Giải pháp hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là động lực phát triển của các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM) sẽ làm mất đi môi trường kinh doanh bình đẳng và không phản ánh đúng những nỗ lực thực chất của doanh nghiệp.

Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là động lực phát triển của các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM) sẽ làm mất đi môi trường kinh doanh bình đẳng và không phản ánh đúng những nỗ lực thực chất của doanh nghiệp. Trên thực tế, các chủ thể kinh doanh thực hiện những hành vi CTKLM ngày càng tinh vi, đa dạng và rất khó phát hiện, nhưng lại rất cần phải được hạn chế.

Để hạn chế hành vi CTKLM, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau đây:

Về phía Nhà nước

- Hoàn thiện quy định pháp luật về CTKLM: Cần pháp điển hóa hệ thống pháp luật về CTKLM theo hướng thống nhất các quy định giữa các văn bản và sửa đổi các quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; Xây dựng ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Cạnh tranh 2018 theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, thực thi bằng việc bổ sung hướng dẫn một số nội dung còn thiếu; Tiếp thu các quy định của pháp luật các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới, hướng đến một văn bản hướng dẫn dễ hiểu, khoa học và chính xác; Thống nhất các quy định về hành vi CTKLM trong các văn bản luật chuyên ngành, cụ thể hành vi CTKLM trong lĩnh vực sỡ hữu trí tuệ trong Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi quảng cáo nhằm CTKLM trong Luật Quảng cáo, hành vi khuyến mại trong Luật Thương mại…

Ảnh minh họa (Internet)

- Hoàn thiện quy định các chế tài xử lý hành vi CTKLM: Cần xem xét mức xử phạt và hình thức xử phạt đối với các hành vi CTKLM. Trên thực tế, những hành vi CTKLM có thể mang lại lợi ích khổng lồ cho DN, nhiều hơn rất nhiều so với số tiền phạt họ phải gánh chịu. Dự thảo về xử lý, xử phạt về hành vi CTKLM hiện đang trong quá trình hoàn thiện nhưng cần xem xét tăng mức xử phạt để răn đe. Hiện tại, Bộ luật Hình sự năm 2015, sử đổi bổ sung năm 2017 đã quy định việc xử lý hình sự đối với một số hành vi CTKLM như tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192, tội đầu cơ (Điều 196), tội quảng cáo gian dối (Điều 197), tội lừa dối khách hàng (Điều 198). Tuy nhiên, còn nhiều hành vi CTKLM pháp luật nhiều quốc gia quy định là tội phạm nhưng Bộ Luật Hình sự của Việt Nam chưa quy định, trong đó có hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, hoạt động tình báo công nghiệp…

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về CTKLM: Đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về CTKLM chủ yếu nên hướng tới là cộng đồng DN. Nội dung tuyên truyền cần giúp các DN nhận diện những hành vi CTKLM và quyền khiếu nại, khởi kiện của DN bị xâm hại, các hình thức chế tài có thể áp dụng đối với DN có hành vi vi phạm. - Tăng cường công tác đào tạo cán bộ: Xử lý CTKLM là vấn đề pháp lý rất mới ở Việt Nam. Chính vì thế, trong thời gian tới, cần có biện pháp thích hợp để đào tạo cán bộ, nhất là các cán bộ hoạt động thực tiễn trong vấn đề này. Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán thích hợp để chuẩn bị kiến thức, kinh nghiệm cần thiết khi phải xử lý các hành vi CTKLM.

- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật chống CTKLM: Đấu tranh với các hành vi CTKLM là nhiệm vụ khá mới mẻ đối với Việt Nam nhưng là lĩnh vực mà nhiều quốc gia trên thế giới rất có kinh nghiệm. Trong bối cảnh ấy, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm nước ngoài trong việc xử lý các vấn đề về cạnh tranh, trong đó có CTKLM là rất cần thiết. Vì vậy, cần có các chương trình hợp tác nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm với các nước có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh nói chung và trong việc đấu tranh chống hành vi CTKLM nói riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam và các cán bộ của cơ quan này có thêm kiến thức, năng lực và trình độ để xử lý các vấn đề mà thực tiễn Việt Nam đặt ra.

Về phía Hiệp hội nghề nghiệp

Cần thường xuyên xây dựng và ban hành quy tắc hợp tác chống CTKLM giữa các DN trong cùng lĩnh vực; Đồng thời, tuyên truyền để DN thành viên mới ra đời hay mới triển khai dịch vụ, sản phẩm về các chỉ dẫn hàng hóa. Hiệp hội cần làm tốt vai trò là một tổ chức thống nhất bảo vệ DN trước các hành vi vi phạm chỉ dẫn gây nhầm lẫn đến từ các quốc gia khác.

Về phía các doanh nghiệp

Cần tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh nói chung, các chính sách về cạnh tranh. Trong xu thế mới, việc tuân thủ pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, đây cũng là một cách để xây dựng thương hiệu trên thị trường. Đẩy mạnh quan tâm, xúc tiến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về các nội dung thuộc chỉ dẫn hàng hóa. Mặt khác, tự xây dựng cho mình một chiến lược cạnh tranh chuyên nghiệp và dài hạn như xây dựng và quảng bá thương hiệu; xây dựng những kênh phân phối mới, các sản phẩm mới; khai thác lợi thế cạnh tranh của riêng mình.

Về phía người tiêu dùng

Người tiêu dùng cần có cái nhìn đúng đắn và chính xác về hàng hóa, sản phẩm mình sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng và loại ra danh sách tiêu dùng của mình những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, vi phạm pháp luật, có dấu hiệu CTKLM. Nếu phát hiện những sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm của hành vi CTKLM có thể lên án và vận động người tiêu dùng khác không sử dụng, tạo sức ép cho DN vi phạm, từ đó đẩy lùi các hành vi CTKLM. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, DN cũng như sự quan tâm, đóng góp của người tiêu dùng, từ đó tạo một cơ chế vững chắc hạn chế tối đa các hành vi CTKLM trên thị trường.…

Những giải pháp này cần được tiến hành đồng bộ, xuất phát từ phía Nhà nước, DN và người tiêu dùng, có như vậy môi trường cạnh tranh trong kinh doanh mới thật sự minh bạch và lành mạnh.

  • Tags: