Bảo hộ và khai thác thương mại sáng chế - Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Số lượng đăng ký sáng chế của một quốc gia cho thấy tiềm lực công nghệ, khả năng sáng tạo và phát triển kinh tế của quốc gia đó. Khai thác thương mại sáng chế có vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới công nghệ và là một nội dung chủ đạo trong chính sá

Số lượng đăng ký sáng chế của một quốc gia cho thấy tiềm lực công nghệ, khả năng sáng tạo và phát triển kinh tế của quốc gia đó. Khai thác thương mại sáng chế có vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới công nghệ và là một nội dung chủ đạo trong chính sách phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích kinh nghiệm của Nhật Bản về cải cách, đổi mới hệ thống pháp luật về sáng chế và rút ra một số gợi mở cho Việt Nam.

Từ khóa: Sở hữu trí tuệ; sáng chế; bảo hộ và khai thác thương mại đối với sáng chế; Nhật Bản

Abstract: Number of patents filing from one country shows her technology potentials, innovative capacity, and economic developments. Commercial exploitation of patents plays a very important role in technology innovation and is an essential content in each country’s policy for economic development. Within the scope of this article, the author provides an analysis of Japan's experience in reform and innovation of the legal system on patent and also a number of recommendations for Vietnam.

Keywords: Intellectual property; patents; protection and commercial exploitation of patents; Japan

Ảnh minh họa

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam đã coi sáng chế là một trong những đối tượng quan trọng của quyền sở hữu công nghiệp (SHCN). Sáng chế là một dạng tài sản trí tuệ (TSTT) đặc biệt, thuộc loại tài sản vô hình (TSVH) và đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới và phát triển. Bằng sáng chế không những tạo động lực cho nghiên cứu khoa học (NCKH) và đổi mới sáng tạo mà còn góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư và thúc đẩy chuyển giao công nghệ (CGCN). Sử dụng và khai thác thương mại hợp lý loại tài sản này sẽ làm gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT theo các chuẩn mực của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã dành sự quan tâm lớn việc bảo hộ và khai thác thương mại đối với sáng chế.

Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề khai thác thương mại đối với sáng chế còn tương đối mới; hơn nữa, theo truyền thống và thực tiễn đời sống pháp lý Việt Nam, quyền SHTT nói chung và quyền SHCN nói riêng chủ yếu được đề cập dưới góc độ dân sự. Sáng chế mới chỉ được đề cập theo hướng bảo hộ quyền SHCN, tức là, ở trạng thái “tĩnh” hơn là ở trạng thái “động” (khai thác, thương mại hóa -TMH). Do vậy, quy định của pháp luật của nước ta về hình thức khai thác thương mại đối với sáng chế vẫn còn khá nhiều bất cập và hạn chế.

Xác định được tầm quan trọng của việc khai thác TSTT, đặc biệt là sáng chế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan, đặc biệt là pháp luật về sáng chế, bảo đảm phù hợp các quy định của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam mới tham gia như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)[1], Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)[2], v.v.. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm đã thành công trong khuyến khích khai thác thương mại đối với sáng chế của các nước, trong đó có Nhật Bản có thể rút ra được một số giải pháp hữu ích cho Việt Nam.

1. Nhật Bản xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về sáng chế

-Xuất phát điểm

Là một quốc gia nghèo nàn về nguồn lực tự nhiên, Nhật Bản đã phải dựa vào việc thúc đẩy các nỗ lực sáng tạo thông qua quyền SHTT để phát triển. Tuy nhiên, chỉ đến thời kỳ Minh Trị (1868-1912), với sự quyết tâm phát triển đất nước, thực hiện chính sách mở cửa bằng cách du nhập văn hóa phương Tây, các quy định về sáng chế và các quyền SHTT mới được tạo ra.

Trước đó, dưới thời quân chủ quân sự Tokugawa (từ 1603 đến 1868), Nhật Bản đã thực hiện chính sách cấm sản xuất và bán các quần áo mới, đồ chơi, sách vở, các công cụ và thiết bị; bảo hộ các công nghệ lỗi thời hiện có, bảo vệ quyền sở hữu cá nhân đối với các quyền mang tính thương mại[3]. Điều này dẫn đến sự kém phát triển của Nhật Bản, nền kinh tế suy sụp, tiêu dùng bị hạn chế, các ngành công nghiệp không phát triển. Đứng trước thực trạng này, chính quyền mới thời kỳ Edo đã thực hiện chính sách cải cách, mở cửa, du nhập kiến thức mới từ phương Tây, đặc biệt là các công nghệ hiện đại nước ngoài nhằm vực dậy nền kinh tế cũng như các ngành công nghiệp của đất nước.

Vào cuối thế kỷ 19, Chủ tịch đầu tiên của Văn phòng Sáng chế Nhật Bản, ông Korekiyo Takahashi, trong chuyến thăm và làm việc tại Văn phòng Sáng chế Hoa Kỳ đã phát biểu: “Chúng tôi đã nhìn lại mình và nghiên cứu xem những quốc gia nào là các quốc gia vĩ đại nhất để học hỏi họ. Chúng tôi đã tự hỏi điều gì đã khiến Hoa Kỳ trở thành một quốc gia vĩ đại đến như vậy? và chúng tôi đã điều tra để nhận thấy rằng đó chính là nhờ vào sáng chế. Do vậy, chúng tôi sẽ phải có sáng chế”[4].

 -Hệ thống sáng chế của Nhật Bản đầu thời kỳ Minh Trị

Luật sáng chế đầu tiên của Nhật Bản đã ra đời vào đầu thời kỳ Minh Trị, năm 1871. Tuy nhiên, hệ thống này đã thất bại vì sau một năm, chỉ có một đơn đăng ký sáng chế về xe kéo tay được nộp vì lý do vào thời điểm này, Nhật Bản không có một thẩm định viên sáng chế nào được đào tạo bài bản[5].

Ngày 14/08/1885, Luật Độc quyền sáng chế đã ra đời[6]. Sau dó, Chủ tịch Văn phòng Sáng chế của Nhật Bản này sau đó đã trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính và thành Thủ tướng Nhật Bản, đã có tác động rất mạnh mẽ đến việc phát triển hệ thống sáng chế của Nhật Bản. Kết quả là ngay trong năm 1885, đã có 425 đơn đăng ký sáng chế được nộp theo luật sáng chế mới trong đó có 99 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; trong năm sau đó, số lượng đơn đăng ký đã tăng lên 1.384 đơn trong đó có 205 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ[7].  Một điểm đáng lưu ý là, do ban đầu, hệ thống bảo hộ sáng chế chỉ áp dụng cho công dân Nhật Bản nên dù có nhiều đơn sáng chế được nộp trong giai đoạn này, nhưng phần lớn là các công nghệ truyền thống của Nhật Bản. Do vậy, để thực hiện chính sách cân bằng lợi ích đồng thời cũng để thúc đẩy CGCN, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ việc nhập khẩu công nghệ[8].

Nhờ có luật về sáng chế này, một loạt sáng chế trong lĩnh vực cơ khí phục vụ phát triển nông và lâm nghiệp đã được cấp bằng ngay từ khi hệ thống bảo hộ sáng chế ra đời. Đầu tiên là các sáng chế của ông Kenzo Takabayashi, quận Saitama (phía Bắc Tokyo) về các thiết bị sản xuất trà. Các thiết bị máy móc sản xuất trà này sau đó không những được sử dụng để sản xuất trà cổ truyền địa phương Sayama mà còn được đưa vào sử dụng tại vùng Shizuoka (phía Tây Tokyo) và đã đem lại cho danh tiếng cho trà Shizuoka. Điều này đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho trà Shizuoka và giúp cho Shizuoka trở thành một vùng sản xuất trà nổi tiếng ngày nay[9]. Nhờ có hệ thống bảo hộ sáng chế của Nhật Bản, ông Takabayashi đã được cấp nhiều sáng chế khác liên quan đến các trang thiết bị và máy móc sản xuất trà và đã xuất khẩu các công nghệ này ra nước ngoài. Điều này cũng đã cho thấy tầm quan trọng của việc bảo hộ sáng chế trong việc khai thác thương mại đối với sáng chế và phát triển công nghệ của Nhật Bản.

    - Hệ thống sáng chế của Nhật Bản giai đoạn phục hồi Minh Trị (từ năm 1897)

Cuối thế kỷ 19, nhu cầu bảo hộ không biên giới các quyền SHTT đã được nhiều quốc gia trong đó có Nhật Bản ủng hộ và theo đuổi. Công ước Paris (1883) ra đời nhằm bảo đảm các quyền liên quan đến sự bảo hộ quyền SHCN. Năm 1890, Nhật Bản đã thiết lập một hệ thống luật pháp bảo hộ quyền SHCN hiện đại, gia nhập Công ước Paris và sửa đổi hệ thống quyền SHCN vào năm 1899 nhằm thúc đẩy việc CGCN từ nước ngoài. Những chính sách này của Nhật Bản đã thúc đẩy sự du nhập các công nghệ hiện đại của Phương Tây và phần lớn các công nghệ được chuyển giao đều được các kỹ thuật viên nước ngoài đến chuyển giao một cách chi tiết và cụ thể cho kỹ thuật viên bản địa có thể nắm bắt được toàn bộ công nghệ đó[11]. Các lĩnh vực công nghệ được chuyển giao rất đa dạng, trong đó bao gồm cả các công nghệ lĩnh vực cơ khí, đóng tàu, thủy tinh, xi măng, sản xuất thép, bia và sản phẩm hóa học. Có thể nói rằng, cùng với việc sửa đổi các điều ước thương mại với các nước khác, việc thiết lập một hệ thống bảo hộ sáng chế cho người nước ngoài thông qua việc sửa đổi Luật Độc quyền sáng chế (1899) là nguyên nhân quan trọng tạo đà cho sự tiến bộ và phát triển của nền công nghiệp Nhật Bản cũng như cho công cuộc hiện đại hóa của Nhật Bản ngày nay[12].

Việc sửa đổi Luật Độc quyền sáng chế đã đem lại cho người nước ngoài sự bảo hộ sáng chế thích đáng như sự bảo hộ dành cho người Nhật Bản. Điều này dẫn đến trình độ công nghệ của các sáng chế được nâng cao dần. Tuy nhiên, sự thay đổi trong các quy định về sáng chế đã tạo ra hố sâu ngăn cách về công nghệ giữa Nhật Bản và các nước phương Tây khác. Bởi lẽ, theo Công ước Paris, chỉ có các sáng chế đáp ứng tính mới so với thế giới và có trình độ sáng tạo mới được cấp bằng sáng chế. Do vậy, các cải tiến kỹ thuật nhỏ của người Nhật Bản không đáp ứng tiêu chuẩn của Công ước Paris và không được cấp bằng sáng chế.

Trên thực tế, các đơn xin cấp văn bằng bảo hộ (VBBH) sáng chế sẽ được thẩm định chặt chẽ hơn và được yêu cầu cao hơn về tính mới và trình độ sáng tạo. Trong khi các tác giả sáng chế nước ngoài nộp đơn xin cấp VBBH cho các sáng chế mang tính công nghệ tiên tiến thì phần lớn các sáng chế của Nhật Bản lại liên quan đến lĩnh vực thủ công và vật dụng hàng ngày có trình độ công nghệ thấp[13]. Kết quả là phần lớn các sáng chế của nước ngoài đã được cấp bằng và được bảo hộ trong khi chỉ một số ít sáng chế của người Nhật có trình độ kỹ thuật thấp hơn được cấp VBBH do đã có quy định pháp lý nhằm đối xử công bằng trong việc thẩm định đơn sáng chế giữa người nước ngoài và người Nhật.

Do đó, có ý kiến cho rằng, việc mở rộng khả năng bảo hộ sáng chế cho người nước ngoài đã làm cho sáng chế liên quan đến các vật dụng thông thường của người Nhật khó được cấp bằng và làm nản lòng các nhà sáng chế trong nước vì các đơn xin cấp bằng sáng chế cho các thiết bị đòi hỏi sự khéo léo thường bị từ chối[14]. Từ thực tế trên, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản nhận thấy rằng, cần phải bảo hộ những loại sáng chế trong lĩnh vực này; đồng thời, cần phải khuyến khích các nhà sáng chế Nhật Bản. Kết quả, năm 1905, nhằm mục đích bảo hộ các sáng chế nhỏ, cốt lõi, ứng dụng trong nước của người Nhật cũng như để bảo hộ “các thiết bị mới có khả năng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng”[15], Luật Mẫu hữu ích được ban hành[16].

Nhờ có hệ thống bảo hộ mẫu hữu ích này, số lượng đơn xin cấp bằng mẫu hữu ích đã vượt đơn xin cấp bằng sáng chế. Điều này cho thấy, hệ thống này đã đạt được kết quả ban đầu trong việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo chủ yếu mang tính bản địa đồng thời hỗ trợ cho ngành công nghiệp nhẹ của Nhật Bản phát triển[17].

- Hệ thống sáng chế của Nhật Bản giai đoạn cuối của thời kỳ Minh Trị (cuối thể kỷ 20)

Vào giai đoạn cuối của thời đại Minh Trị, do việc mở rộng sự bảo hộ sáng chế cho người nước ngoài, các dòng công nghệ từ nước ngoài chảy vào Nhật Bản đã tăng đáng kể và những công nghệ được nhập khẩu này đã trở thành nền tảng phát triển cho nền công nghiệp của Nhật Bản; đồng thời, làm gia tăng sức cạnh tranh của Nhật Bản trên trường quốc tế[18]. Trong cố gắng để hiện đại hóa nước nhà, sự bảo hộ sáng chế của Nhật Bản cho người nước ngoài đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự du nhập của các công nghệ từ nước ngoài trong cả khu vực nhà nước và tư nhân. Năm 1900, lần đầu tiên số lượng đơn đăng ký sáng chế của Nhật Bản đã vượt quá con số 2.000 (2.006)[19]. Một số công ty đã thành công trong việc đưa vào Nhật Bản các công nghệ nước ngoài. Liên doanh hợp tác đầu tiên của Nhật Bản với nước ngoài giữa Nippon Electric Limited Partnership (tiền thân của Tập đoàn NEC hiện nay) và Western Electric Company (WE) là một ví dụ điển hình cho thấy công ty Nippon Electric đã phát triển công nghệ riêng của mình đồng thời tích hợp được các công nghệ hiện đại khác thông qua việc hợp tác với công ty nước ngoài. Trong các điều khoản của hợp đồng hợp tác liên doanh, các điều khoản liên quan đến việc quản lý các quyền SHCN đã được đề cao. Đặc biệt, các điều khoản này đã chỉ rõ việc quản lý sáng chế ngay từ đầu thành lập liên doanh có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chiếm lĩnh thị trường. Bằng việc tập trung vào hoạt động R&D, Nippon Electric đã có được nhiều sáng chế nhờ vào việc áp dụng các công nghệ ban đầu để phát triển sản phẩm trong đó phải kể đến máy ghi điện kiểu Nippon Electric, tiền thân của máy fax ngày nay[20].

-Hệ thống sáng chế của Nhật Bản giai đoạn cuối thời kỳ Minh Trị đến ngày nay

Năm 1921, khi hệ thống đăng ký sáng chế ra đời, số lượng sáng chế dần tăng theo thời gian. Năm 1920, trên 10.000 đơn sáng chế đã được nộp, đến năm 1966, số lượng đơn đăng ký sáng chế tại Nhật Bản đã vượt ngưỡng 50.000 (55.970 đơn)[21].

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, một loạt các công nghệ hiện đại nhất từ các nước phương Tây đã du nhập vào Nhật Bản và các công nghệ này đã tạo nền tảng vững chắc cho các công ty Nhật Bản có được công nghệ riêng của mình sau một thời gian đồng thời giúp cho Nhật Bản có một kỷ nguyên mới phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế[22]. Năm 1959 Nhật Bản thông qua Luật Sáng chế mới[23]. Luật Sáng chế năm 1959 được coi là luật căn bản về sáng chế của Nhật Bản và có hiệu lực cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, Nhật Bản từng bước gia nhập các hiệp định quốc tế quan trọng có liên quan như Hiệp định TRIPS vào năm 1994, nỗ lực thay thế Hoa Kỳ đàm phán, chủ trì cho việc ra đời CPTPP hiện nay.

Không chỉ thành công với Luật Mẫu hữu ích, với mục tiêu dần mở rộng các đối tượng được bảo hộ là sáng chế, bằng nhiều quy định mới, Nhật Bản mở rộng dần phạm vi và đối tượng bảo hộ sáng chế. Năm 1975, các hợp chất dược phẩm; năm 1979, các vi khuẩn đã được đưa vào thành đối tượng bảo hộ sáng chế. Đến những năm 1980 các sản phẩm biến đổi gen đã được công nhận và được cấp bằng sáng chế. Năm 1988, sáng chế đầu tiên dành cho động vật đã được đăng ký. Năm 1997, Văn phòng Sáng chế ban hành hướng dẫn tạo điều kiện việc cấp bằng bảo hộ sáng chế cho phần mềm máy tính và công nghệ sinh học.

Số lượng sáng chế vẫn không ngừng tăng theo thời gian; năm 1972 có 102.948, năm 1993 - 361.985 đơn đăng ký sáng chế[24].

2. Những gợi mở cho Việt Nam

Có thể nói rằng, sáng chế đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển công nghệ và công nghiệp của Nhật Bản trong suốt hơn 100 năm qua đồng thời góp phần to lớn trong việc phát triển trí tuệ và ham muốn sáng tạo cho người dân Nhật Bản[25].

Hiện nay, Việt Nam là nước đang phát triển, công nghệ chủ yếu còn lạc hậu nên các doanh nghiệp Việt Nam rất cần được chuyển giao các công nghệ nước ngoài nhằm đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, chúng ta cũng cần bảo vệ các công nghệ nội sinh trước nguy cơ bị đánh cắp. Điều kiện của Việt Nam hiện nay có những nét tương tự giai đoạn phát triển của Nhật Bản cuối thời kỳ Minh Trị. Từ những kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển pháp luật về sáng chế, có thể rút ra một số gợi mở cho Việt Nam như sau:

1) Xây dựng quy định nhằm thúc đẩy việc đăng ký các giải pháp hữu ích

Qua lịch sử phát triển hệ thống bảo hộ sáng chế và khai thác thương mại đối với sáng chế của Nhật Bản có thể thấy rằng Nhật Bản đã có các quy định pháp lý phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Nhật Bản, khuyến khích được việc đăng ký sáng chế tại Nhật Bản qua việc cùng lúc đưa ra các quy định bảo hộ sáng chế chặt chẽ và mở rộng đăng ký các mẫu hữu ích. Nhờ đó, số lượng sáng chế của Nhật Bản tăng lên rõ rệt. Do vậy, chúng ta cũng cần có các quy định bảo hộ và khai thác thương mại sáng chế cho phù hợp từng giai đoạn phát triển để tăng số lượng sáng chế được bảo hộ và qua đó tăng số lượng sáng chế được khai thác thương mại. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước thách thức của hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, cạnh tranh mạnh mẽ nên rất cần các quy định pháp lý phù hợp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo hộ và khai thác thương mại sáng chế.

2) Mở rộng đối tượng được cấp bằng sáng chế           

   Theo quy định của Điều 59 Luật SHTT năm 2005, các đối tượng sau không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:

a) Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

b) Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi,kinh doanhchương trình máy tính;

c) Cách thức thể hiện thông tin;

d) Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

e) Giống thực vật, giống động vật;

f) Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

g) Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

Kinh nghiệm của Nhật Bản cũng cho thấy, trong số các đối tượng trên, có một số đối tượng cần được mở rộng khả năng bảo hộ sáng chế:

Thứ nhất, chương trình máy tính: Chương trình máy tính cũng phần nào mang tính chất kỹ thuật nhưng giống như pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, pháp luật về bảo hộ sáng chế của Việt Nam từ trước đến nay đều không bảo hộ sáng chế đối tượng này[26]. Có những lý do giải thích cho việc không bảo hộ sáng chế chương trình máy tính và phần mềm máy tính như: khó mà xác định được tính mới của phần mềm máy tính hoặc chương trình máy tính; chương trình và phần mềm máy tính được viết và thực hiện các phép toán lôgic bằng những câu lệnh hoặc mã khóa nhất định theo hệ nhị phân với các số 0 và 1 của phương pháp toán học... Trong khi đó, mặc dù Nhật Bản là nước phát triển nhưng pháp luật SHTT Nhật Bản vẫn bảo hộ sáng chế cho chương trình máy tính[27]. Điều này giúp cho Nhật Bản phát triển mạnh mẽ ứng dụng phần mềm, đặc biệt trong điều kiện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, Việt Nam cần sớm xem xét, bổ sung bảo hộ chương trình máy tính dưới dạng sáng chế.

Thứ hai, giống cây trồng: Giống cây trồng cũng mang bản chất kỹ thuật và đáp ứng đầy đủ điều kiện bảo hộ sáng chế nhưng do có những đặc trưng riêng biệt nên đối tượng này đã không được bảo hộ dưới dạng sáng chế mà được bảo hộ theo một hệ thống riêng biệt (bảo hộ quyền đối với giống cây trồng) tại Việt Nam[28]. Mặc dù, trên thế giới các quốc gia cũng có những quy định khác nhau về bảo hộ giống cây trồng, nhưng Nhật Bản là quốc gia bảo hộ giống cây trồng mới dưới dạng sáng chế. Điều này là một trong những nguyên nhân giúp nền nông nghiệp của Nhật Bản phát triển như ngày nay. Trong điều kiện là nước nông nghiệp, Việt Nam cũng xem xét việc bảo hộ sáng chế cho giống cây trồng mới để tăng số lượng sáng chế được đăng ký và bảo hộ tại Việt Nam.

Thứ ba, giống động vật: Tại Việt Nam, giống động vật không được bảo hộ dưới dạng sáng chế. Quy định pháp lý này cũng phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo hộ quyền SHCN. Có thể thấy rằng, giống động vật không đáp ứng đủ các điều kiện về bảo hộ sáng chế. Giống động vật được lai tạo có thể đáp ứng điều kiện về tính mới và trình độ sáng tạo nhưng khó đáp ứng điều kiện về khả năng áp dụng công nghiệp. Cụ thể, về bản chất sinh học, giống lai động vật thế hệ 1 và thế hệ 2 có thể tương đồng nhưng đến thế hệ 3 thì có thể không tương đồng thế hệ 1 và 2. Tuy nhiên, đối với giống động vật biến đổi gen, một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản đã đã đưa vào đối tượng bảo hộ sáng chế. Trong thời gian tới Việt Nam cần xem xét đưa giống động vật biến đổi gen vào đối tượng bảo hộ sáng chế để tăng số lượng đơn đăng ký và bằng sáng chế trong tương lai./. 

TS Phan Quốc Nguyên

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội


[1] Xem toàn văn nội dung Hiệp định CPTPP bằng tiếng Anh tại https://www.mfat.govt.nz/assets/CPTPP/Comprehensive-and-Progressive-Agreement-for-Trans-Pacific-Partnership-CPTPP-English.pdf.

[2] Xem toàn văn nội dung Hiệp định EVFTA bằng tiếng Anh tại http://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id=1437.

[3] Quy định này được ghi nhận tại Pháp lệnh Cấm sáng tạo đồ vật mới của Chính phủ Quân sự tháng 07 năm 1721. Nguồn: Institute of Intellectual Property, Experience of Japan – Contribution by the Patent System to Industrial Development of Japan, Tokyo, 2001, tr.14.

[4] The Story of the United States Patent Office, Văn phòng Sáng chế/Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Washington D.C., 1972, tr.20.

[5] Xem thêm Christopher Heath and Kung-Chung Liu, Legal rules of Technology transfer in Asia, KLUWER LAW INTERNATIONAL, 2002, tr.100.

[6] Xem bài viết First Japanese patent was issued this day in 1885, xem chi tiết tại www.patentyogi.com, truy cập ngày 24/06/2021.

[7] Christopher Heath and Kung-Chung Liu, Legal rules of Technology transfer in Asia, KLUWER LAW INTERNATIONAL, 2002, tr.100.

[8] Institute of Intellectual Property, Experience of Japan – Contribution by the Patent System to Industrial Development of Japan, Tokyo, 2001, tr.25.

[9] Institute of Intellectual Property, Experience of Japan – Contribution by the Patent System to Industrial Development of Japan, sách đã dẫn, tr. 25-26.

[10] Hình minh họa được trích từ http://www.city.hidaka.lg.jp/DAT/LIB/WEB/1/p24.pdf.

[11] Institute of Intellectual Property, Experience of Japan – Contribution by the Patent System to Industrial Development of Japan, Sđd, tr.26.

[12] Institute of Intellectual Property, Experience of Japan – Contribution by the Patent System to Industrial Development of Japan, Sđd, tr. 30-32.

[13] Institute of Intellectual Property, Experience of Japan – Contribution by the Patent System to Industrial Development of Japan, Sđd, tr. 35.

[14] Như trên.

[15] Institute of Intellectual Property, Experience of Japan – Contribution by the Patent System to Industrial Development of Japan, Sđd, tr. 35-36.

[16] Xem phiên bản tiếng Anh Luật Mẫu Hữu ích của Nhật Bản tại www.jpo.go.jp.

[17] Institute of Intellectual Property, Experience of Japan – Contribution by the Patent System to Industrial Development of Japan, Sđd, tr. 36.

[18] Institute of Intellectual Property, Experience of Japan – Contribution by the Patent System to Industrial Development of Japan, Sđd, tr. 38.

[19] Christopher Heath and Kung-Chung Liu, Legal rules of Technology transfer in Asia, 2002 sách đã dẫn, trang 100.

[20] Institute of Intellectual Property, Experience of Japan – Contribution by the Patent System to Industrial Development of Japan, Sđd, tr. 39-40.

[21] Số liệu này được trích từ Tokkyo Chô, Tokkyo seidô 70 nen shi, Tokyo, 1955, trang 134; Tokkyo Chô, 100 Years of History of the Industrial Property System, Vol. 3, Tokyo, 1985, trang 756 và Tokkyo Chô, The Following 10 Years of Industrial Property System¸Tokyo, 1995, tr. 345.

[22] Institute of Intellectual Property, Experience of Japan – Contribution by the Patent System to Industrial Development of Japan, Sđd, tr. 56.

[23] Xem phiên bản tiếng Anh Luật Sáng chế năm 1959 của Nhật Bản (Luật số 121 ngày 13 tháng 04 năm 1959) tại www.japaneselawtranslation.go.jp.

[24] Christopher Heath and Kung-Chung Liu, Legal rules of Technology transfer in Asia, 2002, Sđd, tr. 100.

[25] Institute of Intellectual Property, Experience of Japan – Contribution by the Patent System to Industrial Development of Japan, Sđd, tr. 49.

[26] Pháp luật về bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam định nghĩa “Chương trình máy tính” là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy (Điều 22.1, Luật SHTT).

[27] Xem thêm Phan Quốc Nguyên (chủ biên), Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ phục vụ Đổi mới Sáng tạo, Nxb. Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2020, tr. 55-56.

[28] Theo khoản 24 Điều 4 Luật SHTT Việt Nam thì giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống[28] và vật liệu thu hoạch[28] (khoản 3 Điều 3 Luật SHTT). Theo Điều 158 Luật SHTT về điều kiện chung đối với giống cây trồng được bảo hộ thì giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.

  • Tags: