Hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý biên chế theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII

PLQL - Để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo yêu cầu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, thời gian qua, Quốc hội....

PLQL - Để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo yêu cầu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, tinh giản biên chế và vị trí việc làm. Các quy định của pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Thực hiện mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt. Với tinh thần cải cách, đổi mới nhưng việc triển khai cần phải cẩn trọng, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang tiến hành đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021, theo đó các nội dung hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, tinh giản biên chế và vị trí việc làm đã được Chính phủ thảo luận và Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo, bảo đảm triển khai có lộ trình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bài viết tập trung giới thiệu một số kết quả của Bộ Nội vụ trong việc trình Chính phủ xây dựng và hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý biên chế hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII.

1. Kết quả xây dựng và hoàn thiện thể chế theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII

Căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 07-KH/TW và Nghị quyết số 56/ 2017/QH14.

Việc Chính phủ ban hành 02 Nghị quyết nêu trên tạo cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, công tác hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý biên chế trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả sau:

1.1. Về tổ chức bộ máy

- Bộ Nội vụ đã xây dựng trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương (đã được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019).

Nội dung của Luật tập trung vào việc thể chế hóa chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn từ nay đến năm 2021 và các năm tiếp theo.

Căn cứ quy định của Luật, Bộ Nội vụ đã và đang trình Chính phủ ban hành các nghị định để quy định cụ thể về: 1) Tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; 2) Số lượng cấp phó; 3) Biên chế tối thiểu để thành lập tổ chức, đơn vị. Căn cứ quy định của Chính phủ, đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương xây dựng phương án cụ thể sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo.

- Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22/11/2018 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính. 

Nội dung của Nghị định tập trung các nhóm vấn đề sau: 1) Hệ thống hóa các loại hình tổ chức hành chính trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; 2) Hoàn thiện các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan trong việc đề nghị, thẩm định, quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính.

- Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Nội dung của dự thảo Nghị định tập trung các nhóm vấn đề sau: 1) Hệ thống hóa các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập theo cấp quản lý; 2) Hoàn thiện các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan trong việc đề nghị, thẩm định, quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; 3) Quy định tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.

Nội dung của dự thảo Nghị định tập trung quy định về tiêu chí thành lập và số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, làm cơ sở cho các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng phương án kiện toàn tổ chức của cơ quan mình theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 về cơ quan thuộc Chính phủ.

Nội dung của Nghị định tập trung quy định về tiêu chí thành lập tổ chức và số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, làm cơ sở cho các cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng phương án kiện toàn tổ chức của cơ quan mình theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Nội dung của 02 dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung 06 nhóm vấn đề sau: 1) Tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù (dân tộc, du lịch, ngoại vụ, quy hoạch và kiến trúc); 2) Tiêu chí thành lập tổ chức và số lượng biên chế tối thiểu để được thành lập tổ chức thuộc sở, thuộc chi cục thuộc sở; 3) Người đứng đầu và số lượng cấp phó của từng tổ chức; 4) Nhiệm vụ, quyền hạn chung của cơ quan chuyên môn và điều chỉnh chức năng của một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; 5) Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và của chính quyền địa phương; 6) Quy định điều khoản chuyển tiếp đối với các cơ quan chuyên môn đã thực hiện thí điểm hợp nhất và lộ trình sắp xếp số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất, làm cơ sở cho chính quyền địa phương sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn ở địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Riêng 02 vấn đề: 1) Không mở rộng thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (thực hiện theo Kết luận số 74-KL/TW ngày 22/5/2020 của Bộ Chính trị); 2) Khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện vẫn giữ như Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP (chưa sửa đổi).

- Bộ Nội vụ đã xây dựng Báo cáo số 316/BC-CP ngày 10/7/2020 của Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/ UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

Nội dung đề xuất trong Báo cáo của Chính phủ đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, Quốc hội thảo luận và thông qua phương án hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; tiếp tục duy trì Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội ngày 19/6/2020).

- Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

Nội dung Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu, quan điểm, định hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trong 10 ngành, lĩnh vực; xác định các nhiệm vụ, giải pháp và phân công rõ trách nhiệm của các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

- Bộ Nội vụ đã xây dựng trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số trong giai đoạn 2019 - 2021 và các năm sau.

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, trong đó đã sửa đổi điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới tạo điều kiện cho các địa phương chủ động sắp xếp, thu gọn thôn, tổ dân phố theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII.   

1.2. Về quản lý biên chế

- Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế.

Nội dung Nghị định số 113/2018/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng tinh giản biên chế; đồng thời đã phân cấp tạo chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Đến nay, căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (Quốc hội thông qua ngày 25/11/2019) và Bộ luật Lao động năm 2019, Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP cho phù hợp với quy định mới về đánh giá, xếp loại mức hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, tuổi thực hiện chính sách về hưu trước tuổi và tuổi tính trợ cấp hưởng chính sách về hưu trước tuổi.

- Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức (thay thế Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 về quản lý biên chế công chức và Nghị định số 110/2015/NĐ-CP ngày 29/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ-CP).

Nội dung của Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung về nguyên tắc, căn cứ, trình tự, trách nhiệm, thẩm quyền quyết định và điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, biên chế công chức; trong đó quy định rõ: 1) Không giao biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; 2) Trách nhiệm của Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong việc ban hành thông tư hướng dẫn vị trí việc làm và định mức biên chế công chức đối với ngành, lĩnh vực; 3) Quy định về trình tự quyết định biên chế công chức; 4) Quy định trách nhiệm, thẩm quyền quản lý biên chế và chế tài xử lý người đứng đầu thực hiện không đúng quy định về quản lý và sử dụng biên chế công chức; 5) Quy định bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

- Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 về giải pháp đối với số lượng người làm việc trong lĩnh vực sự nghiệp giáo dục và y tế.

Nghị quyết đã tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong việc ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ; đồng thời giao rõ trách nhiệm đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế trong việc rà soát, sửa đổi định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp; viên chức y tế/giường bệnh phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.

- Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Nội dung của dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung các nhóm vấn đề sau: 1) Hướng dẫn về vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; 2) Định mức số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; 3) Thẩm quyền quyết định số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập có thu.

2. Tác động và hiệu quả của việc hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý biên chế

Việc tổng kết, đánh giá các quy định về tổ chức bộ máy và quản lý biên chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của hệ thống chính trị làm cơ sở cho việc hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng lãnh đạo, giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế (khối Chính phủ quản lý) sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII như sau:

2.1. Về tổ chức bộ máy

- Về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ (so với khóa XIII).

+ Về tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ: 1) Vụ và tương đương giảm 12 (giảm 4,6%); 2) Tổng cục và tương đương (tính cả Bộ Công an) giảm 04; 3) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ giảm 10 (giảm 9,09%).

+ Về cấp phó: 1) Số lượng Phó Vụ trưởng và tương đương giảm 70 người; 2) Số lượng Phó Cục trưởng và tương đương giảm 30 người; 3) Số lượng Phó Tổng cục trưởng và tương đương giảm 07 người; 4) Số lượng Phó Trưởng phòng và tương đương giảm 255 người.

Khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và Nghị định thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP thì tổ chức hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ và số lượng đơn vị sự nghiệp công lập sẽ tiếp tục giảm, bộ máy sẽ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

- Về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương (so sánh với thời điểm trước khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII).

+ Về tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập:

Cấp tỉnh: 1) Cơ quan chuyên môn giảm 05 (giảm 0,42%); 2) Phòng thuộc cơ quan chuyên môn giảm 973 (giảm 11,24%); 3) Chi cục giảm 127 (giảm 11,79%); 4) Phòng thuộc chi cục giảm 1.179 (giảm 26,43%); 5) Tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giảm 12 (giảm 8,45%); 6) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở và tương đương giảm 1.203 (giảm 11,75%); 7) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các tổ chức hành chính khác ở cấp tỉnh giảm 54 (giảm 10,11%); 8) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chi cục và tương đương thuộc sở giảm 348 (giảm 40,32%),...

Cấp huyện: 1) Số đơn vị hành chính cấp huyện giảm 06 (từ 713 đơn vị còn 707 đơn vị, giảm 0,84%); 2) Cơ quan chuyên môn giảm 294 (giảm 3,33%); 3) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện giảm 2.281 (giảm 5,72%).

Cấp xã: số đơn vị hành chính cấp xã giảm 548 (từ 11.162 đơn vị còn 10.614 đơn vị, giảm 4,91%).

Thôn, tổ dân phố (tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư) giảm 38.369 (từ 136.824 đơn vị còn 98.455 đơn vị, giảm 28,04%).

+ Về cấp phó: 1) Số lãnh đạo cấp phó của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giảm 266 người (giảm 8,12%); 2) Số lãnh đạo cấp phó của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện giảm 1.263 người (giảm 8,67%); 3) Số lãnh đạo cấp phó của chi cục giảm 243 người (giảm 14,01%); 4) Số lãnh đạo cấp phó của phòng thuộc chi cục giảm 995 người (giảm 25,52%).

2.2. Về tinh giản biên chế

- Biên chế thực giảm (tính theo số biên chế có mặt) theo Nghị định số 108/2014/ NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP (tính đến hết năm 2019) là 57.815 người. Trong đó: 1) Nghỉ hưu trước tuổi 47.934 người (82,91%); 2) Thôi việc ngay 9.783 người (16,92%); 3) Thôi việc sau khi đi học nghề 57 người (0,1%); 4) Chuyển sang tổ chức khác 41 người (0,07%).

- Giảm tính theo số biên chế giao (năm 2020 giảm so với năm 2015) thuộc khối Chính phủ quản lý là 204.334 người. Trong đó:

+ Biên chế công chức từ Trung ương đến cấp huyện giảm 23.896 người (từ 275.031 biên chế xuống còn 251.135 biên chế, giảm 8,68%).

+ Biên chế cán bộ, công chức cấp xã giảm 30.398 biên chế, gồm: 1) Giảm do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã 9.534 người; 2) Giảm do thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP là 20.864 người.

+ Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 150.040 người (từ 1.984.764 người xuống còn 1.834.724 người, giảm 7,56%).

- Về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố: tổng hợp theo báo cáo của các địa phương giảm 116.892 người (từ 922.533 người xuống còn 805.641 người, giảm 12,67%) do sắp xếp giảm đơn vị hành chính cấp xã, giảm thôn, tổ dân phố và do thực hiện Nghị định số 34/2019/ NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ.

Có thể nói, sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, việc hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý biên chế đã có tác động tích cực nhiều mặt, cơ bản đạt được mục tiêu Trung ương đề ra trong giai đoạn 2018 - 2021. Các kết quả nổi bật đã được tổng hợp và thể hiện trong Tờ trình số 456-TTr/BTCTW ngày 20/4/2020 của Ban Tổ chức Trung ương báo cáo Bộ Chính trị tổng kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương và 04 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/5/2015 của Bộ Chính trị. 

Nội dung báo cáo đã được Bộ Chính trị đánh giá cao tại Kết luận số 74-KL/TW ngày 22/5/2020: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, nhất là đầu mối bên trong của các tổ chức, cơ quan, đơn vị; mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức được bổ sung, hoàn thiện từng bước khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo. Sự phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới hợp lý hơn; các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các thôn, bản, ấp, tổ dân phố được sắp xếp lại. Hoàn thành vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế…; qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giảm chi thường xuyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước”./.

ThS. NGUYỄN DUY THĂNG - Thứ trưởng Bộ Nội vụ

  • Tags: