Bàn về nguyên tắc pháp quyền

Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 chỉ rõ “nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được đề cao và phát huy trên thực tế”. Đ

Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 chỉ rõ “nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được đề cao và phát huy trên thực tế”. Đây là lần đầu tiên thuật ngữ nguyên tắc pháp quyền được ghi nhận. Tiếp đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền”. Như vậy, dân chủ XHCN phải song hành với nguyên tắc pháp quyền. 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào cuối tháng 01-2021 trong sự mong đợi của nhân dân. Nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới là cần tiếp tục cụ thể hoá, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với phương châm “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bên canh đó, cần xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân.

Ảnh minh họa (Internet)

Nhà nước pháp quyền là thể hiện trình độ cao của dân chủ, trong đó luật là tối thượng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc pháp quyền với nội hàm phong phú cần thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội  như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy“Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Muốn vậy, pháp luật phải đáp ứng các tiêu chí: đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và ổn định. Để bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp là một trong những ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi quyền lực nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hiến pháp và pháp luật là phương tiện kiểm soát hữu hiệu việc thực hiện quyền lực nhà nước. Do đó cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, bao gồm cả thể chế, thiết chế và các điều kiện bảo đảm nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm soát, thực hiện tốt kiểm soát bên trong và cả bên ngoài hệ thống, phát huy cao độ vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, giám sát của nhân dân và của báo chí. Nguyên tắc pháp quyền còn đòi hỏi mọi cá nhân, tổ chức phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không có ngoại lệ; không có vùng cấm trong xử lý vi phạm pháp luật, tội phạm, nhất là các tội phạm tham nhũng. Nguyên tắc pháp quyền đồng thời đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định định của Hiến pháp về hoạt động tư pháp, trong đó có nguyên tắc rất quan trọng “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”.

Như vậy, dân chủ và pháp quyền luôn là những đòi hỏi của một xã hội văn minh, nơi mọi thành viên “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Pháp luật là phương tiện bảo đảm thực hiện dân chủ trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Còn dân chủ cần được thực hành trong khuôn khổ thể chế pháp luật. Chúng ta không chấp nhận kiểu dân chủ vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật, bất chấp pháp luật; càng không thể chấp nhận những hiện tượng lợi dụng dân chủ để chống phá chế độ XHCN, phương hại đến những thành quả đổi mới mà nhân dân ta đã thu được trong 35 năm qua.

Thực hành đúng dân chủ, thực thi nghiêm chỉnh pháp luật, đó là một trong những điều kiện rất cần thiết để trong năm mới 2021, với khí thế của Đại hội Đảng lần thứ XIII, với khát vọng phát triển mãnh liệt, đất nước ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu.

PGS.TS. NGUYỄN TẤT VIỄN
Chủ tịch HĐQL Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý

  • Tags: