Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Những dấu ấn mới từ chủ trương đến hành động

Năm 2021, mặc dù kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không những không c

Năm 2021, mặc dù kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không những không chùng xuống mà còn tiếp tục được đẩy mạnh và đã để lại nhiều dấu ấn mới nổi bật, với những chuyển biến tích cực từ chủ trương đến hành động,  thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước. 

Công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống (Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì một phiên họp Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng).

Dấu ấn chuyển biến mạnh mẽ từ chủ trương của Đảng…

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhận định “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả”. Trong đó, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng củng cố hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Công tác này đã được triển khai mạnh mẽ từ nhiệm kỳ Đại hội XII. Đáng chú ý, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã và đang được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận.

Nổi bật là công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng "đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng, từng bước hình thành cơ chế răn đe để "không dám tham nhũng".

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng chống tham nhũng ngày càng được khẳng định và phát huy. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong phòng chống tham nhũng ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực.

Chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng chống tham nhũng. Hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng được tăng cường, đạt kết quả tích cực; hoạt động phòng chống tham nhũng từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước;...

Kế thừa, phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ, quyết liệt về phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, trong đó có nhiều điểm mới quan trọng như: 

Một là, xác định rõ cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đòi hỏi “phải kiên trì, liên tục” với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”.

Hai là, khẳng định rõ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự trong phòng chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

Ba là, “coi trọng giáo dục liêm chính”, kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. 

Bốn là, đẩy mạnh “kiểm soát quyền lực” để phòng chống tham nhũng; kịp thời xử lý, điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. 

Năm là, từng bước mở rộng phạm vi “phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước” để ngăn chặn sự cấu kết giữa cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thoái hóa, biến chất với đối tượng hoạt động ở khu vực ngoài nhà nước.

… Cụ thể hóa thành hành động

Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, có thể thấy nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành nhằm cụ thể hóa tinh thần Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế.

Đáng chú ý, ngày 16/9/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thay thế Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Quy định 32-QĐ/TW gồm 4 chương, 17 điều; nêu rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, chức năng, phạm vi chỉ đạo, nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ và quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Chỉ đạo chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Bởi hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống...

Đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh," tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," "tiêu cực" sát hợp tình hình mới.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 Khóa XIII đã thống nhất cao ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều Đảng viên không được làm (thay thế Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI). Ngày 03/11/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Sau khi Quy định số 37 có hiệu lực, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã  ban hành Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW ngày 29/11/2021 hướng dẫn việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm. 

Theo Hướng dẫn số 02, những nội dung đáng chú ý sau được hiểu là những điều đảng viên không được làm:

Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng. Phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, hoài nghi; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng", đòi "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang"...; giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;

Không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm, không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng. Thâu tóm quyền lực, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân. Cơ hội, vụ lợi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể. Chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước;

Đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; không bảo vệ nhân tố tích cực, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung;

Độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, không tôn trọng ý kiến của tập thể. Quan liêu, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị. Không gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp tại cơ quan, đơn vị và của quần chúng nhân dân; không giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú…

Có thể thấy, những Quy định và Kết luận liên tiếp của Bộ Chính trị, BCHTW, UBKTTW được ban hành trong thời gian ngắn không chỉ thể hiện tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới mà còn nhiều quan điểm mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Đạt được nhiều kết quả quan trọng

Từ sau Đại hội XIII đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật của Nhà nước, vi phạm quy chế, quy định của Đảng, đã bị xử lý nghiêm khắc.

Nổi bật là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, xử lý kỷ luật và kiến nghị, yêu cầu xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do có liên quan đến các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (trong đó có 3 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 thứ trưởng, 1 nguyên Chủ tịch tỉnh, 1 nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đáng chú ý là đã kiểm tra, làm rõ các sai phạm, tiêu cực, xử lý và yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với 9 tập thể, 29 cá nhân có liên quan đến việc giảm chấp hành hình phạt tù trước thời hạn cho đối tượng Phan Sào Nam trong một vụ án nghiêm trọng.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.130 vụ/4.084 bị can, truy tố 2.024 vụ/4.056 bị can, xét xử sơ thẩm 1.898 vụ/3.471 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó, tội phạm tham nhũng đã khởi tố, điều tra 266 vụ/646 bị can; truy tố 250 vụ/643 bị can; xét xử sơ thẩm 214 vụ/525 bị cáo. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 8 vụ án/38 bị can, khởi tố thêm 78 bị can trong 14 vụ án; kết thúc điều tra 13 vụ án/123 bị can, kết luận điều tra bổ sung 4 vụ/52 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/151 bị can, xét xử sơ thẩm 15 vụ án/86 bị cáo, xét xử phúc thẩm 9 vụ án/40 bị cáo.

Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Thiếu tướng Lê Văn Minh bị khai trừ đảng và bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến tham nhũng.

Mở rộng điều tra, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (có 10 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý); khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp như: Các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng; các vụ án vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh... Đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi và sai phạm trong lực lượng chống tham nhũng.

Đưa ra xét xử nhiều vụ án trọng điểm như: Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; vụ án “Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam; vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực, từ sau Phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch các tài sản có trị giá hơn 1.750 tỷ đồng; cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được hơn 9.000 tỷ đồng.

Thay lời kết

Từ sau Đại hội  XIII,  đặc biệt năm 2021, mặc dù kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không những không chùng xuống mà còn tiếp tục được đẩy mạnh và đã để lại nhiều dấu ấn mới nổi bật, với những chuyển biến tích cực từ chủ trương đến hành động,  thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước. Tin rằng, tới đây những quan tham sẽ tiếp tục bị đưa ra ánh sáng, bị  xử lý nghiêm, củng cố niềm tin trong nhân dân. Công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng tiếp tục được tăng cường, giúp cho Đảng mạnh, đất nước phồn vinh.

  • Tags: