Báo chí và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

PLQL - Cùng với những chức năng được coi như “thiên chức” của báo chí, thì việc góp phần lên án những thói hư tật xấu, phê phán những hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng (PCTN)

PLQL - Cùng với những chức năng được coi như “thiên chức” của báo chí, thì việc góp phần lên án những thói hư tật xấu, phê phán những hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng (PCTN), được xem là một thế mạnh của báo chí. Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, nhiều vấn đề tiêu cực được đưa ra ánh sáng đều có sự đóng góp không nhỏ, nếu không muốn nói là quan trọng của báo chí, đặc biệt là của những người làm báo. Cho nên, tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí”  lần thứ 2 (2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Quan trọng và cam go nhất trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là trên mặt trận tư tưởng. Đây chính là nhiệm vụ lớn đặt ra với các cơ quan báo chí, với những người làm báo”. Báo chí đã, đang và sẽ là một kênh quan trọng góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong “cuộc chiến” chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất… , mà đôi khi ta vẫn gọi là “cuộc chiến” chống “giặc nội xâm”.

Ảnh minh họa - Internet 

Vai trò lớn và thách thức không nhỏ

Ngày nay, sự phát triển của mạng xã hội đã có lúc tưởng như “lấn át” báo chí chính thống bởi rất nhiều các loại tin tức không thể kiểm soát và phát tán cực nhanh. Song, nhìn nhận một cách bình tĩnh thì có thể thấy, về cơ bản nhân dân (độc giả) không “quay lưng” lại với báo chí chính thống. Về phía báo chí chính thống, không phải không có chỗ này, chỗ kia, lúc này, lúc khác chưa đáp ứng được yêu cầu của công chúng…, nhưng đó chỉ là cá biệt, là đơn lẻ.  Báo chí không vì thế mà làm mất đi vai trò chủ đạo của mình; Báo chí vẫn vì nhân dân, vì dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Cho nên báo chí luôn được nhân dân và Đảng tin tưởng. Những hạn chế, bất cập trong hoạt động báo chí không phải là không có, nhưng không phải là “cái phổ biến”, mà chỉ là “hiện tượng”; hoàn toàn không thể đại diện cho vai trò quan trọng và tính chiến đấu cho lẽ phải, cho cái đúng, của báo chí cách mạng Việt Nam.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường, xây dựng chỉnh đốn Đảng đã xác định: “Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”. Đó là chủ trương, là sự giao phó của Đảng cho báo chí và cũng là luồng sinh khí mới để báo chí làm tốt hơn trách nhiệm của mình trong công cuộc PCTN mà nhân dân hy vọng và chờ đợi. Và, trên thực tế, báo chí đã và đang ở hàng đầu trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”. Chính báo chí đã giám sát, phát hiện và công khai các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; cung cấp cho các cơ quan chức năng những thông tin quan trọng, cần thiết để tiến hành xác minh, điều tra. Báo chí còn cổ vũ, khuyến khích người dân tham gia phòng, chống tham nhũng; mạnh dạn tố cáo các hành vi tiêu cực và thực hiện điều tra theo đơn thư tố cáo. Trong quá trình đó, báo chí đã khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” trong việc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Điều này rất quan trọng, bởi nó thể hiện quan điểm đúng đắn của báo chí cách mạng và góp phần nâng cao lòng tin của nhân dân vào quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta. Chính việc báo chí đưa tin kịp thời, công khai về các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã giúp nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh này.

Vẫn là phát biểu tại Lễ trao Giải toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí”  lần thứ 2, trong khi nhấn mạnh việc phát huy vai trò của báo chí, người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở báo chí phải coi trọng tính khách quan, chân thực, tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin về tham nhũng, lãng phí; Chú trọng phát hiện những sơ hở về thể chế pháp luật, cơ chế chính sách có thể tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực và lạm dụng chức quyền. Bên cạnh việc đưa tin các vụ án, vụ việc lớn, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, báo chí cũng phải phản ánh về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, cửa quyền, “tham nhũng vặt”, gây không ít phiền hà, bức xúc đối với đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... Đúng là vai trò lớn và thách thức cũng không nhỏ.

Báo chí phải đi qua khó khăn, thách thức để thể hiện mình

Thời gian qua, bên cạnh những mặt mạnh là cơ bản thì hoạt động báo chí vẫn còn những hạn chế, bất cập xảy ra ở một số cơ quan báo chí, trên ấn phẩm điện tử. Có một số hành động nhân danh nhà báo, nhân danh công luận để thực hiện các hành vi tống tiền tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; Có hiện tượng phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cá biệt đã có phóng viên - nhà báo bị truy cứu trách nhiệm hình sự, gây mất uy tín đối với tòa soạn, gây mất niềm tin của người dân, của chính quyền các cấp và của doanh nghiệp đối với báo chí. Đó là điều không ai mong muốn và cũng không phải là phổ biến, nhưng không thể xem nhẹ được. Ở đây, ngoài khuyết điểm của cá nhân nhà báo, còn có phần trách nhiệm của lãnh đạo tòa soạn trong việc quản lý cán bộ, phóng viên. Nếu lãnh đạo tòa soạn nghiêm khắc, thường xuyên nhắc nhở, quán triệt cán bộ, phóng viên của mình thì sẽ hạn chế rất nhiều và khắc phục được tình trạng  “nhắm mắt làm liều” của một số ít phóng viên.

Sẽ là chưa đủ nếu không nhắc đến một thực trạng khác mà báo chí chịu áp lực. Đó là có nhiều độc giả xem báo, đọc báo nhưng lại ngộ nhận vai trò của báo chí trong việc phản ánh, phán xét, kết luận những hiện tượng, những vấn đề liên quan đến tiêu cực. Vì thế, họ đòi hỏi ở báo chí quá nhiều, nhất là khi so sánh thông tin có chừng mực, có  “định tính, định lượng” của báo chí với những bình luận, phán xét, suy diễn, phát ngôn đầy “cảm tính” và tùy tiện trên mạng xã hội. Đó là chưa kể có hiện tượng độc giả viết đơn, thư tố cáo tham nhũng, tiêu cực gửi đến cơ quan báo chí chỉ vì “tư thù”, vu khống, bôi nhọ… Thậm chí, có những trường hợp lợi dụng danh nghĩa chống tham nhũng, tiêu cực, bỏ tiền ra để mua chuộc nhà báo “vào cuộc” nhằm mục đích xấu… Báo chí cũng cần cảnh giác vấn đề này để không bị sa vào sai lầm không đáng có, mất thời gan và uy tín.

Để báo chí góp phần tích cực hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác quản lý báo chí phải theo kịp sự phát triển của mạng xã hội, cả về sự nhanh nhạy và cả về nội dung thông tin đầy đủ, chính thống và công khai, minh bạch, nhằm qua đó giúp độc giả không còn cảm giác rằng, mạng xã hội đang “thống lĩnh” và vượt trội về mặt thông tin so với báo chí chính thống. Thách thức từ mạng xã hội là rất lớn, nhưng thách thức lớn hơn cả chính là tư tưởng, tâm thế “không thắng” của không ít người làm báo trước tính chất lan tỏa nhanh của mạng xã hội; cùng với đó là hành động chưa kiên quyết, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý nhà nước về thông tin.

Mặt khác, về cơ chế, chính sách, trên cơ sở thực tiễn phát triển, cũng cần tiếp tục rà soát lại Luật Báo chí năm 2016 để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp hơn nữa, theo hướng thực sự cầu thị, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra, là hành lang pháp lý cho những người làm báo. Luật Báo chí nên là chế tài bổ sung cho công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội, vì chỉ với Luật An ninh mạng như hiện nay là chưa đủ. Đồng thời cần xem xét, nghiên cứu, từng bước xây dựng và hoàn thiện Luật Phản biện xã hội; để công chúng cũng như các nhà báo “bám chắc” vào đó mà tự tin hơn, dám nói, dám phản biện; phản biện đúng, hiệu quả, tích cực mà không lo “chệch hướng”.

Một điều nữa cũng quan trọng không kém. Đó là bản thân các phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí phải biết bảo vệ hình ảnh của mình trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, cần đưa những thông tin đúng đắn, chính xác, có ích cho độc giả, có lợi cho xã hội. Muốn vậy, ngoài trách nhiệm và khả năng tác nghiệp của mình, nhà báo phải luôn dựa vào quần chúng, lắng nghe tiếng nói của quần chúng, phản ánh hiện thực sinh động một cách nhạy bén để không bị đi chậm hoặc đi sau cuộc sống.

  • Tags: