Đối ngoại trong hội nhập và liên kết sâu rộng

Đường lối đối ngoại đổi mới được Đảng ta đề xướng từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986), với quan điểm trước hết thực hiện đổi mới về kinh tế… Xác định vai trò và vị trí quan trọng của hoạt động kinh tế đối ngoại trong nền kinh tế quốc dân, Đại hội chỉ rõ

Đường lối đối ngoại đổi mới được Đảng ta đề xướng từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986), với quan điểm trước hết thực hiện đổi mới về kinh tế… Xác định vai trò và vị trí quan trọng của hoạt động kinh tế đối ngoại trong nền kinh tế quốc dân, Đại hội chỉ rõ: “Nhiệm vụ ổn định và phát triển kinh tế trong chặng đường đầu tiên cũng như sự nghiệp phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của nước ta tiến hành nhanh hay chậm, điều đó phụ thuộc một phần quan trọng vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại”. Từ đó đến nay, đường lối đối ngoại liên tục được bổ sung và hoàn chỉnh qua các kỳ đại hội, nhưng giai đoạn nào thì vai trò đặc biệt quan trọng của lợi ích quốc gia trong chính sách đối ngoại của đất nước đều được khẳng định. Hay nói cách khác, lợi ích quốc gia luôn giữ vai trò trọng tâm trong việc xác định đường lối đối ngoại, hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. 

Đại hội X (năm 2006) của Đảng tiếp tục chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng kinh tế đối ngoại gắn với nâng cao khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế”. Đến Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại và đưa “các quan hệ quốc tế của đất nước đi vào chiều sâu trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực và bản sắc dân tộc; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế”.  Đại hội XII (năm 2016), Đảng đã bổ sung và hoàn thiện quan điểm về kinh tế đối ngoại, nhằm: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chủ động lựa chọn và có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, có vị trí hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với doanh nghiệp trong nước…”.  Tại Đại hội XII, lần đầu tiên nhiệm vụ đối ngoại được nêu như một thành tố của chủ đề Đại hội, khẳng định tầm quan trọng của đối ngoại trong tổng thể đường lối phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển trong thời kỳ mới là: “Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và chủ động, tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực để mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển”. Trong giai đoạn này, Đảng đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều thuận lợi để phát triển đất nước; Coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Trên thực tế những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác đối ngoại, chúng ta đã tạo được môi trường quốc tế thuận lợi, gìn giữ hòa bình, góp phần tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Ảnh minh họa (Internet)

Năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng: Là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.  Đây cũng là năm chuẩn bị và tạo đà cho Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.  Theo tinh thần đó và từ thực tiễn diễn ra, năm 2020 cũng là thời điểm rất quan trọng với công tác đối ngoại của nước ta. Việt Nam lần đầu tiên cùng lúc đảm đương đồng thời 2 trọng trách là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đó vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để công tác đối ngoại phát huy vai trò quan trọng của mình trong điều kiện thế giới đang có những biến đổi hết sức phức tạp, khó lường; là cơ hội để chúng ta đóng góp một cách chủ động, tích cực, trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới… Cho nên, trong các thông điệp được đưa ra khi Việt Nam đảm nhận vai trò kép, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Để hoàn thành trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó, cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Ðảng và Nhà nước”.

Trước những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trong năm, nhất là tác động tiêu cực chưa từng có của đại dịch Covid-19, công tác đối ngoại của  nước ta càng cần có sự lãnh đạo hết sức sâu sát và cụ thể của Đảng và Nhà nước.  Từ đó, các hoạt động đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần duy trì môi trường hòa bình, thu hút các nguồn lực cho phát triển, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, và nâng cao hơn nữa vị thế đất nước trên trường quốc tế.  Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của Ngành Ngoại giao diễn ra ngày 11/01/2021 đã khẳng định những kết quả quan trọng của công tác đối ngoại nước ta đạt được. Trong đó nhấn mạnh: Năm 2020 Việt Nam đảm nhiệm thành công các trọng trách quốc tế, nhất là Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021; duy trì và thúc đẩy đà quan hệ với các nước thông qua việc điều chỉnh linh hoạt phương thức hoạt động đối ngoại kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Công tác hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục có những bước đột phá mới với việc phê chuẩn/ký kết các hiệp định thương mại tự do (trong đó có EVFTA, RCEP, UKVFTA), qua đó tạo thêm động lực mới cho phục hồi kinh tế. Các hoạt động ngoại giao kinh tế hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp kết nối với các đối tác, mở rộng thị trường được triển khai hiệu quả.  Hoạt động kinh tế đối ngoại giúp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA), chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm xây dựng và quản lý nền kinh tế hiện đại phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Hoạt động kinh tế đối ngoại còn giúp chính phủ tăng cường hoàn thiện pháp luật, chính sách đầu tư, kết cấu hạ tầng kinh tế... nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia, các tổ chức quốc tế.

Công tác đối ngoại đồng thời có những đóng góp quan trọng vào bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế. Công tác bảo hộ công dân tiếp tục là một điểm sáng; công tác người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai hiệu quả; ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại đã ứng dụng tốt các phương thức truyền thông mới để quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập thành công và chống dịch hiệu quả. 

Phát huy những thành quả đạt được trong những năm qua, năm 2021 công tác đối ngoại tập trung Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại do Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra; Tiếp tục đưa quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống vào chiều sâu, ổn định, bền vững với những phương thức sáng tạo, hiệu quả; triển khai tốt ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; Đẩy mạnh triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Theo dõi sát, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các lợi ích chính đáng của ta ở Biển Đông, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh… 
Thành công trong hoạt động đối ngoại của nước ta trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2020 đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng ta đối với  lĩnh vực đặc biệt này. Tính chủ động, sáng tạo, sự nhạy bén của Chính phủ và các Ban, Ngành liên quan trong lãnh đạo và triển khai thực hiện công tác đối ngoại, trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, đã làm nên một năm 2020 thành công, trong đó Hoạt động đối ngoại là một Điểm Sáng rất đáng ghi nhận.  

Nhà báo ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG
Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý
Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập    
 

  • Tags: