Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế

PLQL - Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, tội mua bán người nói riêng diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình a
PLQL - Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, tội mua bán người nói riêng diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Tội phạm mua bán người đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Ảnh minh họa - TL
 1. Tình hình tội phạm và thực trạng công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người

Tình trạng bán phụ nữ đưa ra nước ngoài để lấy chồng hoặc hoạt động tình dục vì mục đích thương mại, tập trung chủ yếu là địa bàn Trung Quốc (chiếm khoảng 65%-70%), Campuchia (chiếm khoảng 10%), còn lại là các địa bàn khác, như Singapore, Mailaisya, Thái Lan, Cộng hòa Liên bang Nga và một số nước Đông Âu1.... Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, năm 2011 toàn quốc phát hiện 454 vụ mua bán người với 670 đối tượng, 821 nạn nhân, tăng 10 vụ (=2%) và tăng 57 đối tượng (=9%), giảm 15 nạn nhân (=2%) so với cùng kỳ năm 2010. Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, hiện toàn quốc có hơn 22.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do, không có tin tức, nhiều người trong số này nghi bị mua bán; hơn 80.000 phụ nữ xuất cảnh và xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lấy chồng, hoặc xuất cảnh trái phép ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, hơn 20.000 trẻ em được cho nhận làm con nuôi có yếu tố nước ngoài2. Trong đó, đã có rất nhiều người trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, bị cưỡng ép lao động, bị bóc lột tình dục... Hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em trong nội địa từ các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, từ nông thôn ra đô thị, các khu du lịch, khu nghỉ mát ép làm mại dâm, tuyển mộ, cưỡng ép lao động cực nhọc, bóc lột sức lao động tại các bãi khai thác khoáng sản... diễn biến phức tạp. Một thủ đoạn phạm tội mới là một số đối tượng người Việt Nam câu kết với người nước ngoài tổ chức tuyển chọn, tìm kiếm phụ nữ ở các vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đưa lên thành phố và một số tỉnh giáp ranh để tổ chức “xem mặt, chọn vợ” rồi kết hôn bất hợp pháp nhằm đưa phụ nữ ra nước ngoài. Bọn tội phạm sử dụng thủ đoạn tiếp cận làm quen với những cô gái mới lớn, trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái không có điều kiện học hành, bỏ học, không có việc làm ổn định để dụ dỗ, lôi kéo họ đến các cơ sở dịch vụ việc làm, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massage, cắt tóc, gội đầu... hoặc tìm số phụ nữ đã từng làm gái mại dâm để rủ rê, lừa gạt tìm việc làm ổn định, lao động nhẹ có thu nhập cao, sau đó bán phụ nữ, trẻ em cho các đối tượng là chủ nhà hàng ép buộc làm gái mại dâm để thu lợi. Lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong môi giới hôn nhân và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đi du lịch thăm thân..., bọn tội phạm mua bán người lợi dụng công nghệ thông tin như internet, điện thoại động để tán tỉnh giả vờ yêu đương, dụ dỗ đi mua hàng, du lịch… rồi bán cho các tổ chức mại dâm ở nước ngoài. Nắm bắt được nhu cầu một số người ở nước ngoài có nhu cầu ghép nội tạng, nên các đối tượng đã tiếp xúc, làm quen những người có hoàn cảnh khó khăn cần tiền, sau đó dụ dỗ, lừa gạt, tổ chức cho họ xuất cảnh trái phép để bán nội tạng (như vụ bán thận ở Cần Thơ). Một số đối tượng khác tìm kiếm phụ nữ ở vùng nông thôn miền Tây Nam bộ dụ dỗ họ ra nước ngoài đẻ thuê (như vụ 15 cô gái đẻ thuê tại Thái Lan)… Hành vi chiếm đoạt, bắt cóc phụ nữ, trẻ em ở khu vực giáp biên cũng tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu… Cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại các tỉnh trong nội địa để bán sang Trung Quốc, chẳng hạn từ tháng 12/2011 đến nay, tại Hà Giang đã xảy ra 08 vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em hiện chưa được giải cứu, nạn nhân là trẻ sơ sinh từ 2 đến 4 tháng tuổi.

Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, các lực lượng chức năng đã tiến hành đồng bộ các biện pháp, như điều tra cơ bản nắm tình hình, phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, mở các đợt cao điểm, triệt phá các đường dây phạm tội mua bán người, cụ thể là:

- Trong những năm qua, với vai trò là Thường trực Đề án II-CT130/CP, lực lượng công an các cấp đã chú trọng công tác phòng ngừa, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương những biện pháp, chính sách phù hợp để quản lý nhà nước về an ninh trật tự; phối hợp với các ban, ngành, cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, như: Lồng ghép với các buổi họp của thôn bản, tổ dân phố, nhà trường, nói chuyện chuyên đề cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ tại các buổi sinh hoạt đoàn thể để tuyên truyền phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm mua bán người và cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân. Tổ chức phát động các phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, viết cam kết gia đình không có người tham gia hoạt động mua bán người, động viên nạn nhân và gia đình họ tố giác tội phạm; công an các địa phương giáp biên giới đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng tổ chức tốt việc tiếp nhận nạn nhân, phân loại đối tượng phục vụ công tác giải cứu nạn nhân bị lừa bán và điều tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng phạm tội. Phối hợp với Hội phụ nữ ở cơ sở tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho các tuyên truyền viên, hội viên phụ nữ; phối hợp với Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tiếp nhận và tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân là phụ nữ bị mua bán trở về.

- Lực lượng chức năng đã tiến hành xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm, bao gồm:

+ Tuyến trọng điểm được xác định là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Yên Bái, Nam Định, Phú Thọ, Hậu Giang, Đồng Tháp và các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Campuchia và Lào.

+ Tuyên đường bộ phía Bắc gồm tuyến đi các tỉnh lên biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai sang Trung Quốc; miền Trung gồm các tỉnh biên giới sang Lào (qua cửa khẩu Lao Bảo, Cầu Treo); miền Nam gồm các tỉnh biên giới sang Campuchia.

+ Tuyến hàng không gồm sân bay Nội Bài, Tây Sơn Nhất đi các nước.

+ Tuyến đường thủy gồm Quảng Ninh, Hải Phòng đi các nước.

Lực lượng công an và biên phòng các tỉnh giáp biên giới đã phối hợp chặt chẽ tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác tăng cường tuần tra kiểm soát các đường mòn, đường tiểu ngạch nhằm ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, đưa người ra nước ngoài bán; thường xuyên cập nhật, thống kê các đối tượng nghi vấn thường qua lại biên giới làm ăn sinh sống, đối tượng có quyết định truy nã, nạn nhân cần giải cứu kèm theo thông tin liên quan đề nghị phía bạn phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân... Phối hợp chặt chẽ để trao đổi thông tin giữa các cấp, tiến hành quản lý chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc đối tượng có biểu hiện nghi vấn về hành vi mua bán người (kể cả đối tượng là người nước ngoài có nghi vấn hoạt động phạm tội ở Việt Nam), rà soát lại các vụ mua bán người trước đây để thông qua các tài liệu quản lý trong hồ sơ, tàng thư, căn cước qua đó tìm ra các đối tượng câu kết hình thành băng nhóm, đường dây, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, phát hiện các đối tượng nghi vấn để nghiên cứu, từ đó có phương án phòng ngừa và điều tra, khám phá tội phạm để xử lý triệt để.

Đối với các vụ việc có dấu hiệu liên quan đến tội phạm mua bán người có tính chất nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều địa phương, các đường dây, băng, ổ nhóm hoại động xuyên quốc gia hoặc có yếu tố nước ngoài thì cơ quan chức năng phải tiến hành đấu tranh triệt phá, bóc gỡ triệt để, xử lý nghiêm minh tội phạm không để sót lọt, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Năm 2011, lực lượng công an đã điều tra khám phá 231 vụ với 426 đối tượng, 567 nạn nhân; đã khởi tố điều tra 144 vụ với 187 bị can, đề nghị truy tố 105 vụ với 200 bị can, xử lý hành chính 17 vụ với 48 đối tượng; giải cứu nhiều nạn nhân… Điển hình như triệt phá đường dây đưa phụ nữ, trẻ em từ các tỉnh phía Bắc bán sang Trung Quốc, bắt tạm giạm 03 đối tượng, giải cứu 02 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc ép bán dâm. Công an các địa phương Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Hà Nội điều tra khám phá nhanh các vụ án bắt cóc trẻ em tống tiền, giải cứu an toàn nạn nhân bị bắt cóc, chiếm đoạt xảy ra tại Sơn La 1 vụ, Nghệ An 2 vụ, đã bắt giữ các đối tượng phạm tội; Phối hợp với Cảnh sát Thái Lan khám phá đường dây tội phạm đưa 15 phụ nữ sang Thái Lan đẻ thuê, bắt 4 đối tượng người Đài Loan thuộc Công ty Baby 101 đăng ký kinh doanh, trên đất Thái Lan, kịp thời giải cứu và hồi hương 15 phụ nữ Việt Nam cùng các trẻ sơ sinh. Công an thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý 22 tụ điểm với 46 đối tượng tổ chức môi giới cho người Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... xem mặt chọn vợ ( gồm 12 đối tượng người Việt Nam, 11 đối tượng người Hàn Quốc, 16 đối tượng người Trung Quốc)… Công an Lào Cai khám phá thành công 6 vụ án mua bán người, khởi tố 14 vụ với 30 đối tượng, 45 nạn nhân bị lừa bán; giải cứu và tiếp nhận 44 nạn nhân. Công an Hà Nội khám phá 02 vụ án bắt giữ 16 đối tượng, giải cứu 8 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán sang Trung Quốc. Công an Cao Bằng khám phá vụ án mua bán người, bắt nhiều đối tượng, giải cứu 3 nạn nhân. Công an Cần Thơ khám phá vụ án tổ chức người khác trốn ra nước ngoài bắt 4 đối tượng do La Thị Thịnh, sinh 1970 ở Bắc Giang cầm đầu, xác định 50 nạn nhân bị các đối tượng đưa sang Trung Quốc bán thận3. Gần đây nhất, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) đã khởi tố vụ án hình sự mua bán người xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1 (HICC1) về hành vi đưa hơn 100 lao động Việt Nam bán sang Liên bang Nga trên cơ sở tố giác của số lao động này do bị cưỡng ép, bóc lột sức lao động4

Cũng trong năm 2011, Bộ đội biên phòng các cấp đã điều tra, khám phá 223 vụ với 244 đối tượng, giải cứu 264 nạn nhân, hiện đang tiếp tục điều tra 34 vụ mua bán người. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 103 vụ với 202 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 184 vụ với 362 bị cáo, đưa ra xét xử sơ thẩm 182 vụ với 357 bị cáo (đạt tỉ lệ giải quyết 98,9%), trong đó, đã tuyên 64 bị cáo trên 20 năm tù, 17 bị cáo bị phạt tù từ 15 đến 20 năm, 106 bị cáo bị phạt tù đến 15 năm, 149 bị cáo bị phạt tù từ 3 đến 7 năm, 21 bị cáo bị phạt tù dưới 3 năm5.

Trong quá trình điều tra khám phá các vụ án mua bán người, cơ quan chức năng phát hiện các hành vi phạm tội khác có liên quan: Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 275 Bộ luật Hình sự); Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép (Điều 274 Bộ luật Hình sự); Tội chứa mại dâm (Điều 254 Bộ luật Hình sự); Tội môi giới mại dâm (Điều 255 Bộ luật Hình sự); Tội mua dâm người chưa thành niên (Điều 256 Bộ luật Hình sự)…

  Lực lượng công an, biên phòng các cấp đã tiếp nhận và giải cứu hơn 500 nạn nhân do nước ngoài trao trả, hướng dẫn và hỗ trợ 366 nạn nhân từ nước ngoài trở về, như Lạng Sơn (51 nạn nhân), Lào Cai (30 nạn nhân), Tuyên Quang (15 nạn nhân)...

Bên cạnh công tác phòng ngừa, điều tra khám phá các vụ án, lực lượng chức năng đã tham mưu cho các Bộ, ngành và Chính phủ ký kết và triển khai có hiệu quả nhiều hiệp định song phương và đa phương, các văn bản thỏa thuận, ghi nhớ về phòng, chống tội phạm mua bán người giữa Việt Nam và các nước trong khu vực; tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ giữa Việt Nam với các nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia, Lào... Qua đó, các bên đánh giá thực trạng tội phạm mua bán người liên quan đến mỗi quốc gia và trao đổi danh sách đối tượng và nạn nhân của tội phạm mua bán người. Thiết lập đường dây nóng để trao đổi các thông tin và tình hình có liên quan; tiến hành mở đợt cao điểm phòng, chống tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới, góp phần nâng cao hiệu quả trong phòng, chống và kiềm chế sự gia tăng của tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng. Công an, biên phòng các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia thường xuyên tổ chức các buổi giao ban định kỳ hàng tháng, quý hoặc gặp gỡ trao đổi đột xuất, thiết lập đường dây nóng với lực lượng công an, biên phòng giữa hai bên để đánh giá kết quả hợp tác, trao đổi thông tin và phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về, cùng triển khai thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người qua biên giới. Chẳng hạn, Công an, Biên phòng tỉnh Lào Cai trao đổi với Công an Vân Nam, Trung Quốc cử 10 đoàn công tác, 39 lượt công văn, tổ chức hội đàm 17 lần, trao đổi song phương, thông báo tình hình 153 lần với 162 thư, phối hợp tuần tra song phương 30 lần với 264 lượt cán bộ, chiến sỹ; Công an Quảng Ninh trao đối với Công an tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc 26 lượt công văn để nghị xác minh truy bắt đối tượng và giải cứu 13 nạn nhân…

Tình hình tội phạm mua bán người mặc dù đã được kiềm chế song vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với đối tượng nước ngoài. Ngoài ra, các đối tượng còn hình thành các đường dây mua bán người từ Việt Nam sang các địa bàn trong khu vực, như Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Đài Loan... với mục đích chính là bán vào các ổ mại dâm và các dịch vụ vui chơi, giải trí và cưỡng bức lao động. Tình trạng mua bán nội tạng, đẻ thuê, môi giới hôn nhân trái pháp luật với người nước ngoài đang diễn biến phức tạp gây bức xức trong dư luận quần chúng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên nhiều địa bàn.

Trong nước, các đối tượng với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt tìm kiếm số phụ nữ trẻ em nhẹ dạ, thiếu hiểu biết sau đó bán họ vào các ổ mại dâm (xảy ra ở Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh...). Gần đây, xuất hiện tình trạng mua bán trẻ em và nam giới người dân tộc, không có việc làm đưa vào các cơ sở lao động, khai thác khoáng sản để bóc lột sức lao động (tại Điện Biên, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi...). Tình trạng mua bán, bắt cóc chiếm đoạt trẻ em tại các tỉnh phía Bắc vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều ở các địa phương, như Hà Giang, Sơn La, Nghệ An...

2.  Một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của tội phạm mua bán người

Tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức, do nhiều nguyên nhân, song có thể khái quát một số nguyên nhân chính sau:

Một là, nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập bên cạnh mang lại những thành tựu to lớn, song mặt trái của nó cùng với đà suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh, dân số đông, thiếu việc làm, thất nghiệp, dẫn đến chênh lệch về thu nhập, mức sống luôn là những yếu tố tác động đến sự gia tăng của tội phạm nói chung, tội mua bán người nói riêng.

Hai là, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và chấp hành pháp luật trong nhân dân còn hạn chế, chưa sâu rộng, phần lớn nạn nhân chưa có thông tin khi tìm việc làm hoặc lấy chồng nước ngoài nên dễ bị lừa gạt, không có kỹ năng tự bảo vệ mình.

Ba là, công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý nhà nước tại các khu vực biên giới, nhất là các tuyến đường bộ còn sơ hở, thiếu sót, lực lượng mỏng không kiểm soát được các đường tiểu ngạch, lối mòn ở khu vực biên giới nên bọn tội phạm lợi dụng đưa người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em qua biên giới bán, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép...

Bốn là, công tác nắm tình hình tuy đã có những tiến bộ nhất định song số tội phạm ẩn còn nhiều. Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, đến nay cả nước đã xác định khoảng 22.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do, nghi bị mua bán nhưng chưa có giải pháp để xác minh làm rõ. Hàng năm lực lượng chức năng mới chỉ phát hiện được gần 500 vụ án, vụ việc liên quan đến mua bán người (chủ yếu là mua bán người qua biên giới) còn số vụ án mua bán người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động trong nội địa chưa phát hiện được nhiều. Phần lớn các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em được phát hiện, điều tra khám phá thông qua đơn thư tố cáo của nạn nhân, gia đình nạn nhân hoặc các cơ quan thông tin đại chúng...

Năm là, việc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa kịp thời. Mặc dù Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 01/01/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt chương trình hành động phòng chống, tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015, nhưng đến nay vẫn chưa có Thông tư liên ngành hướng dẫn thực hiện Điều 119, 120 Bộ luật Hình sự.

Sáu là, chưa tổ chức lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm mua bán người. công an là lực lượng nòng cốt phòng, chống tội phạm mua bán người nhưng đến nay, hầu hết các địa phương, đơn vị chưa thành lập được các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm mua bán người. Tại các phòng nghiệp vụ công an cấp tỉnh, chủ yếu là lồng, ghép với các đội nghiệp vụ để triển khai thực hiện các hoạt động phòng ngừa và điều tra khi có vụ án mua bán người xảy ra nên kết quả đấu tranh hạn chế (ở Bộ Công an chỉ có 1 phòng thuộc Cục C45, công an các địa phương mới chỉ có 3 - 4 địa phương thành lập Đội phòng, chống mua bán người thuộc phòng PC45). Do chưa có Thông tư liên ngành hướng dẫn thực hiện Điều 119 và 120 Bộ luật Hình sự nên trong thực tiễn nhiều vụ án mua bán người do quan điểm về chứng cứ định tội của các cơ quan tố tụng chưa thống nhất nên đã ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xử lý tội phạm mua bán người, thậm trí không khởi tố được vụ án hoặc không khởi tố được bị can.

Bảy là, công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân như về thủ tục tư pháp, rào cản ngoại giao, hệ thống pháp luật. Nhiều yêu cầu của phía Việt Nam đề nghị cơ quan hữu quan nước bạn xác minh (nhất là các trường hợp giải cứu nạn nhân), nhưng trong một thời gian dài vẫn không nhận được công hàm trả lời, dẫn đến việc giải cứu nạn nhân, truy bắt đối tượng lẩn trốn ra nước ngoài hiệu quả thấp. Một số vụ án cần thiết phải cử một tổ công tác ra nước ngoài điều tra để giải cứu nạn nhân hoặc khai thác các đối tượng là người Việt Nam bị công an nước bạn bắt giữ về tội mua bán người để thu thập tài liệu, chứng cứ và truy bắt các đối tượng nghi vấn đang hoạt động trong nước nhưng gặp nhiều khó khăn do thủ tục ngoại giao xuất, nhập cảnh mất nhiều thời gian.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm mua bán người

Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm mua bán người trong thời gian tới, các lực lượng chức năng cần thực hiện một cách kịp thời, đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48/CT-TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Chỉ thị 09/CT-TW ngày 01/12/1011 Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, Chỉ thị 1408/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán trẻ em. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quần chúng triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật để mọi người dân biết và nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán nguời. Tổ chức đặt các hộp thư tố giác tội phạm để thu thập tin báo, tố giác về các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người tại địa bàn. Thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công tội phạm mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia. Các lực lượng chức năng các tỉnh biên giới phối hợp chặt chẽ với công an, biên phòng nước bạn tổ chức các buổi giao ban định kỳ để trao đổi thông tin về tình hình tội phạm mua bán người, xác minh giải cứu nạn nhân bị lừa bán, truy bắt các đối tượng phạm tội, đối tượng truy nã về tội mua bán người đang lẩn trốn ở nước ngoài. Thiết lập đường dây nóng (điện thoại, email...) để thu thập các thông tin tố giác tội phạm mua bán người.

Hai là, thực hiện có hiệu quả quy chế số 4057/QCPH-TCCSPCTP-TLBĐBP đã được ký kết ngày 21/10/2010 giữa Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Chú trọng công tác tuần tra kiểm soát bí mật kết hợp công khai tại khu vực biên giới, các cửa khẩu nội địa, các lối mòn để phát hiện, ngăn chặn các tnrờng hợp đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 766/TTG ngày 17/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về phân công trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc đưa trái phép phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài; Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 1173/QĐ-TTg ngày 18/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người và Chỉ thị số 08/CT-BCA ngày 05/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an về triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người trong công an nhân dân.

Ba là, kiên quyết điều tra khám phá, xử lý nghiêm các vụ án mua bán người, đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, bắt, xử lý các đối tượng phạm tội. Trong quá trình đấu tranh cần kết hợp linh hoạt các biện pháp nhằm điều tra mở rộng vụ án, thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan để làm cơ sở xử lý đối tượng phạm tội; tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm các vụ mua bán người còn tồn đọng, cơ quan điều tra kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ chuyển Viện kiểm sát nhân dân truy tố, Tòa án nhân dân đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội.

Bốn là, Bộ Công an kịp thời chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cùng các ngành chức năng khác thực hiện có hiệu quả Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ. Đồng thời, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên ngành hướng dẫn thực hiện Điều 119, 120 Bộ luật Hình sự để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Năm là, tổ chức tốt các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng cho những phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội... tạo điều kiện giúp đỡ họ nhanh chóng khắc phục những khó khăn về kinh tế, xóa đi mặc cảm về bản thân, hỗ trợ học nghề, tư vấn tâm lý, khám chữa bệnh miễn phí cho các nạn nhân bị lừa bán, bố trí công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế đa phương về phòng, chống tội phạm mua bán người, như Nghị định thư về việc phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc; Nghị định thư không bắt buộc về mua bán trẻ em, mại dâm và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tăng cường triển khai các hiệp định song phương với các quốc gia láng giềng, như Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về hợp tác song phương nhằm loại trừ nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán; Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác phòng, chống buôn bán người; Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về hợp tác phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán; Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia về hợp tác song phương để loại trừ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán; Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia về quy trình chuẩn trong xác định và hồi hương các nạn nhân bị buôn bán trở về.

Chúng ta chủ trương hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới là điều kiện thuận lợi cho tội mua bán người phát triển. Để kiềm chế, đẩy lùi một cách có hiệu quả loại tội phạm này, cần tiến hành một cách khẩn trương, đồng bộ các giải pháp cơ bản nói trên.

 1. Thiếu tướng, TS. Trần Trọng Lượng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VI, Bộ Công an: Tham luận tại Hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật Phòng, chống mua bán người (ngày 11/5/2012).

2. Tài liệu đã dẫn.

3. Thiếu tướng, TS. Trần Trọng Lượng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VI, Bộ Công an: Tham luận tại Hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật Phòng, chống mua bán người (ngày 11/5/2012).

4. Báo Thanh niên, ngày 26/9/2012. 

5. Thiếu tướng, TS. Trần Trọng Lượng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VI, Bộ Công an: Tham luận tại Hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật Phòng, chống mua bán người (ngày 11/5/2012).

                              PGS.TS. HÀ Việt Dũng & TS. Hồ Thế Hòe   

  • Tags: