Hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để từng bước thực hiện mục tiêu "không thể tham nhũng"

Tài sản công là nguồn lực quan trọng, có phạm vi rộng, chiếm giữ tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mỗi quốc gia; đây là nguồn lực nội sinh, tài chính để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Nhà nước là chủ sở hữu (h

Tài sản công là nguồn lực quan trọng, có phạm vi rộng, chiếm giữ tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mỗi quốc gia; đây là nguồn lực nội sinh, tài chính để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Nhà nước là chủ sở hữu (hoặc đại diện chủ sở hữu) và thống nhất quản lý đối với tài sản công.

Ở Việt Nam, tài sản công là đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương cáo cáo Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt được những kết quả bước đầu, song cũng đặt ra những vấn đề tiếp tục hoàn thiện để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.

Kể từ khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được ban hành và có hiệu lực thi hành (từ năm 2009) đến nay, việc thực thi quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đã đạt được những kết quả quan trọng, song cũng có những hạn chế, tồn tại cần tiếp tục hoàn thiện.

Những kết quả đạt được:

Một là: Đã hình thành được hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ để thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đã xác lập rõ đối tượng được giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại tài sản công gắn với quyền và nghĩa vụ của tập thể và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đồng bộ gắn với trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn định mức trong toàn bộ quá trình quản lý tài sản công; thiết lập cơ chế thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm toán đối với tài sản công; nâng cao tính công khai trong quản lý, sử dụng tài sản công; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để từng bước nắm chắc, nắm đầy đủ hiện trạng và tình hình biến động của tài sản công…

Hai là: Đã tạo ra cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp trình độ phát triển kinh tế xã hội, tính chất quản lý, sử dụng tài sản công, năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Quy định về phân cấp quản lý tài sản công được thực hiện xuyên suốt từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đến nay theo nguyên tắc tài sản do cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định việc đầu tư, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản. Việc phân định thẩm quyền quyết định cụ thể trong nội bộ Bộ, ngành, địa phương do Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân và UBND cấp tỉnh quyết định. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quyết định các nội dung liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.

Ba là: Công tác quản lý, sử dụng tài sản công từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện; nhận thức và thực tiễn thực hiện có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.

- Trong đầu tư xây dựng và mua sắm: Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản theo tiêu chuẩn, định mức; từng bước triển khai thực hiện mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng, cung cấp hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Trong việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất: Bên cạnh việc tạo nguồn tài chính, thông qua sắp xếp nhà, đất đã góp phần chỉnh trang đô thị, đưa nhà đất vào sản xuất kinh doanh, đóng góp nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước, nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp và bố trí lại hệ thống trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của các địa phương; hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất; khai thác các diện tích dôi dư hoặc chuyển mục đích sử dụng đất để có hiệu quả cao hơn; đồng thời cũng đã thu hồi được một phần nhà, đất dôi dư, giao lại cho chính quyền địa phương để xây dựng nhà trẻ, trường học, công viên… phục vụ lợi ích công cộng. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với 170.976 cơ sở nhà, đất với khoảng 120.046,9 triệu m2 đất và 246 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 150.763 cơ sở, với tổng diện tích 3.123,86 triệu m2 đất, 223 triệu m2 nhà. - Trong việc quản lý tài sản công là cơ sở hạ tầng: Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng: cấp nước sạch, thủy lợi, đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa; tập trung vào thực hiện kiểm kê, phân loại để xác định đối tượng kế toán tài sản hạ tầng đường bộ, áp giá và hạch toán tài sản theo quy định trên phạm vi cả nước; thực hiện rà soát, thống kê, đánh giá chất lượng công trình hạ tầng đường bộ và công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, xác định giá trị công trình, thiết lập hồ sơ quản lý và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao công trình cho từng đơn vị quản lý, vận hành và khai thác.

- Trong việc hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công: Hiện nay, ngoài 04 loại tài sản công tại khu vực hành chính sự nghiệp, gồm: (i) đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; (ii) nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; (iii) xe ô tô các loại; (iv) tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản, Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện hành còn theo dõi, quản lý thông tin của 02 loại tài sản: công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, sử dụng tài sản thời gian vừa qua; đặc biệt là công tác báo cáo, lập kế hoạch, dự toán đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, ra quyết định và tổ chức thực hiện xử lý, khai thác tài sản, góp phần kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Bốn là: Tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (tổng số thu từ nhà, đất hàng năm chiếm khoảng 12% tổng thu ngân sách nhà nước), góp phần thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách của Nhà nước, đặc biệt là đảm bảo cân đối ngân sách của các cấp chính quyền địa phương, thông qua các nguồn thu từ khai thác, xử lý tài sản công, nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất.

Những hạn chế, tồn tại:

Thứ nhất: Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn chưa đầy đủ. Một số loại tài sản hoặc lĩnh vực còn thiếu các văn bản để điều chỉnh làm cơ sở tổ chức thực hiện như: các văn bản quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng như: hạ tầng cấp nước sạch, hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, hạ tầng kỹ thuật… Một số nội dung về khai thác tài sản công để lắp đặt máy ATM, trạm thu phát tín hiệu BTS, đặt tấm pin năng lượng mặt trời… chưa được quy định cụ thể.

Thứ hai: Cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn có điểm chưa hợp lý như dồn nhiều thẩm quyền cho cơ quan quản lý cấp trên (như: việc bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thu hồi nhà, đất của các cơ quant rung ương đang được dồn lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính…); chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm do có một số nội dung còn phải xin ý kiến thỏa thuận hoặc thẩm định của các cơ quan (như: việc sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết; việc mua sắm tài sản công tại một số bộ, địa phương…), dẫn tới thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài.

Thứ ba: Việc quản lý, sử dụng tài sản công tuy đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, song vẫn còn những khiếm khuyết như: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị không ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công để tổ chức thực hiện, dẫn đến không xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bộ phận, cá nhân trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với tài sản được giao quản lý; tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, xe ô tô chậm cả ở khâu lập, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện phương án; nhiều trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa lập Đề án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiến độ kiểm kê, phân loại, giao tài sản hạ tầng giao thông, thủy lợi cho đối tượng quản lý không hoàn thành theo đúng tiến độ quy định…

Thứ tư: Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên, đầy đủ, kịp thời. Mặc dù, thời gian gần đây công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với tài sản công từng bước được chú trọng, tuy nhiên chưa được quan tâm một cách đúng mức và thường xuyên liên tục nên việc phát hiện các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công còn hạn chế, xảy ra một số các vi phạm kéo dài dẫn đến việc khắc phục và xử lý các hậu quả rất khó khăn, phức tạp.

Thứ năm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công hiện hành chưa bao quát, tổng hợp đầy đủ các loại tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (còn thiếu thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản công tại doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên). Kỷ luật trong việc đăng nhập, rà soát, chuẩn hóa dữ liệu còn chưa nghiêm. Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo và các giải pháp tổng thể nêu trên, Bộ Tài chính đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công hướng tới mục tiêu “không thể tham nhũng” như sau:

Hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công

1. Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng như: hạ tầng cấp nước sạch, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng y tế, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch, hạ tầng văn hóa...Trong đó, Bộ Tài chính xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng cấp nước sạch; các Bộ: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các văn bản quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác các tài sản hạ tầng thuộc phạm vi quản lý của các Bộ.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành về khai thác tài sản công thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan; trên cơ sở đó, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định việc khai thác tài sản công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan theo thẩm quyền( ).

3. Tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành để kiến nghị tiếp tục hoàn thiện (dự kiến năm 2023).

Tăng cường công tác quản lý, giám sát

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công; thanh tra việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; triển khai quyết liệt Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Xây dựng cơ chế vận hành Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công Tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã giao Bộ Tài chính xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công.

Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch bán, chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác tài sản công và các giao dịch khác về tài sản công giữa nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Việc xây dựng đưa vào vận hành Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về tài sản công được tiếp nhận thông tin và tham gia các giao dịch về tài sản công, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào quá trình thực hiện các giao dịch. Tuy nhiên, để xây dựng đưa vào vận hành cần phải có nguồn lực tài chính lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn, nên định hướng đầu tư xây dựng, vận hành theo hình thức PPP hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể việc thực hiện từng loại giao dịch trên Hệ thống, quản lý, sử dụng các khoản tiền được thanh toán trên Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công.

Thực hiện nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và các Cơ sở dữ liệu về tài sản công chuyên ngành để từng bước cập nhật, quản lý đủ thông tin về các loại tài sản công theo quy định của pháp luật. Xây dựng các văn bản hướng dẫn sử dụng, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và các cơ sở dữ liệu thành phần gồm: Cơ sở dữ liệu (CSDL) về tài sản công khu vực hành chính sự nghiệp; CSDL về tài sản kết cấu hạ tầng; CSDL về tài sản công tại doanh nghiệp; CSDL về tài sản được xác lập sở hữu toàn dân; CSDL về đất đai và CSDL về tài nguyên để xây dựng Báo cáo tài chính nhà nước hằng năm để báo cáo Quốc hội.

Công tác phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các pháp luật có liên quan đến tài sản công:

Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về đất đai, định giá, xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá tài sản, xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, sửa đổi, bổ sung quy định về phương pháp xác định giá đất để thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, thực hiện nghĩa tài chính về đất đai; bổ sung quy định về đấu thầu khi sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết; nâng mức xử phạt bằng tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý, sử dụng tài sản công các bộ, ngành, địa phương

Thực hiện kiện toàn bộ máy quản lý tài sản công từ trung ương đến địa phương. Trước mắt thực hiện đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác quản lý công sản tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo hướng chuyên nghiệp và áp dụng công nghệ quản lý hiện đại.

Tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên trong việc quản lý, sử dụng tài sản công

Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công nhằm nâng cao nhận thức, trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật cho các cơ quan quản lý nhà nước về tài sản công, các cơ quan thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với tài sản công, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp được giao quản lý, sử dụng tài sản công.

(Nguồn: Trang TTĐT Ban Nội chính Trung ương)

  • Tags: