Yên Bái: Cần một phán quyết thấu tình đạt lý cho người dân Hồng Sơn

Việc Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái căn cứ vào hồ sơ cấp đất đã từng bị đề nghị thu hồi, để tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) do UBND huyện Văn Chấn cấp, đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các hộ dân thôn Hồng Sơn, cũng như ảnh hư

Việc Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái căn cứ vào hồ sơ cấp đất đã từng bị đề nghị thu hồi, để tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) do UBND huyện Văn Chấn cấp, đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các hộ dân thôn Hồng Sơn, cũng như ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương.

 Ngày 29/09/2020 TAND tỉnh Yên Bái đã xét xử công khai vụ khiếu kiện về “hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, giữa ông Đinh Tuấn Đăng và UBND huyện Văn Chấn. Do cho rằng UBND huyện Văn Chấn đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 08 hộ dân chồng chéo lên diện tích đất của mình, nên ông Đinh Tuấn Đăng đã đứng đơn khởi kiện. Tại bản án số 05/2020/HC-ST, Tòa sơ thẩm đã tuyên hủy toàn bộ GCNQSDĐ của 08 hộ dân đã được cấp theo đúng trình tự quy định của pháp luật về đất đai trước đó.

Không đồng tình với phán quyết của TAND tỉnh Yên Bái, 08 hộ dân tại thôn Hồng Sơn đã có đơn kháng cáo gửi Tòa án nhân dân cấp cao.

Ngày 14/10/2020 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã có Quyết định kháng nghị phúc thẩm (số 05/QĐ-VKS-HC) đối với Bản án sơ thẩm số 05/2020/HC-ST ngày 29/09/2020 của TAND tỉnh Yên Bái. Theo đó, Quyết định kháng nghị cũng đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của ông Đinh Tuấn Đăng về việc hủy các Giấy CNQSDĐ do UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã cấp cho 08 hộ gia đình… Quyết định Kháng nghị cũng nêu rõ: Hồ sơ cấp đất số 79 Tòa sơ thẩm xác định làm căn cứ là hồ sơ chỉ được mô tả chung chung nên độ chính xác không cao, không có đủ cơ sở pháp lý.

Thửa đất ông Đăng nhận trong hồ sơ 79 được phân chia ranh giới theo dông đồi: nửa dông bên trái là đất giao cho ông Đăng, nửa bên phải là của nhân dân thôn Hồng Sơn. 

Thực chất Hồ sơ giao đất số 79 từng bị đề nghị thu hồi

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 1997 ông Hoàng Văn Dịch đại diện nhóm hộ dân bản Loọng bàn giao lại hồ sơ 79 có diện tích 06 ha đất trên cho ông Đăng, do không thực hiện được việc trồng rừng. Năm 1993 khi giao đất cho ông Dịch, cán bộ Hạt kiểm lâm Văn Chấn vẽ sơ đồ và giao tại đơn vị không đi thực địa nên không xác định ranh giới, mốc giới đến đâu, giáp đất của ai, chỉ mô tả chung chung là khoảng đồi đó phía bắc giáp thổ cư, phía tây giáp số 67… Ông Dịch cũng không dẫn ông Đăng đi thực địa khi bàn giao lại hồ sơ 79.

Cho đến năm 2002 UBND xã Sơn Thịnh nhận được nhiều đơn kiến nghị phản ánh việc ông Đăng trồng cây lấn sang diện tích đất của 4 hộ dân được giao từ năm 1985. Ngoài ra, ông Đăng còn tự ý trồng cây lên đất nghĩa trang nhân dân. Qua kiểm tra đối chiếu, UBND xã Sơn Thịnh đã xác định Hồ sơ 79 được giao cho nhóm hộ dân bản Loọng năm 1993 là sai với vị trí, cụ thể: phía đông đã giao chồng chéo vào đất chuyên dùng của UBND xã làm nghĩa trang; phía bắc nằm chồng chéo vào diện tích của 4 hộ dân thôn Hồng Sơn đang canh tác. Do đó ngày 09/10/2002 UBND xã Sơn Thịnh đã có tờ trình số 03/TT (do ông Hà Đình Nghiêm - Chủ tịch UBND xã ký) đề nghị UBND huyện Văn Chấn thu hồi lại quyết định giao đất của hồ sơ 79.

Hồ sơ 79 mô tả chung chung không xác định mốc giới cụ thể

Tại biên bản làm việc ngày 14/06/2005 giữa UBND xã Sơn Thịnh và đại diện các bên liên quan đã ghi rõ: “Theo hồ sơ đất đối chiếu với bản đồ thì ông Đăng đã làm ra ngoài vị trí, lấn sang đất của 4 hộ dân đang canh tác là 6000 m2 và lấn sang đất của nghĩa trang nhân dân là gần 1 ha, việc cán bộ trước đó đã chỉ sai vị trí khi giao đất thì có trách nhiệm yêu cầu ông Đăng thu hoạch cây cối để trả lại đất cho các hộ dân và nghĩa trang”. Đại diện chính quyền, các hộ dân liên quan và ông Đinh Tuấn Đăng đã được thông qua nhất trí ký tên vào biên bản.

Cần xem xét đánh giá đúng bản chất vụ việc

Việc Hồ sơ cấp đất số 79 đã từng bị đề nghị thu hồi, nhưng vẫn được lấy làm căn cứ xét xử đã gây bức xúc cho các hộ dân liên quan. Về nguồn gốc đất của các hộ dân: Đây là đất được giao từ năm 1974 khi các hộ rời quê hương lên khai hoang lập vùng kinh tế mới; sau đó có Thông báo cấp đất số 78 ngày 25/10/1985 của UBND huyện Văn Chấn (cấp 79 ha đất cho HTX Hồng Sơn). Thời điểm cấp CNQSDĐ cho các hộ thì đất đều do các hộ quản lý và sử dụng ổn định, 5/8 hộ dân đã được cấp GCNQSDĐ không giáp ranh với diện tích đất của ông Đăng và trước đó không hề xảy ra tranh chấp.

Diện tích đất 06 ha theo Hồ sơ số 79 ông Đăng nhận bàn giao năm 1997 là diện tích giáp ranh thôn Hồng Sơn, chỉ mô tả ước lệ, bàn giao không đi thực địa nên không xác định rõ ranh giới, mốc giới thửa đất đến đâu, giáp ai, việc giao đất chỉ mô tả với độ chính xác không cao nên không có đủ cơ sở pháp lý; kết quả thẩm định diện tích đo vẽ hồ sơ giao đất rừng số 79 do ông Đăng chỉ dẫn có diện tích 6,774 ha không đúng diện tích theo hồ sơ được cấp.

Theo phản ánh của các hộ dân, quá trình thẩm định của Tòa sơ thẩm có biểu hiện lập lờ khi triển khai đo cả phần diện tích đất ở cộng cả đất vườn rừng, dẫn đến tình trạng sai lệch tổng diện tích từng hộ, rồi lấy đó làm căn cứ phán quyết tuyên hủy GCNQSDĐ. Ông Đăng viện dẫn chi tiết có xin thêm 4 ha đất thuộc hồ sơ số 80 để chứng minh tổng diện tích ông đang sử dụng, nhưng lại không đưa ra được hồ sơ 80 do đơn vị nào cấp, hiện còn lưu giữ hay không, vậy nhưng vẫn được Tòa ghi nhận ?

Thêm nữa, dư luận cho rằng việc trưng cầu nhân chứng có dấu hiệu xếp đặt: Ông Hoàng Văn Dịch là người trực tiếp giao lại hồ sơ cho ông Đăng, cung cấp đúng sự thực vụ việc thì được gợi ý do đường xá xa xôi, ký vào đơn vắng mặt do nhân viên của Tòa làm sẵn; còn ông Hà Đình Nghiêm nguyên là Chủ tịch UBND xã năm 2002, đã ký tờ trình 03 đề nghị thu hồi đất hồ sơ 79 (cũng là em họ ông Đăng) thì được mời làm nhân chứng. Liệu rằng ông Nghiêm có cố tình “bỏ quên” việc ông đã từng đề nghị thu hồi hồ sơ 79 do cấp sai vị trí ?!

Ông Phạm Bá Đến là một trong số các hộ dân thôn Hồng Sơn bày tỏ bức xúc: Đất chúng tôi được chia theo quy định hiện hành. Việc ông Đăng căn cứ vào hồ sơ giao đất chỉ mô tả ước lệ, không rõ ranh giới và cho rằng đất của chúng tôi là đất thuộc hồ sơ 79 rồi khiếu nại đòi hủy CNQSDĐ của chúng tôi chỉ là cái cớ, mục đích là đẩy chúng tôi vướng vào tình trạng tranh chấp để phục vụ cho mưu đồ khác. Thực tế diện tích ông Đăng đang sử dụng lớn hơn rất nhiều lần diện tích theo hồ sơ 79, nhưng Toà án chỉ tiến hành đo đạc theo “chỉ dẫn” của ông Đăng. Đề nghị cơ quan chức năng xét xử thấu đáo, công minh, không vì mục đích của một cá nhân mà ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của những người dân lương thiện và uy tín của chính quyền…”.

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần nhìn nhận đánh giá đúng bản chất vụ việc, tìm ra phương án hữu hiệu để giải quyết một cách khách quan và triệt để, chấm dứt những bất ổn kéo dài nhiều năm qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các hộ dân liên quan cũng như nhiều trường hợp khác.

  • Tags: