Hình thức lừa đảo mới nhằm “rút ruột” tài khoản ngân hàng

Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) liên tiếp cảnh báo về một số hình thức lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng, qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tổn thất, rủi ro có thể xảy ra

Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) liên tiếp cảnh báo về một số hình thức lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng, qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tổn thất, rủi ro có thể xảy ra, khách hàng chú ý không nhập mật khẩu đăng nhập, mã OTP hoặc đường link trên các trang mạng không rõ nguồn gốc…

Gần đây, các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến diễn ra khá phổ biến, nhắm vào những người thường xuyên giao dịch trực tuyến. Phương thức chung của các hình thức lừa đảo này là thông qua việc mạo danh ngân hàng, nhân viên ngân hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng.

  
 
Cảnh giác đối tượng lừa đảo thực hiện gửi nội dung thông báo kèm theo đường link lừa đảo

Cụ thể, đối tượng lừa đảo thực hiện gửi nội dung thông báo kèm theo đường link lừa đảo qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat…, thậm chí giả mạo tin nhắn SMS thương hiệu Vietcombank, để lừa khách hàng bấm vào link và cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thẻ (tên đăng nhập, số thẻ, mật khẩu, mã OTP), từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.

Tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu cũng được ghi nhận đối với một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)...

 

 
Cảnh giác Đối tượng lừa đảo còn mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện để hỏi có phải khách hàng

Không chỉ có vậy, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện để hỏi có phải khách hàng đang chờ tiền về không; thông báo khách hàng gặp trục trặc khi đang sử dụng dịch vụ ngân hàng; xác minh giao dịch khách hàng vừa mới thực hiện; thông báo khách hàng bị lộ thông tin thẻ; thông báo cho khách hàng về việc tra soát giao dịch ngân hàng…

Đồng thời, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng số và dịch vụ thẻ (tên đăng nhập, số thẻ, mật khẩu, mã OTP), từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.

Trước những thủ đoạn trên, các ngân hàng khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên bấm vào các đường link này. Trường hợp đã lỡ bấm vào đường link, tuyệt đối không được cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay thông tin cá nhân nào khác.

Các ngân hàng khẳng định, ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…). Đặc biệt, ngân hàng cũng không gọi điện để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ.

Thống kê từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 4.000 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Trong số hơn 4.000 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng được phát hiện trong năm 2020 thì số vụ lừa đảo qua mạng viễn thông bằng thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, bưu điện, ngân hàng..., đe dọa, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền chiếm đến 20%.

  • Tags: