Hoàn thiện pháp luật kinh tế thời kỳ hội nhập

PLQL - Ngày nay, hội nhập kinh tế quốc tế vừa là đòi hỏi khách quan của kinh tế quốc tế nói chung, vừa là nhu cầu nội tại của sự phát triển kinh tế của đất nước.

PLQL - Ngày nay, hội nhập kinh tế quốc tế vừa là đòi hỏi khách quan của kinh tế quốc tế nói chung, vừa là nhu cầu nội tại của sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong quá trình đó, Luật Kinh tế có vai trò quan trọng, được coi như  “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trong khi nền kinh tế nước ta đang ngày càng khởi sắc, thì để tiếp tục phát triển, hành lang pháp lý và các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế rất cần phải được đảm bảo, và bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào cũng phải tuân theo.

Ảnh minh họa - Internet 

Trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong giai đoạn 2005 – 2019, hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng của nước ta không ngừng được hoàn thiện. Công tác xây dựng và hoàn thiện trên các lĩnh vực cơ bản được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế đã được xây dựng tương đối đồng bộ, cơ bản phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN.… Đến nay có thể nói hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế của nước ta đã được xây dựng tương đối đồng bộ, ngày càng phù hợp với cơ chế thị trường và dần đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đến nay, đã hình thành một hệ thống pháp luật kinh tế tương đối đầy đủ để điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ thực tiễn hoạt động của nền kinh tế. Trong đó, đã ghi nhận đầy đủ các loại chủ thể tham gia quan hệ thị trường, bao gồm doanh nghiệp (DN) tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh và hợp tác xã với tư cách là những chủ thể chủ yếu đang hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đã được quan tâm, thể hiện ở việc ban hành Bộ luật Tố tụng Dân sự (2004), tạo cơ sở pháp lý để tòa án giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể kinh doanh.  Mặt khác, pháp luật kinh tế đã tạo ra mặt bằng pháp lý chung cho các loại hình DN, đảm bảo sự bình đẳng về pháp lý trong kinh doanh của các DN thuộc các thành phần kinh tế, giữa DN trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài (Luật Đầu tư năm 2014, Luật DN năm 2014). Thông qua đó, tính công khai, minh bạch và dân chủ trong quá trình xây dựng luật pháp ngày càng được cải thiện và thực thi hiệu quả, nhận được sự đồng tình đánh giá cao của người dân và cộng đồng DN. Nước ta tiếp tục tự do hoá thương mại trên cơ sở thực hiện các cam kết song phương, đa phương và theo thông lệ quốc tế; giảm dần các biện pháp bảo hộ thuế quan và phi thuế quan phù hợp với cam kết đã ký kết. 

Trong thị trường nội địa, Nhà nước ghi nhận và bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh, đồng thời với việc xác định ngành nghề kinh doanh bị cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện... Đặc biệt, đã có nhiều quy định phát triển thị trường nội địa theo hướng ổn định, văn minh, hiện đại phù hợp với các xu hướng chung của hội nhập kinh tế quốc tế.

Để tiếp tục phục vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền, phục vụ hội nhập quốc tế, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật… , đã có Báo cáo dự thảo để Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền nói chung, trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp nói riêng. 

Bên cạnh những thành công đã đạt được, pháp luật kinh tế hiện hành của nước ta vẫn còn một số hạn chế, như: Nhiều đạo luật có nội dung còn chung chung, do đó cần phải ban hành nhiều văn bản dưới luật để cụ thể hóa vì vậy đã làm chậm quá trình thực thi luật vào cuộc sống. Pháp luật kinh tế còn thiếu tính đồng bộ, có một số quy định mang tính nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật chưa được thực thi trong thực tiễn. Trong tương lai, để tiếp tục hoàn thiện pháp luật kinh tế phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu thế hội nhập quốc tế, cần phải bổ sung và ban hành luật để thay thế dần các hình thức văn bản quy phạm pháp luật khác. Hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc ban hành các văn bản dưới luật, nhằm khắc phục tình trạng không đồng bộ của hệ thống pháp luật kinh tế nước ta. Cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm về định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường vào thể chế, chính sách pháp luật nhà nước; giải quyết hài hòa giữa vai trò điều tiết của Nhà nước trong đảm bảo tính định hướng XHCN với sự vận động theo quy luật kinh tế khách quan của thị trường. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; Có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; Các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; Sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội”.

  • Tags: