Bộ Nội vụ với vai trò cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước

PLQL - Năm 2020, Bộ Nội vụ với tư cách Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đang tiến hành chỉ đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tổng thể cải các

PLQL - Năm 2020, Bộ Nội vụ với tư cách Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đang tiến hành chỉ đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020; chuẩn bị đề xuất để Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, với nhận thức cải cách bộ máy nhà nước, cải cách hành chính là một bộ phận quan trọng của tiến trình đổi mới cải cách hệ thống chính trị nước ta trong suốt thời kỳ quá độ trên cơ sở vừa tiến hành cải cách, điều chỉnh và xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả là một quá trình khó khăn với nhiều thách thức cần được đúc rút kinh nghiệm và sáng tạo cách làm mới hiệu quả.

Ảnh minh họa

1. Bối cảnh tiến hành cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975, Việt Nam bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn; trong suốt 10 năm (1975 - 1985), khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng của thời kỳ bao cấp, kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, nạn thiếu lương thực, hàng tiêu dùng trầm trọng, đầu những năm 1980 được coi là xuống tới đáy. Bên cạnh đó, hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978 và biên giới phía Bắc (tháng 02/1979), kéo theo sự bao vây cấm vận của Mỹ đã làm nghiêm trọng hơn nền kinh tế và an ninh quốc gia, đã đặt đất nước ta vào những thách thức mới trong khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau hòa bình.

Nhiều sáng kiến, phá rào trong nông nghiệp, công nghiệp, thương mại xuất hiện để cởi trói và tìm cách phá thế bao vây của các nước lớn. Trong đó, trên mặt trận ngoại giao Nhà nước ta đã tích cực vận động để cho nhân dân thế giới hiểu đúng về sự tự vệ của Việt Nam là thực hiện nghĩa vụ cao cả giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đã đem lại những hy vọng mới cho phát triển, kiến thiết đất nước sau chiến tranh.

Đại hội ĐBTQ lần thứ V của Đảng (năm 1981) đã mở ra thời kỳ mới với hàng loạt các chủ trương, chính sách được ban hành, tạo tiền đề cho chiến lược đổi mới tại Đại hội ĐBTQ lần thứ VI của Đảng (năm 1986). Chủ trương khoán 100, khoán 10 đầu những năm 1980 trong lĩnh vực nông nghiệp đã đưa đất nước không những thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực, mà bước đầu còn có xuất khẩu gạo, qua đó đã làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn và đất nước.

Đại hội ĐBTQ lần thứ VI, với tư duy đổi mới toàn diện, Đảng ta đã có một quyết định chiến lược cho sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường - từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch tập trung, quan liêu bao cấp, là cơ sở để huy động mọi nguồn lực của đất nước bắt đầu từ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Việc chuyển đổi thể chế kinh tế thị trường đòi hỏi khách quan phải đổi mới hệ thống chính trị, cải cách bộ máy nhà nước cho phù hợp với sự thay đổi của cải cách kinh tế.

Trong khi đó, tình hình thế giới có những biến động lớn chưa từng có, Liên Xô (từ năm 1986 đến năm 1990) tiến hành cải tổ về chính trị với tư duy mới đã kéo theo sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Đây là sự khủng hoảng nghiêm trọng của mô hình chủ nghĩa xã hội, làm đảo lộn từ nhận thức tới thực tiễn, buộc các nước xã hội chủ nghĩa phải điều chỉnh, phải thay đổi, trong đó có Việt Nam.

Quá trình lựa chọn con đường phát triển mới của Việt Nam đã xuất hiện đường lối đổi mới, cải cách kinh tế, cải cách bộ máy nhà nước cho phù hợp với mô hình phát triển kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội ĐBTQ lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) và cải cách cơ bản bộ máy nhà nước phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là sự lựa chọn có tính cách mạng - trong thực hiện đường lối đổi mới cần giải quyết hàng loạt vấn đề cơ bản từ nhận thức lý luận tới phương thức và cách thức tổ chức nhà nước của thời kỳ phát triển mới.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 2, khóa VII đã đưa ra các giải pháp cơ bản của cải cách bộ máy nhà nước. Việc ban hành Hiến pháp năm 1992 là cụ thể hóa chủ trương đổi mới, cải cách của Đại hội ĐBTQ lần thứ VII và Nghị quyết Trung ương lần thứ 2, khóa VII. Trong đó xác lập thể chế kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Điều này đã làm thay đổi cơ bản về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của bộ máy nhà nước. 

Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (Bộ Nội vụ hiện nay) được xác định là một bộ thành viên của Chính phủ, tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong thực hiện các mục tiêu cải cách bộ máy nhà nước và trọng tâm là cải cách hành chính nhà nước, một công việc rất mới mẻ và phức tạp. Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2020, Bộ Nội vụ đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ tham mưu hoạch định đường lối và chính sách cải cách, đem lại những kết quả quan trọng và được ghi nhận.

2. Từ tham mưu hoạch định đường lối, chủ trương đổi mới, cải cách tới xác định chiến lược cải cách hành chính nhà nước

Từ xác định khái niệm “cải cách hành chính nhà nước” trong Nghị quyết số 08-NQ/HNTW ngày 23/01/1995 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính.

 - Để đưa khái niệm “cải cách hành chính nhà nước” vào các văn kiện của Đảng và Nhà nước, Bộ Nội vụ đã có một quá trình chuẩn bị, nghiên cứu từ nhận thức lý luận khoa học, thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), của cộng đồng quốc tế.

Bộ Nội vụ nhận thức công tác tổ chức và cán bộ có tính khoa học và có quy luật vận hành, do đó từ năm 1990 đã thành lập Trung tâm thông tin và nghiên cứu khoa học, sau đó  thành Viện Nghiên cứu khoa học tổ chức nhà nước vào năm 1994. Trong thời gian này, Bộ Nội vụ đã tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật của UNDP là cải cách nền hành chính - kinh nghiệm quốc tế (1991-1993) do Bộ trưởng Phan Ngọc Tường làm Giám đốc Chương trình, với sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp. Kết quả của Dự án đã đưa ra hệ thống khái niệm về cải cách hành chính, cải cách bộ máy nhà nước, các yếu tố cấu thành của nền hành chính, những bất cập của nền hành chính cũ của Việt Nam và những vấn đề đặt ra cần cải cách là kết quả quan trọng của Dự án, qua đó đề xuất, kiến nghị Đảng, Nhà nước chính thức sử dụng khái niệm cải cách hành chính và khuôn khổ của nền hành chính mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa VII (năm 1995) là một nghị quyết chuyên đề cải cách bộ máy nhà nước ta mà trọng tâm là cải cách nền hành chính. Như vậy, từ năm 1995 khái niệm “cải cách hành chính” mới chính thức được đưa vào nghị quyết của Đảng và các văn bản của Chính phủ.

- Năm 1995, Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đây là thời cơ mới cho mở rộng các quan hệ quốc tế và đưa Việt Nam gắn với thế giới văn minh, với nhiều tri thức và kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường và cải cách hành chính. Bộ Nội vụ, Chính phủ đã có điều kiện tiếp thu các dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách bộ máy nhà nước, cải cách hành chính của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, UNDP, ADB, WB, IMF, EU và các quốc gia song phương.

- Năm 2000 và năm 2001, Bộ Nội vụ đã tiến hành Dự án nghiên cứu cơ bản chiến lược cải cách hành chính của Việt Nam với sự hỗ trợ của UNDP và cộng đồng quốc tế. Sau 02 năm nghiên cứu, khảo sát trong nước và quốc tế, Bộ Nội vụ đã được Chính phủ giao nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Nội vụ giữ vai trò Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tập hợp và huy động sự tham gia của các cơ quan khoa học có liên quan của Đảng, Nhà nước, các nhà lãnh đạo của một số bộ, ngành như: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương… và các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý có uy tín. Kết quả sau hai năm đã xây dựng xong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 được đánh giá là một văn bản chiến lược về cải cách hành chính nhà nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về 04 nội dung của Chương trình (cải cách thể chế nền hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách công chức, công vụ và hiện đại hóa nền hành chính với chính phủ điện tử và chính quyền điện tử). Đây có thể nói là “visa” của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Trước đó, Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ cùng một số bộ, ngành đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38-CP ngày 04/4/1994 về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức trên 07 lĩnh vực trọng yếu nhất nhằm tháo gỡ các lực cản trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Có thể nói, đây là vấn đề có tính khởi động về cải cách hành chính ở nước ta nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc, khó khăn trong giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp ở tất cả các cấp từ trung ương tới cơ sở một cách nhanh chóng, thuận lợi.

- Việc sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm, giai đoạn 1 (2001-2005) và cả chương trình (2001- 2010) đã được Bộ Nội vụ và Ban Thư ký cải cách hành chính của Chính phủ chỉ đạo sát sao, kiên quyết. Trong đó, Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký đã triển khai thực hiện một chương trình làm việc trực tiếp, tại chỗ kiểm tra tất cả các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước với sự tham gia của lãnh đạo cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và lãnh đạo các sở, quận, huyện đã tạo sự khích lệ rất tích cực đối với việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010.

- Bộ Nội vụ đã tiến hành tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 trình Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 30c-NQ/CP ngày 08/11/2011. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã được điều chỉnh, bổ sung thành 06 nội dung cơ bản: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

- Năm 2020, Bộ Nội vụ với tư cách Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đang tiến hành chỉ đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020; chuẩn bị đề xuất để Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, với nhận thức cải cách bộ máy nhà nước, cải cách hành chính là một bộ phận quan trọng của tiến trình đổi mới cải cách hệ thống chính trị nước ta trong suốt thời kỳ quá độ trên cơ sở vừa tiến hành cải cách, điều chỉnh và xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả là một quá trình khó khăn với nhiều thách thức cần được đúc rút kinh nghiệm và sáng tạo cách làm mới hiệu quả.

3. Bộ Nội vụ với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước

Một là, chủ trì triển khai các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính.

Bộ Nội vụ trong vai trò chủ trì triển khai các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính đã quán triệt yêu cầu tinh giản bộ máy của Chính phủ, cơ cấu các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Tham mưu cho Chính phủ và trình Quốc hội sắp xếp lại các cơ quan thuộc và trực thuộc Chính phủ để giảm từ 76 đầu mối năm 1986 xuống còn 30 bộ, cơ quan ngang bộ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; giảm cơ cấu các bộ, ngành, các tổ chức liên ngành ở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 30 đến 35 xuống còn trung bình 20; cấp huyện còn trung bình 10 phòng, ban và tiếp tục đề xuất tham mưu cơ cấu Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục giảm xuống dưới 20 trong các khóa tiếp theo.

Quy định tiêu chí tổ chức các bộ, ngành, địa phương theo nguyên tắc tổ chức đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở khoa học tổ chức, cải cách, chuyển đổi chức năng của bộ máy quản lý nhà nước theo hướng “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn”. Chính phủ, chính quyền làm đúng việc quản lý nhà nước, không trực tiếp quản lý sản xuất kinh doanh, không quản lý trực tiếp các tổ chức sự nghiệp công. Đây là sự thành công rất lớn trong công tác tham mưu của Bộ Nội vụ với Đảng và Nhà nước về tổ chức bộ máy hành hành chính trong điều kiện mới. 

Hai là, chủ trì thực hiện cải cách công chức, công vụ.

Bộ Nội vụ đã từng bước đề xuất hoàn thiện pháp luật về công chức, công vụ từ Pháp lệnh Cán bộ, công chức tới Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức theo hướng chuyển công chức từ công vụ chức nghiệp sang công vụ vị trí việc làm, tạo lập cơ sở để xác định quyền trách nhiệm và tiêu chuẩn của công chức, viên chức nhà nước. Từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng thành thạo của công chức trong nền công vụ từng bước hiện đại, đổi mới chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý từng công vụ theo hướng thực tài; đề cao năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ và văn hóa công vụ. 

Ba là, trách nhiệm trong cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức.

Đây là công việc được Bộ Nội vụ quan tâm và đề cao trách nhiệm trong cải cách và các chính sách cùng chế độ tiền lương công chức. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và từ nhận thức chưa thống nhất trong các cơ quan có trách nhiệm về cải cách tiền lương, nên hệ thống tiền lương công chức vẫn chưa được hoàn thiện. Mặt khác, tiền lương chưa thật sự là động lực và góp phần phát huy hết năng lực, sở trường của công chức trong thực thi công vụ; tình trạng quan liêu tham nhũng, gây nhiều bức xúc cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Bốn là, Bộ Nội vụ có nhiều nghiên cứu, sáng kiến, đề xuất với Chính phủ về các hình thức, phương pháp thực hiện cải cách có hiệu quả, cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân.

Sáng kiến đưa ra mô hình tổ chức hành chính một cửa, một cửa liên thông đã được thực hiện từ đầu những năm 2000 đối với chính quyền cơ sở, qua đó mang lại nhiều thuận tiện của các cơ quan hành chính. Cụ thể là việc chuyển từ nền hành chính quan liêu, cơ chế “xin cho” sang nền hành chính phục vụ cùng với sáng kiến của địa phương về mô hình “Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh” đã cải thiện đáng kể mối quan hệ phục vụ của cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Qua 20 năm thực hiện mô hình một cửa đã đem lại hiệu quả và tác động xã hội to lớn, để lại ấn tượng sâu sắc của việc chuyển đổi nền hành chính.

Năm là, việc đề xuất thực hiện chủ trương hiện đại hóa công sở và điện tử hóa Chính phủ - chính quyền điện tử là một quyết tâm nhất quán của Bộ Nội vụ trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước từ đầu những năm 2000.

Đây là vấn đề triển khai chậm, việc đôn đốc các cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước trên lĩnh vực này còn thiếu kết nối, khả năng đầu tư thiếu tập trung và còn phân tán, nên sau 20 năm vẫn chưa liên thông toàn bộ hệ thống từ Trung ương đến địa phương; các cơ sở dữ liệu cơ bản vẫn chưa hoàn chỉnh, hệ thống kết nối để xử lý hệ thống chưa hoàn thành, do đó làm giảm hiệu quả quản lý và chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và xây dựng Chính phủ điện tử.

Sáu là, về công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra.

Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, đề xuất hệ thống các tiêu chí, chỉ số đánh giá cải cách hành chính: như Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Từ năm 2017 đến nay, việc công bố các chỉ số hàng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tất cả các bộ, ngành là một công cụ tốt để kiểm tra, đánh giá kết quả cải cách hành chính của các cấp.

Việc duy trì chế độ báo cáo tháng, quý, năm của các địa phương, bộ, ngành cho Chính phủ thông qua Bộ Nội vụ cũng là một kết quả quan trọng để nắm tiến trình cải cách hành chính, giúp Chính phủ có chỉ đạo kịp thời kể cả phát huy sáng kiến và xử lý kịp thời các sai sót của địa phương, bộ, ngành trong thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

Bảy là, chủ trì triển khai công tác tuyên truyền về cải cách hành chính và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn công tác cải cách hành chính cho các địa phương, bộ, ngành.

Bộ Nội vụ thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để chuyển tải những văn bản, chính sách mới liên quan đến công các cải cách hành chính một cách kịp thời đến với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Ngoài ra, những kết quả trong công tác cải cách hành chính đã được đăng tải trong các bài viết trên Tạp chí Tổ chức nhà nước xuất bản hàng tháng; Tờ Thông tin cải cách hành chính của Viện Khoa học Tổ chức nhà nước; Tạp chí Quản lý nhà nước của Học viện Hành chính Quốc gia… và một số tạp chí của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, là những kênh tuyên truyền rất có hiệu quả trong tiến trình cải cách hành chính nhà nước. Hàng năm, Bộ Nội vụ đều tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho công chức chuyên trách công tác cải cách hành chính về các chủ trương, chính sách cải cách mới, nâng cao năng lực tổ chức, triển khai, thực hiện cải cách hành chính ở bộ, ngành, địa phương.

Với vai trò là cơ quan tham mưu và thường trực triển khai thực hiện các Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, Bộ Nội vụ đã chủ động đề xuất các hình thức, phương pháp thực hiện; các nội dung cải cách luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nội vụ và của cán bộ, công chức ngành Nội vụ trong cả nước.

Các kết quả thực hiện cải cách hành chính trong hơn 20 năm qua do Bộ Nội vụ chủ trì tham mưu và triển khai thực hiện đã góp phần rất quan trọng vào tiến trình cải cách cơ bản bộ máy nhà nước để chuyển quản lý nhà nước từ vi mô sang vĩ mô; từ trực tiếp sang gián tiếp bằng pháp luật, chính sách và kiểm tra, kiểm soát toàn xã hội. Chuyển từ cơ chế quản lý xin - cho sang phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển là một quá trình cải cách phức tạp lâu dài cần được Đảng, Nhà nước kiên định và thực hiện nhất quán nhằm nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đưa đất nước phát triển theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế./.

------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội ĐBTQ các khóa V, VI, VII, XI, XII.

2. Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013.

3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

4. Chính phủ, Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

5. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa VII, năm 1995.

6. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa VIII, năm 1999.

7. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 2 khóa VII, năm 1991.

8. Bộ Nội vụ, Báo cáo Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

9. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

10. Luật Viên chức năm 2010.

11. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2003 và năm 2015.

12. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

  • Tags: