Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP: Nhiều chính sách thu hút thúc đẩy nhà đầu tư

Bộ Tài chính hiện đang dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính hiện đang dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo này được cho là đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và thực tiễn quản lý tài chính của các dự án này trong thời gian qua. Trong đó, khi Nghị định được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công.


Quy định "cởi mở" để tạo điều kiện thu hút, thúc đẩy nhà đầu tư các dự án PPP. (Ảnh minh họa)

Tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư 

Bộ Tài chính cho biết, phương án tài chính là một nội dung rất quan trọng đối với các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tại các nghị định của Chính phủ quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP hiện hành, Chính phủ đều giao Bộ Tài chính hướng dẫn phương án tài chính của dự án PPP. Thực hiện nhiệm vụ được giao, tại các thông tư của Bộ Tài chính xây dựng đã có quy định cụ thể hướng dẫn phương án tài chính của dự án PPP.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) không giao Chính phủ quy định chi tiết về phương án tài chính, nhưng Luật PPP đã giao Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức PPP.

Căn cứ quy định này và yêu cầu thực tế triển khai các dự án PPP của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nội dung quy định về phương án tài chính của dự án PPP trong dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP theo nguyên tắc kế thừa các quy định hiện hành và có điều chỉnh, bổ sung một số quy định cho phù hợp thực tế, không trái với các quy định tại Luật PPP.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, quy định về phương án tài chính dự án PPP trong dự thảo nghị định không tạo ra các khó khăn, vướng mắc hay thay đổi phương án tài chính của các dự án PPP, kể cả các dự án đã chuẩn bị đầu tư.

Cũng theo Bộ Tài chính, dự thảo nghị định được xây dựng nhằm hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam nhằm tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án. Đồng thời, xây dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công nên tại dự thảo nghị định, đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Hồ sơ thanh toán vốn đơn giản hóa

Dự thảo Nghị định đã quy định các nguyên tắc xây dựng phương án tài chính, các nội dung cơ bản cũng như các chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả tài chính của dự án. Theo đó, dòng tiền tính toán trong phương án tài chính của dự án PPP được quy định là dòng tiền sau thuế, được chiết khấu theo tỷ suất chiết khấu bình quân gia quyền của lãi suất các nguồn vốn dự án huy động và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.

Phương án tài chính của dự án bao gồm 8 nội dung:  1-tổng mức đầu tư dự án; 2-các nguồn vốn thực hiện dự án; 3-đề xuất ưu đãi, bảo đảm nếu có; 4-lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; 5-dự kiến các khoản chi phí trong giai đoạn vận hành; 6-phương án thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư; 7-các khoản nộp ngân sách nhà nước nếu có đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng O&M; 8-các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi tài chính của dự án.

Theo Bộ Tài chính, các quy định này sẽ là cơ sở để lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Một trong những nội dung mới của dự thảo nghị định đáng chú ý là quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của Luật PPP. Trong đó, điều kiện phát hành, đối tượng phát hành, phương án phát hành, chế độ công bố thông tin phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nghĩa vụ của các bên liên quan đối với nhà đầu tư trái phiếu khi hợp đồng PPP chấm dứt trước thời hạn đã được quy định cụ thể tại dự thảo Nghị định.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn quy định về căn cứ xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đảm bảo khi tham gia thực hiện dự án PPP, bao gồm: Báo cáo tài chính của nhà đầu tư đã được đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán đối với trường hợp nhà đầu tư là tổ chức đã được thành lập từ 1 năm trở lên, mới thành lập trong năm; báo cáo về sử dụng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

Đặc biệt, hồ sơ thanh toán nguồn vốn nhà nước trong dự án PPP tại dự thảo Nghị định đã đơn giản hơn so với các quy định trước đây. Theo đó, nâng cao trách nhiệm và tính chủ động cho các đơn vị được giao quản lý phần vốn nhà nước trong dự án PPP.

Bộ Tài chính cũng cho biết, quy định mới trong dự thảo Nghị định sẽ cho phép doanh nghiệp dự án có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn nếu thực hiện dự án hiệu quả hơn so với phương án tài chính quy định tại hợp đồng dự án. Ngược lại, lợi nhuận của doanh nghiệp dự án cũng có thể bị giảm nếu doanh nghiệp dự án không quản lý dự án hiệu quả như dự kiến ban đầu.

Cơ chế chia sẻ

Một điểm đáng chú ý nữa của dự thảo Nghị định đó là về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Theo đó, đối với ngân sách nhà nước, phần tăng doanh thu mà doanh nghiệp chia sẻ với Nhà nước là nguồn thu của ngân sách; phần doanh thu giảm mà Nhà nước chia sẻ với doanh nghiệp dự án từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước là khoản chi các cấp ngân sách tương ứng theo nguyên tắc ngân sách trung ương đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư, ngân sách địa phương đối với các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với doanh nghiệp dự án, phần tăng doanh thu mà doanh nghiệp dự án chia sẻ với Nhà nước là khoản giảm trực tiếp vào doanh thu của dự án; phần giảm doanh thu mà Nhà nước chia sẻ với doanh nghiệp dự án được tính là khoản thu của doanh nghiệp dự án…

Bộ Tài chính cho biết, hiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP đang được trình Thủ tướng Chính phủ. Khi Nghị định được thông qua và ban hành sẽ giúp hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP, cũng như góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công.

  • Tags: