Xử lý vi phạm về đăng ký doanh nghiệp

Kinh doanh và thực hiện quyền tự do kinh doanh là quyền của công dân. Tuy nhiên, để quản lý hoạt động kinh doanh đối với các chủ thể kinh doanh, Nhà nước quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng thủ tục đăng ký doanh nghiệp lỏng lẻo, để thành lập nên những “doanh nghiệp ma” nhằm trốn thuế, kinh doanh ngành nghề bất hợp pháp, không chấp hành nghiêm chỉnh về thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, gây ra nhiều thiệt hại cho đối tác, bạn hàng làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ vấn đề đăng ký doanh nghiệp, xử lý hành vi vi phạm về đăng ký doanh nghiệp, hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện nay.

Ảnh minh họa - Internet

Hiện nay, cả nước có 125.821 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 59.790 doanh nghiệp; doanh nghiệp tạm ngừng thực hiện kinh doanh là: 67.215 doanh nghiệp; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 15.426 doanh nghiệp[1]. Như vậy, “vòng đời của doanh nghiệp” từ khi doanh nghiệp được thành lập, cho đến khi chấm dứt sự tồn tại đều đặt dưới sự quản lý và giám sát của Nhà nước thông qua việc “đăng ký thành lập mới”; “đăng ký thay đổi những thông tin về doanh nghiệp.
1. Đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi những thông tin về doanh nghiệp
1.1. Đăng ký doanh nghiệp
Tất cả các tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp, được Nhà nước bảo hộ quyền này nếu không thuộc các trường hợp bị cấm. Do đó, khi nhà đầu tư có nhu cầu khởi sự thực hiện hoạt động kinh doanh chỉ cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật tiến hành đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD), qua dịch vụ bưu chính viễn thông, qua mạng đăng ký thông tin điện tử[2]. Cơ quan ĐKKD xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp ĐKDN trong thời gian 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan ĐKKD phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối ĐKDN thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do[3]. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận ĐKDN khi đáp ứng đủ các điều kiện[4]: Ngành, nghề ĐKKD không bị cấm đầu tư kinh doanh; Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định của pháp luật; Có hồ sơ ĐKDN hợp lệ; Nộp đủ lệ phí ĐKDN theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Giấy chứng nhận ĐKDN là giấy “khai sinh” ra một thực thể kinh doanh trên nền kinh tế thị trường, ghi nhận những thông tin về một doanh nghiệp, được Nhà nước bảo hộ, doanh nghiệp được quyền xác lập những giao dịch kinh doanh với đối tác, bạn hàng.
Bên cạnh đó, Luật Thương mại năm 2005 cũng chỉ công nhận cá nhân, tổ chức là thương nhân có ĐKKD[5]. Do đó, pháp luật Việt Nam không có thừa nhận thương nhân thực tế.
ĐKKD là một thủ tục hành chính “bắt buộc” đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh[6] theo trình tự, thủ tục nhất định. Hoạt động này được thực hiện bởi một bên là doanh nghiệp (chủ thể tham gia thủ tục hành chính); với một bên là cơ quan ĐKDN (cơ quan thực hiện thủ tục hành chính). Doanh nghiệp chủ động “đăng ký” nhu cầu khởi sự thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Thông qua việc ĐKDN để cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo quyền và lợi ích cho chính doanh nghiệp, những người góp vốn thành lập doanh nghiệp, cho bên thứ 3.
Dưới góc độ quản lý hành chính nhà nước, thông qua việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, cơ quan ĐKDN thực thi quyền lực của Nhà nước ghi nhận sự ra đời của một loại hình kinh doanh, thực hiện quản lý nhằm mục tiêu phát triển kinh tế đất nước. Cơ quan ĐKDN không can thiệp, định hướng kinh doanh cho doanh nghiệp, mà doanh nghiệp được toàn quyền chủ động và quyết định kinh doanh lĩnh vực ngành nghề mà pháp luật không cấm; kinh doanh ở đâu? lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào…?
1.2. Đăng ký thay đổi, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
Trong quá trình thực hiện kinh doanh, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, doanh nghiệp được quyền chủ động thay đổi những nội dung đã ĐKDN với cơ quan ĐKDN. Tùy từng nội dung mà doanh nghiệp thay đổi, doanh nghiệp thực hiện thủ tục “đăng ký” hoặc thủ tục ‘thông báo”. Sự phân biệt này nhằm đơn giản hoá về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.
Khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục “đăng ký thay đổi” là doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi những thông tin trong Giấy chứng nhận ĐKDN như: tên doanh nghiệp, địa chỉ, trụ sở chính; thành viên, hoặc cổ đông công ty; người đại diện theo pháp luật, vốn điều lệ, … Đây là những nội dung quan trọng, trong hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, nên doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký lại với cơ quan ĐKDN để doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận ĐKDN mới.
Hoạt động “thông báo thay đổi” đối với nội dung về ngành nghề kinh doanh, người đại diện theo uỷ quyền, thông tin cổ đông sáng lập của công ty cổ phần, thông tin người quản lý doanh nghiệp, thông tin đăng ký thuế, thay đổi tài khoản của ngân hàng[7]. Đây là những thông tin xảy ra đột xuất hoặc thường xuyên, không được ghi trong Giấy chứng nhận ĐKDN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng thay đổi, chủ động trong kinh doanh, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thông báo thay đổi nội dung ĐKDN trong một thời hạn mà luật định. Cơ quan ĐKDN, xét tính hợp lệ và thực hiện thay đổi nội dung ĐKDN trong thời gian 3 ngày. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan ĐKKD phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung thông tin theo nội dung thông báo thay đổi ĐKDN thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do[8].
Thực hiện cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” nên cơ quan ĐKDN chỉ ghi nhận những thay đổi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có ý thức và trách nhiệm về mọi hành vi kinh doanh của mình. Trước những nội dung cần “đăng ký’ hoặc “thay đổi” doanh nghiệp xác định, sau đó có nghĩa vụ thực hiện theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định trong một khoảng thời gian nhất định. Pháp luật Việt Nam đã tạo cơ chế “trao quyền” cho các doanh nghiệp, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cơ chế thông thoáng, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong hoạt động kinh doanh của mình.
1.3. Vi phạm về đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm, đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký thông báo thay đổi nội dung ĐKDN. Đây là nghĩa vụ bắt buộc, doanh nghiệp không thực hiện sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chủ thể khác, xâm phạm vào lĩnh vực quản lý kinh tế mà Nhà nước bảo vệ.
 Doanh nghiệp được toàn quyền quyết định về mọi hoạt động kinh doanh của mình, nên doanh nghiệp vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Việc doanh nghiệp vi phạm đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký thông báo thay đổi nội dung ĐKDN là hành vi vi phạm về hành chính, mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC)[9].
Đối với lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký thông báo thay đổi nội dung ĐKDN, chủ thể của VPHC là các loại hình doanh nghiệp thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật bằng những hành vi hành động hoặc không hành động như, “không đăng ký”; “không thông báo” hoặc “thực hiện không đúng”, với những phương thức, thủ đoạn khác nhau xâm phạm tới các quan hệ kinh tế mà Nhà nước cần phải bảo vệ, gây ra những thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.
Đối với các loại hình doanh nghiệp tổ chức là “pháp nhân” thì hành vi VPHC do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.
Đối với loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân thì chủ thể VPHC ở loại hình doanh nghiệp đó sẽ là chủ doanh nghiệp. Người chủ doanh nghiệp là cá nhân thỏa mãn các điều kiện độ tuổi, năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Chủ sở hữu doanh nghiệp khi thực hiện hành vi “không đăng ký thành lập” hoặc “không thông báo”, “thực hiện không đúng” hoàn toàn cố ý, thấy rõ hậu quả hành vi, mong muốn đạt được “lợi ích” khi thực hiện hành vi vi phạm đó.
Khách thể của hành vi VPHC “không đăng ký thành lập” hoặc “không thông báo”, “thực hiện không đúng” xâm phạm tới những quan hệ xã hội được Luật Doanh nghiệp và Nghị định về ĐKDN quy định nhưng các doanh nghiệp cố ý không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng thực hiện không đúng đã gây ra những thiệt hại về kinh tế, môi trường kinh doanh.
a)      Hành vi không đăng ký thành lập doanh nghiệp
Hành vi không đăng ký thành lập là hành vi bị cấm theo khoản 3 Điều 16 Luật Doanh nghiệp: Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN hoặc doanh nghiệp đang bị tạm dừng hoạt động kinh doanh”.
Ngoài ra, Điều 7 Luật Thương mại quy định: “Thương nhân có nghĩa vụ ĐKKD theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa ĐKKD, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, được coi là doanh nghiệp khi và chỉ khi, doanh nghiệp đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật, thương nhân có ĐKKD. Nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, pháp luật quy định về ĐKDN từ Luật Công ty năm 1990 đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện đã đơn giản hoá thủ tục thành lập rất nhiều, tạo điều kiện cho người dân dễ gia nhập thị trường.
b)      Có đăng ký thành lập nhưng thực hiện không đúng
Lợi dụng sự “thông thoáng” của pháp luật để thực hiện đăng ký thành lập “doanh nghiệp ma” hiện nay rất dễ dàng: Doanh nghiệp chỉ cần nộp đủ các thủ tục và điền đầy đủ các thông tin về ĐKDN trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc khai báo đầy đủ bằng hình thức đăng ký qua mạng nên dẫn đến xuất hiện tình trạng “doanh nghiệp ma” trên thị trường trong thời gian vừa qua. Hành vi vi phạm của doanh nghiệp khi thực hiện là mượn tên người tàn tật, người mất trí nhớ để thành lập doanh nghiệp, lợi dụng việc có được giấy tờ tuỳ thân của người khác, ĐKKD rất nhiều ngành nghề, thường xuyên thay đổi trụ sở kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian hoạt động ngắn, sau khi thực hiện ‘hành vi lừa đảo” xong rồi bỏ trốn, kê khai vốn điều lệ “khống” nhưng số thuế phải nộp ít hoặc thuế giá trị gia tăng đầu ra nhỏ hơn giá trị gia tăng đầu vào.
Ví dụ về vụ việc có được giấy tờ tuỳ thân của người khác để thành lập doanh nghiệp: Vụ việc Công ty TNHH phát triển thương mại Phú Phát (Công ty Phú Phát), ĐKKD tại số 20/37 đường 27, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP. HCM. Đăng ký góp vốn là 2 cô gái: Nguyễn Ngọc K.V (SN 1996, trú tại quận 4) làm giám đốc, Nguyễn Thị N.H (SN 1995, trú tại quận Phú Nhuận). Khi đến kiểm tra địa điểm ĐKKD, nhà chức trách không tìm thấy doanh nghiệp nào hoạt động ở đây[10]. Trước hành vi đó, cơ quan công an đã điều tra, tiến hành xác minh thì mới rõ cô K.V, cô N.H không hề hay biết công ty trên. Nguyễn Thị N.H cho biết, trước đây H. có nộp hồ sơ xin việc tại cơ sở Em Spa trên đường Nguyễn Cửu Vân, quận Bình Thạnh, H. sau đó nghỉ làm do việc không phù hợp, họ bị mất căn cước.
Phóng viên Báo Thanh niên đến Văn phòng công chứng C.A (đường Võ Văn Tần, Q.3) đề nghị sao y công chứng CMND thì một nhân viên nữ ở đây trả lời: “Phôtô hết chưa ạ? Có mang bản gốc là văn phòng sẽ sao y chứng thực nhé”. Tương tự, nhóm phóng viên ghé tiếp Văn phòng công chứng P.X.T (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3), thì cũng được phản hồi tương tự[11].
Ví dụ về vụ việc thay đổi trụ sở kinh doanh: Khi kiểm tra tình hình kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp, cơ quan thuế tại nhiều địa phương phát hiện hàng loạt doanh nghiệp không tồn tại ở nơi đã đăng ký trụ sở chính. Nhiều trường hợp người đứng tên chủ doanh nghiệp chỉ là lái xe ôm, nông dân được thuê làm chủ doanh nghiệp và thực tế không có hiểu biết về pháp luật. Hành vi của công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên (Công ty Diệu Tiên, địa chỉ ở 66/8 đường Tái Thiết, phường 11, quận Tân Bình, TP. HCM) nhập lậu trên 2 tấn ngà voi bị phát hiện vào đầu tháng 10/2016. Dù được cấp phép thành lập vào cuối năm 2015, nhưng tại địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty này lại không có công ty thực tồn tại[12].
Ví dụ về vụ việc thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích bán hoá đơn để thu lợi: Trường hợp ông Trần Văn Đực (Trà Vinh) đứng ra thành lập 3 doanh nghiệp kinh doanh hàng nông lâm thủy sản gồm: Công ty TNHH MTV Thương mại Công Đức (tỉnh Trà Vinh), Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàn Thành và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Chí Thiện (tỉnh Tiền Giang). Các công ty này không hoạt động mà chỉ in và bán hóa đơn VAT để thu lợi hoặc mua bán hàng hóa khống qua lại cho nhau nhằm khấu trừ hóa đơn “đầu ra” và “đầu vào”.
Một hình thức khác để bán hóa đơn là thành lập chuỗi doanh nghiệp ở nhiều địa phương khác nhau để cung cấp hóa đơn qua nhiều mắt xích trung gian. Có trường hợp mua bán hóa đơn qua 7 khâu. Các doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai như: Công ty TNHH Thiên Phúc Lộc, Công ty TNHH TMDV Phú Hưng Long, Chi nhánh Công ty TNHH TMDV Phú Hưng Long, DNTN Ân Hồng Phước, Công ty TNHH Trường An Phát Đạt. Với chiêu thức này, các doanh nghiệp trên đã rút ruột ngân sách qua việc khấu trừ thuế VAT tới 1.617 tỷ đồng[13].
Trước những vụ việc trên, các doanh nghiệp không đăng ký thành lập xét về hậu quả của hành vi thì không đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định của pháp luật thì bị xử phạt về hành chính. Tuy nhiên, thực tế cơ quan ĐKDN chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về ĐKDN, ghi nhận sự ra đời của một loại hình kinh doanh. Ngoài ra, ĐKKD còn được thực hiện bằng hình thức qua mạng nên “kiểm soát” có thực hay không? Đăng ký rồi có thực hiện hoạt động kinh doanh ở tại trụ sở đã đăng ký hay không? Điều này vẫn còn đang bỏ ngỏ. Bởi lẽ, việc doanh nghiệp “đăng ký thành lập” thực hiện tại cơ quan ĐKDN. Cơ quan ĐKKD chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ ĐKDN, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau khi ĐKDN[14], còn việc theo dõi quản lý thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa phương nào thì chính quyền nơi đó quản lý.
c)      Hành vi không thông báo nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Theo Điều 31 Luật Doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có thay đổi về ngành nghề kinh doanh, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, nội dung khác trong hồ sơ ĐKDN thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm thông báo thay đổi nội dung ĐKDN trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp lệ phí và gửi Giấy đề nghị công bố nội dung ĐKDN tới phòng ĐKKD, nơi doanh nghiệp đã đăng ký để thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về ĐKDN trong thời gian 30 ngày. Phòng ĐKDN đăng tải nội dung mà doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi trên Cổng thông tin quốc gia về ĐKDN.
Hiện nay, trên website của Cơ quan ĐKDN, công bố công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm về nghĩa vụ Thông báo. Ngoài việc, công bố công khai, cơ quan ĐKDN cũng gửi giấy Thông báo nhắc nhở cho các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh ý thức thực hiện nghĩa vụ Thông báo thay đổi nội dung ĐKDN. Đối với từng hành vi vi phạm, có doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thông báo chỉ bị xử phạt hành chính còn có những trường hợp vi phạm mức độ nghiêm trọng hơn thì bị thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN.
Ví dụ: Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội H-A-O có địa chỉ tại Tầng 2, Tòa nhà 25T2, Lô N05, đường Trần Duy Hưng, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội có người đại diện theo pháp luật là Mai Thanh Hà, Số 6 ngách 117/71 phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam; thuộc trường hợp doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thông báo và bị thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN năm 2019[15].
1.3. Xử lý vi phạm về đăng ký doanh nghiệp
Nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, khi doanh nghiệp vi phạm về ĐKDN, tùy theo hành vi vi phạm ở mức độ nào? Doanh nghiệp sẽ bị xử lý VPHC hoặc có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Đối với hành vi có ĐKKD nhưng không có thực hiện kinh doanh, UBND cấp huyện, quận nơi “doanh nghiệp ma” đó khai báo có thẩm quyền ra quyết định xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng[16]. Sau khi nhận được báo cáo của UBND tại địa chỉ vi phạm đó, nếu quá 6 tháng, cơ quan ĐKKD không nhận được báo cáo giải trình thì theo quy định của pháp luật, cơ quan ĐKKD sẽ thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD. Hành vi vi phạm này được hiểu là một trong những hình thức chấm dứt tồn tại, hoạt động của doanh nghiệp vì doanh nghiệp không có hoạt động trong 6 tháng liên tục.
- Đối với hành vi cố ý giả mạo, kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ ĐKDN, mức phạt áp dụng cho doanh nghiệp từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng[17]. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.
- Đối với hành vi vi phạm quy định về việc thông báo thay đổi nội dung ĐKDN thì bị phạt cảnh cáo hoặc tuỳ từng thời gian vi phạm cụ thể mức phạt từ 500.000 nghìn đồng đến 500.000.000đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thông báo đến Phòng ĐKKD cấp tỉnh về các nội dung theo quy định của pháp luật[18].
- Đối với hành vi thành lập doanh nghiệp mà để thực hiện hành vi mua bán hoá đơn khống nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 203 BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn chứng từ thu nộp toàn bộ ngân sách nhà nước.
Luật Xử lý VPHC quy định xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư kinh doanh thì bị xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Từ Nghị Định số 155/2013/NĐ-CP đến Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định vi phạm về ĐKDN, đăng ký thay đổi nội dung ĐKDN chịu một mức tiền phạt và bên cạnh đó còn bị áp dụng biện pháp bổ sung.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, mức phạt hiện nay “quá nhẹ” bởi hệ quả của nó để lại trong môi trường kinh doanh tác động tới lợi ích của các nhà đầu tư, quản trị công ty, quản lý về thuế đối với doanh nghiệp. Một người có thể thành lập nhiều công ty, trong đó có cả các “công ty ma”; hệ quả những “công ty ma” để lại là khoản nợ hợp đồng, nợ lương người lao động, nợ bảo hiểm xã hội mà hình thức chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính là chưa hợp lý. Riêng đối với hành vicố ý giả mạo trong hồ sơ ĐKDN thì bị thu hồi Giấy phép ĐKDN. Đây là hành vi có tính chất nghiêm trọng nên việc bị thu hồi Giấy phép ĐKDN là hợp lý.
Như vậy, căn cứ vào hành vi vi phạm “việc không đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký thay đổi với cơ quan ĐKDN”, ngoài việc áp dụng biện pháp là phạt tiền, doanh nghiệp khi có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp phạt bổ sung để đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp. Mức độ hậu quả không nghiêm trọng để phải truy cứu trách nhiệm hình sự cũng là bài học kinh nghiệm để doanh nghiệp có ý thức nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ĐKDN tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh.
2. Kiến nghị giải pháp
- Một trong những nội dung của hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức là phải có Bản sao giấy tờ tuỳ thân. Luật Căn cước công dân quy định Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân. Để tránh việc “mượn” giấy tờ tuỳ thân của người khác khai báo thành lập doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư nên áp dụng hình thức kết nối trực tuyến bằng phần mềm với chính quyền địa phương nơi thường trú trong giấy tờ tuỳ thân đó xác nhận, chứng thực về nhân thân của người muốn đăng ký thành lập. Quy trình kết nối này đảm bảo sự chặt chẽ ngay từ khi kiểm tra hồ sơ thành lập doanh nghiệp, có sự xác nhận từ phía chính quyền địa phương, xác nhận nhân thân người thành lập doanh nghiệp, nhằm loại bỏ những “doanh nghiệp không chính chủ” ra khỏi môi trường kinh doanh ngay từ đầu.
- Thắt chặt khâu “hậu kiểm” sau khi doanh nghiệp được thành lập, doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh tại một địa điểm, chính quyền địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải biết để thực hiện quản lý ngay từ khi doanh nghiệp được sinh ra đó. Tránh việc “doanh nghiệp ma” sinh ra và đăng ký thành lập tại địa điểm, mấy tháng sau không thấy doanh nghiệp này đâu. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự giám sát từ phía chính quyền địa phương “theo dõi”; “kiểm tra” hoạt động của doanh nghiệp góp phần hoàn thiện quy trình quản lý doanh nghiệp thống nhất, loại bỏ những “doanh nghiệp ma” ra khỏi thị trường.
- Kể từ thời điểm doanh nghiệp được thành lập, doanh nghiệp được cấp mã số doanh nghiệp, mã số thuế; khi có sự thông báo từ phía chính quyền địa phương phản ánh về việc doanh nghiệp không thực hiện kinh doanh ở trên địa bàn một thời gian đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở sẽ thông báo kịp thời tới cơ quan thuế. Như vậy, sẽ tránh được việc sau một thời gian mới biết, lúc này số tiền “nợ thuế” của doanh nghiệp cao, nhưng không chính xác, khi tập hợp làm báo cáo số tiền dư nợ thuế này là “ảo”.
- Đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện thay đổi trụ sở kinh doanh, cần quy định doanh nghiệp phải tiến hành đồng thời song song cả hai, vừa gửi hồ sơ thông báo đến cơ quan ĐKKD và cũng gửi tới cả cơ quan thuế để cơ quan thuế, nơi đến và đi giám sát được sự thay đổi của doanh nghiệp, nhằm tránh thất thu ngân sách của Nhà nước.
- Về mức độ xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp đăng ký nhưng không thực hiện kinh doanh, mức phạt hiện nay cao nhất là 10.000.000 đồng, mức phạt này quá thấp. Bởi lẽ khi nhà đầu tư có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, nhận thức rõ về hành vi của mình, nên việc thành lập ra doanh nghiệp, trừ những trường hợp bất khả kháng đối với doanh nghiệp một chủ, mà lại không kinh doanh thì cơ quan ĐKKD xem xét, còn đối với doanh nghiệp đồng chủ sở hữu mà lại không kinh doanh, thì không nên dừng lại ở mức độ xử phạt. Sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN, pháp luật về ĐKDN cũng cần có chế tài cấm đối với những cá nhân, tổ chức mà đăng ký rồi, không thực hiện kinh doanh, ảnh hưởng môi trường kinh doanh, thời gian bị cấm từ 3 -5 năm. Muốn tiếp tục thực hiện kinh doanh, thì phải chờ 3-5 năm sau.
- Đối với trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý giả mạo hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, không nên áp dụng xử phạt mà cần áp dụng biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN và “truy cứu trách nhiệm hình sự” về hành vi cố ý xâm phạm tới trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước.
- Đối với hành vi không thông báo thay đổi nội dung ĐKDN, mức phạt cao nhất là 5.000.000 đồng. Đây là mức phạt thấp, việc thay đổi nội dung ĐKDN diễn ra thường xuyên phục vụ cho quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cần tăng hình thức xử lý theo số lần vi phạm, quá bao nhiêu lần thì tăng mức phạt, và áp dụng biện pháp mạnh như thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN.
- Tăng cương sự giám sát của cộng đồng xã hội, đối tác, bạn hàng phát hiện thấy doanh nghiệp không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, thay đổi, di dời nhiều lần, ngành nghề kinh doanh đa dạng…, cần nâng cao cảnh giác tránh giao kết hợp đồng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
- Tuyên truyền nhằm tăng cường ý thức của cá nhân, tổ chức khi nhận được lời mời hợp tác thành lập doanh nghiệp, tránh bị lợi dụng của kẻ xấu, góp vốn thành lập những “doanh nghiệp ma”; nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về thông báo thay đổi nội dung ĐKDN, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo đúng thời hạn với nội dung mà pháp luật quy định.
- Tăng cường hoạt động, kiểm tra, của chính quyền địa phương sở tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, thực hiện kiểm tra và giám sát thường xuyên đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó có những thông báo kịp thời tới cơ quan kinh doanh và các cơ quan chuyên môn khác để có những biện pháp kịp thời xử lý.
- Tăng cường khâu “hậu kiểm”, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phát hiện và xử lý đối với “doanh nghiệp ma” kịp thời, loại bỏ những doanh nghiệp này ra khỏi môi trường kinh doanh.
- Tăng cường bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ, chuyên môn của cán bộ làm công tác ĐKDN, phát hiện thấy điều bất thường ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ. Trong thời gian 03 ngày, nhận biết, báo cáo kịp thời với cấp trên để xử lý đối với kẻ xấu có mưu đồ bất chính lợi dụng kẽ hở của pháp luật thành lập “doanh nghiệp ma”, gây ảnh hướng xấu đến môi trường kinh doanh, thiệt hại về kinh tế cho đối tác, bạn hàng, thất thu ngân sách nhà nước./.  

TS. NGUYỄN THỊ THU THỦY

Khoa Luật kinh tế,trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.


[1] https://dangkykinhdoanh.gov.vn.
[2] Khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Luật Doanh nghiệp).
[3] Khoản 1 Điều 26 Luật Doanh nghiệp.
[4] Điều 27 Luật Doanh nghiệp.
[5] Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 (Luật Thương mại).
[6] Khoản 2 Điều 8 Luật Doanh nghiệp.
[7] Điều 32 Luật Doanh nghiệp.
[8] Khoản 4 Điều 31 Luật Doanh nghiệp.
[9] Khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật Xử lý vi phạm hành chính).
[10] https://tienphong.vn/canh-bao-lap-doanh-nghiep-ma-de-truc-loi.
[11] https://thanhnien.vn/thoi-su/lo-hong-hinh-thanh-cong-ty-ma.
[12] https://tienphong.vn/canh-bao-lap-doanh-nghiep-ma-de-truc-loi.
[13] https://tienphong.vn/nhieu-doanh-nghiep-ma-rut-ruot-ngan-sach.
[14] Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.
[15] http://www.hapi.gov.vn/vi-VN/danh-s%C3%A1ch-doanh-nghi%E1%BB%87p-th%C3%B4ng-b%C3%A1o-vi-ph%E1%BA%A1m-thu%E1%BB%99c-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%E1%BB%A3p-thu-h%E1%BB%93i-th%C3%A1ng-10-2019.
[16] Điểm a khoản 1 Điều 29 Nghị định số 50/2016/NĐ-CPk
[17] Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP.
[18] Điều 31 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP.
... Theo lapphap.vn
  • Tags: