Cập nhật ngay những triệu chứng nhiễm COVID-19 mới; xét nghiệm hiệu quả tối đa, triệt để tiết kiệm

Sáng ngày 25/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Sáng ngày 25/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu, từ ngày 28/6 đến ngày 25/7 tỉnh đã ghi nhận 758 ca F0. Dịch xuất hiện tại 47/82 xã, phường, thị trấn, tại 7/8 huyện TP. Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tập trung lực lượng truy vết triệt để, xét nghiệm định kỳ nhiều lần tại các ổ dịch lớn, để dập tắt trong thời gian nhanh nhất. Các khu vực khác tăng cường xét nghiệm rà soát, sàng lọc những địa điểm có nguy cơ cao, người có triệu chứng nghi nhiễm, nhanh chóng phát hiện những F0 còn ở trong cộng đồng, để hình thành những vùng an toàn vững chắc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Ảnh: Báo Chính phủ)

Xác định tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, vì vậy, cùng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẵn sàng các phương án cách ly, xét nghiệm, điều trị cao hơn một mức.

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh khẳng định nhận thức của lãnh đạo tỉnh nếu không triển khai các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt từ sớm thì sẽ không ứng phó kịp thời với sự lây nhiễm rất nhanh của chủng virus mới. Tỉnh quán triệt ngay cả khi dập xong các ổ dịch thì vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, không để dịch xâm nhập trở lại.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá thời gian vừa qua Vũng Tàu rất chủ động trong công tác phòng, chống dịch với tinh thần “sớm hơn 1 bước, cao hơn 1 mức”. Mặc dù đến giờ phút này một số ổ dịch chưa thể kiểm soát được trong thời gian ngắn nhưng nhìn chung trên địa bàn toàn tỉnh dịch vẫn đang được kiểm soát. Trong phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện nghiêm, triệt để. 

“Không được có tư tưởng áp dụng các biện pháp chống dịch giống như những khu vực mà dịch đã ngấm rất sâu, rất nặng ở TPHCM và một phần tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn phải kiên trì chiến lược “Ngăn chặn-Phát hiện-Truy vết-Khoanh vùng-Cách ly và Dập dịch”, tương tự với các địa phương khác trên cả nước. Đã giãn cách xã hội thì phải đúng giãn cách, đã cách ly là đúng cách ly. Tuyệt đối không để giãn cách nhưng vẫn giao lưu, tụ tập đông người. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Đối với xét nghiệm, Phó Thủ tướng cho rằng Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuẩn bị tương đối đầy đủ nhân lực, máy móc xét nghiệm, sinh phẩm và cần cố gắng bám sát các hướng dẫn của Bộ Y tế về sử dụng xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR, mẫu đơn, mẫu gộp, để vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm. Thông tin xét nghiệm phải được cập nhật liên tục lên hệ thống dữ liệu dịch bệnh toàn quốc để phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch của địa phương và cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: Báo Chính phủ)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc tại các chợ cá, khu vực đông dân cư, chợ dân sinh để nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng, dập dịch.

Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cần điều chỉnh chiến lược xét nghiệm, trong đó xét nghiệm nhanh chỉ dùng ở những khu vực dịch đậm đặc, có thể dùng mẫu gộp kết hợp với xét nghiệm RT-PCR. Trong sàng lọc nguy cơ thì tiến hành xét nghiệm sàng lọc mẫu gộp 10 mẫu đơn.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh phải thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế, kết hợp xét nghiệm nhanh với xét nghiệm RT-PCR không chỉ tránh lãng phí mà còn tránh cả tâm lý chủ quan. Chỉ sử dụng xét nghiệm nhanh đối với những vùng dịch, ổ dịch đậm đặc cần bóc ngay F0 ra khỏi cộng đồng, còn những khu vực khác thì ưu tiên sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp rà quét những vùng có dịch để làm sạch, giữa chắc vùng đã an toàn.

Trong điều trị, lãnh đạo Bộ Y tế lưu ý các khu thu dung F0 chưa có triệu chứng phải bố trí nhân viên y tế theo dõi sát để xử lý kịp thời những trường hợp chuyển sang có triệu chứng, chuyển nặng để chuyển lên tuyến trên; thực hiện cấp, phát ngay các loại thuốc đông y, tây y cho các F0, F1, người dân trong khu phong toả theo hướng dẫn của Bộ Y tế để nâng cao thể trạng cho các F0, F1, hỗ trợ dự phòng điều trị COVID-19;…

Hệ thống các bệnh viện phải bảo đảm an toàn tối đa, tăng tần suất xét nghiệm sàng lọc định kỳ, những người có triệu chứng nghi nhiễm phải được xét nghiệm ngay.

Phó Thủ tướng cho biết ông nhận được nhiều phản ánh của bà con chưa được hướng dẫn về những dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19 của biến chủng mới. Vì vậy, Bộ Y tế phải sớm có hướng dẫn chi tiết nhất, dễ hiểu nhất, để người dân biết, chủ động đến cơ sở y tế hoặc thông báo qua đường dây nóng để được thăm khám, xét nghiệm, phát hiện kịp thời và được chăm sóc y tế ban đầu, không chuyển nặng lên.

Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh cần phân loại những gia đình có nhà ở rộng rãi thì có thể thực hiện cách ly F1 tại nhà nhưng nếu điều kiện sinh hoạt, ăn ở chật chội thì nhất định phải đưa đi cách ly tập trung.

Về kiểm soát chặt chẽ hơn lái xe vận tải, Phó Thủ tướng nêu rõ: Thực hiện luồng xanh trong vận chuyển hàng hóa thì không dừng các xe vận tải trên đường. Nhưng tại điểm đến thì các địa phương phải quản lý chặt chẽ lái xe như người đến từ vùng dịch, có khu cách ly riêng, không để lây lan dịch bệnh. Tất cả các địa phương có DN vận tải hàng hoá đăng ký hoạt động phải có trách nhiệm quản lý và tổ chức xét nghiệm đội ngũ lái xe bằng xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR. Đối với những lái xe di chuyển liên tục, khi hết hạn giấy xét nghiệm, đến đâu thì địa phương nơi đó có trách nhiệm tổ chức xét nghiệm bổ sung.

Phó Thủ lưu ý Vũng Tàu có rất nhiều hoạt động kinh tế như dầu khí, nhất là cảng biển thì phải tập trung bảo vệ an toàn, nghiêm ngặt. Nếu hệ thống cảng biển bị lây lan dịch bệnh thì không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến một nhà máy mà sẽ tác động hoàn toàn đến mạng lưới vận tải, logistic của Việt Nam.

Về kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, Phó Thủ tướng cho biết từ nay đến cuối năm Việt Nam mới có đủ lượng vaccine để tiêm, tạo miễn dịch cộng đồng, tuy nhiên phải mất vài tháng mới đạt được mục tiêu này. Vì vậy, ít nhất trong mấy tháng tới đây chúng ta vừa phải nỗ lực để tiếp cận vaccine nhanh nhất, tổ chức tiêm thật an toàn, vừa thực hiện tinh thần chống dịch giống như khi chưa có vaccine.

  • Tags: