Công ty Cổ phần Sao Thái Dương: Có xây dựng trái phép trụ sở văn phòng tại TP HCM ?

Mặc dù Giấy phép xây dựng công trình là dành cho loại hình nhà ở riêng lẻ, nhưng qua đơn thư phản ánh của công dân, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương lại “biến tướng” để xây dựng thành trụ sở văn phòng kinh doanh sản phẩm, dược liệu của công ty tại TP HCM…

Mặc dù Giấy phép xây dựng công trình là dành cho loại hình nhà ở riêng lẻ, nhưng qua đơn thư phản ánh của công dân, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương lại “biến tướng” để xây dựng thành trụ sở văn phòng kinh doanh sản phẩm, dược liệu của công ty tại TP HCM…

Một số Giấy phép xây dựng liên quan đến công trình do UBND Quận Bình Tân cung cấp 

Theo đó, tại Giấy phép xây dựng số: 3431; 3432; và 3433/GPXD-UBND do UBND quận Bình Tân cấp ngày 11/7/2019, trên 03 lô đất 942, 943; 940, 946 và 944, 945 thể hiện trên tờ BĐ số 50, cấp cho cá nhân ông Nguyễn Hữu Thắng và bà Nguyễn Thị Hương Liên, thì đây đều là loại công trình được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ.  Tuy nhiên, thời điểm phóng viên ghi nhận công trình đang thi công tại 03 lô đất trên thuộc đường số 50, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM, cùng với hồ sơ thi công công trình do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nam Thắng thực hiện, thì chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đã thực hiện xây dựng trái phép, không thực hiện đúng theo 03 giấy phép nhà ở riêng lẻ mà “biến tướng” hợp khối thành công trình xây dựng trụ sở văn phòng kinh doanh của công ty (Thể hiện rõ qua hợp đồng ký kết xây dựng giữa Công ty Cổ phần Sao Thái Dương với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nam Thắng).

Cùng với đó, dư luận cho rằng, hiện trạng công trình đang thi công trái phép hợp khối 03 lô thành 01 tòa nhà, chủ đầu tư có những biểu hiện sai phạm, như cho “che mắt” tại tầng hầm bằng cách xây gạch tường 10cm ngăn 03 lô để giả tạo lạc hướng không còn là hợp khối; Vi phạm chiều sâu tầng hầm: Xây dựng lấn chiếm ra sâu thêm 1,5m và cũng tiếp tục cho xây gạch tường 10cm để “che mắt” cơ quan chức năng; Chiều cao tầng hầm cũng sai phạm ở chỗ xây cao hơn 40cm so với mức quy định cho phép.

Công trình vi phạm hợp khối; lấn chiếm chiều sâu và chiều cao đang xây gạch để che dấu (Ảnh cắt từ video)

Cũng theo phản ánh, chủ đầu tư còn vi phạm khi xây dựng bể nước cứu hỏa và bể phốt tại khoảng lưu không phía trước công trình 2,5m ra phía vỉa hè, chiếm trọn chiều dài 2 lô, liệu có đảm bảo tiêu chuẩn các yêu cầu kỹ thuật và an toàn trong quá trình sử dụng sau này (?)

Bể nước cứu hỏa và bể phốt tại khoảng lưu không phía trước công trình 2,5m không có trong Hồ sơ thiết kế được cấp phép

Bên cạnh đó, theo hồ sơ cấp phép thì 03 lô phải có 03 ram dốc xuống tầng hầm, nhưng chủ đầu tư chỉ cho xây 01 ram dốc xuống tầng hầm; nhưng ram dốc thi công sai, đã kéo dài ra phía trước phạm vi 2,5m lưu không.

Chỉ có 1 ram dốc, và ram dốc thi công sai, kéo dài ra phía trước 2,5m lưu không

Ngoài ra, từ tầng 1 trở lên hệ khung kết cấu cũng sai so với hồ sơ cấp phép, công trình đang che giấu bằng cách cho xây dựng cột gạch thay thế hệ khung bê tông cốt thép…

Quang cảnh tầng trệt hợp khối sai với hồ sơ thiết kế cấp phép

Căn cứ vào quy định của các Luật hiện hành thì nếu muốn thay đổi mục đích, tính chất và kết cấu công trình xây dựng, chủ đầu tư phải xin điều chỉnh Giấy phép xây dựng. Cụ thể: Tại  Mục 2 Điều 43 của Luật Nhà ở có quy định:  Việc xây dựng hoặc cải tạo nhà ở hiện có phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị. Đối với nhà ở yêu cầu phải có giấy phép xây dựng thì phải xây dựng theo Giấy phép xây dựng. Mục 3 Điều 43 Luật Nhà ở quy định: Việc xây dựng nhà ở phải đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực, yêu cầu vệ sinh, môi trường, kiến trúc nhà ở và không làm ảnh hưởng đến công trình liền kề.

Tương tự như vậy, tại Điều 98 của Luật Xây dựng 2014 quy định:  Trong quá trình xây dựng, trường hợp có điều chỉnh thiết kế làm thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình; thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; về quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính; điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường… đều phải có văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy phép xây dựng.

Vậy trước khi thực hiện xây dựng chuyển đổi công năng và mục đích sử dụng công trình, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh giấy phép chưa ? Nếu chưa xin điều chỉnh mà đã thực hiện xây dựng là trái phép.

Điều đáng nói ở đây, mặc dù công trình xây dựng đã được Đội Thanh tra xây dựng địa bàn quận Bình Tân tiến hành kiểm tra ngày 07/8/2020, và Biên bản làm việc ngày 19/8/2020 (Do Nhà thầu cung cấp) đều chỉ rõ những sai phạm của công trình trái với Giấy phép xây dựng đã được UBND quận Bình Tân cấp phép, nhưng chủ đầu tư vẫn “phớt lờ” và cố tình tìm cách khắc phục bằng việc xây gạch bưng bít theo kiểu “vải thưa che mắt thánh”.  

Sau khi phóng viên trao đổi với ông Nguyễn Văn Lâm – Chánh Văn phòng UBND quận Bình Tân, thì có sự chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân cung cấp toàn bộ hồ sơ Giấy phép xây dựng của 03 lô trên và 02 Biên bản làm việc với đại diện chủ đầu tư của Đội Thanh tra xây dựng địa bàn quận Bình Tân ghi ngày 14/12/2020 và ngày 15/12/2020, cùng với bản Báo cáo của Đội Thanh tra xây dựng địa bàn quận Bình Tân gửi Thanh Tra Sở Xây dựng TP HCM số 14429/BC-ĐBTa ngày 23/12/2020 về kết quả kiểm tra công trình xây dựng tại đường số 50, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, do ông Nguyễn Hữu Thắng làm chủ đầu tư. Trong bản Báo cáo đã chỉ rõ những sai phạm của công trình và Đội Thanh tra địa bàn quận Bình Tân tiếp tục phối hợp UBND phường Tân Tạo, Đội quản lý trật tự đô thị giám sát việc ngưng thi công của chủ đầu tư.

Theo ý kiến đại diện chủ đầu tư, hiện nay chủ đầu tư đang liên hệ với UBND quận Bình Tân để xin điều chỉnh Giấy phép xây dựng. Nhưng dư luận cho rằng, đây là hành động cố tình xây dựng trái phép ngay từ đầu và có chủ đích của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương. Và nếu vậy, việc chủ đầu tư liên hệ với UBND quận Bình Tân để điều chỉnh Giấy phép xây dựng, được xem như là “Tiền trảm hậu tấu” đòi buộc cơ quan chức năng phải tháo gỡ “chuyện đã rồi” của chủ đầu tư.

Mặt khác, cùng trong Báo cáo của Đội Thanh tra xây dựng địa bàn quận Bình Tân về công trình này, phần sau lại có kết luận: “Qua thu thập hồ sơ thiết kế thi công của công trình, Đội Thanh tra địa bàn quận Bình Tân ghi nhận không có dấu hiệu công trình biến tướng thành chung cư mini, nhà trọ”. Điều này mâu thuẫn với phần nội dung báo cáo ở trên, khiến cho dư luận thấy khó hiểu ? Và dư luận vẫn cho rằng, việc công trình nhà ở riêng lẻ được thực hiện xây dựng biến tướng thành công trình Trụ sở văn phòng kinh doanh sản phẩm, dược liệu của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương tại TP HCM, là trái phép. Vì Công ty Cổ phần Sao Thái Dương là một tổ chức có pháp nhân (chứ không phải là một gia đình xây nhà ở riêng lẻ theo 03 Giấy phép xây dựng).

Qua sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần làm rõ và nếu xác định sai phạm phải xử lý thật nghiêm minh những vi phạm có chủ đích, để thượng tôn pháp luật được bình đẳng đối với cá nhân và tổ chức trong môi trường xã hội. Đồng thời, xử lý những cán bộ cố tình làm ngơ, bao che cho những sai phạm kéo dài mà không xử lý triệt để.

Bài viết thông tin thực tiễn phục vụ đề tài nghiên cứu về chính sách, pháp luật và quản lý: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân giai đoạn 2015-2025.

  • Tags: