Cơ hội gỡ bỏ rào cản đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp phục hồi

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.

Ảnh minh họa

Ngày 3/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức Hội nghị “Nghị quyết 02: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Nội dung trọng tâm của Nghị quyết 02 cho giai đoạn 2022-2025

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển, đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của địa phương và của quốc gia.

Từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hàng năm ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19 các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02 các năm 2019-2021).

Tại nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành hàng năm Nghị quyết số 02 vào đầu năm mới như thông lệ trước đây, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.

“Năm nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02 vào ngày 10/1/2022. Đây là năm đầu nhiệm kỳ, do đó Nghị quyết được thiết kế tổng thể với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả nhiệm kỳ (đến năm 2025) và một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022. Những năm tiếp theo, Nghị quyết xây dựng với các giải pháp cụ thể hơn, phù hợp với các trọng tâm ưu tiên của từng năm”, Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Văn Đô).

Nghị quyết lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025. Cụ thể: Cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh;

Dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. 

Đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; Thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với cải cách hành chính; Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát;

Chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh; Tạo lập thể chế khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Qua đó góp phần thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Cần trao nhiều cơ hội hơn cho DN vừa và nhỏ

Đại diện cho cộng động doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhấn mạnh, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đóng vai trò rất quan trọng.

Bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, nên việc cải cách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tốt nhất trong môi trường kinh doanh có mức độ cạnh tranh cao, tạo sân chơi tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài là một nhu cầu tất yếu.

Ông Thân đánh giá, qua 3 năm triển khai Nghị quyết 02, vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được nâng lên đáng kể so với năm 2018.

Dẫn một vài ví dụ như Chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 xếp thứ 67/141 tăng 10 bậc; Chính phủ điện tử xếp thứ 86/165, tăng 2 bậc; Phát triển bền vững xếp thứ 51/165, tăng 37 bậc và An toàn an ninh mạng xếp thứ 25/194, tăng 25 bậc.

Đối với chất lượng môi trường kinh doanh, có đến gần 60% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh trong nước đã cải thiện tốt hơn, rõ rệt hơn ở cả 10 lĩnh vực, trong đó việc thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng được đánh giá có cải thiện tốt nhất.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mong muốn Chính phủ trao nhiều cơ hội hơn cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ảnh: Văn Đô).

Theo ông Thân, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên 2 yếu tố quan trọng là cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ.

“Nếu nhìn qua góc độ phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chúng ta có lẽ chỉ đạt 5/10 điểm. Tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất chậm và chưa tận dụng được lợi thế người dùng internet ở trong nước”, ông nhìn nhận.

Theo đó, vị Chủ tịch Hiệp hội đề xuất Chính phủ cần phân bổ nguồn vốn phù hợp để dành cho phát triển ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, và nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói riêng trong lộ trình từ nay đến năm 2025.

Bên cạnh đó, vị này còn nhấn mạnh việc để thực sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt thì điều thiết yếu, cơ bản là các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đều được hưởng thụ chính sách và cơ hội phát triển như nhau.

Chẳng hạn như các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi được tham gia vào các dự án đầu tư công thì sẽ được cải thiện năng lực cạnh tranh ở nhiều khâu, từ chuẩn bị tài chính, con người đến lập hồ sơ dự thầy và thi công, quyết toán.

“Khi Nhà nước trao cơ hội nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trải qua một thời gian họ sẽ trở thành các doanh nghiệp lớn. Do vậy, tôi vẫn tha thiết kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét, dành khoảng 30% công trình, dự án đầu tư công cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Chủ tịch VINASME nói.

Nỗ lực tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh lúc này là đúng thời điểm (Ảnh: Phạm Tùng).

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc tạo lập và duy trì liên minh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phải trên nguyên tắc tất cả vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng thịnh vượng quốc gia.

Ông cho rằng, việc cải cách vượt bậc môi trường kinh doanh đang trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch và họ đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.

“Các nỗ lực tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh lúc này là đúng thời điểm, khẳng định sự chững lại vừa qua chỉ là bất khả kháng, tạm thời. Chúng sẽ nhanh chóng phục hồi lại niềm tin của thị trường, của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó, các cải cách sẽ có tác động bội phần đến phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng”, ông nhấn mạnh.

  • Tags: