Góp ý tính khả thi về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động đối với người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động

Sáng 15/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Hội thảo khoa học góp ý Đề án nghiên cứu tính khả thi về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động đối với người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động.

Sáng 15/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Hội thảo khoa học góp ý Đề án nghiên cứu tính khả thi về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động đối với người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động.

Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng cho biết, theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động và đã trình Chính phủ xem xét ban hành vào tháng 12 năm 2017. Sau khi xem xét các khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách, tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2018, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo nghị định này, bảo đảm tính khả thi và trình Chính phủ vào thời điểm thích hợp.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nghiên cứu Đề án Nghiên cứu tính khả thi về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động đối với người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động nhằm tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai chính sách này.

Đề án tập trung nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết đối với một số vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng chính sách bảo hiểm tai nạn lao động đối với người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động, bao gồm: Kinh nghiệm quốc tế đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động; Mô hình Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động; Thực trạng của bảo hiểm thương mại về tai nạn lao động, những ưu nhược điểm khi đề xuất áp dụng chính sách này đối với bảo hiểm tự nguyện về tai nạn lao động; Nhu cầu và khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động của người lao động khu vực không có hợp đồng lao động; Khả năng hỗ trợ của ngân sách nhà nước để bảo đảm thực hiện chính sách; Thực trạng, thách thức và đề xuất khi triển khai điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; Bổ sung lực lượng điều tra tai nạn lao động đối với người lao động khu vực không có hợp đồng lao động tham gia.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận và góp ý nhằm đưa ra các đề xuất hướng xây dựng và triển khai chính sách bảo hiểm tai nạn lao động đối với người lao động khu vực không có hợp đồng lao động trong đó giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và triển khai chính sách, đặc biệt các vấn đề: Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện của ngân sách nhà nước; Đảm bảo lực lượng điều tra tai nạn lao động đối với người lao động tham gia chính sách…

“Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp tại Hội thảo để hoàn thiện Đề án. Sau đó, Bộ sẽ xin ý kiến chính thức các Bộ, ban, ngành liên quan, tổng hợp trước khi báo cáo Chính phủ xem xét quyết định việc xây dựng và triển khai chính sách”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.

  • Tags: