Giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thu hút nguồn vốn lớn FDI trước khó khăn do COVID-19

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng các biện pháp chống dịch đã khiến hoạt động đầu tư, hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gặp không ít thách thức, rủi ro. Bài toán đặt ra lúc này là làm sao để vừa giữ chân doanh nghiệp,

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng các biện pháp chống dịch đã khiến hoạt động đầu tư, hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gặp không ít thách thức, rủi ro. Bài toán đặt ra lúc này là làm sao để vừa giữ chân doanh nghiệp, vừa tránh đứt gãy chuỗi cung ứng?...

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy của Samsung, tỉnh Thái Nguyên, ngày 3/9/2021 - Ảnh: VGP

Giảm dần sức hấp dẫn

Cách chống dịch hiện nay đang làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam không hiệu quả, các đơn hàng bắt đầu dịch chuyển khỏi Việt Nam, nhiều kế hoạch đẩy mạnh đầu tư, nâng công suất… của nhà đầu tư nước ngoài đang bị đình trệ. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20-9-2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,8% về số dự án và tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký điều chỉnh có 678 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,43 tỷ USD, tăng 25,6%; vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.830 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,22 tỷ USD, giảm 43,8%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, có 1.139 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,05 tỷ USD và 1.691 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.

Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20-9-2021 đăng ký cấp mới giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 20,6%. Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 9 tháng năm 2021 đạt 10,3 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2020 đạt 5,3 triệu USD/dự án).

Theo một tờ báo của Nhật Bản đã đăng tin, khá nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rục rịch rút bớt đơn hàng ra khỏi Việt Nam, vì chuỗi cung ứng hàng hóa của họ cho thị trường thế giới bị đứt gãy.

Trước đây nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Đức… có chính sách rút khỏi Trung Quốc chuyển dần qua Việt Nam và các nước khác, trong đó Việt Nam là ưu tiên hàng đầu, thì nay một tỷ lệ trong số đó không rút khỏi Trung Quốc nữa, một phần chuyển đơn hàng trở lại Trung Quốc, một phần vẫn duy trì tại Việt Nam nhưng có thêm lựa chọn là những quốc gia khác. Việt Nam đang mất dần cơ hội.

Cuối năm ngoái khi Việt Nam có kết quả chống dịch rất tốt, chúng ta được xếp vào nhóm 5 quốc gia hưởng lợi, thế nhưng theo đánh giá của Nikkei gần đây, hiệu quả chống dịch của Việt Nam đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đều đang “than khóc” vì chi phí cao gấp mấy lần biên lợi nhuận. Các doanh nghiệp châu Âu cũng cho biết 18% đơn hàng của họ đã dịch chuyển khỏi Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ cũng tính chuyện giảm đơn hàng.

Khảo sát mới nhất của EuroCham cho thấy, khoảng 1/3 các thành viên của EuroCham đã phải đa dạng hóa, chuyển đổi cơ sở sản xuất ra khỏi Việt Nam đến một số quốc gia khác.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) đã tiến hành khảo sát nhằm đánh giá những khó khăn, hạn chế mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Pháp đang phải đối mặt do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo kết quả khảo sát, mặc dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực được một năm, nhưng giao thương Việt-Pháp giảm 12,7% còn 6,34 tỷ Euro năm 2020 so với 7,26 tỷ Euro năm 2019. Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia không thể vào Việt Nam để khởi động dự án. Khảo sát cũng cho thấy, có 24% các doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam dưới 10 năm và 37% hoạt động trên 10 năm đang chật vật để duy trì sự tồn tại. 78% doanh nghiệp cho biết hoạt động của họ giảm ít nhất 40% trong 2 tháng qua. Trong đó, 72% trả lời hoạt động của họ phải dừng lại và giảm với mức 80%. Chỉ có 17% cho rằng họ ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thực tế, những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải như cách ly xã hội và hạn chế tiếp xúc khiến doanh nghiệp khó gặp gỡ khách hàng, các chuyên gia nước ngoài khó quay trở lại Việt Nam đã tác động tới doanh thu của doanh nghiệp do đơn hàng giảm, thanh toán muộn, chậm trễ trong ra quyết định… Bên cạnh đó, các dịch vụ hậu cần cũng khó khi thiếu nguồn cung, chi phí xuất khẩu gia tăng. Chi phí cho 3T (3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất) là thách thức lớn, việc làm hạn chế…

Để trở lại hoạt động, 51% doanh nghiệp cho biết họ cần ít nhất 6 tháng để quay lại hoạt động bình thường; 62% doanh nghiệp cho biết sẽ ngừng hoạt động nếu tình hình không được cải thiện trong 12 tháng tới; 65% trong số đó sẽ ngừng ngay hoạt động nếu trong 3 tháng tới tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Đức trong khối ASEAN. Hiện có khoảng 500 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam, tạo ra 50 ngành công nghiệp. Phần lớn các công ty của Đức đang tập trung tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Giống các doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp Đức cũng chịu ảnh hưởng nhiều bởi làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam. 20% doanh nghiệp Đức cho biết sẽ tìm thêm nguồn cung khác hoặc di dời nhà máy sang quốc gia khác nếu tình hình không được cải thiện hơn.

Để chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế, Việt Nam cần có quy định cụ thể với những người đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine. Có những biện pháp mở cửa an toàn cho sản xuất.

Sau đại dịch, các công ty Đức kỳ vọng đến giữa năm 2022 sẽ tăng mạnh sản xuất để bù đắp thời gian đã mất do đại dịch. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách hợp lý để duy trì sản xuất suôn sẻ, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh, cũng như giúp Chính phủ đạt mục tiêu quản lý.

Điều cần thiết hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải có đủ nguồn lực tại chỗ để cung ứng cho các doanh nghiệp Đức khi đó mới giữ chân được các doanh nghiệp Đức.

Tháo gỡ vướng mắc, khôi phục sản xuất

Hiện tại, khu vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch Covid-19 là TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam, nơi chiếm hơn 70% tổng số vốn FDI vào Việt Nam. Khi khu vực này bị ảnh hưởng, nhà đầu tư nước ngoài lo lắng là đương nhiên.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng số dự án FDI mới vào Việt Nam vẫn được duy trì, không sụt giảm đáng kể so với năm ngoái. Yếu tố chúng ta quan tâm không phải là số lượng mà là chất lượng. Cụ thể, chúng ta cần thu hút những dự án FDI lớn thuộc các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, Big Data, thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển…

Muốn thay đổi được chất lượng dự án FDI theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, phải đổi mới cơ bản toàn bộ hoạt động, từ xúc tiến đầu tư, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao. Ngoài ra, cần đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài, kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.

Về bản chất doanh nghiệp FDI luôn đặt lợi ích, lợi nhuận lên hàng đầu, nên họ không thể chờ đợi được. Chúng ta vừa phải chống dịch quyết liệt, vừa phải cho họ có niềm tin để mở rộng, giữ dòng vốn. Kinh tế Việt Nam nhìn về trung và dài hạn vẫn được đánh giá khá hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, và trên thực tế đã chứng minh điều ấy. Việc tạm chuyển đơn hàng sang các nước khác, trước mắt do chúng ta gặp phải khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Hiện có một số vấn đề cơ bản Việt Nam đang cố gắng làm và phải làm được để giữ chân nhà đầu tư ngoại, dòng vốn ngoại.

Một là, Chính phủ nên cho doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài thấy rõ các kế hoạch chống dịch, biện pháp từng giai đoạn. Bởi việc nhìn được kế hoạch chống dịch của Chính phủ sẽ hỗ trợ rất tốt về kế hoạch của doanh nghiệp. Hiện các chuỗi sản xuất đứt gãy đang ở trên bình diện thế giới, khu vực và rõ nhất đối với các nền sản xuất mở cửa. Vì vậy, lộ trình kế hoạch cần được đưa ra để cộng đồng hiểu được việc họ quay trở lại với sản xuất bình thường.

Hai là, bên cạnh cam kết hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam cần tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế, không thể vì dịch bệnh để trì hoãn cải cách kinh tế. Ba là, dịch Covid-19 có quy mô tính chất toàn cầu trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định. Vì vậy, Chính phủ, bộ, ban ngành và địa phương luôn phải chia sẻ, lắng nghe doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh. Đây là yếu tố giúp Việt Nam giữ được việc làm, giải quyết khó khăn sau dịch.

Mở cửa để tái khởi động nền kinh tế, kinh doanh an toàn, sống chung với Covid-19 là giải pháp không thể nào khác được. Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc hộ chiếu vaccine cho phép người dân sau khi đã được tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh có thể được tự do di chuyển. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp được mở lại sản xuất - kinh doanh theo cẩm nang hướng dẫn về kinh doanh an toàn do Bộ Y tế phê duyệt. Điều đặc biệt quan trọng hiện nay là các quy định phòng, chống dịch phải bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh mỗi nơi làm một kiểu.

FDI là nguồn vốn rất quan trọng của nền kinh tế, là động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển. Tìm các biện pháp để đẩy mạnh thu hút FDI là đòi hỏi cấp bách trong điều kiện các chuỗi cung ứng toàn cầu đang có những chuyển động tái cấu trúc và phát triển trong điều kiện phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công để cải thiện các kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài trong đầu tư và thực hiện các dự án FDI.

Các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu tới mức tối đa các thủ tục hành chính, thời gian và chi phí tiếp cận, chi phí thực thi các quy định pháp lý và luật pháp, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trên cơ sở phát triển công nghệ số, cần đa dạng hóa, tích cực, chủ động, linh hoạt trong việc xúc tiến đầu tư nước ngoài một cách có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo yêu cầu lựa chọn, đổi mới hình thức và nội dung thu hút FDI, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

Ths. Trần Trọng Triết

  • Tags: