Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo và vấn đề chủ thể pháp luật

PLQL - Bài viết đưa những lập luận cho cách tiếp cận về mặt pháp luật đối với robot trong tương lai gần và liên hệ cụ thể trong các lĩnh vực pháp luật dân sự, bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về tiêu chuẩn quy chuẩn, pháp luật về lao động góp phần làm sá

PLQL - Bài viết đưa những lập luận cho cách tiếp cận về mặt pháp luật đối với robot trong tương lai gần và liên hệ cụ thể trong các lĩnh vực pháp luật dân sự, bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về tiêu chuẩn quy chuẩn, pháp luật về lao động góp phần làm sáng rõ hơn những lập luận này.

Ảnh minh họa - Internet 

1. Trí tuệ nhân tạo và sự thu hẹp khoảng cách về năng lực tư duy cảm xúc giữa người và người máy
Một trong những vấn đề đặt ra đối với khoa học pháp lý khi nghiên cứu những tác động pháp luật của cách mạng công nghiệp 4.0 là liệu các tiến bộ khoa học mà cuộc cách mạng này mang lại, đặc biệt là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, có làm thay đổi quan niệm truyền thống về chủ thể của pháp luật. Những băn khoăn này xuất hiện khi công nghệ trí tuệ nhân tạo đã tiến những bước rất xa và tạo ra được những cỗ máy có khả năng xử lý thông tin độc lập ở cấp độ cao, có thể thể hiện cảm xúc, có thể giao tiếp, vượt rất xa những cỗ robot đầu tiên và có vẻ đang tiến gần hơn đến đích trên con đường xóa nhòa khoảng cách giữa máy và người… Những băn khoăn đó tỏ ra có cơ sở hơn trước những sự kiện như người máy có tên Sophia được Ả-rập Xê-út công nhận là công dân[1], hay khi con người đối mặt với thực tế là ngày càng có nhiều vị trí làm việc bị người máy thay thế và bản thân nhà phát triển phần mềm nổi tiếng thế giới Bill Gate cũng cho rằng người máy lấy đi việc làm của con người nên cần phải đánh thuế[2], thậm chí nhà vật lý lừng danh Stephen Hawking còn cảnh báo nguy cơ trí tuệ nhân tạo được phát triển đến mức cao siêu hơn con người và thay thế con người để tạo ra một xã hội mới[3].
Không phải đến khi có Sophia thì con người mới được cảnh báo về sự tham gia ngày càng sâu của robot vào các khía cạnh của đời sống con người. Nếu như trước đây, chúng ta thường chỉ nghe về robot với khả năng thay thế các công việc chân tay đơn giản, lặp đi lặp lại[4] thì gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đang được nghe vô số những câu chuyện về việc robot tham gia vào cung cấp các dịch vụ có tính tương tác cao như phục vụ nhà hàng, phục vụ trong gia đình hoặc chuyên môn sâu như bác sĩ, luật sư[5]… Robot cũng có khả năng sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật[6] và thậm chí có khả năng tạo ra cảm xúc đối với con người[7]… Tất cả những điều đó dẫn tới cảm giác robot một ngày nào đó sẽ tham gia vào đời sống xã hội giống như con người và pháp luật sẽ phải công nhận nó là một chủ thể.
2. Chủ thể pháp luật dưới góc nhìn của pháp luật dân sự
Câu hỏi “liệu robot có thể trở thành chủ thể của pháp luật?” trước hết và hơn hết phải là câu hỏi đặt ra cho lĩnh vực pháp luật dân sự. Dưới góc độ của pháp luật dân sự, trở thành chủ thể của pháp luật có nghĩa là có quyền riêng, có nghĩa vụ riêng và quan trọng hơn cả, phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Năng lực này vốn gắn với con người (tự nhiên nhân) và nhóm những con người khi được tổ chức chặt chẽ, có tài sản riêng, có quy chế tổ chức riêng (pháp nhân). Đó là những thực thể vận động, có nhận thức, có ý chí và có sự tự do ý chí. Vậy robot liệu có thể đáp ứng các yếu tố này?
Khi cùng nhau tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Pháp luật nên quan niệm về robot như thế nào, giáo sư luật Neil M. Richard và phó giáo sư về khoa học máy tính William D. Smart quay trở lại định nghĩa khái niệm robot. Theo hai học giả này, robot là một thực thể được chế tạo để có thể thực hiện cả các hành vi vật lý và hành vi tư duy, nhưng không phải là thực thể sống về mặt sinh học. Định nghĩa này khẳng định robot là một cỗ máy chuyển động, có thể đưa ra những quyết định có lý trí và đặc biệt phải là một thực thể có thể quan sát được.
Định nghĩa căn bản về robot đã cho thấy sự khác biệt của robot với tư cách là một cỗ máy với con người với tư cách là một cơ thể sống, điều đó đã loại trừ cơ sở của việc bảo vệ quyền của robot như với tư cách một con người. Muốn có robot, người ta phải chế tạo ra nó hoặc mua nó. Bạn không thể mua một con người. Pháp luật không chấp nhận việc mua bán người. Sự khác biệt về bản chất đưa đến sự khác biệt trong cách đối xử của pháp luật. Pháp luật sẽ bảo vệ robot với tư cách là một tài sản, chứ không bảo vệ với tư cách một con người.
Về ý chí, robot được thiết kế theo ý muốn của người tạo ra nó, nó được điều khiển và có thể tắt, bật theo ý muốn của người tạo ra nó. Như vậy, robot không có tự do ý chí, tự do hành động và đó cũng chính là sự khác biệt so với con người. Sự khác biệt này là cơ sở cho sự khác biệt về trách nhiệm. Hành động của robot xuất phát từ ý muốn của người quản lý, vận hành robot và vì vậy, người quản lý, vận hành robot sẽ phải chịu trách nhiệm. Vấn đề đặt ra là hành động của robot đôi khi không tuân theo ý muốn của người quản lý, vận hành nó. Khi đó, nếu có hậu quả xảy ra thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Trong trường hợp này, người ta sẽ phải nhìn lại quá trình thiết kế và chế tạo robot. Việc không tuân theo ý muốn của người quản lý, vận hành có thể là do chủ đích hoặc là lỗi của người thiết kế, chế tạo. Khi đó, người thiết kế, chế tạo sẽ phải chịu trách nhiệm. Tức là sẽ luôn có người phải chịu trách nhiệm cho những hành động của robot. Vì vậy, robot không cần và không thể trở thành chủ thể của pháp luật.
3. Ứng xử pháp luật với robot - từ một số lĩnh vực pháp luật cụ thể
3.1. Ứng xử pháp luật với robot dưới góc độ pháp luật về trách nhiệm sản phẩm
Tưởng tượng bạn mua robot về để làm việc nhà (quét dọn, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo...). Tất nhiên người bán phải nói với bạn rằng robot đó có khả năng đáp ứng yêu cầu của bạn trước khi bạn quyết định mua nó. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu con robot đó không rửa bát được cho bạn? Trước hết, cần xem bạn có vận hành nó theo đúng chỉ dẫn hay không? Nếu theo hướng dẫn sử dụng thì con robot chỉ có thể rửa bát bằng cách vận hành máy rửa bát. Bạn không thể bắt nó rửa bát trong chậu và sử dụng nước vặn từ vòi được. Nếu bạn không có máy rửa bát, đó là lỗi của bạn. Còn nếu bạn đã làm đúng mọi hướng dẫn mà con robot vẫn không thể rửa bát, đó có thể là lỗi của người bán đã quảng cáo quá mức về khả năng của robot hoặc đã bán cho bạn một sản phẩm không đạt chuẩn. Người bán sẽ phải thực hiện trách nhiệm bảo hành, đổi, trả sản phẩm tùy thuộc vào từng trường hợp. Còn nếu con robot đó tấn công và làm bạn bị thương thì sao? Chế định về trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu người sản xuất phải chịu trách nhiệm về những khuyết tật của sản phẩm. Nếu việc robot làm bạn bị thương là do lỗi từ quá trình chế tạo, trách nhiệm đương nhiên thuộc về nhà sản xuất. Nhà sản xuất có thể xác định lỗi do thiết kế, lỗi do lắp ráp, lỗi do lập trình... đó là việc của họ. Nếu robot làm bạn bị thương do cách thức vận hành, bảo quản nó những yếu tố gây nguy hiểm mà bạn không biết, nhà sản xuất có thể vẫn phải chịu trách nhiệm vì đã không có những cảnh báo cần thiết để người tiêu dùng nắm được và có những sự cẩn trọng cần thiết. Còn nếu bạn bị thương do không tuân thủ những yêu cầu vận hành thông thường mà nhà sản xuất đã hướng dẫn cho bạn, trách nhiệm thuộc về bạn.
3.2. Ứng xử pháp luật với robot ở góc độ pháp luật về quyền tác giả
Một câu hỏi cũng được nêu ra là khi robot tạo ra một tác phẩm nghệ thuật thì quyền tác giả sẽ thuộc về ai? Bên cạnh việc dựa vào một thực tế là nhận thức và ý chí của robot được tạo ra bởi người thiết kế, chế tạo nó, việc trả lời cho câu hỏi trên cũng cần dựa trên cơ sở là mục đích của quyền tác giả. Quyền tác giả được đặt ra để công nhận kết quả của lao động sáng tạo, tôn vinh người đã có công sáng tạo và đặc biệt, để bảo đảm người đó có thể được hưởng những lợi ích vật chất mà việc sử dụng tác phẩm có thể mang lại, từ đó kích thích sự sáng tạo trong xã hội. Vì vậy, quyền tác giả bao gồm hai bộ phận là quyền nhân thân (quyền được công nhận lao động sáng tạo, là quyền không thể dịch chuyển) và quyền tài sản (quyền khai thác những lợi ích vật chất từ tác phẩm, có thể dịch chuyển từ người này sang người khác). Vậy ai sẽ là người cần được tôn vinh về lao động sáng tạo khi robot vẽ nên một bức tranh? Đó chính là người đã thiết kế, lập trình để trao cho robot năng lực cảm nhận được màu sắc, đường nét, hình khối, để nó có thể quan sát, tưởng tượng và kết hợp các yếu tố hội họa, có thể điều khiển cây cọ để tạo ra bức tranh đó. Vì vậy, sẽ là phù hợp khi trao quyền tác giả cho người chế tạo robot, với ghi chú là việc tạo ra tác phẩm được thực hiện thông qua công cụ robot để phân biệt với các nghệ sĩ trực tiếp sáng tạo. Còn quyền khai thác các lợi ích vật chất từ tác phẩm, về nguyên tắc, sẽ thuộc về người chủ sở hữu của robot.
3.3. Ứng xử pháp luật với robot ở góc độ pháp luật về lao động và an sinh xã hội
Một vấn đề khác cũng được đặt ra là khi robot thay thế công việc của những người lao động và khiến họ mất việc làm thì pháp luật sẽ ứng xử như thế nào? Đây là một bài toán thuộc về chính sách lao động, việc làm và xã hội của từng quốc gia. Tùy từng trường hợp, các quốc gia có thể cân nhắc điều chỉnh cơ cấu lao động, hướng con người đến những công việc có tính chất sáng tạo, tâm lý, cung cấp các dịch vụ giải trí... Cũng không loại trừ chính sách nâng lương, giảm giờ làm với ý nghĩa là lợi ích xã hội mà việc ứng dụng robot mang lại. Nhà nước cũng cần chuẩn bị các chính sách đào tạo lại, quy định trách nhiệm của robot. Ở điểm này, ý tưởng của Bill Gate cho rằng robot lấy việc làm thì phải đóng thuế cũng là một quan điểm đáng được các nhà lập pháp cân nhắc. Tuy nhiên, việc đánh thuế không đòi hỏi phải coi robot là chủ thể của pháp luật. Giống như đất đai và các tài sản khác, robot có thể được coi như một cơ sở mới để đánh thuế. Về bản chất, đó chính là thuế đối với tư liệu sản xuất đặc biệt. Tuy nhiên, cách thức đánh thuế, thuế xuất... sẽ tuỳ thuộc vào sự tính toán của mỗi quốc gia về tác động kinh tế, xã hội của việc robot hóa quá trình sản xuất, nguyên tắc phân phối thu nhập, yêu cầu đảm bảo mức an sinh xã hội tối thiểu, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng góp cho quá trình chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động... Phương pháp đánh thuế phù hợp phải được thực hiện trên cơ sở giải những bài toán này.
3.4. Ứng xử pháp luật với robot ở góc độ pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn
Bên cạnh đó, do những tính năng tự động của robot, vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với robot cũng như đạo đức nghề nghiệp của những người thiết kế, chế tạo, lập trình robot đòi hỏi phải tuân theo những quy định đặc biệt. Mục đích của những quy định này là để đảm bảo loại trừ những tác động tiêu cực của robot đến an ninh, an toàn và trật tự xã hội. Pháp luật cần đặt ra những quy chuẩn nhất định để đảm bảo robot không vượt quá khả năng kiểm soát của con người. Khả năng liên hệ của robot với những người chế tạo hoặc lập trình nó phải được minh bạch hóa và được kiểm soát để tránh khả năng lạm dụng robot thu thập cơ sở dữ liệu của người dùng, theo dõi đời tư hoặc đánh cắp bí mật kinh doanh.
4. Kết luận
Mặc dù robot không phải và sẽ không thể trở thành chủ thể của pháp luật, tuy nhiên, robot đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đòi hỏi rất nhiều các lĩnh vực pháp luật phải được điều chỉnh để ứng xử kịp thời những vấn đề phát sinh. Chúng ta đã đề cập đến các ví dụ trong lĩnh vực pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, quyền tác giả, an sinh xã hội, tiêu chuẩn và quy chuẩn. Danh sách các lĩnh vực pháp luật chịu tác động không dừng lại ở đây. Ứng xử kịp thời và phù hợp về mặt pháp luật đối với robot, trí tuệ nhân tạo và những công nghệ mới khác là đòi hỏi tất yếu để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ, đảm bảo robot nói riêng, công nghệ nói chung được ứng dụng mạnh mẽ trong đời sống, làm cho sự phát triển của công nghệ mang lại lợi ích chung và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

TS. Trần Thị Quang Hồng
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

[1]Xem http://danviet.vn/the-gioi/robot-dau-tien-duoc-cap-quyen-cong-dan-xa-hoi-se-ra-sao-817652.html.

[2]https://vnexpress.net/kinh-doanh/bill-gates-robot-lay-viec-lam-thi-nen-dong-thue-3545087.html.

[3]Aatip Sulleyman, Stephen Hawking Warns Artificial Intelligence ‘May Replace Humans Altogether’, The Independence 2/11/2017, xem tại https://www.independent.co.uk/life-style/gadgets-and-tech/news/stephen-hawking-artificial-intelligence-fears-ai-will-replace-humans-virus-life-a8034341.html.

[4]     http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/ve-de-len-ngay-con-tau-4-0-469219.html#inner-article.

[5]     Trong một cuộc thử nghiệm vào tháng 9/2018, một robot có tên là LawGeekAI đã đánh bại 20 luật sư hàng đầu trong việc rà soát lỗi của năm bản Cam kết bảo mật. LawGeekAI chỉ mất có 26 giây để phát hiện tới 95% lỗi trong khi trung bình mỗi luật sư chỉ phát hiện được 85% lỗi và phải làm tới 92 phút. Xem An AI Just Outperformed 20 Top Lawyers and Lawyers Were Happy tại https://www.inc.com/jessica-stillman/an-ai-just-outperformed-20-top-lawyers-and-lawyers-were-happy.html.

[6]     Xem Robot đã tạo ra các bức tranh ấn tượng trong cuộc thi RobotArt 2018, tại https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/robot-da-tao-ra-cac-buc-tranh-an-tuong-trong-cuoc-thi-robotart-2018-20180721062742058.htm.

[7]     Xem http://baonhandao.vn/cong-nghe/dong-nghiep-bat-khoc-khi-robot-ban-hang-dau-tien-bi-sa-thai-7142.

  • Tags: