấn chính sách ở nước ta phát triển khá nhanh và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, nhất là trong lĩnh vực phát triển lý luận và tư vấn chính sách. Đến nay, chúng ta đã xây dựng, hình thành được mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ thực hiện chức năng tư vấn chính sách dưới các tên gọi khác nhau như học viện, viện, trung tâm nghiên cứu... thuộc cơ quan Đảng, Nhà nước, trường đại học, các đoàn thể nhân dân, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập. Mặt khác, với cơ chế hiện có, các tổ chức tư vấn chính sách (nhất là các tổ chức tư vấn chính sách của Đảng và Nhà nước) đã có đóng góp quan trọng vào quá trình hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương, sự phát triển của tổ chức tư vấn còn chưa đủ mức, cũng như chưa phát huy đầy đủ vai trò trong quản trị địa phương. Điều này thể hiện chủ yếu trên các khía cạnh, như:
1) Số lượng các tổ chức tư vấn hoạt động được thành lập và hoạt động còn ít, nhất là các tổ chức tư vấn do trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội thành lập còn rất ít.
2) Tính tự chủ và năng lực hoạt động của các tổ chức tư vấn chính sách như viện nghiên cứu ở địa phương (ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ...), các trường chính trị cấp tỉnh, viện, trung tâm nghiên cứu thuộc trường đại học ở địa phương... còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu tư vấn chính sách trong bối cảnh mới; các tổ chức tư vấn chính sách của tổ chức đảng, chính quyền địa phương còn thiếu chuyên gia giỏi; chưa coi trọng hoạt động tư vấn chính sách, chất lượng nghiên cứu còn thấp, có biểu hiện hành chính hóa, thiên về “thuyết minh chủ trương, chính sách”; việc nghiên cứu, cung cấp luận cứ, luận chứng phục vụ việc hoạch định các chủ trương, chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
3) Môi trường cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức tư vấn chính sách ngoài công lập ở địa phương còn nhiều khó khăn, chưa tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa tổ chức tư vấn chính sách công lập và tổ chức tư vấn chính sách ngoài công lập.
4) Một số cơ quan lãnh đạo, quản lý chưa coi trọng đúng mức việc phát huy vai trò tư vấn chính sách của các tổ chức tư vấn chính sách. Hầu hết cấp ủy đảng và chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay đều chưa thành lập các Hội đồng hay Ủy ban tư vấn để thực hiện chức năng, vai trò tư vấn đối với những chủ trương, chính sách lớn, quan trọng ở địa phương; chưa đa dạng hóa các hình thức để tương tác và tranh thủ sự “trợ giúp” từ các tổ chức tư vấn trong quá trình xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách; chưa có sự tách bạch giữa tư vấn chính sách và ban hành chính sách, hiện tượng cơ quan hoạch định chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tự nghiên cứu, khởi thảo, thẩm định và quyết định chính sách đã tạo ra một vòng khép kín, thiếu cơ chế độc lập từ bên ngoài tham gia vào quá trình tư vấn, phản biện chính sách(9).
Thực tế cho thấy, nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc một số chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa sát với thực tế, không đánh giá đầy đủ tác động trước khi ban hành là do năng lực hoạch định chính sách của một số cơ quan còn thấp, cũng như việc chưa coi trọng đúng mức vai trò tư vấn của các tổ chức tư vấn chính sách.
Một số giải pháp phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách ở nước ta hiện nay
Thứ nhất, có chủ trương, chính sách cụ thể nhằm tăng cường xây dựng, phát triển các tổ chức tư vấn chính sách.
Trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng của các tổ chức tư vấn chính sách, ở cấp độ vĩ mô, Đảng và Nhà nước cần ban hành chủ trương và chính sách cụ thể nhằm phát triển các tổ chức tư vấn chính sách trong bối cảnh mới, nhất là chủ trương nhằm phát triển một cách cân bằng, hài hòa các loại hình tổ chức tư vấn chính sách. Ở cấp độ địa phương, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cần coi trọng việc nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các tổ chức hiện có, như trường chính trị cấp tỉnh, viện nghiên cứu, huy động sự tham gia của một số trung tâm, viện nghiên cứu thực hiện vai trò tư vấn chính sách thuộc trường đại học do chính quyền địa phương quản lý. Đặc biệt, cần có chủ trương, biện pháp cụ thể để thành lập một số hội đồng, ủy ban tư vấn (có thể hoạt động ổn định hoặc tạm thời) để thực hiện chức năng tư vấn chính sách cho cấp ủy đảng và chính quyền địa phương.
Thứ hai, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tư vấn chính sách ở địa phương.
Cần tạo môi trường thuận lợi theo hướng:
1) Khích lệ các chuyên gia và các tổ chức tư vấn ở địa phương thông qua cổng thông tin điện tử, hội thảo khoa học, hội nghị tư vấn, báo chí và truyền thông đại chúng, xuất bản sách, tạp chí... để có thể thể hiện công khai ý kiến, chính kiến của mình đối với những vấn đề chính sách quan trọng ở địa phương (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia).
2) Nhấn mạnh trách nhiệm cung cấp thông tin cho xã hội của các cơ quan hoạch định chính sách ở địa phương; mở rộng kênh công khai thông tin cơ quan hoạch định chính sách của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Đặc biệt, cần nhấn mạnh việc thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng, hoạch định các chủ trương, chính sách của cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tốt sự tham gia và giám sát của xã hội, cũng như của các tổ chức tư vấn chính sách.
3) Hoàn thiện thể chế trưng cầu và lấy ý kiến của các tổ chức tư vấn chính sách đối với các chính sách, quyết sách quan trọng của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Theo đó, đối với những chủ trương, chính sách quan trọng, liên quan đến lợi ích của người dân ở địa phương, cần phải thông qua các hình thức như hội nghị tham vấn, tọa đàm, hội nghị phản biện... để lắng nghe và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các tổ chức tư vấn; tăng cường trách nhiệm phản hồi của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đối với ý kiến của tổ chức tư vấn.
4) Thiết lập và kiện toàn thể chế đánh giá chính sách và thể chế mua sắm dịch vụ tư vấn chính sách. Theo đó, cần có quy định trước khi quyết định phương án chính sách lớn, dự án lớn và quan trọng phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện về tính khả thi, cũng như đánh giá mức độ rủi ro trên các khía cạnh khác nhau, coi trọng sử dụng kết quả đánh giá, tư vấn, phản biện của các tổ chức tư vấn khác nhau; coi trọng đánh giá thực thi chính sách, hiệu quả thực thi chính sách và ảnh hưởng xã hội của việc thực thi chính sách; thiết lập cơ chế phản hồi, công khai, vận dụng ý kiến đánh giá của tổ chức tư vấn chính sách; thực hiện mô hình đánh giá chính sách theo hướng tăng cường sự tham gia đánh giá của nhiều bên. Báo cáo tư vấn, dữ liệu điều tra, khảo sát của các tổ chức tư vấn chính sách cần phải đưa vào phạm vi và danh mục mua sắm dịch vụ của các cơ quan nhà nước; thực hiện công khai, cạnh tranh trong đấu thầu mua sắm dịch vụ tư vấn.
Thứ ba, tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý đối với việc xây dựng các tổ chức tư vấn chính sách.
Cấp ủy đảng và chính quyền địa phương phải coi trọng việc xây dựng tổ chức tư vấn chính sách, coi công tác xây dựng tổ chức tư vấn chính sách là một nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý và nằm ở vị trí ưu tiên trong chương trình nghị sự của tổ chức đảng và chính quyền. Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động của các tổ chức tư vấn thông qua Quỹ phát triển tổ chức tư vấn chính sách, cũng như mở rộng hạn mức tài trợ, đóng góp của xã hội cho hoạt động của tổ chức tư vấn chính sách; thông qua chính sách ưu đãi, miễn thuế để khích lệ doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cũng như cá nhân tham gia đóng góp, quyên góp tài chính cho hoạt động của các tổ chức tư vấn. Coi trọng đúng mức việc quy hoạch, quy tụ, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, trọng dụng và sử dụng nhân tài trong các tổ chức tư vấn chính sách, cũng như định hướng các tổ chức tư vấn chính sách đổi mới thể chế quản trị nội bộ.
Thứ tư, nâng cao năng lực của các tổ chức tư vấn chính sách hiện có.
Các tổ chức tư vấn chính sách hiện có ở địa phương cần coi trọng đúng mức chức năng tư vấn chính sách và nâng cao chất lượng các báo cáo tư vấn, kiến nghị; coi trọng việc thiết lập mối quan hệ hợp tác ổn định, chặt chẽ với cấp ủy đảng và chính quyền địa phương; xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn chính sách.
Việc nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng và đổi mới chính quyền địa phương theo định hướng “lấy nhân dân làm trung tâm” đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với việc xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách ở địa phương hiện nay. Vì vậy, rất cần vai trò kiến tạo thể chế của Trung ương cũng như như năng lực thực thi thể chế của địa phương và sự nỗ lực, đổi mới của bản thân từng tổ chức tư vấn chính sách hiện có./.
Ghi chú:
(1) Donald E. Aburson (2010), Tổ chức tư vấn có thể phát huy vai trò hay không - Đánh giá sự ảnh hưởng của tổ chức nghiên cứu chính sách công, Nxb Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, Trung Quốc (tiếng Trung).
(2) McGann,J (2005), Think Tanks and Civil Societies, Catalysts for Ideas and Action, New Brunswick and London, Transaction Publishers, p.5.
(3) Andrew Rich (2010), Chính trị học về tổ chức nghiên cứu chính sách, chính sách công và chuyên gia chính sách, Nxb Thượng Hải, Trung Quốc, tr.6-7 (tiếng Trung).
(4) Xue Yu và Zhu Xu-feng (2006), “Tổ chức tư vấn chính sách ở Trung Quốc: hàm nghĩa, phân loại và triển vọng nghiên cứu”, Tạp chí Nghiên cứu khoa học, số 3.
(5) Trung tâm Nghiên cứu về tổ chức tư vấn chính sách thuộc Viện Khoa học xã hội Thượng Hải (2016), Báo cáo tổ chức tư vấn chính sách Trung Quốc năm 2015 - xếp hạng mức độ ảnh hưởng và kiến nghị chính sách, Thượng Hải, Trung Quốc.
(6) Phạm Ngọc Quang (2014), “Cơ sở đánh giá năng lực của Đảng Cộng sản cầm quyền”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 06/3.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG-ST, H. 2021, tr.27.
(8) Nguyễn Trọng Bình (2020), “Xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam hiện nay - tiếp cận từ lý luận quản trị tốt”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 08 (408).
(9) Nguyễn Trọng Bình (2016), “Phát huy vai trò của tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực chính sách công”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 4, 2016.
TS Nguyễn Trọng Bình - Học viện Chính trị khu vực IV
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh